Thành phố Ninh Bình: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng đô thị “Văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường”

|

Thành phố Ninh Bình: Đẩy mạnh phát triển kinh tế, hướng tới xây dựng đô thị “Văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường”

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định mục tiêu phát triển thành phố Ninh Bình trở thành đô thị “văn hóa, sinh thái, thân thiện với môi trường”. Đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, hoàn thành xây dựng 3 xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc trở thành phường và thành phố hoàn thiện các tiêu chí của đô thị theo hướng đô thị loại I; mở rộng địa giới hành chính thành phố Ninh Bình trong năm 2024. Để thực hiện mục tiêu trên, thành phố Ninh Bình quyết tâm phát triển kinh tế, tạo nguồn lực vững vàng cho đổi mới và phát triển.
 
Trên cơ sở quán triệt, cụ thể hóa, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX và các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, của Thành ủy, chính sách, pháp luật của Nhà nước; UBND thành phố Ninh Bình đã phát huy tiềm năng, lợi thế, quyết tâm khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, đoàn kết vươn lên và đạt nhiều kết quả ấn tượng trên mọi lĩnh vực.
 

Đồng chí Hoàng Hoa Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Ninh Bình.
 
Giai đoạn 2020-2022, thành phố Ninh Bình đã phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra 6/12 chỉ tiêu chủ yếu (20/27 chỉ tiêu thành phần) trong số các tiêu chí của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố; các tiêu chí khác cơ bản đã tiệm cận đến chỉ tiêu của năm cuối nhiệm kỳ. Thành phố đã chủ động, tích cực kêu gọi, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, thành phần kinh tế tư nhân, hộ gia đình đầu tư, phát triển kinh tế, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Nhờ đó, tốc độ tăng doanh thu của các cơ sở sản xuất kinh doanh bình quân hằng năm đạt 17,6%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 66,3 triệu đồng/năm, tăng 2% so với năm 2020.
 
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế theo hướng ưu tiên phát triển thương mại, dịch vụ, các hoạt động kinh doanh khách sạn, dịch vụ du lịch, dịch vụ tiêu dùng được phục hồi và phát triển mạnh mẽ: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đạt 110,08 nghìn tỷ đồng, tăng 37,1% so với năm 2021 và tăng 66,9% so với năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp năm 2022 đạt doanh thu 28,56 nghìn tỷ đồng, tăng 23,5% so với năm 2021. Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Ninh Bình tiếp tục phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tổng thu ngân sách trên địa bàn Thành phố năm 2020 đạt 1.169 tỷ đồng (vượt 37% so với kế hoạch Đại hội), năm 2021 đạt 1.397 tỷ đồng (vượt 63%), năm 2022 đạt 1.682 tỷ đồng (vượt 97%). Chỉ tiêu thu thuế, phí, lệ phí và thu khác năm sau cao hơn năm trước và đang tiến gần đến chỉ tiêu Đại hội đề ra vào cuối giai đoạn. Năm 2025, dự ước thực hiện thu ngân sách trên địa bàn thành phố sẽ đạt và vượt mục tiêu đề ra.
 

Lễ khánh thành Chợ đầu mối tổng hợp thành phố Ninh Bình tại thôn Cổ Loan, xã Ninh Tiến, thành phố Ninh Bình.
 
Hằng năm, Thành phố đều xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” theo Chương trình OCOP, đến nay đã có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; trong đó, có 2 sản phẩm đạt 4 sao và 6 sản phẩm đạt 3 sao. Để tập trung chỉ đạo quyết liệt, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Tỉnh đã ban hành 1 đề án, 2 Nghị quyết, 16 Quyết định, 9 kế hoạch, 124 văn bản chỉ đạo, báo cáo, hướng dẫn triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Kế quả, Thành phố đã được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 3 xã Ninh Nhất, Ninh Tiến, Ninh Phúc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, xã Ninh Phúc được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
 
Thành phố đã quan tâm, tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhất là hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, chỉnh trang đô thị, xử lý ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng sống của nhân dân. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, thành phố đã phê duyệt chủ trương đầu tư 118 công trình với tổng mức đầu tư 3.124 tỷ đồng; trong đó tập trung cải tạo, chỉnh trang một số tuyến đường trục chính, một số công trình tạo điểm nhấn đô thị và quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các công trình giáo dục và các công trình phúc lợi công cộng khác. Kết quả giải ngân vốn đầu tư công các năm gần đây đạt cao, cụ thể năm 2021 đạt 99,98%; năm 2022 đạt 99,81% kế hoạch được giao.
 

Sản phẩm cơm cháy Cố Đô, thành phố Ninh Bình đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao.
 
Công tác quản lý đô thị được tập trung chỉ đạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; duy trì 48 tuyến đường, tuyến phố đạt tiêu chuẩn văn minh đô thị, tỷ lệ cấp giấy phép xây dựng đạt 98%; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước máy đạt 99,7%; tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt đạt 96%. Công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án được triển khai đúng quy định, có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, giải quyết kịp thời các ý kiến, kiến nghị của người dân.
 
Về phát triển văn hóa - xã hội, hoạt động năm hóa, văn nghệ, thông tin, tuyên truyền phát triển đa dạng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương và của tỉnh. Đến cuối năm 2022, thành phố có 97,1% gia đình văn hóa, 98,3% thôn, phố và 96,7% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt kế hoạch đề ra); 174/183 thôn, phố có điểm sinh hoạt văn hóa, đạt 95%. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục toàn diện ngày càng được nâng lên; tỷ lệ học sinh lên lớp và tốt nghiệp đạt trên 99%; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được quan tâm đầu tư thường xuyên. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, triển khai đồng bộ, hiệu quả; an sinh xã hội đạt kết quả tích cực; an ninh chính trị được giữ vững, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
 

Thành phố Ninh Bình ngày càng khang trang, hiện đại, thân thiện với môi trường
 
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra và xứng tầm là trung tâm chính trị kinh tế - văn hóa, xã hội của Tỉnh, thành phố Ninh Bình đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng, hoàn chỉnh các quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch chi tiết theo hướng liên thông, đồng bộ, chất lượng các đồ án quy hoạch được nâng lên; các quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố ngoài việc bố trí đất ở để đấu giá, phục vụ tái định cư, xây dựng các công trình, dự án, việc bố trí quỹ đất để xây dựng các cơ sở y tế, giáo dục, văn hóa, cây xanh, nghĩa trang luôn được thành phố quan tâm nhằm bảo đảm phục vụ sinh hoạt và đời sống dân sinh.
 
Khu Đô thị thành phố Ninh Bình ngày càng được đầu tư, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại.
 
Trong thời gian tới, thành phố Ninh Bình tiếp tục quan tâm đến việc thu hút đầu tư xây dựng các công trình tạo điểm nhấn cho phát triển thương mại, du lịch dịch vụ, quan tâm đến mô hình kinh tế ban đêm để tạo nguồn thu ổn định, lâu dài. Bên cạnh đó, Thành phố cam kết giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi, tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp; hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ GPMB của các nhà đầu tư; giám sát chặt chẽ việc giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo công bằng, minh bạch. Thành phố Ninh Bình luôn chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và đồng hành cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án; tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư hoạt động thông suốt, hoàn vốn nhanh và phát triển bền vững./. 
                                                                                                    Trọng Nghĩa