Những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam không ngừng phát triển, đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế Việt Nam. Trong xu hướng khởi nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực thì nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu hướng này. Nắm bắt cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 trên toàn thế giới, bằng trí tuệ và đam mê với mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, nhiều startup trẻ đang tạo ra sự thay đổi về diện mạo mới cho nông thôn, góp phần hiện đại hóa các khâu trong sản xuất nông nghiệp hướng tới nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Xu hướng khởi nghiệp trong nông nghiệp
Lĩnh vực nông nghiệp với đa dạng ngành nghề được xem là mảnh đất giàu tiềm năng và nhiều dư địa để các bạn trẻ khai thác trên con đường lập nghiệp. Khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp những năm qua, cho thấy xu hướng nhiều bạn trẻ tốt nghiệp tại các trường đại học không chọn làm việc tại các doanh nghiệp trong thành phố mà trở về quê hương tận dụng nguồn tài nguyên bản địa để khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Xu hướng trở về quê khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của các bạn trẻ đã thổi một luồng gió mới vào nền nông nghiệp với việc tạo ra những mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả. Điển hình là mô hình sản xuất mật dừa mang tên “Sokfarm” (tiếng Khmer có nghĩa là “Nông nghiệp hạnh phúc”) của chị Thạch Thị Chal Thi ở thị trấn Tiểu Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Công nghệ Thực phẩm và đi làm một thời gian để tích luỹ kinh nghiệm, chị Thạch Thị Chal Thi quyết định trở về khởi nghiệp tại quê nhà. Với tư duy nhạy bén của một kỹ sư được đào tạo bài bản, chị Chal Thi nhận ra tiềm năng lớn từ cây dừa. Tháng 7/2019, chị Chal Thi thành lập doanh nghiệp chuyên sản xuất mật dừa mang tên Sokfarm. Doanh nghiệp xác định hướng đi phù hợp là phải tạo được sản phẩm mới và khác biệt, đến nay, “Sokfarm” sản xuất hơn 1,5 tấn mật thành phẩm mỗi tháng, doanh thu 500 triệu đồng. Doanh nghiệp đang tạo công ăn việc làm cho gần 20 công nhân với mức lương trên 5 triệu đồng/tháng, đồng thời mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ trồng dừa. Đặc biệt, sản phẩm của Sokfarm đã bắt đầu thâm nhập thị trường nước ngoài. Thạc sĩ Thạch Thị Chal Thi cho biết: Doanh nghiệp sẽ chuyển giao kỹ thuật thu mật cho một số nhà vườn, để bà con tự khai thác mật cung cấp cho công ty. Với cách làm này chị Chal Thi mong muốn bà con sẽ có thu nhập nhiều hơn và doanh nghiệp của chị cũng thu được mật nhiều hơn.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Cũng khởi nghiệp bằng nông sản đặc trưng của địa phương, năm 2015, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Lưu Lập Đức (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), trở về với ước mơ nâng cao giá trị các loại nông sản đặc trưng của quê hương, anh Đức đã lựa chọn con đường khởi nghiệp bằng việc phát triển nông nghiệp sạch áp dụng kỹ thuật công nghệ cao. Với diện tích 5ha, anh Đức áp dụng kỹ thuật công nghệ cao để trồng các loại rau, củ hành tây, khoai lang, cà chua, su hào, hành lá… Lứa thu hoạch đầu tiên mang đi giới thiệu tại các cơ sở ở TP. Hồ Chí Minh, sản phẩm của anh Đức đã được chấp nhận liên kết để tiêu thụ. Để mở rộng quy mô sản xuất và tăng năng suất chất lượng, anh Đức nhanh chóng tìm đến các hộ nhà vườn có quy mô canh tác khá trong tỉnh đặt hàng theo hướng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản. Năm 2019, anh Đức thành lập Công ty TNHH Agri Đức Tiến chuyên phân phối nông sản tiêu chuẩn VietGap nhằm vươn ra các thị trường lớn ở trong nước. Doanh thu hàng năm của công ty Đức Tiến đạt 30 tỷ đồng. Công ty tạo việc làm thường xuyên cho gần 40 lao động với mức thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Thành Luận ở xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam sau khi tốt nghiệp Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, anh Luận không theo nghiệp thể thao mà trở về quê khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm Đông trùng hạ thảo. Năm 2018, anh Luận đầu tư thiết bị, giống và dựng trại để xây dựng mô hình trồng nấm ở quê nhà. Đến nay, Hợp tác xã nấm Đông trùng hạ thảo của anh Luận có quy mô 80.000 phôi nấm, doanh thu mỗi năm đạt trên 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Thành công của các bạn trẻ đã tạo động lực, niềm tin để những thanh niên tại nông thôn quyết tâm sáng tạo trên con đường khởi nghiệp. Nhiều thanh niên nông thôn đã lựa chọn hướng đi đúng, mạnh dạn đầu tư các mô hình mới, áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả sản xuất, qua đó đã góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn. Anh Nguyễn Việt Thế, dân tộc Tày ở Tiểu khu 3, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn là một điển hình cho phong trào thanh niên nông thôn quyết tâm sáng tạo trên con đường khởi nghiệp tại quê nhà. Quyết định gắn bó với mảnh ruộng và làm giàu trên chính ruộng đất quê mình, năm 2017, sau thời gian tìm hiểu, anh Nguyễn Việt Thế vận động thêm một số thanh niên địa phương thành lập Tổ hợp tác trồng rau sạch. Kết quả sau vài vụ, sản phẩm rau xanh của Tổ hợp tác Trồng rau sạch cùa anh Thế đã được biết đến rộng rãi và hiện mỗi năm Tổ hợp tác của anh Thế thu về gần 500 triệu đồng.
Nông nghiệp được xem là lợi thế đặc biệt của Việt Nam và khởi nghiệp là phương thức thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Những năm qua, cùng với xu hướng phong trào thanh niên khởi nghiệp đang phát triển mạnh hiện ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nhiều doanh nghiệp đã thực hiện đầu tư có hiệu quả. Đơn cử, Công ty Thực phẩm G.C (G.C Food) được biết tới là một nhà sản xuất sản phẩm nha đam lớn nhất Việt Nam, một doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thành công tiêu biểu từ Đồng Nai. Thành lập năm 2011 với việc sản xuất, bán buôn các sản phẩm từ nông sản như: Nha đam, dừa, nho, táo, dưa lưới... G.C Food đã có 2 nhà máy, một tại Khu công nghiệp (KCN) Hố Nai, huyện Trảng Bom và một tại KCN Thành Hải, tỉnh Ninh Thuận và một hệ thống trang trại của G.C Food. Ngoài các khách hàng lớn trong nước như: Vinamilk, NutiFood, TH True Milk... G.C Food còn xuất khẩu sản phẩm sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu, Mỹ. Mục tiêu của G.C Food hướng tới nâng tầm giá trị cho nông sản Việt, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, yêu cầu cao của các nước tiên tiến như: Âu, Mỹ.
Thành công của doanh nghiệp và các bạn trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian qua đã khẳng định chủ trương khuyến khích, tạo dựng tinh thần khởi nghiệp là hướng đi đúng. Bằng sự đam mê và quyết tâm dám nghĩ, dám làm, với những cách làm, xu hướng khởi nghiệp mới mẻ trong lĩnh vực nông nghiệp, các startup trẻ đang xây dựng những mô hình góp phần tạo ra nền kinh tế nông nghiệp ở địa phương, giúp nền nông nghiệp từng bước chuyển mình theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp với nhiều gam màu mới.
Tính đến năm 2020, Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025” đã đồng hành cùng hơn 100 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển kế hoạch triển khai tại 53 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, hỗ trợ gần 2.000 dự án, 500 doanh nghiệp khởi nghiệp. Việt Nam có hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp và 108 quỹ đầu tư mạo hiểm. Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đứng ở vị trí thứ 59 trên thế giới theo bảng xếp hạng của Trung tâm Nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu Startup Blink bình chọn.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong nông nghiệp
Thị trường ngành nông nghiệp ngày càng phát triển mạnh mẽ; có nhiều tiềm năng trong tương lai, phong trào thanh niên khởi nghiệp trong nông nghiệp phát triển rất mạnh và ngày càng có nhiều các mô hình, dự án của thanh niên ứng dụng những công nghệ mới, cách làm mới, cách sản xuất mới để cải tạo, canh tác trên những vùng đất của gia đình hướng tới phát triển kinh tế. Tuy nhiên, để khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp thành công, ngoài niềm đam mê và quyết tâm các startup cần phải tính đường dài khi phải biết sản phẩm mình làm ra bán ở đâu, làm thế nào để có giá cả cạnh tranh và phải làm chủ được công nghệ, quy trình sản xuất có như vậy các startup mới có thể trụ vững ở thị trường.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hiện nay, Việt Nam có khá nhiều mặt hàng nông sản được yêu thích tại thị trường quốc tế như: Bưởi Năm roi, thanh long, sầu riêng, gạo, hồ tiêu, thủy sản,... Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp thời gian qua đã mạnh dạn đưa các sản phẩm vùng miền, sản phẩm truyền thống của các dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Đây là một trong những yếu tố giúp làm gia tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông sản khởi nghiệp.
Trước làn sóng khởi nghiệp và sáng tạo, Chính phủ đã rất nỗ lực xây dựng hệ thống pháp lý nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Thực tế đã có rất nhiều chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được áp dụng trong lĩnh vực nông nghiệp như: Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 844/ QÐ-TTg phê duyệt Ðề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025". Ðây là văn bản chính sách đầu tiên, bao quát nhất và là nền tảng về chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam; Tiếp đến là Nghị định số 38/2018/NÐ-CP về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Các nội dung được quy định tại nghị định này đã tạo khung pháp lý cơ bản cho hoạt động khởi nghiệp; Đặc biệt, ngày 1/1/2018, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chính thức có hiệu lực. Theo đó, các hình thức hỗ trợ đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thu hút đầu tư, tư vấn về sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại, kết nối mạng lưới liên kết, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đã chính thức được luật hóa.
Bên cạnh những quyết sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp khởi nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ cũng đề xuất và Bộ Khoa học và Công nghệ đã thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, thống nhất và xây dựng mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia.
Ngoài ra, để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương có nhiều giải pháp để quảng bá sản phẩm, kết nối cung cầu, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm. Trong đó, phải kể đến việc tham gia ký kết và triển khai có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế mới (FTA) với nhiều đối tác. Trong các hiệp định song phương, đa phương Việt Nam đã ký kết, các doanh nghiệp khởi nghiệp có cơ hội rất lớn với thị trường quốc tế khi các nước đối tác đều dành riêng một phần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp tục đồng hành với phong trào khởi nghiệp của các bạn trẻ, Đoàn Thanh niên phối hợp các cơ quan chuyên môn tập huấn cho đội ngũ thanh niên những kiến thức cơ bản trong phát triển mô hình khởi nghiệp, xây dựng sản phẩm, liên kết bán hàng.
Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai Đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong việc hỗ trợ nông dân khởi nghiệp sáng tạo, giai đoạn 2020- 2025” đáp ứng xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ. Theo đó, những năm qua, các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức các hoạt động hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, sáng tạo như: Tọa đàm về các giải pháp giúp nông dân khởi nghiệp; tư vấn cho hội viên nông dân phương hướng sản xuất kinh doanh; lựa chọn loại giống cây, con chủ lực theo quy hoạch để phát huy thế mạnh; phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo nghề nhằm trang bị tri thức, kỹ năng cần thiết cho hội viên nông dân khi bắt đầu khởi nghiệp; cung cấp các kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh, các dịch vụ hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất như: Vật tư nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản, kết nối thị trường tiêu thụ; đặc biệt là việc hỗ trợ nguồn vốn tín dụng cần thiết từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân và các ngân hàng giúp nông dân có vốn khởi nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ…
Với khát vọng và niềm đam mê của tuổi trẻ, sự nhạy bén và khả năng tiếp cận được với kiến thức mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cùng với đó Việt Nam có một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận và ngày càng phát triển mạnh mẽ đang tạo ra những thuận lợi cho các bạn trẻ và doanh nghiệp khi khởi nghiệp vào nông nghiệp./.
Minh Đạt