Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26

|

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26

Đây là hội nghị thường niên cấp Bộ trưởng phụ trách kinh tế đầu tiên trong năm, là dịp quan trọng để các Bộ trưởng Kinh tế 10 nước ASEAN trao đổi, thống nhất định hướng lớn và các ưu tiên hợp tác kinh tế ASEAN năm 2020, hướng tới hoàn thành Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025.

Tại Hội nghị AEM hẹp lần thứ 26, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đã chính thức thông qua 12 đề xuất về sáng kiến, ưu tiên hợp tác kinh tế của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Với sáng kiến còn lại liên quan đến giảm cước chuyển vùng quốc tế, các Bộ trưởng cũng thông qua nhưng giao các cơ quan chuyên môn cần làm rõ thêm một số vấn đề kỹ thuật trước khi có thể triển khai chính thức.


 

Ảnh minh họa, nguồn Internet

Các sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 tập trung vào các lĩnh vực như: Thương mại điện tử, thương mại hàng hóa, năng lượng, công nghệ thông tin, nông nghiệp, phát triển bền vững, tài chính, thống kê, đổi mới sáng tạo…, được xây dựng theo 3 định hướng gồm: (i) thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực nội khối ASEAN; (ii) đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững và (iii) nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Việc thông qua các sáng kiến ưu tiên này là một kết quả quan trọng giúp khẳng định vai trò của ASEAN hướng tới củng cố khối đoàn kết khu vực, tăng cường sức mạnh nội khối, nâng cao vai trò của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đồng thời chủ động ứng phó trước với các cơ hội và thách thức đang nổi lên từ bối cảnh khu vực và toàn cầu.

Đặc biệt, với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vai trò chủ động thích ứng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN được Việt Nam thể hiện thông qua đề xuất đưa ra một Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng nhằm duy trì chuỗi cung ứng và khả năng phục hồi kinh tế của ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đến sức khoẻ người dân mà còn đến nền kinh tế khu vực.

Bên cạnh các sáng kiến ưu tiên theo đề xuất của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Hội nghị cũng đã rà soát và thống nhất các ưu tiên trong chương trình làm việc thường niên năm 2020 trong kênh kinh tế. Danh sách này bao gồm 62 nội dung khác nhau, thuộc các lĩnh vực hàng hóa (gồm thương mại hàng hóa, thuận lợi hóa thương mại, cơ chế một cửa ASEAN, tiêu chuẩn); thương mại dịch vụ; môi trường đầu tư; thuận lợi hóa di chuyển của lao động có tay nghề và khách kinh doanh; chính sách cạnh tranh; bảo vệ người tiêu dùng; thúc đẩy hợp tác về quyền sở hữu trí tuệ; thông lệ tốt; thương mại điện tử; thúc đẩy vai trò của các doanh nghiệp SMEs; ASEAN toàn cầu; số liệu thống kê.

Ngoài ưu tiên thảo luận về hợp tác nội khối, Hội nghị lần này cũng thảo luận tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong hợp tác ngoại khối. Cụ thể, Hội nghị AEM hẹp lần này đã thảo luận định hướng hợp tác liên quan đến một số đối tác cần sớm có định hướng mới như: thời điểm khởi động rà soát Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIGA), hợp tác với Hàn Quốc, Australia và New Zealand...

Tại Hội nghị, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN cũng đã thông qua 6 khuyến nghị của Hội nghị Nhóm Đặc trách cao cấp về Hội nhập kinh tế ASEAN lần thứ 37 (HLTF-EI 37) được tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng 02 năm 2020 tại Hà Nội, trong đó đáng lưu ý là việc (i) nhất trí chỉ đạo các Nhóm công tác chuyên ngành đóng góp tích cực vào quá trình Rà soát giữa kỳ Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025, hướng đến hoàn thành bản báo cáo sơ bộ vào cuối năm nay và bản cuối cùng vào đầu năm 2021; (ii) thông qua mục tiêu ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 theo chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo RCEP là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ giữa ASEAN và các đối tác.

Ngoài ra, bên lề Hội nghị AEM hẹp đã diễn ra Phiên tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN nhằm lắng nghe, trao đổi quan điểm với khu vực tư nhân để ASEAN xây dựng chính sách một cách phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ghi nhận sự cần thiết để thiết lập một nền tảng hợp tác công - tư tích hợp kỹ thuật số cho ASEAN, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa MSMEs chuyển đổi số. Nhờ đó, các doanh nghiệp ASEAN sẽ có cơ hội cạnh tranh với các nền kinh tế lớn khác, cũng như tạo điều kiện cho việc chuyển đổi môi trường doanh nghiệp kỹ thuật số mới.


Trả lời báo chí bên hành lang Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, trong tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới Corona đang diễn biến hết sức phức tạp và nguy hiểm đối với không chỉ riêng Việt Nam mà tất cả các nước ASEAN, Việt Nam đã rất nỗ lực tổ chức Hội nghị để không làm xáo trộn công tác tổ chức và đảm bảo tiến độ các hoạt động Năm ASEAN 2020 do Việt Nam làm Chủ tịch vẫn được duy trì đúng kế hoạch; đồng thời vẫn đảm bảo tất cả các quy định an toàn.

Thu Hường (TH từ nguồn Bộ Công thương)