Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Vươn tới vị thế trung tâm đào tạo nhân lực kinh tế biển hàng đầu khu vực ASEAN

|

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam: Vươn tới vị thế trung tâm đào tạo nhân lực kinh tế biển hàng đầu khu vực ASEAN

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam tiền thân là Trường Sơ cấp Hàng hải được thành lập năm 1956. Sau gần bảy thập kỷ hình thành và phát triển, Trường đã trở thành nơi chuyên đào tạo về kỹ thuật các nhóm ngành hàng hải và logistics lớn nhất cả nước. Hiện, Trường đang không ngừng thay đổi theo hướng hiện đại, tiệm cận với những tiêu chuẩn quốc tế, vươn tới vị thế của một trung tâm đào tạo nhân lực các ngành kinh tế biển hàng đầu khu vực ASEAN.

Lãnh đạo Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam trao Chứng nhận Kiểm định chất lượng
cơ sở giáo dục cho Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam

Đổi mới mạnh mẽ hoạt động giáo dục và đào tạo

Bắt đầu từ năm 2013, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã được Chính phủ đưa vào danh sách 19 trường xây dựng thành trường đại học trọng điểm quốc gia. Trên cơ sở đó, nhà trường đã chủ động đổi mới căn bản và toàn diện hoạt động giáo dục và đào tạo. Ngay từ khâu tuyển sinh đầu vào, Nhà trường đã đổi mới cách tiếp cận người học từ bị động sang chủ động, triển khai tư vấn trên các trang mạng xã hội, thu hút số lượng người theo dõi lớn, hỗ trợ giải đáp thắc mắc của nhiều phụ huynh và thí sinh. Nhờ đó, kết quả tuyển sinh đại học chính quy được cải thiện cả về chất lượng và số lượng. Năm 2015, trường có quy mô sinh viên là 11.857 em, đến năm 2023 quy mô đã tăng lên 15.231 sinh viên.

Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo đại học của Nhà trường được triển khai xây dựng theo cách tiếp cận CDIO với chuẩn đầu ra được thiết kế theo 4 nhóm tương ứng với 4 trụ cột giáo dục của UNESCO bao gồm: Kiến thức và lập luận ngành (UNESCO: Học để biết); Kỹ năng, phẩm chất cá nhân, nghề nghiệp (UNESCO: Học để trưởng thành); Kỹ năng giao tiếp (UNESCO: Học để chung sống) và Năng lực thực hành nghề nghiệp (UNESCO: Học để làm).

Nhờ tiệm cận phương pháp trên mà trong các năm từ 2020 đến 2022, Nhà trường có 12 chương trình đào tạo đại học được đánh giá là đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn của Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) và tiêu chuẩn của Bộ GDĐT. Từ tháng 6/2023, Trường triển khai hợp tác chương trình liên kết chuyển tiếp 2 + 2 cùng Trường Đại học Tasmania Úc (UTAS) - ngôi trường nằm trong top 10 trường đại học tốt nhất nước Úc về nghiên cứu và giảng dạy.

Sinh viên khoa Hàng hải thực hành trên tàu VMU Việt - Hàn

Đi cùng đổi mới chương trình đào tạo, Trường còn đổi mới cách đánh giá kết quả học tập. Ngoài phương pháp đánh giá truyền thống, Trường đã xây dựng triển khai các rubric mô tả đánh giá kỹ năng, thái độ của người học. Đối với đào tạo sau đại học, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả đào tạo được cụ thể hóa trong các quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tạo sự tin cậy, công bằng và phù hợp với từng đối tượng sinh viên.

Nhà trường còn tự phát triển và hoàn thiện nhiều ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc quản lý, giúp chủ động theo kịp những thay đổi không ngừng của ngành giáo dục. Song song, thái độ làm việc của các cán bộ, chuyên viên cũng được Nhà trường quan tâm, uốn nắn từ tác phong làm việc, giao tiếp với người học, giảng viên và các bên liên quan, tạo được môi trường làm việc chuyên nghiệp, góp phần thực hiện tốt triết lý giáo dục “Trí tuệ - Sáng tạo - Trách nhiệm - Nhân văn” của Nhà trường.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Các trang thiết bị đào tạo không ngừng được nâng cấp, hiện đại hóa. Ảnh: Trung Kiên

Hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo luôn được coi là thế mạnh đáng tự hào và có tính truyền thống của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam. Hiện, Trường là thành viên chính thức của Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Châu Á - Thái Bình Dương (AMETAP), Hiệp hội các Trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU) và Hiệp hội Vận tải Biển Quốc tế (BIMCO). Chính yếu tố hội nhập đã giúp cho nguồn nhân lực được đào tạo từ các ngành đi biển của nhà trường được Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) công nhận về chất lượng, góp phần đưa Việt Nam vào Danh sách Trắng của IMO ngay từ giai đoạn đầu triển khai Công ước STCW78/95. Bằng do nhà trường cấp có giá trị tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới.

Trong 10 năm qua, Nhà trường đã cử đi rất nhiều đoàn cán bộ, giảng viên tham dự các khóa đào tạo huấn luyện ngắn hạn như: Chương trình “Trao đổi Chuyên gia giữa Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trường Đại học Strathclyde (Vương Quốc Anh)”; Chương trình đào tạo giảng viên hàng hải tại Nhật Bản (SECOJ); Hội thảo khu vực cho giảng viên đào tạo thuyền viên làm việc trên các tàu hoạt động tại vùng cực do Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ... Từ năm 2014 đến tháng 06/2023, Trường tiếp nhận nhiều suất học bổng đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ tại các nước, đồng thời cử 35 cán bộ đi học chương trình Thạc sỹ, 128 cán bộ theo học Tiến sỹ tại các nước Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nga, Úc, Hàn Quốc...

Lễ ký kết chương trình trao đổi đào tạo giữa Trường ĐH Hàng hải Việt Nam
và Trường ĐH Hàng hải và Đại dương Hàn Quốc

Nhà trường đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị Tổng thể thường niên lần thứ 17 của Hiệp hội các trường Đại học Hàng hải Quốc tế (IAMU AGA2016) và Hội nghị Khoa học và Công nghệ Hàng hải năm 2016, đón tiếp hàng trăm đại biểu quốc tế, bao gồm nhiều giáo sư, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hàng hải. Năm 2019, trường tiếp tục được chọn đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 18 của Diễn đàn các Trường Đại học Hàng hải và Đánh cá Châu Á (AMFUF). Trong khoảng thời gian từ 2016 - 2023, Nhà trường tiếp nhận và cấp học bổng cho hơn 80 sinh viên quốc tế đến từ các quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Đài Loan, Ma-rốc, Lào, Myanmar,... sang học tập hệ Đại học, sau Đại học và trao đổi ngắn hạn theo các chương trình học bổng của nhà trường.

Trường đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, nguồn tài trợ từ chính phủ và các tổ chức phi chính phủ quốc tế. Gần đây nhất, trong chuyến thăm trường vào tháng 5/2023, ngài Kitack Lim, Tổng thư ký Tổ chức hàng hải thế giới (IMO), đã đánh giá cao thành tích cùng vai trò của nhà trường trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hàng hải.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam còn thường xuyên tích cực hỗ trợ các quốc gia khác trong công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tiêu biểu có thể kể đến như: Xúc tiến, vận động Dự án “Xây dựng chương trình huấn luyện và đào tạo giảng viên để thành lập Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện Hàng hải tại Campuchia” do Cộng đồng Châu Âu tài trợ; Hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện của Trường Hàng hải Mozambique; Tổ chức đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics cho gần 300 cán bộ trong lĩnh vực giao thông vận tải từ 3 nước Lào, Myanmar và Campuchia….

Tăng cường nghiên cứu khoa học và kết nối doanh nghiệp

Bên cạnh hoạt động đào tạo, huấn luyện và hợp tác quốc tế, Nhà trường không ngừng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển. Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm có khoảng 175 đề tài NCKH cấp Trường do cán bộ giảng viên chủ trì, 93 đề tài NCKH do sinh viên thực hiện, 3 đề tài cấp Nhà nước, 138 đề tài cấp Bộ, thành phố... Các đề tài được Hội đồng nghiệm thu các cấp đánh giá xuất sắc, sản phẩm khoa học của nhiều đề tài đang được chuyển giao công nghệ và ứng dụng trong thực tiễn.

Lễ ký kết hợp tác đạo tạo với Công ty CP Vận tải biển Việt Nam

Năm 2020, Nhà trường đã được Hệ thống đánh giá các trường Đại học Việt Nam (UPM – University Performance Metrics) xếp hạng trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học dẫn đầu về nghiên cứu tại Việt Nam. Nhiều nhà khoa học của nhà trường trong những năm vừa qua đã được vinh danh trong nước và quốc tế, như GS.TS. Lê Anh Tuấn (Gương mặt tiêu biểu của Thành phố Hải Phòng), ThS. Trần Bảo Ngọc Hà (một trong 30 phụ nữ xuất sắc được Amelia Earhart Fellowship vinh danh và trao giải thưởng cho lĩnh vực hàng không vũ trụ năm 2021), TS. Trần Tiến Anh (một trong 5 Nhà khoa học được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022), PGS.TS. Đào Minh Quân (Giải thưởng khoa học và Công nghệ thành phố Hải Phòng năm 2021)...

Để phát huy nguồn lực từ xã hội mà đặc biệt là từ doanh nghiệp, từ năm học 2015-2016, Nhà trường đã ban hành các chương trình “Kết nối Doanh nghiệp - Nhà quản lý - Đơn vị đào tạo” với 8 mục tiêu cụ thể bao gồm: Góp ý, phản biện chương trình đào tạo, nội dung giảng dạy; Trao đổi, cập nhật kiến thức, công nghệ, quy trình mới; Mời thỉnh giảng theo chuyên đề; Tổ chức thực tập... Ngoài ra, trường còn phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước cung cấp học bổng thực tập sinh cho sinh viên nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng đào tạo sinh viên của nhà trường, tiêu biểu như: Chương trình học bổng thực tập sinh của Công ty TNHH Yusen Logistics Việt Nam, Công ty đóng tàu Damen - Sông Cấm, Công ty TNHH Fuji Xerox Hải Phòng, Công ty TNHH Toyota Nankai Hải Phòng... Thời gian tới, mối liên hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp tiếp tục được thúc đẩy, thu hút được nhiều nguồn học bổng, nguồn tài trợ từ doanh nghiệp; doanh nghiệp cũng tiếp cận nguồn nhân lực được đào tạo tốt từ nhà trường./.

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam hiện có trên 15 nghìn sinh viên, học viên các hệ; gần 900 cán bộ, giảng viên, trong đó có 49 GS và PGS, 203 TS, TSKH, 528 ThS cùng hàng trăm thuyền trưởng, máy trưởng hạng Nhất và sĩ quan hàng hải đạt trình độ quốc tế. Các phòng học, phòng thực hành, thí nghiệm của trường được đầu tư bài bản, hiện đại. Nhà trường đang làm chủ hơn 30 phòng thí nghiệm, thực hành mô phỏng, nhiều phòng có chất lượng ngang tầm khu vực và quốc tế. Nhà thi đấu đa năng của trường được khánh thành và đưa vào sử dụng từ 21/9/2017, với sức chứa khoảng 3.500 người được đầu tư 99,4 tỷ đồng; có diện tích 2.400m2, 2 tầng với chiều cao 15,8m, rộng 37,5m, dài 54m, được trang bị thiết bị điều hòa, thông gió, màn hình LED cùng hệ thống sân, đường, hạ tầng kỹ thuật... đồng thời nằm trong khuôn viên khu liên hợp thể thao của trường.                

Trịnh Long