Trong giai đoạn 2021-2022, Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành để triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, các cơ chế, chính sách về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN), qua đó đã đạt được một số kết quả tích cực…
Về thu NSNN: Tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thực hiện giai đoạn 2021-2022 là 46.394 tỷ đồng, trong đó năm 2021 là 22.094 tỷ đồng, năm 2022 là 24.300 tỷ đồng, lần lượt đứng thứ 14 và 15 trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước, trong đó thu từ thuế, phí đạt 19% GRDP, hoàn thành kế hoạch đề ra (kế hoạch là 19%). Tỷ trọng thu nội địa tăng dần, bình quân chiếm 78,4% tổng thu NSNN vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu là 70%). Trong tổng thu nội địa, nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò chủ đạo. Từ năm 2022 tỉnh Ninh Bình đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về ngân sách Trung ương (năm 2022 điều tiết về ngân sách Trung ương 9%, dự toán năm 2023 điều tiết về ngân sách Trung ương 11%).
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình thừa ủy quyền của Chủ tịch nước
lên gắn Huân chương và trao bằng Huân chương Độc lập hạng Nhì cho Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình
Về chi NSNN: Tổng chi ngân sách địa phương trong 02 năm 2021-2022 thực hiện là 33.652 tỷ đồng. Cơ cấu chi đã có sự chuyển dịch, bám sát chủ trương, định hướng tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tăng chi cho đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên. Trong giai đoạn 2021-2022, tỉnh đã tiết kiệm chi thường xuyên để chi đầu tư xây dựng cơ bản ngay trong dự toán đầu năm với kinh phí 1.141,3 tỷ đồng (năm năm 2021 là 685 tỷ đồng, năm 2022 là 456,3 tỷ đồng). Qua đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi cân đối ngân sách địa phương hằng năm của tỉnh đều đạt trên 40%, vượt mục tiêu tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm, giai đoạn 2021-2025: “Tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%”. Chi thường xuyên đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của các cấp, các ngành, thực hiện các chủ trương của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh, Chương trình, đề án, mục tiêu nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Công tác quản lý điều hành ngân sách nhà nước được đổi mới, bài bản, công khai, minh bạch, thực hiện phân bổ có hiệu quả các nguồn lực, đảm bảo chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng tiêu chuẩn, chế độ, định mức.
Đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lên trao tặng danh hiệu
chiến sỹ thi đua cấp tỉnh và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các cá nhân
Để đạt được kết quả nêu trên, trong giai đoạn 2021-2022, Sở Tài chính Ninh Bình đã chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách tài khóa nổi bật như: Quy định phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa các cấp ngân sách chính quyền địa phương; quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng các khoản phí, lệ phí trên địa bàn; quy định về định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên; tham mưu cho tỉnh trong việc huy động, phân bổ, sử dụng nguồn lực tất cả vì lợi ích chung cho sự phát triển của tỉnh, chỉ đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từ đó nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu, thu ngân sách ngày càng tăng đảm bảo nguồn lực cho phát triển; đồng thời chi NSNN ngày càng được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch, hiệu quả và tuân thủ pháp luật; áp dụng các giải pháp phù hợp để đảm bảo cân đối ngân sách.
Sở Tài chính Ninh Bình tổ chức Giải Thể thao Chào mừng kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống
ngành Tài chính Việt Nam 28/8/1945 – 28/8/2023
Có thể khẳng định, dưới sự chỉ đạo triển khai quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh Ninh Bình cùng với sự nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, quân và nhân dân trong tỉnh, ngành Tài chính đã thực hiện tốt chức năng và trách nhiệm trong quản lý, điều hành thu, chi ngân sách địa phương, góp phần đạt được những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, năm 2022, 15/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình đều đạt và vượt so với kế hoạch. Trong đó, nhiều chỉ tiêu đạt ở mức cao nhất trong giai đoạn hoặc từ trước đến nay. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 8,62%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch là 7,0%); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 81 triệu đồng/người/năm; Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là 24.300 tỷ đồng, đây là năm đầu tiên tỉnh tự cân đối được ngân sách, về đích sớm 03 năm so với mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đề ra. Điều đó đã khẳng định những chủ trương, hướng đi, định hướng phát triển đúng đắn của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự đoàn kết, trách nhiệm, ý chí quyết tâm, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh./.
Hoàng Văn Kiên
Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Ninh Bình