Tình trạng biển xâm thực đáng báo động ở Việt Nam

|

Tình trạng biển xâm thực đáng báo động ở Việt Nam

Theo đánh giá của các tổ chức nghiên cứu quốc tế có uy tín, như: Ngân hàng Thế giới (WB), Trung tâm Nghiên cứu các Hệ thống môi trường (CESR), Cơ quan Hàng không và Không gian Mỹ (NASA)… với 3.260 km đường bờ biển kéo dài từ Bắc xuống Nam qua 28 tỉnh, thành phố, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hiện tượng thiên tai cực đoan do nước biển dâng như xâm ngập mặn, biển xâm thực, bão, lốc... Trong nhiều năm qua, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng biển xâm thực ngày càng nghiêm trọnggây ra những tác hại không chỉ đối với trồng trọt, nuôi trồng thủy sản mà còn ảnh hưởng đến các công trình nhà ở, thậm chí đe dọa tính mạng con người.
 
Xâm thực biển với những hậu quả khôn lường
 
Số liệu quan trắc tại các trạm hải văn ven biển Việt Nam giai đoạn 1993-2010 cho thấy, mực nước trung bìnhbiển Đông tăng khoảng 4,7 mm/năm; trong đó, Việt Nam có mức tăng trung bình khoảng 2,8 mm/năm, nhiệt độ nước biển tăng lên 3oC. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, mực nước biển đã tăng 55-75 cm trong vòng 1 thế kỉ qua. Gần đây, các dự báo cũng đều khẳng định, mực nước biển của Việt Nam có thể dâng thêm 33,3 cm vào năm 2050, 45 cm vào năm 2070 và khoảng 1 m vào năm 2100. Qua đó, Viện khoa học Khí tượng Thủy vănBiến đổi khí hậu nhận định, nếu nước biển dâng thêm 1 m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP.Hồ Chí Minh, 39,40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Longnguy cơ bị biển xâm thực, trong đó Kiên Giang có thể ngập đến 75% diện tích; các đảo có nguyngập cao nhấtVân Đồn, Côn Đảo, Phú Quốc. Kéo theo đó là 27% diện tích rừng ngập mặn và 20% diện tích rừng đầm lầyViệt Nam sẽ bị mất vĩnh viễn. Đặc biệt, vùng đất ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và Hải Hậu thuộc tỉnh Nam Định là các khu vực dự báo sẽ bị xâm thực mạnh. Ngoài ra, đối với bờ biển Duyên hải miền Trung,đường bờ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tương tác giữa thượng nguồn triều cường biển Đông cũng là đối tượng dự báo sẽ bị xâm thực khá mạnh. Phông mặn sẽ xâm thực theo hướng vào sâu trong đất liền. Không chỉ gây thiệt hại lớn cho trồng trọt, nuôi trồng thủy sản và sinh hoạt của người dân, sự thay đổi này sẽ làm cho mức độ ăn mòn kim loại tại các công trình tăng lên.

 
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, chỉ tính riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long 24 khu vực thường xuyên bị xói lở bờ biển với tổng chiều dài khoảng 147 km, tốc độ xói lở từ 5 đến 45 m/năm, trung bình mỗi năm mất hàng trăm héc-ta đất. Trong đó, điển hình là bờ biển: Công Đông (Tiền Giang); Bình Đại (Bến Tre); Vĩnh Châu (Sóc Trăng); Nhà Mát, Gành Hào (Bạc Liêu); khu vực cửa biển Vàm Xoáy, Đất Mũi, khu vực cửa Rạch Rốc, huyện Ngọc Hiển và bờ biển Tây (Cà Mau)...
 
Theo Công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước hiện có hơn 119,2 nghìn ha rừng phòng hộ, gần 34,7 nghìn ha rừng đặc dụng trên đất ngập nước và hơn 18,6 nghìn ha rừng phòng hộ, 459 ha rừng đặc dụng trên cát. Tuy nhiên, trong nhiều năm tới, nếu Việt Nam không 
nhanh chóng thực hiện các biện pháp bảo vệ và trồng rừng tái tạo thì diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên sẽ nhanh chóng giảm mạnh do tình trạng biển xâm thực gây ra sạt lở, cuốn trôi rừng, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long - nơi có diện tích từng ngập mặn lớn nhất cả nước. Tại nhiều tỉnh thành, xâm thực biển cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến các cánh rừng phòng hộ: Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa đã mất hơn 50 ha rừng phòng hộ ven biển; huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh có cánh rừng phòng hộ trồng cây phi lao chắn sóng, chắn cát rộng gần 12 ha, dài gần 4 km đi qua 3 thôn Bắc Hòa, Phú Hòa và Mỹ Hòa thuộc xã Cẩm Hòa đã bị sóng biển cuốn trôi khoảng 50% diện tích; riêng Cà Mau, từ năm 2007 đến nay đã mất hơn 8.800 ha rừng phòng hộ ven biển. Sự biến mất dần diện tích rừng phòng hộ, ngập mặn không chỉ gây ra thiệt hại về hệ sinh thái mà còn mang lại tổn thất kinh tế lớn đối với quốc gia. Hàng năm, Việt Nam phải chi một khoản không nhỏ để tái tạo lại những cánh rừng phòng hộ và rừng ngập mặn nhằm ngăn chặn việc mất dần diện tích đất ven biển. Theo các chuyên gia, đối với những nơi bãi bồi chưa mất hết, nếu làm hàng rào đơn giản để giữ bùn tạo bãi, mức kinh phí trồng rừng tối thiểu là 21 triệu đồng/ha. Còn đối với nơi đã bị sạt lở hết phải có 2 lớp hàng rào, lớp ngoài phá sóng, lớp trong giữ bùn tạo bãi, kinh phí từ 70- 80 triệu đồng/ha. Ngoài ra, chi phí khoán công chăm sóc, bảo vệ để cây con phát triển thành rừng cũng hết khoảng 10 triệu đồng/ha. Như vậy, chưa tính cây giống, công trồng thì mức thấp nhất để trồng tái tạo rừng phòng hộ là trên 30 triệu đồng/ha, còn đối với những nơi sạt lở nhiều có thể lên đến gần 100 triệu đồng/ha. Trong khi đó, theo Đề án Bảo vệ và Phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước cần trồng mới 46.058 ha rừng phòng hộ ven biển.
 
Tại Nhật Bản, bờ biển bị xâm thực 3 m là con số lớn nhất theo tiêu chuẩn. Tuy nhiênViệt Nam, so sánh hình ảnh chụp vệ tinh từ 10 năm trước tại xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) của các chuyên gia Viện nghiên cứu khoa học ứng phó với biến đổi toàn cầu của Đại học Ibaraki có thể thấy, bờ biển đã bị thụt vào 200 m, có nơi lên tới 240 m. Điều đó cho thấy tình trạng xâm thực biểnViệt Nam đang diễn ra với tốc độ khủng khiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đối với đời sống, kinh tế, sản xuất của nhân dân vùng ven biển. Xâm thực biển đã khiến cho nhiều diện tích đất nuôi trồng nông nghiệp bị xâm ngập mặn, nhiễm phèn, nhiễn mặn, không thể chuyển đổi, mất diện tích đất sản xuất, gây thiệt hại nặng nề trong sản xuất nông nghiệp. Theo dự báo, vào năm 2030, khoảng 45% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn cục bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới ngành trồng trọt (khoảng 17 tỷ USD), cũng như hệ thống cấp nước ở các vùng trũng của Nam Bộ. Tính đến nay, một số địa phương bị thiệt hại nặng điển hình:Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre), trong vòng 5 năm 2013-2018, xói lở bờ biển đã xóa sổ 110 ha đất sản xuất của người dân, trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5 km với 97 hộ dân đang sinh sống; năm 2018, Quảng Nham (huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) có gần 280 ha đất sản xuất nông nghiệp bị biển xâm thực cuốn trôi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sốngsinh hoạt của hơn 500 hộ dân trong xã…
 
Tình trạng xói lở do biển xâm thực của bờ biển Việt Nam rất khác nhau tùy theo địa hình của từng khu vực và được ghi nhận ở cả 3 miền: Miền Bắc (từ Quảng Ninh đến Ninh Bình), miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) và miền Nam (từ Vũng Tàu đến Kiên Giang). Với những đoạn duyên hải không còn rừng phòng hộ, sóng đánh thẳng vào chân đê gây sạt lở kết cấu hạ tầng, thiệt hại kinh tế và nguy hiểm cho nhân dân sống ở khu vực đó. Tại Phan Thiết, vào đầu tháng 3/2018, khoảng 10 resort nằm dọc bãi biển Hàm Tiến bị biển xâm thực nghiêm trọng, có nơi biển đã ăn sâu vào đất liền khoảng 10 m; chiều dài bờ biển bị sạt lở kéo khoảng trên 1.000 m; trong đó, một số nhà hàng bị biển cuốn trôi hoàn toàn. Bãi biển dài nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng cũng đang bị xâm thực biển đe dọa khiến cho nhiều trình công cộng như công viên, nhà tắm, nhà vệ sinh, lối đi bộ… bị nứt, có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào, đe dọa sự an toàn của người dân và du khách; riêng phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) có hơn 350 hộ dân bị đe dọa và ảnh hưởng trực tiếp. Tại Thừa Thiên Huế, với đặc thù biển hở, phía ngoài không có vịnh bao quanh như một số địa phương khác, gió, nước, xâm thực, sạt lở hầu như trực tiếp và xói mòn đất bờ biển. Thời tiết bình thường, tốc độ sạt lở xảy ra trên địa bàn xã từ 3-5 m/năm, những năm nhiều bão, áp thấp, tốc độ sạt lở tăng từ 5-7 m/năm. Trước thực trạng sạt lở càng ngày càng mạnh, những năm qua, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư nhiều dự án chống sạt lở bờ biển, tuy vậy, hiện vẫn còn khoảng 7 km đang phải đối mặt với nạn biển xâm thực.
 
Đi tìm nguyên nhân dẫn đến xâm thực biển ở Việt Nam
 
Ngoài các nguyên nhân do yếu tố tự nhiên như: Tác động của gió, sóng, thủy triều, dòng chảy ven bờ, cấu tạo địa chất, vị trí của đường bờ, biến đổi khí hậu toàn cầu, nước biển dâng thì tình trạng xâm thực biển diễn biến phức tạp ở Việt Nam hiện nay còn do các yếu tố đến từ chính các hoạt động của con người. Trong khi xâm thực biển đang trực tiếp làm suy giảm diện tích rừng phòng hộ quốc gia thì chính sự suy giảm rừng phòng hộ cũng góp phần làm cho hậu quả của xâm thực biển ngày càng nghiêm trọng và nặng nề hơn. Trong đó, sự suy giảm diện tích rừng phòng hộ không chỉ do biển xâm thực mà còn do hoạt động chặt phá rừng của con người để phục vụ nhu cầu sản xuất, làm kinh tế. Trong khi những cánh rừng phòng hộ, rừng ngập mặn có vai trò như một hệ thống sinh học có tác dụng giảm cường độ của gió, sóng và dòng chảy, tạo điều kiện thuận lợi để bùn cát tích tụ, giúp bờ biển chống xói lở thì rất nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển đã bị chặt phá để nạo vét chuyển đổi thành đầm nuôi tôm tự phát, nuôi tôm quảng canh, làm khu du lịch sinh thái, lấy gỗ… mà không có quy hoạch hợp lý, không có kế hoạch tái tạo rừng. Thêm vào đó, tại các địa phương, hàng năm nhiều diện tích rừng bị chết do chất lượng đất và nước thay đổi hoặc do cháy rừng… Theo thống kê sơ bộ, tại Đồng bằng sông Cửu Long, giai đoạn 2011-2017, diện tích rừng ngập mặn đã giảm gần 10%, từ trên 194,7 nghìn ha giảm xuống còn xấp xỉ 179,4 nghìn ha. Hiện trạng các vùng ven biển bị mất rừng phòng hộ hoặc rừng quá mỏng không đủ sức bám giữ nền đất, chống trọi với mức sóng, gió biển, nhất là những ngày biển động hay có bão đã khiến cho biển dễ dàng xâm thực vào đất liền hơn.
 
Bên cạnh đó, sự gia tăng dân số và nhu cầu nhà ở, cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế tăng cao đã làm phát sinh thêm nhiều công trình hạ tầng ven biển. Việc xây dựng các công trình nhà ở, công trình hạ tầng ven biển đã làm thay đổi quy luật tự nhiên của các luồng khí, gió đối lưu, làm thay đổi dòng chảy của biển và ảnh hưởng đến sự tác động của sóng biển vào bờ, khiến xâm thực xảy ra. Điển hình như, ở một số bờ biển Việt Nam, hầu như ở vị trí nào làm kè chắn sóng vươn ra biển để xây dựng cảng hoặc khu neo đậu tàu thuyền thì sau một thời gian, ở vị trí gần đó về phía nam bờ biển sẽ bị xói lở, xâm thực do tác động sóng biển, mỗi lần xây kè lấn biển chắn sóng, hay khi xây dựng khu dân cư mới tại vị trí biển xâm thực thì lại xuất hiện vị trí xói lở mới.
 
Giải pháp chống xâm thực, bảo vệ diện tích bờ biển
 
Để bảo vệ được diện tích lãnh thổ ven biển, đồng thời bảo vệ cơ sở hạ tầng, thành quả kinh tế và sự an toàn của nhân dân trước thực trạng biển xâm thực đáng báo động hiện nay, các cơ quan quản lý có liên quan cần có các phương án hiệu quả giải quyết được triệt để các tác nhân. Yêu cầu thiết yếu lúc này là: Làm giảm năng lượng của sóng, cản gió và kiểm soát được dòng chảy ven bờ nhằm giảm thiểu sự vận chuyển bùn cát dọc theo bờ; Tạo ra điều kiện tương tự với mô hình tự nhiên của sự thành lập và phát triển các đường bờ biển; Đảm bảo hiện tượng xâm thực biển không bị di dời đến nơi kế cận. Theo đó, các giải pháp đáp ứng yêu cầu trên được chia thành 2 nhóm là nhóm giải pháp cứng (giải pháp công trình) và giải pháp mềm (giải pháp phi công trình).
 
Nhóm giải pháp cứng gồm có: Xây dựng các công trình đê kiên cố hóa bờ biển, bờ sông, đắp đê, xây kè biển, kè biển mỏ hàn, đê ngầm phá sóng, kè mỏ hàn kết hợp với đê ngầm phá sóng, mũi đất nhân tạo… Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống công trình thủy lợi để kiểm soát, quản lý tổng hợp tài nguyên nước, nước ngọt một cách hiệu quả nhất để gián tiếp đẩy lùi tình trạng xâm nhập mặn, giảm thiệt hại do nước gây ra, đồng thời thay đổi các dòng chảy xói lở thành bồi đắp. Với các chân đê bằng bê tông cốt thép, để chống lại sự ăn mòn kim loại do nước biển có thể thay thế sử dụng sắt thép bằng sợi thủy tinh. Nhóm giải pháp này được các chuyên gia khuyến cáo sử dụng ở những vùng có bờ biển sạt lở rất trầm trọng như Cát Hải (Hải Phòng), Hải Hậu (Nam Định), Hải Dương - Hòa Duân (Thừa Thiên Huế), Mũi Né (Bình Thuận), Gò Công Đông (Tiền Giang), Gành Hào (Cà Mau). Tuy nhiên nếu giải pháp cứng được đem ra áp dụng ở những vùng này, điều cần thiết là phải bảo đảm không làm xói lở chân công trình và hủy hoại hệ sinh thái của vùng bờ biển phía dưới công trình.
 
Nhóm giải pháp mềm là trồng rừng phòng hộ ven biển: Trồng phi lao và các cây họ dừa dọc theo bờ biển ở tất cả những bãi sình lầy vùng ven biển châu thổ sông Hồng và châu thổ ĐBSCL, có thể trồng các loại cây cây bần, cây đước, cây vẹt, cây tràm... với chiều rộng từ 300-1000 m. Nhóm giải pháp này được cho là dễ làm, khả thi, ít tốn kém và thân thiện với môi trường, nhưng lại mất nhiều thời gian và gặp nhiều khó khăn vì tùy thuộc vào các điều kiện khí hậu của từng vùng, chế độ thủy văn và lý hoá tính của đất đai. Song song với công tác trồng rừng, cần kết hợp nuôi trồng thủy sản ở chân rừng ngập mặn nhằm đẩy mạnh kinh tế và bảo vệ chân rừng.
 
Mặt khác, cần tăng cường quan trắc, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm thực biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ hệ sinh thái, tài sản và sự an toàn của nhân dân vùng ven biển và trên các đảo. Tăng cường hợp tác quốc tế với các nước có đường bờ biển để học hỏi kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp ứng phó phù hợp. Xây dựng hệ thống đê biển, đê sông bằng đất có bề mặt rộng vừa làm đường giao thông, hai bên bờ đê trồng cỏ Vetiver để chống xói mòn do gió và sóng biển, phía biển trồng rừng ngập mặn để ngăn sóng và tạo bồi lắng phù sa; đồng thời xác định đây là dự án lâu dài, bền vững dọc theo biển Đông và biển Tây để ứng phó với tình trạng xâm thực biển do mực nước biển dâng cao. Tuy nhiên, về lâu dài, việc phủ xanh những cánh rừng phòng hộ chính là giải pháp kinh tế, bền vững và hiệu quả nhất để bảo vệ hệ sinh thái ven biển, chống xâm thực và xói lở./.

 
Minh Hà