Đất nước Việt Nam trải qua hàng ngàn năm hình thành và phát triển với nền văn minh lúa nước lâu đời. Một trong những nét văn hóa đặc sắc của nền nông nghiệp còn tồn tại đến ngày nay chính là lễ hội Tịch điền với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hướng về nguồn cội, đề cao vai trò, vị thế của sản xuất nông nghiệp xuyên suốt ngàn năm.
Có dịp về mảnh đất Đọi Sơn thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam những ngày đầu năm, du khách không khỏi háo hức với không khí rộn ràng, sắc màu rực rỡ của lễ hội xuống đồng lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ - Lễ hội Tịch điền. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Tương truyền, Lễ hội Tịch điền có nguồn gốc xa xưa, từ thời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), nhà vua vốn là người coi trọng nông nghiệp và sống gần gũi với muôn dân. Nhận thấy vùng núi Đọi sông Châu có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư nên sau khi lên ngôi, vào mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành đã cùng bá quan trực tiếp cày ruộng ở xã Đọi Sơn để khuyến khích nhân dân mở mang nông trang, ổn định cuộc sống. Hình ảnh nhà vua uy nghi, quyền thế đích thân cày ruộng đã để lại những ý nghĩa tốt đẹp cho dân tộc, thể hiện sự gần gũi, thấu hiểu của người cai trị đất nước với muôn dân, mong muốn khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn. Đồng thời, mỗi người đều có thể nhận thấy sự coi trọng của người đứng đầu đất nước với nông nghiệp và người nông dân. Đây cũng là một việc làm hiếm gặp từ tầng lớp quý tộc, quan lại và vua chúa thời bấy giờ.
Có dịp về mảnh đất Đọi Sơn thuộc huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam những ngày đầu năm, du khách không khỏi háo hức với không khí rộn ràng, sắc màu rực rỡ của lễ hội xuống đồng lớn nhất khu vực đồng bằng Bắc Bộ - Lễ hội Tịch điền. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch hàng năm.
Tương truyền, Lễ hội Tịch điền có nguồn gốc xa xưa, từ thời vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn), nhà vua vốn là người coi trọng nông nghiệp và sống gần gũi với muôn dân. Nhận thấy vùng núi Đọi sông Châu có vị trí chiến lược quan trọng đối với kinh đô Hoa Lư nên sau khi lên ngôi, vào mùa Xuân năm Đinh Hợi (987), vua Lê Đại Hành đã cùng bá quan trực tiếp cày ruộng ở xã Đọi Sơn để khuyến khích nhân dân mở mang nông trang, ổn định cuộc sống. Hình ảnh nhà vua uy nghi, quyền thế đích thân cày ruộng đã để lại những ý nghĩa tốt đẹp cho dân tộc, thể hiện sự gần gũi, thấu hiểu của người cai trị đất nước với muôn dân, mong muốn khuyến khích người dân chăm chỉ làm ăn. Đồng thời, mỗi người đều có thể nhận thấy sự coi trọng của người đứng đầu đất nước với nông nghiệp và người nông dân. Đây cũng là một việc làm hiếm gặp từ tầng lớp quý tộc, quan lại và vua chúa thời bấy giờ.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, nguồn Internet
Cũng trong lần xuống ruộng cày đầu xuân năm 987, nhà vua đã bắt được chum vàng, năm sau đó (năm 988) nhà vua lại bắt được chum bạc khi thực hiện lễ Tịch điền ở xã Bàn Hải, vì thế những thửa ruộng này được gọi là Kim Điền và Ngân Điền. Cũng từ đó, vào đầu xuân mỗi năm, nhà vua lại ra đồng cày ruộng, làm lễ Tịch điền để cầu được mùa, mở ra một tục lệ vừa thiêng liêng, vừa mang đậm ý nghĩa nhân văn. Lễ Tịch điền được duy trì qua nhiều đời vua Lý, Trần, hậu Lê; đặc biệt dưới thời đại của triều Nguyễn, nghi lễ có nhiều “niêm luật” cụ thể, được tổ chức quy mô do bộ Lễ chủ trì và đến thời vua Khải Định thì nghi lễ bị gián đoạn.
Cho tới ngày nay, nông nghiệp vẫn luôn chiếm giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là sản xuất lúa gạo ngày càng phát triển không chỉ đem lại giá trị kinh tế mà còn khẳng định thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế. Từ một quốc gia phải nhập khẩu ngũ cốc về làm lương thực, đến nay, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thậm chí gạo ST25 của Việt Nam sản xuất còn được đánh giá là hạt gạo có chất lượng ngon nhất thế giới. Chính vì vậy, để tôn vinh ngành nông nghiệp và khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa nông nghiệp lâu đời, từ năm 2009, Lễ hội Tịch điền được tái hiện trở lại.
Trong nghi lễ Tịch điền, một lão nông đạo mạo, có sức khỏe tốt, có kinh nghiệm cày ruộng và phải là thành viên của gia đình văn hóa sẽ tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành bước lên lễ đài khấn cáo vua Lê và Thần Nông. Sau đó, lão nông sẽ đội mũ Cửu Long, mặc áo Hoàng Bào xuống ruộng đi cày. Theo thứ tự, vua Lê Đại Hành sẽ cầm cày dẫn trâu cày 3 sá ruộng, rồi tới lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo tỉnh cày 5 sá, lãnh đạo huyện cày 7 sá, lãnh đạo xã và cuối cùng là các bô lão cày 9 sá. Theo sau các đường cày là các cô gái trong trang phục truyền thống cầm theo hạt giống gieo xuống các luống cày, đồng thời các màn múa rồng làm tăng thêm phần sôi động cho lễ hội.
Không gian văn hóa của Lễ hội Tịch điền vẫn giữ nguyên các nghi lễ truyền thống cùng các trò chơi dân gian; trong đó, một trong những hoạt động đặc sắc trong Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được nhắc đến chính là hội thi vẽ trang trí trâu. Hội thi vẽ trang trí trâu trong khuôn khổ Lễ hội Tịch điền thu hút rất nhiều họa sĩ của các tỉnh lân cận thậm chí có cả họa sĩ nước ngoài cùng thỏa sức sáng tạo với những gam màu sắc sặc sỡ, hình ảnh độc đáo, ấn tượng trên mình trâu. Những chú trâu tham gia hội thi được lựa chọn từ các xã với tiêu chí có hình dáng đẹp, béo khỏe và hiền lành. Trâu đoạt giải trong hội thi vẽ sẽ tham gia nghi lễ Tịch điền, được đóng cày xuống ruộng vào sáng mùng 7 tháng Giêng Âm lịch. Qua đó, hình ảnh “con trâu là đầu cơ nghiệp” trong văn hóa nông nghiệp cũng như giá trị, vai trò của con trâu đối với nhà nông một lần nữa được khẳng định.
Có thể thấy, Lễ hội Tịch điền đem theo thông điệp như lời nhắc nhở của các bậc tiền nhân đến thế hệ ngày nay, cần phải nhớ đến công ơn của cha ông trong việc khai phá ruộng đồng, trồng cấy lúa ngô, hoa màu, chú trọng hoạt động sản xuất nông nghiệp. Lễ hội diễn ra vào đầu năm với mong muốn cầu an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi để người nông dân có một năm được mùa, giúp cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.
Minh Hà