Huyện Yên Mô: Thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật và hứa hẹn phát triển bứt phá

|

Huyện Yên Mô: Thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật và hứa hẹn phát triển bứt phá

Những năm qua, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả tích cực ở nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội, trong đó đặc biệt là việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, giúp tạo thế và lực để Huyện phát triển bứt phá đi lên trong giai đoạn mới.
 


Ông Phạm Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Mô trong buổi trao đổi với
phóng viên của Tạp chí Con số và Sự kiện

 
Một trong những thành tựu kinh tế - xã hội nổi bật của huyện Yên Mô giai đoạn 2016- 2020 đó là việc Huyện đã hoàn thành chương trình xây dựng Nông thôn mới và được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) năm 2020. Đồng thời, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô được Chủ tịch Nước tặng nhận Huân chương Lao động hạng Ba.
 


Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM
cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô

 
Với việc đạt chuẩn Nông thôn mới, hạ tầng kinh tế-xã hội của Huyện đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ bản hoàn thiện. Hiện 100% đường liên xã của Huyện đã được bê tông, nhựa hóa; 95% đường ngõ xóm được bê tông, 50% đường giao thông nội đồng được kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân được nâng cao, đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3,6 lần, tỷ lệ hộ nghèo giảm 15 lần so với năm 2011; tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 90,5%; tỷ lệ người dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,5%. Chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo, đã có 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn. Hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Giai đoạn 2016 – 2020, Yên Mô đã hoàn thành vượt kế hoạch 14/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội.
 


Diện mạo nông thôn huyện Yên Mô đổi thay từng ngày
( Ảnh: Đường giao thông nông thôn qua xã Yên Lâm- huyện Yên Mô)

 
Để đa dạng các nguồn lực phát triển, những năm qua, huyện Yên Mô chú trọng đến việc tăng cường thu hút đầu tư vào Huyện. Ngoài thực hiện quy hoạch 04 cụm công nghiệp, có 02 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, trong đó cụm công nghiệp Khánh Thượng đang được hoàn thiện hồ sơ mở rộng với tổng diện tích là 70,46 ha để tiếp tục chào đón các nhà đầu tư. Huyện thực hiện đẩy mạnh cải cách hành chính trên quan điểm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Nhờ đó, huyện Yên Mô đã thu hút được một nguồn lực to lớn để phát triển, theo số liệu của UBND huyện Yên Mô, giai đoạn 2026–2020 tổng vốn đầu tư toàn Huyện đạt trên 3,2 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư ngoài nhà nước chiếm 60,95%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 13,18 %. Hiện nay, trên địa bàn huyện Yên Mô đang có 05 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư giai đoạn 2016–2020 đạt gần 886 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đã tạo cho Yên Mô thêm nguồn lực mới, để Huyện tiếp nhận và phát triển những tiến bộ khoa học công nghệ, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng của huyện Yên Mô giai đoạn 2016- 2020 tăng mạnh, đạt 18,4%/ năm.
 


Công nhân đang điều hành dây truyền sản xuất giầy dép của Công ty TNHH Giầy Athenna Việt Nam
tại xã Yên Lâm, huyện Yên Mô

 
Thực hiện mục tiêu phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, giai đoạn 2016-2020 huyện Yên Mô đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm … Trong đó, Yên Mô là huyện duy nhất của tỉnh Ninh Bình có Nghị quyết chuyên đề của HĐND huyện về chuyển đổi đất trồng lúa sang các mô hình canh tác mới. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của Huyện chuyển dịch mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác đến năm 2020 đạt 135 triệu đồng, tăng 26,4 triệu so với năm 2015. Huyện đã thực hiện chuyển đổi được 820 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, ruộng trũng, đất 1 vụ lúa sang sản xuất lúa - cá, trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi thủy sản và ao nổi cho giá trị thu hoạch cao hơn trồng lúa từ 3-4 lần. Bên cạnh đó, huyện Yên Mô khuyến khích người dân đưa những cây trồng mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất, thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Hàng năm, Huyện có từ 450 – 500 ha các cây trồng mới được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với giá thành ổn định. Cho đến nay, trên địa bàn huyện Yên Mô đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, có nhiều mô hình sản xuất mới cho hiệu quả kinh tế cao được người dân tiếp thu, mở rộng.
 
Những kết quả trên thể hiện quyết tâm, nỗ lực và thành quả to lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Mô đã đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội thời gian qua. Với thế và lực mới, Yên Mô đang tập trung thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng để khơi dậy và phát huy tiềm năng thế mạnh hướng tới đích phát triển mới. Trong đó, Huyện đang tập trung hoàn thiện quy hoạch huyện, nhất là định hướng, quy hoạch phát triển đối với từng vùng, từng địa phương cho phù hợp nhằm khơi dậy, phát huy tiềm năng của một số khu vực trước đây được coi là khó khăn, nhưng có nhiều thế mạnh, dư địa và động lực cho phát triển khi hạ tầng kết nối được đầu tư, như khu vực cảnh quan thiên nhiên sinh thái gắn với các hồ Yên Thắng, Yên Đồng, các quỹ đất gắn với đường giao thông động lực, ưu tiên phát triển đô thị kết nối với đô thị Ninh Bình, khai thác tối đa hạ tầng liên vùng đang xây dựng; Tiếp tục xây dựng nông thôn đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển đô thị; Đẩy mạnh phát triển kinh tế nông thôn, chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Tập trung cho các tiêu chí về kinh tế, phát triển sản xuất, thu nhập, môi trường, chất lượng cuộc sống hướng tới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn; Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí huyện nông thôn mới, xã nông thôn mới, tập trung xây dựng NTM nâng cao ở 03 xã Yên Thắng, Yên Nhân, Yên Lâm từ đó nhân rộng ra toàn Huyện, phấn đấu đến năm 2025 Yên Mô có ít nhất 50% số xã được công nhận xã nông thôn nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hướng tới huyện nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
 
Minh Châu