Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định: Tập trung đào tạo theo hướng ứng dụng, đáp ứng yêu cầu của xã hội

|

Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định: Tập trung đào tạo theo hướng ứng dụng, đáp ứng yêu cầu của xã hội

Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định tiền thân là Trường trung học Công nghệ Nam Hà được thành lập ngày 21/12/1966, trải qua 56 năm xây dựng, sau các lần nâng cấp, thay đổi tên gọi, đơn vị chủ quản, Trường không ngừng được củng cố nâng cao cả về cả quy mô và chất lượng đào tạo, gặt hái được nhiều thành tựu, được trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Trường tự hào là một trong những cái nôi đào tạo giáo viên dạy nghề của cả n­ước, đã đào tạo hàng vạn cán bộ kỹ thuật, giáo viên dạy nghề, công nhân kỹ thuật phục vụ có hiệu quả cho giáo dục nghề nghiệp và các ngành kinh tế quốc dân khác trong cả nước. Nhiều cựu sinh viên của Trường đã và đang đảm nhiệm những cương vị chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức của các cơ sở giáo dục - đào tạo và doanh nghiệp.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí thực hành robot hàn

Là ngôi trường có bề dày kinh nghiệm trong đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật, kinh tế và giáo dục nghề nghiệp, tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay nhu cầu của người học và yêu cầu sử dụng lao động của xã hội đã có nhiều thay đổi. Vì vậy, để tồn tại và phát triển, những năm qua, Ban lãnh đạo Trường đã xác định phải tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo theo mô hình đại học ứng dụng; chuyển từ việc trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; tập trung đào tạo những ngành, chuyên ngành xã hội đang cần, mở ngành, chuyên ngành mới phù hợp như ngành logistics, thương mại điện tử, du lịch, công nghệ kỹ thuật nhiệt lạnh...; thực hiện tốt kết nối nhà trường và doanh nghiệp; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong sinh viên, khơi dậy khát vọng làm giàu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Sinh viên ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô dự thi: "Kỳ đánh giá Kỹ năng nghề quốc gia bậc 3/5"

Để thực hiện chiến lược phát triển này, trước hết, cần nâng cao chất lượng giảng viên, đội ngũ này chính là người tiên phong tiếp cận phương pháp giảng dạy mới, thường xuyên được cập nhật kiến thức, công nghệ đang áp dụng tại doanh nghiệp. Điểm thuận lợi đó là, các thế hệ lãnh đạo Trường luôn đẩy mạnh hợp tác đào tạo toàn diện đối với các đối tác trong và ngoài nước. Thông qua sự hợp tác này, Trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi đào tạo bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phương pháp giảng dạy tại các nước như: Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật bản, Úc, CHLB Đức, Mỹ, New Zealand, Trung Quốc… Đồng thời, Nhà trường cũng đón nhiều lượt cán bộ, giảng viên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các viện nghiên cứu trong nước đến tham quan, học tập và làm việc tại Trường.

Song song với các chương trình hợp tác quốc tế, hằng năm, Trường cũng dành nguồn lực để hỗ trợ khuyến khích các thầy, cô học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tham gia các khoá, chương trình đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn tại ở các trường, viện kỹ thuật hàng đầu như: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Khoa Tự nhiên…; đồng thời có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ cán bộ có trình độ cao về Trường làm việc; mời giảng viên có học hàm, học vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở Hà Nội và các tỉnh về tham gia thỉnh giảng. Trong 5 năm trở lại đây, đã có 378 lượt viên chức tham gia lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ ở trong nước, 29 lượt ở nước ngoài; cử 23 viên chức đi nghiên cứu sinh, nhiều cá nhân đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ...

Lễ ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định
với Trường đại học Quốc lập Gia Nghĩa (Đài Loan)

Để đáp ứng yêu cầu đào tạo theo định hướng ứng dụng, Nhà trường cũng tranh thủ sự quan tâm của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cùng với năng động, nhiệt huyết của tập thể lãnh đạo Nhà trường để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và trang bị các máy móc phục vụ thực hành hiện đại, đồng bộ. Mặt khác, thông qua các dự án hợp tác quốc tế, nổi bật như dự án KFW của CHLB Đức, dự án cộng đồng người Bỉ nói tiếng Pháp, Trường được tài trợ các thiết bị, máy móc hiện đại cho một số ngành trọng điểm như: Cơ khí, điện - điện tử, sư phạm. Hiện nay, Trường có trên 40 phòng học lý thuyết, 100 phòng thí nghiệm, xư­ởng thực hành với nhiều thiết bị dạy học hiện đại và cập nhật.

Trong quá trình giảng dạy, đội ngũ giảng viên tích cực đổi mới phương pháp theo hướng lấy người học làm trung tâm, thay vì trao đổi một chiều, giáo viên trở thành người hướng dẫn, gợi mở cùng học viên thảo luận tại lớp học hoặc sử dụng các mô hình, thiết bị dạy học có sẵn. Để khơi dậy năng lực sáng tạo của sinh viên, giáo viên tăng cường ứng dụng CNTT vào xây dựng bài giảng, sử dụng phương pháp, phương tiện hiện đại, phù hợp với từng loại hình đào tạo, từng học phần, module, đa dạng hoá các hình thức học tập như: Học trực tiếp trên lớp, tại xưởng thực hành, học online, học tại doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, Nhà trường thường xuyên tổ chức rà soát, chỉnh sửa chương trình đào tạo kỹ sư và cử nhân theo hướng tiếp cận CDIO (quy trình đào tạo căn cứ vào chuẩn đầu ra); chương trình đào tạo được xây dựng linh hoạt vừa có những nội dung "cứng" (theo chuẩn) vừa có phần "mềm" (phần mở rộng và cập nhật những công nghệ mới trong thực tiễn của từng ngành đào tạo); thời lượng học được điều chỉnh theo hướng tăng thời gian thực hành. Không chỉ cung cấp, trang bị cho người học kiến thức chuyên môn, kỹ năng hành nghề, Nhà trường còn đưa vào chương trình đào tạo các nội dung liên quan đến kỹ năng mềm như ứng xử, giao tiếp, tổ chức, làm việc theo nhóm….

Đoàn công tác của Hệ thống Đào tạo BSW (CHLB Đức) đến thăm, làm việc tại Nhà trường,
mở ra cơ hội hợp tác 
đào tạo và tuyển dụng lao động của giáo viên, sinh viên

Để đào tạo bám sát thực tiễn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đã thực hiện hiệu quả hoạt động kết nối, hợp tác với doanh nghiệp. Theo đó, Trường đã thành lập bộ phận làm nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động, yêu cầu của từng vị trí việc làm của đơn vị, từ đó có tham mưu kịp thời để Ban Giám hiệu tập trung vào các ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao, thuộc các lĩnh vực công nghệ ô tô, kỹ thuật công nghệ cơ khí…, hoặc có những điều chỉnh nội dung thực hành cho sát với thực tiễn ngoài doanh nghiệp và thị trường lao động.

Các năm học gần đây, dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới kế hoạch tuyển sinh và đào tạo của Nhà trường, nhưng nhờ có sự chuẩn bị bài bản và tầm nhìn dài hạn, nên chất lượng đào tạo của Nhà trường vẫn được giữ ổn định và từng bước nâng cao. Hàng năm, sinh viên tốt nghiệp ra trường đều có việc làm và được cơ quan, doanh nghiệp ở vị trị phù hợp với ngành nghề đào tạo và có thu nhập ổn định. Qua đó, Trường tạo dựng được thương hiệu về chất lượng đào tạo từ đó giữ được lòng tin của các bậc phụ huynh và thí sinh ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Nhờ vậy, kết quả tuyển sinh trong những năm gần đây có chiều hướng tăng: năm 2020 tăng 25% so với năm 2019; năm 2021 tăng 12% so với năm 2020.

Hệ thống cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ đào tạo của Trường được các đối tác đánh giá cao

Cùng với nhiệm vụ không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, Ban lãnh đạo Trường cũng đặc biệt quan tâm tới công tác nghiên cứu khoa học trong giảng viên bởi giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai khâu hỗ trợ rất đắc lực cho nhau. Trong khoảng 3 năm trở lại đây, kết quả nghiên cứu khoa học, bài báo, sáng kiến cải tiến đáng được khích lệ.

Với những thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định đã Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 01 Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2011), 01 huân chương Lao động hạng Nhất, 01 huân chư­ơng Lao động hạng Nhì, 04 huân chương Lao động hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát huy những thành tích đã đạt được, thời gian tới, Trường tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, bổ sung cơ sở vật chất, tăng cường đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng, nghiên cứu mở thêm các ngành, chuyên ngành thị trường đang cần như: công nghệ khuân mẫu, công nghệ điện lạnh không khí, gắn chặt việc đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động, tạo nên mối liên kết lợi ích: nhà trường - người học - doanh nghiệp.

Trịnh Long