Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

|

Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp

 

Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, giáo dục nghề nghiệp (GDNN) ở nước ta đã từng bước đổi mới, khẳng định vai trò tiên phong trên chặng đường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quốc gia, hòa nhập sâu rộng với mạng lưới nhân lực khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa với nhiều cơ hội và thách thức, GDNN ở nước ta cần đổi mới mạnh mẽ để không chỉ đảm đương trách nhiệm đào tạo nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất kinh doanh mà còn đáp ứng yêu cầu hội nhập, cạnh tranh.

Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN – những kết quả đạt được

Theo đánh giá, những năm gần đây hệ thống GDNN ở nước ta đã và đang thực hiện đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ. Trong đó, để tạo điều kiện cho hoạt động GDNN phát triển, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Theo đó, Luật Giáo dục năm 2005 đã có một mục riêng quy định về GDNN. Trên cơ sở đó, Luật Dạy nghề đã được Quốc hội khóa XI thông qua, tạo nền tảng pháp lý và thuận lợi cho hoạt động đào tạo nghề phát triển phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước.

Tiếp đó, năm 2014 nhằm triển khai Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Giáo dục nghề nghiệp với nhiều đổi mới quan trọng và đột phá. Cụ thể như: Hợp nhất các trình độ đào tạo; đổi mới về tổ chức và quản lý đào tạo, về chính sách cho người học, nhà giáo và cơ sở GDNN; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa GDNN, tăng cường sự phối hợp, tham gia của doanh nghiệp, người sử dụng lao động vào hoạt động đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu thị trường lao động và xã hội.

Nhờ sự nỗ lực và tích cực trong đổi mới nên các điều kiện bảo đảm chất lượng GDNN như: Chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo… đã được cải thiện đáng kể, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Đã hình thành mạng lưới các cơ sở đào tạo nghề nghiệp rộng khắp cả nước, đa dạng về loại hình và ngành nghề đào tạo. Quy mô và chất lượng đào tạo nghề không ngừng tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân, góp phần tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo. Tính đến 6/2019, thông qua công tác quy hoạch, sắp xếp lại, cả nước có 1.917 cơ sở GDNN, trong đó: 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giảm 37 cơ sở so với năm 2018. Ước hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở, trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm 4,92% so với năm 2018.

Năm 2019, công tác tuyển sinh GDNN có nhiều chuyển biến tích cực, lĩnh vực GDNN tuyển sinh khoảng 2,33 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng và trung cấp khoảng 568 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,77 triệu người. Khoảng 2,2 triệu người tốt nghiệp, trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp gần 500 nghìn người; sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác khoảng 1,7 triệu người.
 



Ảnh minh họa: Nguồn internet

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyển sinh, chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN của Việt Nam cũng ngày càng được nâng lên. Kỹ năng nghề nghiệp của người tốt nghiệp các cơ sở GDNN đã được cải thiện. Hơn 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Ở một số nghề và một số cơ sở GDNN, tỷ lệ này đạt gần 100%. Tại các kỳ thi tay nghề của thế giới, Việt Nam đã dành những thứ hạng cao. Cụ thể như: tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 diễn ra (tháng 8/2019) tại Liên bang Nga, đoàn Việt Nam lần đầu tiên giành 1 Huy chương Bạc và được trao 8 Chứng chỉ nghề xuất sắc. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam sau bảy lần tham dự sự kiện này.

Về chỉ số xếp loại chất lượng GDNN trong khu vực ASEAN, theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) năm 2019, Việt Nam đã tăng 13 bậc, đạt 44/100 điểm (tăng ba điểm).

Đặc biệt, GDNN ở nước ta đã hình thành mô hình đào tạo chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua các chương trình đào tạo chuyển giao; đáp ứng yêu cầu về lao động chất lượng cao cho thị trường lao động trong nước và thị trường lao động ngoài nước. Kết quả từ việc triển khai thực hiện “Dự án Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN” (Đây là 01 trong 03 Dự án thành phần của Chương trình mục tiêu GDNN - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016-2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20/6/2017 nhằm hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của GDNN) cho thấy, Việt Nam đã thực hiện chuyển giao, tiếp nhận và đào tạo thí điểm theo 34 bộ chương trình giáo trình nghề trọng điểm cấp quốc tế từ Úc và Đức. Theo đó, khoảng 2.000 sinh viên trình độ cao đẳng được trải nghiệm những kỹ thuật hiện đại nhất của thế giới. Sau khi tốt nghiệp, học sinh, sinh viên được cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng của Việt Nam và bằng tốt nghiệp của phía chuyển giao, tạo cơ hội cho người học được xuất khẩu lao động đến những thị trường yêu cầu tay nghề cao như Úc, Đức. Đây là khởi đầu tốt, giúp GDNN Việt Nam hội nhập quốc tế một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất từ việc học tập công nghệ đào tạo từ các nước tiên tiến trên thế giới.

Cùng với việc chất lượng sinh viên tốt nghiệp được nâng lên, đội ngũ giáo viên tại các cơ sở GDNN của Việt Nam cũng được chuẩn hóa kỹ năng dạy, thông qua việc đổi mới cấu trúc chương trình GDNN từ tách biệt lý thuyết - thực hành sang đào tạo theo hình thức tích hợp kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành và thái độ nghề nghiệp. Trong 3 năm (2016-2018), 1.200 giáo viên được đào tạo, bồi dưỡng trong nước về nghiệp vụ sư phạm GDNN; 15.000 giáo viên được đào tạo theo tín chỉ, biên soạn giáo án và tổ chức giảng dạy tích hợp, tổ chức đào tạo và đánh giá theo năng lực thực hiện, kỹ năng mềm; 2.850 lượt cán bộ quản lý GDNN; Đào tạo, bồi dưỡng cho 391 giáo viên tại Úc, Đức để dạy các nghề nhận chuyển giao…

Ngoài ra, việc hỗ trợ đầu tư tập trung đồng bộ cho các trường chất lượng cao và các nghề trọng điểm… đã từng bước góp phần thực hiện quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện về GDNN theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế. Qua đó, chất lượng cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN đã không ngừng được đổi mới, hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu phục vụ hiệu quả cho công tác đào tạo. Đặc biệt, những trường được lựa chọn đầu tư các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế, khu vực ASEAN tham gia đào tạo thí điểm theo các bộ chương trình được chuyển giao từ nước ngoài như Úc, Đức thiết bị đào tạo được đầu tư theo hướng hiện đại hóa, được các tổ chức kiểm định có uy tín trên thế giới đánh giá đủ điều kiện để đào tạo theo các bộ chương trình được chuyển giao. Không những thế, các chương trình đào tạo GDNN đã ngày càng được hoàn thiện phù hợp hơn so với nhu cầu của người sử dụng lao động. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, học viên sau đào tạo GDNN đều đáp ứng hầu hết các hạng mục kiến thức, kỹ năng của yêu cầu công việc.

Bên cạnh đó, việc tăng cường gắn kết với doanh nghiệp trong tổ chức đào tạo, giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp bước đầu đi vào chiều sâu, hoạt động hiệu quả; cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành khá tốt trong thực tiễn… Các địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động hơn, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Tại Diễn đàn quốc gia“Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” tháng 11/2019 tại Hà Nội, đã có 30 tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia ký kết, hợp tác trong các hoạt động GDNN, cùng nhau đào tạo và cung ứng hàng trăm nghìn lao động. Hầu hết các cơ sở GDNN đều có ký kết hoặc chương trình phối hợp trong đào tạo và tuyển dụng... Nhờ vậy đã tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong suốt quá trình tuyển sinh, đào tạo, đánh giá và việc làm sau tốt nghiệp của các học viên.

Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN

Có thể thấy, với những nỗ lực trong đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trong đào tạo nguồn nhân lực của nước ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã, đang tham gia sâu vào quá trình hội nhập khu vực và quốc tế, cùng với các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) giữa các nước ASEAN về tiêu chuẩn, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp... và dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức cho kinh tế Việt Nam nói chung và GDNN nói riêng. Chính vì vậy, quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN ngày càng đòi hỏi phải có tầm nhìn xa, toàn diện, liên ngành, liên lĩnh vực trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Với mục tiêu tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng tuyển sinh, chất lượng đào tạo và hiệu quả của GDNN, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong thông tin và truyền thông, tạo sự chuyển biến về nhận thức, sự đồng thuận và huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Theo đó, một số giải pháp cụ thể được đề xuất:

Đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN phải đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả giữa tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển GDNN, tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDNN nhằm khuyến khích năng lực chủ động, sáng tạo của các cơ sở GDNN, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong phát triển GDNN. Phát triển hệ thống GDNN với nhiều phương thức và trình độ đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng ứng dụng, thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động. Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo (đa ngành, chuyên ngành), vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; tập trung nguồn lực đầu tư một số cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm đã được quy hoạch theo các cấp độ (quốc tế, khu vực ASEAN và quốc gia) và các cơ sở GDNN chuyên ngành, các nhóm đối tượng đặc thù. Khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của doanh nghiệp và có vốn đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, một trong những hướng phát triển bền vững của GDNN chính là tăng cường gắn kết với thị trường lao động và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng hoạt động dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn về nhu cầu nguồn nhân lực, nhu cầu việc làm và nhu cầu đào tạo theo lĩnh vực, ngành nghề, cấp trình độ đào tạo; hình thành cơ sở dữ liệu về cung cầu thị trường lao động.

Ngoài ra, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN. Phát huy vai trò của các đơn vị sử dụng lao động, người sử dụng lao động, hiệp hội nghề nghiệp trong đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Hình thành mối quan hệ chặt chẽ giữa cơ sở GDNN và các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm, hội chợ việc làm nhằm hỗ trợ người học tìm việc làm sau tốt nghiệp. Tạo điều kiện phát triển tinh thần khởi nghiệp trong các cơ sở GDNN.

Để khắc phục những vướng mắc và hiện thực hóa mục tiêu đề ra, hiện Bộ Lao động, Thương binh và   Xã hội đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng: Tầng cơ sở GDNN chất lượng cao được Nhà nước đầu tư trọng điểm; Tầng  cơ sở GDNN  tự chủ gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp; Tầng cơ sở GDNN đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt… Hi vọng rằng, với những nỗ lực và triển khai đồng bộ các giải pháp căn bản, cùng sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ sở GDNN, cộng đồng doanh nghiệp… lĩnh vực GDNN ở nước ta sẽ ngày càng phát triển, khẳng định vai trò tiên phong trong tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động và xã hội theo hướng bền vững, hội nhập./.

ThS. Phạm Thị Thu Hiền

Đại học Công nghiệp Hà Nội