Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019

|

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019

Ngày 6/6/2024, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã chính thức hạ lãi suất cơ bản xuống 3,75%, đánh dấu lần cắt giảm đầu tiên kể từ năm 2019.

Đây là động thái đáng chú ý trong bối cảnh áp lực lạm phát dai dẳng ở khu vực đồng Euro gồm 20 quốc gia. Đây được coi là một cột mốc trong cuộc chiến chống lạm phát, sau khi các ngân hàng trung ương lớn của thế giới triển khai một chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt từ năm 2022 để chống lại sự leo thang giá cả mạnh nhất trong vòng khoảng 4 thập kỷ.

Theo dự báo của ECB, lạm phát của khu vực này trong năm 2024 và 2025 sẽ cao hơn dự kiến, lần lượt đạt 2,5% và 2,2%, tăng so với các mức 2,3% và 2% được đưa ra trước đó.

 
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ECB nhấn mạnh việc giảm lãi suất là cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và đảm bảo rằng lạm phát được duy trì gần mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương. Hội đồng điều hành ECB nêu rõ dựa trên đánh giá cập nhật về triển vọng và các yếu tố ảnh hưởng đến lạm phát cũng như chính sách tiền tệ, hội đồng cho rằng đã đến lúc điều chỉnh mức độ hạn chế của chính sách tiền tệ sau 9 tháng giữ lãi suất ổn định.

Tại họp báo sau cuộc họp của ECB, bà Lagarde, Chủ tịch ECB cho biết, có khả năng cao quyết định lãi suất này của ECB sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho “sự rút lui của lãi suất” tại Eurozone từ mức đỉnh mọi thời đại.

Tuyên bố sau cuộc họp của ECB cho thấy, cơ quan này “không cam kết trước về bất kỳ một đường đi chính sách cố định nào”, đồng thời dự báo lạm phát sẽ duy trì trên ngưỡng mục tiêu 2% cho tới quý IV/2025.

Giới đầu tư dự đoán sẽ còn một đợt hạ lãi suất nữa trong năm nay. Tuy nhiên, các nhà kinh tế được Reuters thăm dò vào tuần trước dự báo sẽ có thêm 2 đợt cắt giảm nữa trong giai đoạn này.

Trao đổi với tờ báo Financial Times sau cuộc họp, một số thành viên Hội đồng Thống đốc ECB cho rằng, khả năng cơ quan này tiếp tục giảm lãi suất trong cuộc họp tiếp theo vào tháng Bảy là thấp, vì lạm phát ở Eurozone gần đây đã tăng trở lại và tốc độ tăng trưởng tiền lương cũng cao hơn. Trên thị trường hoán đổi (swap) lãi suất, các nhà giao dịch cũng giảm khả năng ECB hạ lãi suất vào tháng Chín xuống còn 60% từ 70% trước đó.

Dù ECB tăng lãi suất sau Ngân hàng trung ương Mỹ (FED), nhưng đợt hạ lãi suất vào tháng Sáu này sẽ giúp ECB “đi trước” FED trong lộ trình hạ lãi suất. FED hiện vẫn đang bị cản trở bởi tỷ lệ lạm phát cao. Song, Chủ tịch ECB Christine Lagarde phát biểu trong cuộc họp báo gần đây nhất rằng các quan chức ECB “phụ thuộc vào dữ liệu chứ không phụ thuộc vào FED”.

Hôm 5/6, Canada là quốc gia G7 đầu tiên hạ lãi suất trong chu kỳ hiện tại. Trước đó, NHTW Thuỵ Điển và Thuỵ Sĩ đã thông báo thực hiện đợt giảm lãi suất trong năm nay.

Hội đồng Điều hành ECB cho biết triển vọng lạm phát ở EU đã có “cải thiện rõ rệt” kể từ tháng 9/2023 và chính sách tiền tệ thắt chặt đã khiến nhu cầu đi xuống, cùng với đó là kỳ vọng lạm phát cũng được giữ vững. Tuy nhiên, cơ quan này phát biểu thêm rằng áp lực giá trong cả khu vực vẫn lớn, tăng trưởng tiền lương tăng cao và lạm phát vẫn có thể duy trì trên mức mục tiêu 2% trong năm tới./.

 
PV