Những phong tục truyền thống đem lại may mắn cho năm mới

|

Những phong tục truyền thống đem lại may mắn cho năm mới

Tục trưng đào, quất, mai

Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, các gia đình miền Bắc thường chọn mua hoa đào để trưng trong nhà. Loại đào phổ biến nhất và được ưa chuộng nhất là đào bích với bông to, nhiều cánh, màu đậm. Sắc hồng thắm tươi của hoa đào mang tới không khí mùa xuân tươi vui, vừa có ý nghĩa xua đuổi tà ma, đem lại may mắn cho năm mới.

Bên cạnh cây đào, cây quất cũng là một nét đặc trưng không thể thiếu trong ngày Tết của người dân miền Bắc. Một cây quất đẹp phải là quất tứ quí, có tán đẹp, lá xanh mướt, hoa lộc đầy đủ, có cả quả vàng lẫn quả xanh, tượng trưng cho sự trù phú, tài lộc, ăn nên làm ra.

Ở miền Nam, do đặc trưng khí hậu, người dân thường chơi mai thay cho đào, quất. Màu vàng tươi sáng của hoa mai là biểu tượng của sự vinh hiển, thành đạt, sinh sôi nảy nở. Người dân thường chọn cây có nhiều nụ và lộc trước Tết, do quan niệm hoa nở đúng lúc giao thừa hay sớm mùng Một sẽ mang lại nhiều may mắn, thịnh vượng và hạnh phúc cho gia đình trong năm đó. Hoa mai thông thường 
có 5 cánh, nhưng có những bông 6-7, thậm chí là 10 cánh. Cây càng nhiều bông, nhiều cánh thì gia chủ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới.
 
Bày mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả là phong tục không thể thiếu của người dân Việt Nam trong dịp đón năm mới. “Ngũ” là số 5, con số biểu trưng của sự sống như ngũ hành, ngũ vị, ngũ sắc, ngũ tạng... Quả (trái cây) thể hiện sự sung túc, dồi dào, ra hoa kết trái. Mỗi miền, mỗi vùng có một cách bày ngũ quả khác nhau, nhưng đều chọn các loại quả có ý nghĩa đặc biệt.

Người miền Nam thường bày các loại quả chính là mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, đọc chệch thành “cầu vừa đủ xài” với mong muốn có một năm mới nhiều tài lộc và thêm quả sung tượng trưng cho sự sung mãn về sức khỏe, tiền bạc. Ngoài ra, mâm còn có thêm các loại quả đẹp mắt như dưa hấu, táo, đào tiên...

Mâm ngũ quả của miền Bắc không thể thiếu nải chuối xanh, tượng trưng cho mùa xuân, hành mộc và có ý nghĩa như bàn tay che chở, bao bọc, hứng lấy may mắn. Quả phật thủ hay quả bưởi là hành thổ, cầu mong phúc lộc đầy nhà. Các loại quả đỏ như cam, quýt, hồng thể hiện hành hỏa, quả trắng như roi, đào là hành kim và quả đen như mận, hồng xiêm, nho tượng trưng cho hành thủy. Mâm ngũ quả viên mãn, tròn đầy, đủ ngũ hành cho mọi sự thuận lợi, hanh thông, may mắn.

Xông đất

Xông đất lấy may đầu năm là một trong những phong tục cổ truyền có từ rất lâu đời của dân tộc ta. Người Việt Nam có quan niệm người đầu tiên đến nhà sau giao thừa hay sáng mùng Một Tết sẽ quyết định vạn sự cả năm cho chủ nhà. Người được gia chủ mời xông đất thường là người hợp tuổi, khỏe mạnh, thành đạt, xởi lởi, tốt tính, với mong ước họ sẽ đem lại may mắn cho cả gia đình.

Mừng tuổi, chúc thọ đầu năm

Đầu năm mới là dịp con cháu quây quần bên ông bà, bố mẹ để chúc Tết, mừng thọ, bày tỏ lòng hiếu thảo và kính trọng người lớn tuổi trong gia đình. Những lời chúc Tết thường là sức khỏe, phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn, mọi ước muốn đều thành công… Bên cạnh đó, theo quan niệm của người xưa, cứ năm mới tới mỗi người tăng lên một tuổi bởi vậy ngày mồng Một Tết là ngày các con, cháu chúc thọ ông bà và người cao tuổi trong gia đình, cũng là dịp để mừng cho con trẻ thêm tuổi mới thêm trưởng thành. Trong dịp này, các thành viên trong nhà cũng thường lì xì cho nhau những phong bao đỏ với chút tiền để lấy may mắn đầu năm. Đây là một phong tục rất đẹp của người Việt mỗi khi Tết đến, xuân về.

Xuất hành đầu năm

Sau khi chúc Tết trong gia đình, cả nhà sẽ xuất hành đi chúc Tết họ hàng, hàng xóm, bạn bè. Xuất hành là lần đi ra khỏi nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta tin rằng hướng đi này sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của mỗi người trong năm sắp tới. Vì vậy, trước khi xuất hành, một số người chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý nhân, tài thần, hỉ thần…

Xin chữ đầu xuân

Xin chữ đầu năm là một một nét đẹp văn hóa của người Việt, tượng trưng cho truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa. Người dân thường tới nhà các cụ cao niên, đền chùa hoặc Văn Miếu để xin những chữ có ý nghĩa tốt đẹp như Phúc, Lộc, Đức, Trí... nhằm cầu mong một năm mới may mắn, như ý. Nét chữ uyển chuyển, hoa mĩ trên nền giấy đỏ hoặc vàng vừa có ý nghĩa động viên tinh thần, vừa là bức tranh phúc lộc đem lại không khí trang trọng cho ngày xuân.

 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Mua muối đầu năm

“Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” là một quan niệm quen thuộc với nhiều người mỗi dịp năm hết Tết đến. Người xưa quan niệm muối là thứ mặn, chống xú uế, xua đuổi tà ma và đem lại nhiều may mắn trong gia đình. Mua muối đầu năm cũng có ý nghĩa trong văn hóa ẩm thực, văn hóa tình cảm, sẽ mang lại sự đậm đà cho các mối quan hệ gia đình, sự hòa thuận giữa vợ chồng, con cái. Do đó, đầu năm người Việt thường mua muối, với mong ước năm mới an lành, thịnh vượng, mọi người trong nhà hòa hợp, gắn bó.

Đi lễ chùa và hái lộc cầu may

Với mong muốn tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ và cầu mong những may mắn, hạnh phúc trong năm mới, vào đêm Ba mươi Tết, sau khoảnh khắc giao thừa vừa đến hoặc sang 
năm mới, mọi người lại rủ nhau đi lễ chùa, cầu may. Đầu năm, người dân cũng thường thực hiện các chuyến du xuân tới nhiều điểm hành hương nổi tiếng để cầu mong gia đình được an khang, thịnh vượng.
 
Ngoài tục lễ chùa, người Việt còn có tục hái lộc vào đêm giao thừa. Theo quan niệm của người xưa, không có loài nào sinh sôi nảy nở và có sức sống mãnh liệt như loài cây. Mỗi độ Xuân về, những chồi non nhú lên thể hiện sức sống tràn đầy sinh lực. Do đó, mọi người đi hái lộc đêm giao thừa là để cầu mong có được sức sống dẻo dai, mạnh khỏe và có ích như loài cây. Cành lộc được chọn thường là loại cây có phong cách, dáng dấp của người quân tử, thể hiện được sự bao dung và nhân ái. Cũng theo phong tục cổ truyền và quan niệm của người xưa, lộc Xuân hái từ những cây như đa, sung, xanh, si sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp nhất. Còn hái lộc từ cây tùng, cúc, trúc, mai sẽ mang lại niềm vui, hạnh phúc và sức khỏe cho mọi người trong gia đình. Ngày nay, tục hái lộc đã có nhiều đổi khác, lộc xuân có thể là mua vài cây mía, cành hoa hải đường hay cành phất lộc để đem may mắn về nhà cho gia đình./.
 
Tiến Long