Mô hình du lịch cộng đồng ở Nghệ An: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc

|

Mô hình du lịch cộng đồng ở Nghệ An: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc

Với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, ẩm thực đặc sắc và nét văn hóa độc đáo, những năm gần đây du lịch cộng đồng  được phát triển mạnh mẽ ở khu vực miền núi Nghệ An. Điều này không chỉ góp phần bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa vốn có, mà còn giúp bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, tạo sinh kế bền vững trên mảnh đất quê hương.

Đa dạng các sản phẩm du lịch cộng đồng

Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung Bộ, nơi có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú, văn hóa bản địa đặc sắc. Các huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An với 5 dân tộc thiểu số sinh sống, có nhiều lợi thế để phát triển mô hình du lịch cộng đồng. Đó cũng là hướng đi bền vững mà Nghệ An chú trọng nhằm phát triển kinh tế, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời cải thiện sinh kế cho người dân.

Tại các huyện miền núi Nghệ An, đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống rất độc đáo và đặc sắc như: Kiến trúc nhà ở; trang phục, trang sức đặc trưng của đồng bào; văn hóa ẩm thực; văn nghệ đa sắc màu (các làn điệu dân ca, dân vũ như: “Khắp”, “Lăm"; các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống như: Khèn bè, sáo, pí, cồng chiêng, khắc luống...).

 
Du khách tham gia nhảy sạp tại điểm du lịch công đồng bản Khe Rạn, huyện Con Cuông
 
Bên cạnh đó, nhiều nghề và làng nghề truyền thống đặc sắc tại các huyện miền núi Nghệ An cũng được bảo lưu và truyền dạy cho các thế hệ sau như: Đan lát, dệt thổ cẩm, rượu cần, rượu men lá. Đặc biệt, một số địa phương đã xác định, đây là một sản phẩm đặc thù trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Năm 2020, các bản: Bản Nưa xã Yên Khê; bản Khe Rạn, xã Bồng Khê (huyện Con Cuông); bản Hoa Tiến xã Châu Tiến (huyện Quỳ Châu) đã được công nhận là sản phẩm OCOP; Năm 2021, điểm du lịch cộng đồng, sinh thái Làng Xiềng - Pha Lài – Sông Giăng, xã Môn Sơn (huyện Con Cuông) đã được công nhận là điểm du lịch...

Đến với du lịch cộng đồng Nghệ An, du khách có thể tham quan làng dệt thổ cẩm, ngắm các sản phẩm thổ cẩm địa phương, thưởng thức các món ăn dân tộc và ngủ lại nhà sàn đón buổi sáng trong ánh bình minh, tiếng gà gáy và tiếng suối…

Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc, các làn điệu dân ca dân vũ của đồng bào dân tộc trong các trang phục rực rỡ…; trải nghiệm các hoạt động sản xuất của địa phương như gặt lúa, hái cam, thi cấy, tham quan hội chợ phiên, nhảy sạp…; tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc Thái với những phong tục tập quán truyền thống như buộc chỉ cổ tay cầu may, đắm mình trong làn điệu khắc luống, thưởng thức các món ăn độc đáo như: cá mát nướng, cơm lam, xôi nếp cẩm...

Con Cuông là huyện miền núi đầu tiên ở Nghệ An tiên phong làm du lịch cộng đồng. Hiện, huyện có 4 điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng: Bản Khe Rạn, bản Nưa, bản Pha và bản Xiềng. Trong đó, có hai điểm (bản Nưa và bản Khe Rạn) được công nhận OCOP 4 sao. Từ khi thành lập đến nay, du lịch cộng đồng đã đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan và thưởng thức ẩm thực của dân tộc Thái. Phát triển du lịch cộng đồng tại Con Cuông đã trở thành những nguồn thu quan trọng cho đồng bào dân tộc, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 
Thưởng thức các món ăn độc đáo của đồng bào dân tộc Thái

Du lịch cộng đồng tại bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đã và đang thu hút được khá nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng. Bản Hoa Tiến hiện có một làng Thái cổ vẫn còn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc. Theo UBND xã Châu Tiến, ngoài trải nghiệm văn hóa, du khách đến với bản Hoa Tiến còn được tham quan làng nghề thổ cẩm, thưởng thức những món ăn đặc sản núi rừng và giao lưu văn hóa, văn nghệ cùng đông bào dân tộc Thái. Mô hình du lịch cộng đồng đã và đang dần trở thành nghề của bà con đồng bào người dân tộc Thái nơi đây, bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân.

Có thể nói, du lịch cộng đồng Nghệ An đã góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; khai thác và phát huy các thế mạnh về tài nguyên du lịch tự nhiên và giá trị văn hóa của địa phương để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đã bước đầu tạo ra sinh kế mới góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, từng bước xóa đói, giảm nghèo cho người dân và dần xóa bỏ phong tục du canh, du cư; đồng thời, nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Theo thống kê của ngành du lịch, năm 2022, các huyện miền núi Nghệ An đã đón 120 nghìn lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 60 tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An hiện nay còn tồn tại một số hạn chế: Doanh thu về du lịch chưa lớn, đóng góp chưa thực sự đáng kể vào nguồn thu nhập của cộng đồng; số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh đưa đón khách đến các điểm du lịch cộng đồng còn ít; lực lượng lao động tham gia làm du lịch còn thiếu về cả số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất phục vụ du lịch cộng đồng tại các bản làng còn thiếu, chưa đồng bộ như nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách, giao thông đi lại còn khó khăn…

Hỗ trợ hiệu quả cho phát triển du lịch cộng đồng

Để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch cộng đồng, Nghệ An đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển du lịch, trong đó có phát triển du lịch cộng đồng.

Thời gian qua, tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ kinh phí cho các hộ kinh doanh dịch vụ du lịch cộng đồng với nhiều hạng mục như xây dựng nhà vệ sinh, mua sắm trang thiết bị phục vụ nhu cầu ăn ở của khách du lịch, hỗ trợ đội văn nghệ của các thôn, bản mua sắm nhạc cụ và trang phục biểu diễn để phục vụ du khách. Ngoài ra, tỉnh còn mở các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về du lịch, đào tạo tiếng Anh; hỗ trợ kinh phí tuyên truyền, quảng bá cho các địa phương có điểm du lịch cộng đồng...

Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND ngày 22/7/2020 về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 nhằm thúc đẩy sự phát triển loại hình du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong giai đoạn này khoảng 10,3 tỷ đồng. 

Sở Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phục hồi hoạt động du lịch, đồng thời tham mưu cho tỉnh từng bước cơ cấu lại sản phẩm và thị trường khách theo hướng có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả, xây dựng môi trường du lịch an toàn, hấp dẫn, nguồn nhân lực du lịch có chất lượng, tạo điều kiện để các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch phát triển trong những năm tiếp theo.

Du khách hào hứng tham gia các hoạt động du lịch cộng đồng

Nghệ An cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá với nhiều hình thức phong phú, đa dạng về các sản phẩm du lịch cộng đồng; chủ động tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng các ấn phẩm quảng bá du lịch, trong đó gắn điểm đến du lịch cộng đồng với các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, công tác quản lý các điểm du lịch, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường của tỉnh Nghệ An cũng được tăng cường; nâng cao chất lượng các điểm đến du lịch, cơ sở lưu trú du lịch.

Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, chính sách phát triển du lịch cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, xây dựng nông thôn mới, khuyến khích phát triển nông nghiệp và nông thôn, các chính sách liên quan đến bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực...

Cùng với đó, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông; hỗ trợ về đào tạo, phát triển dịch vụ; khôi phục và phát triển nghề truyền thống, hỗ trợ xây dựng chuỗi liên kết cho phát triển du lịch cộng đồng./.

 
Đoàn Châu