Những năm qua, phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao tại Bắc Ninh được xác định là xu hướng chủ đạo và tất yếu trong xu thế hội nhập, là giải pháp mạnh, hiệu quả trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Những kết quả nổi bật trong tái cơ cấu ngành Nông nghiệp
Với mục tiêu tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp tỉnh theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của nông sản, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đối với nông nghiệp, nông thôn: “Tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đẩy mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng và phát triển nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu”, ngành Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 596/KH-UBND ngày 15/9/2021 về Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa giai đoạn 2021-2025 và Kế hoạch số 596/KH-UBND ngày 15/9/2021 về Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Đến nay đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ.
Ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Bắc Ninh
Tỉnh đã hình thành và phát triển được 72 cơ sở trồng trọt ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 29,13 ha, cho thu nhập hàng tỷ đồng/năm đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất trồng trọt trên đơn vị diện tích. 72 trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín với 46 trang trại chăn nuôi lợn, 19 trang trại chăn nuôi gia cầm, 6 trang trại chăn nuôi thỏ, 1 trang trại chăn nuôi bồ câu; trong đó 03 cơ sở chăn nuôi thực hiện tự động hóa toàn bộ quá trình sản xuất, 06 cơ sở chăn nuôi ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn giống; 01 doanh nghiệp sản xuất trồng trọt và 05 doanh nghiệp sản xuất chăn nuôi được chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao hiện chiếm khoảng 40% tổng giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh.
Ngành Nông nghiệp Bắc Ninh đang tập trung nguồn lực và các giải pháp phát triển nông nghiệp xanh
Cùng với trồng trọt và chăn nuôi, toàn tỉnh Bắc Ninh có 80% số hộ nuôi trồng thuỷ sản với 1.875 ha ao, hồ nuôi cá thâm canh có sử dụng máy quạt nước, hệ thống sục khí tạo ô xy và chế phẩm sinh học xử lý môi trường nước nuôi, năng suất cá đạt 8-12 tấn/ha/vụ; 2.485 lồng nuôi cá trên sông; 153 cơ sở nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn VietGap. Có 01 HTX (Hợp tác xã Chăn nuôi Thủy sản Trường Mạnh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận thương hiệu cá sạch, cung cấp ra thị trường 400-500 tấn cá/năm, doanh thu đạt 18 - 20 tỷ đồng/năm. Tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 44,5% tổng giá trị sản xuất thủy sản của tỉnh.
Trồng cà chua theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao
tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Hải Phong (huyện Lương Tài)
Ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất. Toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 209 trang trại; 556 HTX nông nghiệp, trong đó 289 HTX dịch vụ nông nghiệp và 267 HTX nông nghiệp chuyên ngành với 61 HTX ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay ngành đang tập trung lập dự án hỗ trợ xây dựng mô hình HTX nông nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Nhìn chung, các công đoạn của chuỗi giá trị bước đầu hoạt động tương đối hiệu quả và được tập trung ở một số sản phẩm chủ lực của địa phương như: Rau, củ, quả, chuối tiêu hồng, khoai tây, trứng gà, lúa.
Khu nhà lưới sản xuất theo mô hình Nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố Bắc Ninh
Đến nay, nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, mô hình kinh tế trang trại phát triển tạo động lực, làm thay đổi trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị. Toàn tỉnh đã thu hút được gần 200 doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng về đất đai, lao động… tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp tại các địa phương trong tỉnh. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân đã có những đóng góp quan trọng để tạo bước đột phá trong trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của chị Nguyễn Thị Trâm,
xã Minh Tân, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh
Điển hình là các mô hình liên kết như: Kết nối doanh nghiệp cung ứng đầu vào (giống, phân bón, thuốc BVTV) và bao tiêu đầu ra với Công ty CP Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam, Công ty CP Đại Thành; Mô hình liên kết sản xuất lúa giống của Công ty CP giống cây trồng Bắc Ninh; Mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ khoai tây thương phẩm của Công ty Orion; Hợp tác xã rau sạch Hoàng Gia (Bình Dương- Gia Bình), HTX dịch vụ nông nghiệp Ngăm Mạc (Lãng Ngâm- Gia Bình), Hợp tác xã sản xuất rau củ, quả an toàn thôn Liên Ấp (Việt Đoàn- Tiên Du), Cơ sở sản xuất rau sạch Hiển Master (Vạn An- TP Bắc Ninh); Công ty Hương Việt Sinh (Tiên Du), Công ty TNHH XNK nông sản Hải Phong (Minh Tân- Lương Tài); 13 trang trại chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như Công ty Cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH CJ Agri Việt Nam, Công ty TNHH JAPFA COMFEED Việt Nam...; 18 Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi và câu lạc bộ chăn nuôi: lợn, gia cầm, thỏ... góp phần từng bước hình thành liên kết chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Khơi dậy sức dân trong xây dựng nông thôn mới, đến nay 100% đường làng, ngõ xóm ở Gia Bình
được trải nhựa, bê tông hóa - Ảnh: Báo Bắc Ninh
Nhiều mô hình đã đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất như sản xuất rau sạch, hoa cao cấp trong nhà lưới, nhà màng,… đồng thời liên kết sản xuất đầu ra với một số công ty lớn, các siêu thị, các khu công nghiệp, các bếp ăn tập thể, cung cấp một số sản lượng thực phẩm sạch lớn cho thị trường. Các chương trình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bước đầu có hiệu quả. Trên địa bàn tỉnh đã có trên 20 chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn được cấp chứng nhận. Bên cạnh đó, việc phát huy hiệu quả hệ thống chính sách, tiếp tục lấy doanh nghiệp làm trung tâm, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng và phát triển thương hiệu trên cơ sở xác định thế mạnh và sản phẩm chủ lực; ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh đưa vào quy hoạch xây dựng các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng tập trung, quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, vừa phát huy lợi thế của địa phương vừa quản lý sản xuất theo quy hoạch, theo chuỗi giá trị và phù hợp với cung, cầu thị trường.
Đồng chí Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh (thứ 2 từ trái qua)
thăm quan các sản phẩm OCOP cấp tỉnh
Đồng thời, tiếp tục khuyến khích nông dân, tổ chức, cá nhân dồn điền, đổi thửa, thuê đất và tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, tạo điều kiện thuận lợi nhất về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận kinh tế trang trại để các tổ chức, cá nhân có điều kiện pháp lý vay vốn ngân hàng và yên tâm đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh, sự vào cuộc của người sản xuất và các tổ chức, doanh nghiệp nông nghiệp, hoàn toàn có thể tiếp tục khẳng định, cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến là then chốt tạo sự đột phá, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Thực hiện thành công Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới
Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tiếp tục nhận được sự chỉ đạo quyết liệt, sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư, xây dựng nông thôn mới tiếp tục trở thành phong trào sôi nổi rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 100% các xã, huyện trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó, có 09/89 xã đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh được triển khai sâu rộng. Đến nay, toàn tỉnh có 93 sản phẩm OCOP trong đó 34 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 59 sản phẩm đạt hạng 4 sao. Tiếp tục có 62 sản phẩm được phê duyệt danh mục sản phẩm tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh và 2 sản phẩm tham gia nâng hạng từ 4 sao lên 5 sao.
Các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh đạt 3 sao và 4 sao
Trong thời gian tới, Bắc Ninh tiếp tục xác định Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là chương trình phát triển kinh tế - xã hội tổng thể, toàn diện, lâu dài tại nông thôn, cần sự tập trung cao độ, thực hiện kiên trì, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể; linh hoạt, vận dụng sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Đồng thời phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Tiếp tục đẩy mạnh sự gắn kết chặt chẽ với cơ cấu lại nông nghiệp để đạt mục tiêu vừa thay đổi diện mạo nông thôn vừa phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống người dân, phát triển bền vững./.
Nguyễn Công Trình
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh