Việt Nam đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

|

Việt Nam đẩy mạnh thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe

Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe là một trong những mục tiêu Chính phủ đặt ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt vào tháng 12/2010. Mục tiêu này gồm 4 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020 là: (1) Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái; (2) Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 52/100.000 trẻ đẻ sống; (3) Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 50%; (4) Giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống.
 
Giai đoạn 2011-2015, việc thực hiện mục tiêu này đã đạt được những kết quả bước đầu, làm cơ sở để Việt Nam có những hành động cụ thể, phù hợp hơn với tình hình thực tế trong giai đoạn 2016-2020.

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet
 
Đối với chỉ tiêu đầu tiên, Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh triển khai Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) thông qua việc đẩy mạnh công tác truyền thông trong gia đình, nhà trường và cộng đồng với nhiều hình thức khác nhau, nhằm nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Cùng với đó, mô hình“Hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái” được triển khai nhân rộng tại nhiều địa phương trong cả nước, giúp nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần giảm thiểu tình trạng MCBGTKS.
 
Nhà nước đồng thời có chính sách hỗ trợ đối với những cặp vợ chồng sinh con gái một bề đối với 4 đối tượng là: Thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người dân tộc thiểu số vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; người đang sống tại các xã đảo, huyện đảo; người khi hết tuổi lao động nhưng không có lương hưu. Để kiểm soát MCBGTKS, Việt Nam cũng đã đưa ra những quy định pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi hoặc cung cấp dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.
 
Qua thực tiễn triển khai, những cách làm trên đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, hành vi của người dân trong việc nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình, cộng đồng; tâm lý ưa thích con trai cùng  tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã có chiều hướng giảm đáng kể, góp phần đẩy lùi, giảm thiểu tình trạng MCBGTKS trên cả nước... Theo Báo cáo thực hiện Mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2017 được công bố cuối năm 2018, tỷ số giới tính khi sinh trong những năm vừa qua đã được kiểm soát tốt, tốc độ gia tăng luôn nằm trong ngưỡng cho phép. Tỷ số này năm 2017112,1%, đạt kế hoạch chung của Chiến lược.
 
Tuy vậy, với sự phát triển của khoa học công nghệ và tâm lý ưa thích con trai vẫn còn tồn tại nặng nề trong xã hội, đã dẫn đến tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh vẫn còn khá cao tại một số địa phương, đặc biệt là tại khu vực đồng bằng sông Hồng, vùng sâu, vùng xa như: Thanh Hóa (117/100), Sơn La (117,1/100), Bắc Ninh (116,8/100), Hải Dương (116,33/100).
 
Mặc dù đã quy định các cơ sở y tế, phòng khám không được tiến hành siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhằm tránh hậu quả của việc lựa chọn giới tính, nhưng thực tế vẫn còn không ít các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thực hiện bằng nhiều cách thức. Đây là thách thức không nhỏ trong phấn đấu thực hiện chỉ tiêu này.
 
Đối với chỉ tiêu thứ hai là giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 52/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020. Để đạt được con số đặt ra, Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt vào tháng 8/2016 với mục tiêu là tăng cường tiếp cận và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, ưu tiên những vùng khó khăn/ đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp sự chênh lệch về tình trạng sức khỏe và tử vong mẹ giữa các vùng miền. Theo đó, hệ thống chính sách về chăm sóc sức khỏe sinh sản/sức khỏe bà mẹ - trẻ em tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện. Các cơ sở khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa và nhi khoa tuyến Trung ương, khu vực và tuyến tỉnh được đầu tư, nâng cấp và phát triển. Các trạm y tế tuyến xã, đặc biệt các trạm y tế có dịch vụ đỡ đẻ ở vùng nông thôn, vùng núi cao được nâng cấp, xây mới, cung cấp, bổ sung các dụng cụ, trang thiết bị còn thiếu và được duy trì nguồn cung các thuốc cần thiết cho phụ nữ có thai, bà mẹ và cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ. Triển khai hệ thống bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện đầu ngành về sản phụ khoa, nhi khoa theo Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, để nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh tại chỗ của các bệnh viện vệ tinh, từng bước giảm người bệnh chuyển tuyến trên và tăng tiếp nhận người bệnh từ tuyến trên về điều trị. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới, phù hợp trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em. Đổi mới cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế, đẩy mạnh việc thực hiện thanh toán BHYT theo gói dịch vụ (bao gồm các gói: Chăm sóc trước khi có thai, chăm sóc khi mang thai, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh trong khi sinh, chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh ngay sau sinh cho đến 24 giờ sau sinh...). Thêm vào đó là các giải pháp đảm bảo nguồn chuyên ngành và nâng cao năng lực chuyên môn phụ sản/nhi - sơ sinh cho y tế các tuyến xã, huyện, tỉnh và Trung ương, đặc biệt là đối với các thôn, bản thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
 
Mặc dù vậy, tỷ suất mắc tai biến sản khoa năm 2017 là khoảng 57/100.000 trẻ đẻ sống, tăng nhẹ so năm 2016 (55/100.000). Báo cáo thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2017 cho thấy, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong mẹ chiếm 54,2%, trong đó, băng huyết vẫn là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến   là các nguyên nhân tắc mạch ối chiếm 21,9% và sản giật/tiền sản giật chiếm 12,5%. Có tới 60,2% các ca tử vong mẹ xảy ra tại cơ sở y tế, trong số đó, riêng tại bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện tuyến huyện đã chiếm tới 53,4%.
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên chủ yếu là do việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau khi sinh của người dân, cũng như chất lượng dịch vụ, nhất là ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn gặp không ít khó khăn. Phong tục, tập quán trong chăm sóc, nuôi dưỡng bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ em còn lạc hậu; tình trạng phụ nữ có thai không được chăm sóc và đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ đẻ vẫn còn khá phổ biến ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là ở các bệnh viện tuyến huyện chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc, điều trị cấp cứu sản khoa và sơ sinh; nguồn nhân lực về chuyên ngành sản khoa và nhi khoa rất thiếu, cho nên hầu hết các bệnh viện tuyến huyện đều bố trí khoa sản với khoa ngoại để tận dụng nguồn nhân lực. Trong khi đó, năng lực chuyên môn của nhân viên y tế làm công tác chăm sóc sản khoa, chăm sóc sơ sinh ở tuyến y tế cơ sở cũng còn có những hạn chế trong việc phân loại, phát hiện nguy cơ, tiên lượng, theo dõi, cấp cứu và hồi sức sản khoa, sơ sinh.
 
Tình hình thực hiện chỉ tiêu thứ 3 về tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng đạt kết quả tích cực. Chăm sóc trước sinh là việc làm cần thiết, giúp thúc đẩy một lối sống lành mạnh, với dinh dưỡng đầy đủ, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, kịp thời phát hiện các rủi ro, giảm các biến chứng và rút ngắn bất bình đẳng về sức khỏe để có những kết quả thai kỳ tích cực. Do đó, thời gian qua Việt Nam chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có thai thông qua việc tăng cường mở rộng, phát triển mạng lưới cơ sở y tế trên cả nước, đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai...
 
Thực hiện Quy chế về phối hợp giữa hệ thống phòng, chống HIV/AIDS và hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) trong triển khai dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Hướng dẫn sử dụng hệ thống thông tin lồng ghép CSSKSS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hệ thống CSSKSS đã bước đầu chủ động trong việc làm đầu mối, phối hợp với hệ thống phòng, chống HIV/AIDS triển khai các can thiệp về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các cơ sở CSSKSS đã thực hiện tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai và chuyển tiếp các trường hợp có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính đến các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS để được điều trị; điều trị ARV và tiếp tục theo dõi sản phụ nhiễm HIV trong giai đoạn chuyển dạ và trẻ sau sinh.
 
Theo thống kê, tỷ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc HIV chung toàn quốc năm 2017 đạt 35,2% (tăng so với cùng kỳ năm 2016 30,2%), tuy nhiên việc sàng lọc vẫn tập trung nhiều vào giai đoạn chuyển dạ (59,8%)tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2016 (56,3%), đặc biệt là tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh. Tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm PCR lần 01 trong vòng 18 tháng tuổi vẫn còn thấp, chỉ đạt 48%.
 
sự khác biệt về tỷ lệ phụ nữ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước trong khi mang thai. Tại khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung chỉ đạt 19,7%; Trung du và miền núi phía Bắc cũng có tỷ lệ rất thấp 21,3%, khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ cao hơn lần lượt là 61% và 44,1%. Nguyên nhân một phần của tình trạng này là do việc vấn của cán bộ y tế còn hạn chế, nguồn cung ứng xét nghiệm miễn phí không đáp ứng nhu cầu, trong khi bảo hiểm y tế không chi trả xét nghiệm sàng lọc; việc triển khai xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai chưa có sẵn ở tất cả các trạm y tế cấp xã - nơi chủ yếu thực hiện quản lý và khám thai ban đầu - cũng làm cản trở việc tiếp cận xét nghiệm sớm của các phụ nữ mang thai; nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai còn nhiều hạn chế trong việc đi khám thai sớm, khám thai 3 lần trong thai kỳ; nhiều bà mẹ nhiễm HIV còn sợ bị kỳ thị nên không tuân thủ điều trị và hướng dẫn của cán bộ y tế.
 
Chỉ tiêu thứ 4 là giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020 cũng đã được chú trọng thực hiện, bằng việc tăng cường đáp ứng nhu cầu tránh thai cho tất cả các nhóm có nhu cầu, tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận với các biện pháp ngừa thai hiện đại, an toàn, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những hệ lụy của việc phá thai, đặc biệt là cho đối tượng tuổi vị thành niên, thanh niên thông qua các buổi tuyên truyền giáo dục giới tính tại các địa phương và trường học.
 
Theo kết quả Báo cáo, năm 2017, tỷ lệ phá thai khoảng 16,3/100 ca đẻ sống, trong đó số trường hợp tai biến do phá thai chiếm tỷ lệ 0,24% (tăng cao so với cùng kỳ năm 20150,14%, năm 20160,17%). Tỷ lệ phá thai của người chưa thành niên trên tổng số phá thai toàn quốc 1,45% (thấp hơn cùng kỳ năm 2016 2%); Các vùng có tỷ lệ cao nhất là Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long với tỷ lệ lần lượt2,2%1,6%).
 
Theo đánh giá, tình trạng phá thai quá phạm vi cho phép vẫn diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở y tế tư nhân. Đây là nội dung đã được các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, kể cả cơ sở có yếu tố nước ngoài.
 
Những kết quả trên cho thấy, những năm qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện Mục tiêu 4 về Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, song trong thời gian tới, cần đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực hiện mục tiêu, bởi thời hạn thực hiện những chỉ tiêu đề ra không còn nhiều./.

   Bảng 1: Tình hình thực hiện Mục tiêu 4 về Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và
                                        thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe 

  
 
Chỉ tiêu
 
Chỉ số
Khung thời gian Kết quả thực hiện
2016 2017
Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh ≤115/100 2020 112,2 112,1
Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản  
≤52/100,000
 
2020
 
58/100.000
 
57/100.000
Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  
 
50%
 
 
2020
 
 
55,7%
 
 
59,8%
Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ phá thai/ trẻ đẻ sống ≤25/100 2020 14/100 16,3/100
 
Quang Vinh