Năm 2022: Thị trường lao động toàn cầu vẫn nhiều bất ổn

|

Năm 2022: Thị trường lao động toàn cầu vẫn nhiều bất ổn

Năm 2021, đại dịch Covid 19 tiếp tục hoành hành và ngăn cản thị trường lao động toàn cầu phục hồi toàn diện và cân bằng. Triển vọng phục hồi của các nền kinh tế trong năm 2022 vẫn còn mong manh, con đường phục hồi khá chậm và không chắc chắn, dẫn tới những thiệt hại lâu dài có thể xảy ra đối với thị trường lao động toàn cầu.

Tình trạng việc làm ở các quốc gia

Bất chấp đại dịch bùng phát và tình trạng lạm phát diễn ra, song số lượng việc làm tại Mỹ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2021, đặc biệt là trong những tháng cuối năm. Theo thống kê, tăng trưởng việc làm tại Mỹ đã đạt trung bình 582.000 việc làm/tháng. Số liệu công bố ngày 30/12/2021 của Bộ Lao động Mỹ cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của nước này hiện ở mức 4,2%, mức thấp nhất trong 52 năm qua khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới đã tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, năm 2021 vừa qua được xem là năm 'đại nghỉ việc' của nền kinh tế lớn nhất thế giới khi số lao động nghỉ việc tăng kỷ lục. Tâm lý lo sợ, mệt mỏi vì dịch Covid-19 cũng như thu nhập và phúc lợi giảm, lượng người lao động nghỉ việc, tận dụng những cơ hội việc làm từ xa để tìm kiếm những công việc tốt hơn, lương cao hơn đã tăng lên đáng kể và tạo nên làn sóng “nhảy việc” khổng lồ, làm chao đảo thị trường lao động nước này. Theo số liệu từ Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 4/1/2022, nước này có khoảng 4,5 triệu lao động tự nguyện thôi việc trong tháng 11/2021. Nếu tính cả số người bị sa thải, con số nghỉ việc trong tháng 11/2021 lên đến 6,8 triệu lao động. Những người bỏ việc chủ yếu làm việc trong ngành dịch vụ với mức đãi ngộ thấp và bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch Covid-19 như nhà hàng, khách sạn, bán lẻ và dịch vụ y tế. Cụ thể, trong số 4,5 triệu người Mỹ bỏ việc vào tháng 11/2021, 20% trong số họ làm việc trong lĩnh vực khách sạn, 18% trong lĩnh vực thương mại, 13% trong lĩnh vực y tế và phúc lợi, 17% trong các doanh nghiệp làm dịch vụ. Cả năm 2021, lượng người thôi việc ước tính lên tới 38 triệu trên tổng số 162 triệu việc làm.

Làn sóng “nghỉ việc” tại quốc gia này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại trong năm 2022. Theo báo cáo được Cục Thống Kê Lao động Mỹ (BLS) công bố ngày 3/5 mới đây cho thấy, tổng số người Mỹ nghỉ việc trong tháng 3/2022 là 4,54 triệu, mức cao nhất trong thị trường lao động từ trước tới nay, vượt xa kỷ lục hồi tháng 11 năm ngoái và tăng 23% so với một năm trước đó. Số người bỏ việc trong tháng 3 tương đương khoảng 3% toàn bộ lực lượng lao động tại nước này và con số nghỉ việc đặc biệt cao trong lĩnh vực dịch vụ, kinh doanh và xây dựng. Cùng với đó, số cơ hội việc làm ở Mỹ cũng tăng lên 11,5 triệu, mức cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận từ tháng 12/2000, theo báo cáo từ bộ phận Khảo sát Việc làm và Luân chuyển Lao động (JOLTS) thuộc BLS.

Khi đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, ngoài việc phải tăng cường tuyển dụng để bù đắp số lao động nghỉ việc, nhiều doanh nghiệp bắt buộc phải điều chỉnh mức tiền lương cho người lao động. Theo ngân hàng dự trữ liên bang Fed d’Altanta, mức lương thấp nhất đã tăng 5,4%, trong khi mức lương cao nhất lại chỉ tăng thêm 2,8%. Mức lương của những người nhảy việc đã tăng 5,3% vào năm 2021, trong khi lương của những người vẫn làm ở công việc cũ chỉ tăng 4,1%. Điều này cho thấy người lao động Mỹ đang nắm quyền lựa chọn công việc cao hơn và dấy lên lo ngại về lạm phát lương có thể diễn ra trên diện rộng.

Đại dịch Covid-19 cũng đã giáng một đòn nặng nề vào thị trường lao động Nhật Bản. Sự xuất hiện của đại dịch đã khiến nền kinh tế nước này rơi vào tình trạng suy thoái trong năm 2020, khiến tỉ lệ thất nghiệp dài hạn gia tăng một năm sau đó. Kết quả khảo sát từ Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy, trong quý 2/2021, số người không có việc làm trong hơn một năm đã tăng vọt lên 720 nghìn người, cao hơn khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2019. Trong quý 4/2021, nước này vẫn ghi nhận tới 640 nghìn trường hợp thất nghiệp dài hạn, tăng 31% so với trước đại dịch.

Theo phân tích của Bộ Lao động Nhật Bản, các khoản trợ cấp duy trì việc làm của Chính phủ dành cho người sử dụng lao động đã giúp tỷ lệ thất nghiệp giảm 2,6 điểm phần trăm, đồng thời giúp hạn chế tình trạng thất nghiệp, song cũng làm tăng lượng nhân công bị ép nghỉ phép không lương. Theo kết quả khảo sát, số người lao động phải chịu nghỉ phép không lương được trả phụ cấp tăng lên 2,11 triệu người năm 2021, tăng 330 nghìn người so với năm 2019. Số người muốn thay đổi công việc đạt 8,46 triệu người vào năm 2021, tăng 460 nghìn người so với hai năm trước đó. Ngược lại, số người thực sự có công việc mới chỉ đạt 2,88 triệu người, giảm 630 nghìn người. Trong số những người thất nghiệp dài hạn vào năm 2021, so với năm 2019, số người rời bỏ công việc cũ vì lý do cá nhân tăng 20%, còn số người bỏ việc vì vấn đề trong công ty tăng 80%. Hiện những người thất nghiệp ở Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn khi tìm việc mới trong bối cảnh cơ cấu thị trường đang biến động do đại dịch Covid-19 và họ buộc phải thắt chặt chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày.

Thị trường lao động ở một nền kinh tế lớn khác của thế giới là Trung Quốc cũng khá ảm đạm. Trong bối cảnh ca nhiễm nCoV ở nước này tăng cao trở lại, các chính sách chống dịch nghiêm ngặt được đưa ra khiến nhiều doanh nghiệp bị đảo lộn và buộc phải dừng hoạt động, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng. Ngày 15/3 vừa qua, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố tỷ lệ thất nghiệp ở các thành phố đã tăng lên 5,5% vào cuối tháng trước, so với 5,1% từ tháng 12 năm ngoái. Riêng tỷ lệ thất nghiệp của nhóm thanh niên 16-24 tuổi tăng đến mức cao nhất là 15,3%, vượt xa tỷ lệ thất nghiệp ở đô thị trên toàn quốc, do các sinh viên vừa tốt nghiệp chưa xin được việc làm và nền kinh tế phục hồi chậm do ảnh hưởng của Covid-19. Những tỉ lệ này cho thấy, thách thức về thiếu hụt việc làm cũng như sức ép trên thị trường việc làm Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay thì giới trẻ Trung Quốc sẽ rất chật vật tìm kiếm việc làm. Vấn đề việc làm được coi là một trong những ưu tiên quan trọng, do đó trong thời gian tới, chính quyền quốc gia láng giềng này sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp tạo việc làm, cải thiện khả năng kiểm soát rủi ro và đề phòng khủng hoảng tài chính mang tính hệ thống để đặt mục tiêu tạo ra 11 triệu việc làm ở thành thị trong năm nay, giữ tỷ lệ thất nghiệp dưới 5,5%.

Tương tự như ở các nền kinh tế trên, thị trường lao động ở nhiều quốc tại tại khu vực châu Phi, châu Á cũng không mấy sáng sủa khi phải ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục.

Trong khi thị trường lao động các quốc gia trên đang loay hoay tìm hướng phục hồi thì thị trường lao động các nước thành viên EU có gam màu tươi sáng hơn. Số liệu thống kê chính thức công bố của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã giảm xuống liên tục trong năm 2021, từ mức 7,4% của tháng 7 xuống mức 7,3% của tháng 10; 7,2% của tháng 11 và xuống còn 7% của tháng 12. Tại EU gồm 27 nước thành viên, trong đó có những nước không thuộc Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ mức 6,7% trong tháng 10 xuống 6,5% tháng 11 và còn 6,4% trong tháng 12 cuối năm. Cũng theo Eurostat, trong tháng 12/2021, chỉ có khoảng 13,6 triệu người không có việc làm ở EU, trong đó có 11,5 triệu người ở khu vực đồng tiền chung châu Âu Eurozone. Mức tỷ lệ thất nghiệp ghi nhận được trong tháng 12 của khu vực Eurozone và 27 nước thành viên EU đều là những mức thấp nhất kể từ khi cơ quan thống kê Eurostat bắt đầu thống kê dữ liệu này vào tháng 4/1998 và cho thấy thị trường lao động khu vực này đã cải thiện đáng kể trong năm qua. Đây là một minh chứng rõ ràng về nỗ lực của châu Âu trong việc đoàn kết thực hiện nhiệm vụ kép ứng phó dịch bệnh và khôi phục đà tăng trưởng của kinh tế, đặc biệt là sự thay đổi căn bản trong cách tiếp cận dịch bệnh.
Bức tranh lao động vẫn chưa được phủ sáng
Ngày 17/1/2022, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố báo cáo Triển vọng Việc làm và Xã hội Thế giới - Xu hướng năm 2022 của ILO (Xu hướng WESO). Theo đó, do đại dịch Covid-19 tiếp tục có tác động đáng kể đến thị trường lao động toàn cầu, ILO đã hạ mức dự báo về khả năng phục hồi của thị trường lao động trong năm 2022, dự kiến mức thâm hụt thời giờ làm việc toàn cầu trong năm nay so với quý 4/2019 sẽ tương đương với 52 triệu việc làm toàn thời gian. Trước đó, theo dự báo tại thời điểm tháng 5/2021, ước tính mức thâm hụt chỉ tương đương với số giờ làm việc của 26 triệu việc làm toàn thời gian. Mặc dù số liệu dự báo mới nhất này cho thấy tình hình có cải thiện hơn so với năm 2021 nhưng vẫn thấp hơn số giờ làm việc toàn cầu trước đại dịch gần 2%. Tỷ lệ việc làm trên dân số được dự báo sẽ ở mức 55,9%, thấp hơn 1,4 điểm phần trăm so năm 2019.

Báo cáo cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ duy trì cao hơn mức trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát cho đến ít nhất năm 2023. ILO dự báo mức thất nghiệp toàn cầu năm 2022 là 207 triệu người, cao hơn mức thất nghiệp năm 2019 khoảng 21 triệu người. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động toàn cầu năm 2022 dự kiến sẽ vẫn thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với năm 2019.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo báo cáo, khu vực châu Âu và Bắc Mỹ đang có những dấu hiệu phục hồi đáng mừng, trong khi triển vọng cho khu vực Đông Nam Á, Mỹ Latin và Caribe lại chậm nhất. Ở cấp quốc gia, sự phục hồi của thị trường lao động diễn ra mạnh mẽ nhất ở các nước thu nhập cao, trong khi tình hình của các nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp hơn lại có xu hướng tồi tệ nhất. Bên cạnh đó, sự phục hồi diễn ra không đồng đều ngay cả trong nội tại mỗi quốc gia. Việc làm của phụ nữ dự kiến sẽ còn tiếp tục chịu tác động nặng nề hơn từ cuộc khủng hoảng trong những năm tới. Sự chênh lệch thể hiện rõ nét nhất ở các nước thu nhập trung bình cao hơn, theo đó tỷ lệ việc làm trên dân số của nữ giới năm 2022 dự đoán sẽ thấp hơn so năm 2019 là 1,8 điểm phần trăm, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ là 1,6 điểm phần trăm. Những sự khác biệt này đang làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia và làm suy yếu cơ cấu kinh tế, tài chính và xã hội của hầu hết các quốc gia, bất kể tình trạng phát triển. Hơn nữa, việc các trường học, trường cao đẳng và cơ sở dạy nghề trong thời gian dài ở nhiều nước đã làm suy yếu kết quả học tập, kéo theo những tác động lâu dài đến việc làm của giới trẻ trong thời gian tới.

Có thể thấy những vết thương đại dịch gây ra cho thị trường lao động toàn cầu là rất lớn. Bức tranh lao động toàn cầu năm 2022 vẫn chưa thoát khỏi những gam màu tối, thị trường lao động toàn cầu sẽ phải vật lộn để phục hồi và duy trì ổn định./.
Quang Vinh (Tổng hợp)