Sơn La: Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng

|

Sơn La: Kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì tăng trưởng

Trong 5 tháng đầu năm 2024, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Sơn La, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì tăng trưởng, thu ngân sách đạt khá, an sinh xã hội được đảm bảo.

Bức tranh kinh tế có những gam màu sáng - tối đan xen

Ngày 19/5/2024, sản phẩm mận hậu Sơn La chính thức được vào hệ thống phân phối của Saigon Co.op
trên toàn quốc. Dự kiến sẽ tiêu thụ 100 tấn mận hậu Sơn La tại các vùng nguyên liệu
thuộc huyện Mộc Châu, Yên Châu

Về nông lâm nghiệp và thuỷ sản, trong điều kiện thời tiết có những thuận lợi đan xen và việc chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành cũng như các giải pháp ngăn chặn dịch bệnh kịp thời đã giúp sản lượng thịt gia súc, gia cầm hơi xuất chuồng và sản lượng thủy sản tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 5 tháng đầu năm, cả tỉnh đã thu hoạch 562.380 tấn mía; 2.804 tấn ngô và 75.903 tấn rau các loại; Sản phẩm xuất chuồng của các loại thịt, gồm thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 2.253 tấn, tăng 1,08% so với cùng kỳ năm trước; thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 2.966 tấn, tăng 4,14%; thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 23.614 tấn, tăng 5,74%; thịt hơi gia cầm ước đạt 6.447 tấn, tăng 4,74%.

Với lâm sản, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, sản lượng gỗ khai thác ước đạt 8.547 m³, giảm 28,04% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng củi khai thác ước đạt 390.770 ste, tăng 0,11%. 

Với thủy sản, sản lượng thủy sản trên địa bàn tỉnh tăng đáng kể do áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và nuôi trồng thủy sản. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 4.082,9 tấn, trong đó, sản lượng cá ước đạt 3.862,9 tấn, tôm 116 tấn, thủy sản khác ước đạt 104 tấn. Trong đó sản lượng nuôi trồng ước đạt 3.510.5 tấn, tăng 2.87%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 572,4%, tăng 4,96%.

Về sản xuất công nghiệp, trong điều kiện thời tiết đầu năm không mấy thuận lợi, mưa ít, nắng nóng kéo dài, lưu lượng nước về hồ thuỷ điện thấp… khiến chỉ số ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng giảm mạnh mạnh, kéo chỉ số sản xuất công nghiệp chung toàn ngành công nghiệp giảm mạnh.

Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 5 tháng đầu năm 2024 ước tính giảm 27,48% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,59%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,06%, trong đó có một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu sản xuất tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Sữa tươi tiệt trùng tăng 6,78%; tinh bột sắn tăng 28,45%; cà phê rang nguyên hạt tăng 10,17%; chè xanh tăng 25,24%...; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí giảm 40,08%, chủ yếu do lưu lượng nước tại các hồ thủy điện thấp nên sản lượng điện sản xuất giảm mạnh; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,66%.

Trong 5 tháng đầu năm 2024, có 13 sản phẩm chủ yếu sản xuất tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Đá xây dựng tăng 6,59%; sữa tươi tiệt trùng tăng 6,78% do số lượng đàn bò sữa tăng; sữa chua, sữa và kem lên men hoặc axit hóa tăng 6,82%; tinh bột sắn tăng 28,45%.

Về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, Số doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc đăng ký quay trở lại hoạt động trước thời hạn 08 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc (07 doanh nghiệp, 01 đơn vị trực thuộc) tăng 33,3% so với cùng kỳ; tạm ngừng kinh doanh 06 doanh nghiệp, đơn vị trực tăng 20% so với cùng kỳ; giải thể 10 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc (05 doanh nghiệp; 05 đơn vị trực thuộc), tăng 66,6% so với cùng kỳ. 

Tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh đến tháng 5/2024 dự kiến đạt 3.544 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký là 75.597 tỷ đồng.

Ngày 18/5/2024, Sơn La tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Khu du lịch quốc gia Mộc Châu
và Tổ chức Hội nghị Xúc tiến Du lịch theo hướng xanh và bền vững

Về bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa tháng Năm năm 2024 ước đạt 3.075,3 tỷ đồng, tăng 22,40% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhóm ngành hàng tăng cao như: Nhiên liệu khác trừ xăng dầu tăng 40,85%; ô tô con (dưới 9 chỗ ngồi) tăng 37,95%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 36,25%; lương thực, thực phẩm tăng 30,10% do số lượng du khách thăm quan khu di di tích quốc gia Chiến trường Điện Biên Phủ tăng cao, nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Sơn La đã được du khách chọn là điểm dừng chân và tham quan, du lịch.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 15.032 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước tăng 11,41%, trong đó các nhóm ngành hàng tăng cao như: Phương tiện đi lại, trừ ô tô con (kể cả phụ tùng) tăng 14,17%; lương thực, thực phẩm tăng 14,43%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác tăng 11,66%; vật phẩm, văn hoá, giáo dục tăng 11,37%. Các nhóm ngành hàng còn lại tăng từ 4,62% đến 10,48%.

Doanh thu hoạt động dịch vụ 5 tháng năm 2024 ước tính đạt 4.081 tỷ đồng, tăng 9,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 1.907,4 tỷ đồng, tăng 17,88% so với cùng kỳ năm trước; dịch vụ lữ hành ước đạt 11,8 tỷ đồng, tăng 22,23%; dịch vụ khác ước đạt 2.161,7 tỷ đồng, tăng 3,37%.

Về hoạt động vận tải: Tổng doanh thu hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa và dịch vụ vận tải tháng Năm năm 2024 ước đạt 311,9 tỷ đồng, tăng 1,16% so với tháng trước và tăng 16,04% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt đồng tài chính - ngân hàng ổn định, đảm bảo nguồn lực cho đầu tư phát triển

Về tình hình thu – chi ngân sách, thu ngân sách địa phương tháng Năm ước đạt 1.050 tỷ đồng, bằng 5,7% dự toán, lũy kế thu 5 tháng ước đạt 11.780 tỷ đồng, bằng 64,78% dự toán, trong đó: Thu bổ sung từ ngân sách trung ương 6.445 tỷ đồng; thu ngân sách trên địa bàn tháng Năm ước đạt 320 tỷ đồng, bằng 7,0% dự toán HĐND tỉnh giao, bằng 7,8% dự toán Trung ương giao; lũy kế thu ngân sách trên địa bàn 5 tháng ước đạt 1.136 tỷ đồng, bằng 27,72% dự toán Trung ương giao; bằng 24,96% dự toán HĐND tỉnh giao.

Chi ngân sách tháng Năm ước đạt 1.000 tỷ đồng, bằng 5,5% dự toán, lũy kế chi ngân sách 5 tháng ước đạt 5.114 tỷ đồng, bằng 28,4% dự toán, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ phát triển kinh tế, an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của địa phương và nhiệm vụ phát sinh theo chỉ đạo của Tỉnh.

Về vốn đầu tư, tháng 5/2024 các chủ đầu tư trên địa bàn tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, dự án, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2024, nhất là đối với các dự án quan trọng có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững... Các sở, ngành và các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tăng cường công tác quản lý, giám sát đầu tư trên địa bàn. Dự tính tổng vốn đầu tư thực hiện tháng 5 đạt 311,0 tỷ đồng, tăng 5,58% so với tháng trước.

Hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn ổn định, tổng thu tiền mặt qua quỹ ngân hàng tháng 5/2024 ước thực hiện 9.500 tỷ đồng, tổng chi tiền mặt ước thực hiện 9.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng ước đạt 44.200 tỷ đồng, tăng 1,46% so với cùng kỳ năm trước, trong tổng dư nợ, dư nợ cho vay các đối tượng chính sách đến 30/4/2024 là 6.475 tỷ đồng; nợ xấu toàn địa bàn là 677 tỷ đồng.

Chỉ số giá tiêu dùng tăng nhẹ

Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 5 tháng 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 nhóm hàng chính, có 09 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng tăng so với cùng kỳ lần lượt là: Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng cao nhất 10,28%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 9,40%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 6,22%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,63%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 4,38%; nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt VLXD tăng 3,65%; nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 2,40%; nhóm giao thông tăng 2,40%; nhóm hàng văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,26%. Có 02 nhóm có chỉ số giá tiêu dùng giảm: Nhóm giáo dục có chỉ số giá giảm 18,49%; nhóm bưu chính viễn thông có chỉ số giá giảm 0,01%.

Về Chỉ số giá vàng và đô la Mỹ: Chỉ số giá vàng bình quân 05 tháng tăng 20,19% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ bình quân 5 tháng tăng 5,16% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của giá vàng trong nước và tình hình kinh tế, chính trị thế giới.


Các chính sách an sinh xã hội được thực thi hiệu quả

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song với sự quan tâm và nỗ lực lớn của các cấp ủy, chính quyền các cấp, Sơn La đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để bảo đảm các vấn đề xã hội được thực thi có hiệu quả trong 5 tháng đầu năm 2024.

 Trong tháng 5/2024, ngày hội việc làm thành phố Sơn La được tổ chức có sự tham gia của 40 doanh nghiệp, nhà tuyển dụng, cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh, thu hút hơn 1.500 người lao động, đoàn viên,
thanh niên trên địa bàn Thành phố

Về lao động và giải quyết việc làm, tính đến hết tháng 5/2024, tỉnh đã chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho khoảng 3.979 người, luỹ kế 8.040 người. Chính sách đào tạo nghề, định hướng nghề nghiệp cho người dân trên địa bàn cũng đã có những bước chuyển tính cực, riêng trong tháng Năm, toàn tỉnh đã tuyển sinh và đào tạo cho 423 người ở trình độ sơ cấp, nâng tổng số tuyển sinh và đào tạo đến thời điểm cuối tháng Năm là 1.255 người.

Về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, Sơn La đã triển khai kế hoạch thực hiện Tiểu Dự án 1 "Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn" - Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.

Các chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách với người có công được thực hiện nghiêm túc và ghi nhận những kết quả tích cực. Riêng trong tháng Năm đã giải quyết 194 hồ sơ với tổng số tiền giải quyết trợ cấp là 2.622,88 triệu đồng. Tiếp nhận và giải quyết 06 đơn đề nghị của công dân đảm bảo kịp thời, theo quy định.

Công tác Bảo trợ xã hội được quan tâm chu đáo; các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, văn hoá thể thao và du lịch; công tác y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân từng bước được quan tâm và ghi nhận những chuyển biến tích cực. Vấn đề an ninh trật tự được giữ vững... tạo môi trường thuận lợi để Sơn La tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trong thời gian còn lại của năm 2024./.

Ngô Thị Thu

Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Sơn La