Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thiết lập cột mốc mới

|

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài thiết lập cột mốc mới

Theo báo cáo Đầu tư nước ngoài năm 2019 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển của Liên hợp quốc (UNCTAD), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu năm 2018 đạt 1.300 tỷ USD, giảm 13% so với năm 2017 (1500 tỷ USD). Sự giảm sút FDI là do khá nhiều công ty đa quốc gia (MNE) Mỹ hồi hương từ nước ngoài để hưởng chính sách ưu đãi thuế của Chính phủ trong khi một số nước phát triển giảm đầu tư ra nước ngoài. Bước sang năm 2019, FDI của các nước phát triển phục hồi khi hiệu ứng cải cách thuế của Mỹ giảm dần, tuy vậy, xu hướng tăng FDI toàn cầu được nhận định là không cao do bị chi phối bởi các yếu tố như rủi ro địa chính trị, căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc leo thang và chính sách bảo hộ mậu dịch.
 
Trong bối cảnh đó, thu hút FDI vào Việt Nam năm 2019 vẫn đạt kết quả tích cực và là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế cả nước. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/12/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 38 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, có 3.883 dự án mới được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 16,7 tỷ USD, tuy giảm 6,8% về số vốn đăng ký song tăng 27,5% số dự án so với năm 2018; 1.381 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm là 5,8 tỷ USD, giảm 23,6% và 9.842 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà ĐTNN với tổng giá trị vốn góp 15,5 tỷ USD, tăng 56,4%. Tuy nhiên, xu hướng mới trong thu hút FDI năm vừa qua là vốn đăng ký mới và vốn đăng ký điều chỉnh có xu hướng giảm trong khi vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần tăng rất mạnh, giúp “kéo” tổng vốn đầu tư nước ngoài tăng so với năm trước. Điều này thể hiện ở quy mô vốn đăng ký bình quân của dự án mới giảm từ 5,9 triệu USD năm 2018 xuống còn 4,3 triệu USD năm 2019. Quy mô điều chỉnh mở rộng vốn của các dự án nhỏ cũng giảm từ mức bình quân của năm 2018 là 6,5 triệu USD/lượt điều chỉnh xuống bình quân 4,2 triệu USD/lượt điều chỉnh.
 
 
Năm 2019 lần đầu tiên vốn FDI thực hiện đạt cột mốc mới 20,4 tỷ USD, tăng 6,7% so năm trước. Trong bối cảnh suy giảm chung của dòng FDI toàn cầu, việc vẫn duy trì được mức tăng trưởng vốn thực hiện là thành quả đáng khích lệ.
 
Trong năm vừa qua, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút lượng vốn FDI lớn nhất với tổng số vốn đạt gần 24,6 tỷ USD, chiếm 64,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đây cũng là lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong vốn đăng ký cả về đăng ký vào các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng và góp vốn, mua cổ phần. Tổng số vốn đăng ký cấp mới của các dự án thuộc lĩnh vực này đạt 12,1 tỷ USD, chiếm 72,2% tổng số vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm đạt 17,5 tỷ USD, chiếm 77,5% tổng vốn đăng ký. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 7,1 tỷ USD, chiếm 45,8% tổng giá trị góp vốn. Tiếp đến là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản; ngành bán buôn, bán lẻ, hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ…
 
Cũng theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, năm 2019 có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó có 81 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam. Hàn Quốc dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 7,9 tỷ USD, chiếm 20,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam và vốn đăng ký cấp mới là gần 3,7 tỷ USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới. Đứng vị trí thứ hai là Hồng Kông với tổng vốn đầu tư 7,87 tỷ USD và 2,81 tỷ USD cấp mới. Tiếp theo đó là Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc... Trong đó, đầu tư từ Trung Quốc, Hồng Kông có xu hướng tăng so với cùng kỳ do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Cụ thể, đầu tư từ Trung Quốc tăng gần 1,65 lần, từ Hồng Kông tăng 2,4 lần so với cùng kỳ 2018.
 
Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất trong 62 tỉnh thành phố đón dòng vốn FDI trong năm qua. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh...
 
Nhìn lại tình hình thu hút FDI năm vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện rất tốt việc tăng cường nội lực để có thể ứng phó với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn từ bên ngoài. Giới truyền thông quốc tế cũng đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á.
 
Năm 2020, dòng vốn FDI vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ 7-8%, đạt 23-24 tỷ USD, chiếm 22-23% tổng vốn đầu tư xã hội. Cơ sở của dự báo trên là do hiện đang có nhiều nhà đầu tư Mỹ, châu Âu và châu Á chuyển xí nghiệp từ Trung Quốc về nước hoặc sang nước thứ ba. Khi đó, Việt Nam đang nằm trong sự lựa chọn hàng đầu của nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh và đầu tư của Việt Nam ngày một thông thoáng và một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực./.
Một số dự án FDI lớn trong năm 2019
Dự án góp vốn, mua cổ phần của Beerco Limited (Hồng Kông) vào công ty TNHH Vietnam Beverage, giá trị vốn góp là 3,85 tỷ USD với mục tiêu chính là sản xuất bia và mạch nha ủ men bia tại Hà Nội.
Dự án Công ty TNHH Techtronic Tools (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư đăng ký 650 triệu USD với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất và Trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất các phụ kiện, thiết bị điện cầm tay thông minh dùng trong ngành công nghiệp và dân dụng tại TP. Hồ Chí Minh.
Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - trường đua ngựa (Hàn Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 420 triệu USD với mục tiêu xây dựng trường đua ngựa; tổ chức hoạt động đua ngựa; tổ chức đặt cược đua ngựa; Thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa; xây dựng, kinh doanh khách sạn và biệt thự 3 sao; xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình dân dụng khác tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 410 triệu USD.
Dự án Công ty TNHH Wanna Explore Travel (Ai Cập), tổng vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD, đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh với mục tiêu thực hiện dịch vụ đại lý lữ hành - Điều hành tour du lịch và hoạt động dịch vụ hỗ trợ trực tiếp khác cho vận tải hàng không.
Dự án chế tạo lốp xe Radian toàn thép ACTR (Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 280 triệu USD đầu tư tại Tây Ninh, với mục tiêu sản xuất lốp xe toàn thép TBR.
Dự án Nhà máy sản xuất Màn hình LCD-Qisda Việt Nam (Đài Loan), tổng vốn đầu tư đăng ký 263 triệu USD đầu tư tại Hà Nam với mục tiêu sản xuất màn hình tinh thể lỏng LCD.

 
B.N (tổng hợp)