Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII đã chọn phát triển sản suất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới là một trong ba khâu đột phá để triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2021-2025. Do đó, ngay từ đầu giai đoạn, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đã tập trung triển khai xây dựng chiến lược tái cơ cấu để đạt được những bước tiến mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết: Được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo Trung ương, sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các Sở, ban, ngành, địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang đã gấp rút xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các Đề án, Chương trình, Kế hoạch, chính sách thực hiện khâu đột phá về nông nghiệp theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra mô hình trồng bưởi chuyển đổi hữu cơ
tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn
tại xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn
Kết quả năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản (theo giá so sánh năm 2010) của tỉnh Tuyên Quang đạt 9,74 nghìn tỷ đồng, đạt 101,7% kế hoạch, tăng 5,3% so năm 2020. Các chỉ tiêu chủ yếu của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, cụ thể: Sản lượng lương thực đạt 34,8 vạn tấn, đạt 102,3% kế hoạch, diện tích cây ăn quả vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra; Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 82,92 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch. Sản lượng sữa tươi 24 nghìn tấn; Sản lượng thuỷ sản đạt 9,81 nghìn tấn, đạt 100% kế hoạch, tăng 5% so với năm 2020; Trồng rừng đạt 11,62 nghìn ha, vượt 12,5% kế hoạch, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt trên 1 triệu m3 đạt 105,3% kế hoạch. Duy trì độ che phủ của rừng trên 65%; Hoàn thành lắp đặt 100 km kênh mương nội đồng bằng cấu kiện bê tông thành mỏng đúc sẵn, đạt 100% kế hoạch. 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt 4,38 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 43,3% kế hoạch.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan gian hàng tại Hội chợ OCOP Tuyên Quang năm 2021
và công bố chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên
và công bố chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên
Để đạt được kết quả trên, ngành Nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản: Các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chủ lực, đặc sản cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác); nông nghiệp được cơ cấu lại theo các trục sản phẩm, theo 04 vùng: Vùng núi cao phía Bắc (Na Hang, Lâm Bình); vùng đồi núi phía Bắc (Chiêm Hóa, Hàm Yên), vùng trung tâm (Yên Sơn, Thành phố Tuyên Quang); vùng phía Nam (Sơn Dương), phát huy lợi thế của từng vùng lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp có chất lượng cao để tạo ra sản phẩm đặc trưng đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao (vùng cam trên 8.000 ha, chè 8.400 ha, bưởi 5.000 ha, mía 2.200 ha...); chăn nuôi chuyển dịch mạnh sang chăn nuôi hàng hóa, mở rộng liên kết chăn nuôi trang trại, gia trại; thủy sản phát huy lợi thế nuôi cá hàng hóa bằng lồng trên sông, hồ thủy điện, kinh tế lâm nghiệp phát triển bền vững, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quốc tế FSC trên 35 nghìn ha, đứng đầu trong cả nước.
Các Đại biểu tham dự Hội thảo Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP và du lịch nông thôn tham quan
các gian trưng bày sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Nam Sương – TTXVN
Bên cạnh đó, Tuyên Quang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn với phát triển kinh tế trang trại, gia trại và phát triển kinh tế hợp tác xã; xây dựng được 62 sản phẩm nhãn hiệu hàng hóa. Hình thành trên 50 liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản (như sản xuất, chế biến chè, gỗ rừng trồng, dong giềng, mật ong, trâu thịt, cá đặc sản…). Có 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc, 128 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Hiện nay, Tỉnh có 3 sản phẩm (Cam Sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Na Hang, bưởi Soi Hà) được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý; phần lớn các sản phẩm này đều được thị trường trong nước ưa chuộng và tiêu thụ, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.
Vùng chè hàng hóa của phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) rộng trên 50 ha, năng suất đạt 30 tấn/ha
(Nguồn ảnh: thuonghieusanpham.vn)
(Nguồn ảnh: thuonghieusanpham.vn)
Để giải quyết bài toán xây dựng chuỗi giá trị, nhằm kết nối sản xuất nông nghiệp với chế biến và tiêu thụ, Tỉnh luôn chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; làm tốt công tác quy hoạch đất đai, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, góp phần thúc đẩy hợp tác trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến tạo đà phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và hạ tầng thương mại ở nông thôn ngày càng hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất nông nghiệp hiện đại với quy mô sản xuất hàng hóa lớn, hội nhập quốc tế.
Người dân xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên, tham gia tuần tra, bảo vệ rừng cùng lực lượng kiểm lâm địa bàn
Nguồn ảnh: Báo Tuyên Quang Online
Tỉnh đã thu hút được các dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm sản đầu tư vào nông nghiệp, như: Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO; Công ty cổ phần Hồ Toản chăn nuôi trên 1.000 con bò sữa; Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đầu tư nhà máy công suất 150.000 tấn sản phẩm gỗ xuất khẩu/năm. Nhà máy sản xuất chế biến và bảo quản rau, quả đông lạnh, sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn JW (nhà đầu tư Hàn Quốc), công suất thiết kế 3.600 tấn sản phẩm/năm; Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Thương mại thực phẩm Nutifood ký hợp đồng tiêu thụ cam sành Hàm Yên.
Sản xuất giấy và bột giấy xuất khẩu ở Công ty cổ phần giấy An Hòa. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN
Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được nhân dân toàn tỉnh đồng tình, ủng hộ; cơ sở hạ tầng nông thôn ngày một khang trang, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn. Thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tiếp tục được nâng cao, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Tỉnh cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chỉnh trang nhà cửa, bảo vệ cảnh quan môi trường, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự. Hướng dẫn các xã thực hiện củng cố, duy trì và giữ vững 19/19 tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Dự kiến hết năm 2022, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó: Duy trì, giữ vững 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu có thêm 8 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu ở Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang – TTXVN
Đối với nhiệm vụ trọng tâm phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, thời gian tới, Tuyên Quang tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Song song với đó, Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, mô hình ứng dụng công nghệ cao; Tập trung hỗ trợ phát triển, nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất; Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; Làm tốt công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn về sinh thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; Tích cực xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm…
Dự án Đầu tư xây dựng Công trình Hồ Đồng Bùng, xã Tú Thịnh, huyện Sơn Dương
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, tiếp cận các chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút thêm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Với những thành tựu đã đạt được và hoạch định cụ thể cho tương lai, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang đặt nhiều hy vọng sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo kỳ vọng của Nghị quyết Đại hội Đảng Trung ương và Tỉnh đã đặt ra./.
Nghĩa Thủy