Đầu những năm 2010, phát triển các con chip còn là một lĩch vực hiếm hoi ở Trung Quốc với chỉ vài doanh nghiệp theo đuổi. Nhưng đến nay, ngành bán dẫn Trung Quốc có bước phát triển vượt bậc, đã cho Việt Nam những kinh nghiệm để lựa chọn đúng con đường phát triển ngành bán dẫn trong nước.
Tham vọng dẫn đầu ngành bán dẫn thế giới
Một trong những mốc đầu tiên đánh dấu sự phát triển của ngành bán dẫn Trung Quốc là năm 2014, Bắc Kinh ra mắt quỹ đầu tư vào ngành chip có tên China Integrated Circuit Industry Investment Fund, còn được gọi là “Big Fund”, với số vốn giai đoạn I lên tới 138,7 tỷ nhân dân tệ, tương đương 19,2 tỷ USD, nhằm hỗ trợ cho các dự án siêu chip và thúc đẩy đầu tư từ chính quyền địa phương và lĩnh vực tư nhân.
Năm 2015, Trung Quốc tiếp tục đề ra kế hoạch 10 năm đầy tham vọng mang tên “Made in China 2025” vơi hơn 260 mục tiêu nằm trong 10 lĩnh vực chủ chốt, trong đó có nhiều mục tiêu liên quan tới công nghệ phức tạp và có độ chuyên môn hóa cao, với mục tiêu đạt được sự tự chủ, đổi mới sáng tạo và sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất thông qua cải tiến về khoa học và công nghệ. Với kế hoạch "Made in China 2025", Bắc Kinh tham vọng sản xuất được 40% các chất bán dẫn mà nước này sử dụng trong năm 2020 và nâng lên thành 70% vào năm 2025.
Đến năm 2019, Trung Quốc tiếp tục mở quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia giai đoạn II với tổng số vốn huy động được là là 204,1 tỷ nhân dân tệ, tương đương 28,2 tỷ USD. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có 15 quỹ mạch tích hợp khác ở cấp địa phương với tổng giá trị hơn 25 tỷ USD, đưa tổng giá trị của các quỹ hỗ trợ bán dẫn Trung Quốc tới 73 tỷ USD - số tiền lớn nhất được một chính phủ chi cho ngành bán dẫn tại bất kỳ quốc gia nào trước khi Mỹ ban hành đạo luật CHIPS.
Bên cạnh đó, Trung Quốc đưa ra một loạt chính sách hỗ trợ công nghiệp. Chính sách nổi bật nhất được Bắc Kinh nhắc tới là giảm thuế cho những doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong ngành bán dẫn. Ví dụ, một hãng hoạt động từ 15 năm trở lên và sản xuất loại chip dưới 28 năm sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 10 năm. Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài, dù đến từ châu Âu hay Mỹ cũng được hưởng ưu đãi về thuế này khi hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Bên cạnh đó, Bắc Kinh còn tập trung tài trợ vốn và khuyến khích hàng chục nghìn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn niêm yết trên các sàn giao dịch công nghệ trong nước như sàn STAR Market.
Chính sách công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc dường như hoạt động khá hiệu quả, cho phép các công ty Trung Quốc đầu tư vào công nghệ sản xuất bán dẫn tiên tiến nhất trước năm 2022.
Được sự hậu thuẫn cùng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ nước này, ngành bán dẫn Trung Quốc phát triển nhanh chóng. Số lượng công ty tham gia lĩnh vực bán dẫn ngày một tăng lên. Chỉ tính riêng năm 2020, Trung Quốc có tới 50.000 công ty bán dẫn đăng ký thành lập. Bên cạnh đó, hàng tấn các khoản đầu tư từ chính quyền các tỉnh Giang Tô, An Huy, Chiết Giang, Sơn Đông và Thượng Hải cũng như từ nhiều tổ chức do Chính phủ kiểm soát đổ về.
Dữ liệu từ Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc cho thấy, tổng sản lượng mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc vào năm 2023 đã tăng 6,9% so với một năm trước đó lên 351,4 tỷ chiếc. Ngược lại, số lượng IC nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm 10,8% vào năm ngoái, dựa trên số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo báo cáo tháng Ba từ Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ (SIA), doanh số chip bán dẫn của Trung Quốc đã tăng 26,6% so với cùng kỳ trong tháng 1/2024, có tốc độ nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.
Theo Bộ Tài chính Trung Quốc, chi tiêu tài chính cho phát triển khoa học và công nghệ đã tăng từ 832,7 tỷ nhân dân tệ vào năm 2018 (tương đương 2.870 tỷ đồng) lên gần 1,06 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 3.657 tỷ đồng) vào năm 2023. Trong tương lai, nước này sẽ tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu về công nghệ đột phá và tiên tiến, đặc biệt là về mảng Trí tuệ Nhân tạo (AI). Cũng theo Báo cáo, Trung Quốc sẽ phát hành trái phiếu kho bạc dài hạn về những lĩch vực trọng điểm, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ trong vòng vài năm tới.
Được sự hậu thuẫn cùng nỗ lực đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ nước này, ngành bán dẫn Trung Quốc
phát triển nhanh chóng
phát triển nhanh chóng
Nỗ lực tự lực trong cuộc đua công nghệ
Chất bán dẫn và chip điện tử là yếu tố sống còn với nền kinh tế, an ninh quốc gia và khả năng cạnh tranh toàn cầu. Sau khi Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt nhằm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến, dường như những nỗ lực tự cung tự cấp chip của Bắc Kinh được củng cố hơn. Chính phủ Trung Quốc đã công bố một loạt những chính sách mới nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn nội địa.
Phản ứng lại các lệnh trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc đang đổ thêm nguồn lực tài chính vào ngành công nghiệp chip bán dẫn. Giữa năm 2024, Trung Quốc mở thêm quỹ đầu tư công nghiệp mạch tích hợp quốc gia giai đoạn III với khoảng 47 tỷ USD dành cho ngành chip. Đây là vòng thứ ba của Quỹ có nguồn vốn lớn nhất, để tập trung vào các nhà sản xuất thiết bị sản xuất chip trong nước, chứ không giống như các vòng trước tập trung vào sản xuất chất bán dẫn. Việc thành lập quỹ này một lần nữa cho thấy Trung Quốc quyết tâm đạt tới địa vị một siêu cường công nghệ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tăng tốc mua sắm ồ ạt thiết bị sản xuất chip. Theo Hiệp hội Quốc tế về thiết bị và vật liệu bán dẫn (SEMI), chi tiêu hàng năm của Trung Quốc cho ngành bán dẫn đã tăng vọt từ 28 tỷ USD vào năm 2022 lên 36,6 tỷ USD vào năm 2023. Năm 2024, dự kiến con số này sẽ vượt quá 35 tỷ USD nhưng thực tế lại là con số lớn hơn rất nhiều. Dữ liệu từ (SEMI), chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã chi tới 24,73 tỷ USD để mua sắm thiết bị sản xuất chip. Lượng vốn bỏ ra của Trung Quốc trong nửa đầu năm nay đã vượt qua Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản... Dữ liệu cho thấy, trong quý II năm nay, doanh số bán thiết bị chế tạo chip sang Trung Quốc đạt 12,21 tỷ USD, cao hơn nhiều so với 4,52 tỷ USD sang Hàn Quốc, 1,61 tỷ USD sang Nhật Bản...
Nhà sản xuất thiết bị bán dẫn của Hà Lan ASML đã chứng kiến doanh thu việc bán cho khách hàng Trung Quốc tăng từ 17% trong quý IV năm 2022 lên 49% trong quý II năm nay. Hai nhà cung cấp Tokyo Electron và Screen Holdings đều có hơn 40% tổng doanh thu từ Trung Quốc trong quý II và dự kiến doanh số sẽ tiếp tục tăng.
Chiến lược “đầu tư lớn” được thúc đẩy bởi những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tự cung tự cấp chuỗi cung ứng ngành công nghiệp bán dẫn, với mục tiêu phòng ngừa những rủi ro từ các hạn chế của phương Tây. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại khi Trung Quốc ra tay “chơi lớn” sẽ gây ra cú sốc với ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Với sự tích tụ năng lực đến mức dư thừa, nước này sẽ làm ra khối lượng sản phẩm khổng lồ, giá rẻ, hoàn toàn có thể đánh bại đối thủ. Điều tương tự đã từng xảy ra với nhiều lĩnh vực như xe máy, ô tô, pin lithium, tấm năng lượng mặt trời và hàng loạt sản phẩm tiêu dùng gia dụng “made in China” gây ám ảnh với thế giới.
Giám đốc cấp cao của SEMI Clark Tseng, cho rằng: Việc đầu tư quá mức như vậy cuối cùng sẽ dẫn đến năng lực kém hiệu quả hoặc chưa được sử dụng hết trong tương lai.
Thực tế cho thấy, những biện pháp kiểm soát của Mỹ đã phần nào khiến ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc điêu đứng. Sau một thời gian hứng chịu các lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây về ngành bán dẫn, các doanh nghiệp sản xuất chip của Trung Quốc đang tìm cách thoát khỏi khó khăn, nhưng không phải doanh nghiệp nào của nước này cũng đủ sức tồn tại.
Theo Chine Times, ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với khủng hoảng vốn đầu tư. Một số công ty lớn đã nộp đơn phá sản và thanh lý tài sản, còn nhiều hãng nhỏ khác gặp khó khăn trong nguồn vốn. Trong khi đó, thị trường chứng kiến 23 công ty bán dẫn nhỏ hơn rút đơn đăng ký IPO kể từ năm ngoái. Trong giai đoạn 2021-2022, hơn 10.000 công ty bán dẫn Trung Quốc đã phải đóng cửa. Năm ngoái, con số phá kỷ lục là hơn 10.900 doanh nghiệp phải dừng kinh doanh.
Một báo cáo mới đây được công bố bởi Tổ chức đổi mới và công nghệ thông tin (ITIF) có trụ sở tại Mỹ đánh giá Trung Quốc đang thua kém các nước Top đầu của toàn cầu 5 năm trong lĩnh vực sản xuất thương mại chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chất bán dẫn. ITIF dẫn chứng, trong lĩnh vực sản xuất chip, các công ty như Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) có trình độ công nghệ tiên tiến hơn khoảng 5 năm so với Tập đoàn Quốc tế Sản xuất Chất bán dẫn (SMIC) - xưởng đúc lớn nhất Trung Quốc.
Nhìn vào hành trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc cũng như sự cạnh tranh khốc liệt mà nước láng giềng đang phải đối mặt, rõ ràng, Việt Nam sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm để lựa chọn đúng con đường phát triển ngành bán dẫn trong nước. Một bài học kinh nghiệm quan trọng được rút ra là cần phát huy sức mạnh nội lực để có thể tự lực phát triển trong nội tại của nền kinh tế và tìm thế chủ động trong cuộc chiến không có sự nhượng bộ này./.
Quang Vinh