Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 của Việt Nam tăng cao nhất trong 10 năm

|

Lạm phát cơ bản tháng 01/2023 của Việt Nam tăng cao nhất trong 10 năm

Ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát là mục tiêu mà bất kỳ Ngân hàng Trung ương nào cũng hướng tới. Tuy nhiên, lạm phát thường dễ bị ảnh hưởng của những biến động tạm thời gây ra bởi các cú sốc, có thể là cú sốc đến từ phía cung như biến động của giá dầu hoặc giá lương thực hay cú sốc đến từ phía cầu như nhu cầu hàng hoá tăng mạnh trong các dịp Lễ, Tết. Các cú sốc này khiến tỷ lệ lạm phát gia tăng tạm thời và giảm trở lại khi cú sốc qua đi. Việc thực hiện chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát trở về mức mục tiêu thường phải trả giá bằng việc sản lượng của nền kinh tế bị biến động. Do đó, chính sách tiền tệ không nhất thiết phải phản ứng với những thay đổi giá mang tính tạm thời. Để có thể kiểm soát lạm phát một cách hiệu quả và tránh gây những biến động tiêu cực đối với sản lượng của nền kinh tế, điều quan trọng đối với các Ngân hàng Trung ương là phân biệt rõ yếu tố cơ bản, dài hạn và yếu tố tạm thời của lạm phát, từ đó tập trung vào kiểm soát các yếu tố cơ bản, dài hạn. Xuất phát từ lý luận đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã nghiên cứu và tính toán một thước đo lạm phát phản ánh chính xác hơn sự biến động giá cả mang tính chất dài hạn, được gọi là lạm phát cơ bản. Lạm phát cơ bản là chỉ báo quan trọng về xu hướng dài hạn của lạm phát trong tương lai, đồng thời là thông tin đầu vào vô cùng quan trọng cho quá trình hoạch định và thực thi chính sách tiền tệ.

Lạm phát cơ bản là chỉ tiêu tương đối (tính bằng %) phản ánh sự thay đổi mức giá chung mang tính chất dài hạn, sau khi đã loại trừ những thay đổi mang tính chất ngẫu nhiên, tạm thời của chỉ số giá tiêu dùng. Hiện nay, chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam được tính bằng phương pháp loại bỏ trực tiếp giá 16 nhóm hàng lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và giá do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục trong tổng số 86 nhóm hàng (cấp 3) của chỉ số giá tiêu dùng.

Nguyên nhân làm cho lạm phát cơ bản tháng 01/2023 tăng cao

Lạm phát cơ bản của Việt Nam tháng 01/2023 tăng 5,21% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn mức tăng 4,89% của chỉ số giá tiêu dùng), đây là mức tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Nguyên nhân chủ yếu do Tết Nguyên đán Quý Mão rơi vào tháng 01/2023 nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết, trong khi năm trước, Tết Nguyên đán Nhâm Dần lại tập trung chủ yếu ở tháng Hai. Đồng thời, cùng thời gian này năm 2022 dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng chưa mở cửa hoàn toàn để đón khách du lịch quốc tế. Ngoài ra, các chính sách như hỗ trợ thuế giá trị gia tăng, gia hạn thời hạn nộp thuế, phí… đã hết hiệu lực từ đầu năm 2023 khiến giá cả hàng hóa tăng trở lại. Chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao do giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trong nước và nhập khẩu hiện vẫn ở mức cao cũng đang được phản ánh vào giá cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Chỉ số giá của một số nhóm hàng hóa chủ yếu có tác động làm tăng lạm phát cơ bản tháng 01/2023 như sau:

- Giá nhà ở thuê tăng 9,95% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm lạm phát cơ bản tăng 1,64 điểm phần trăm do trong các tháng đầu năm 2022 giá nhà ở thuê ở mức thấp vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và từ tháng 9/2022 giá nhà ở thuê liên tục tăng cao cho đến nay.

- Giá ăn uống ngoài gia đình tháng 01/2023 tăng 7%, tác động làm lạm phát cơ bản tăng 0,95 điểm phần trăm. Nguyên nhân do dịch Covid-19 được kiểm soát khiến nhu cầu ăn uống ngoài gia đình tăng lên trong khi giá nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao.

- Giá du lịch trọn gói tăng 16,96%, tác động làm lạm phát cơ bản tăng 0,28 điểm phần trăm do giá tour tăng mạnh khi nhu cầu du lịch tăng trong dịp Tết.

- Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 7,04% tác động làm lạm phát cơ bản tăng 0,23 điểm phần trăm do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào.

- Ngoài ra, giá một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu khác tăng đã tác động làm tăng lạm phát cơ bản, trong đó: Giá sữa, bơ, phô mai tăng 4,16% tác động làm lạm phát cơ bản tăng 0,18 điểm phần trăm; phương tiện đi lại tăng 2,48% tác động tăng 0,17 điểm phần trăm; quần áo may sẵn tăng 2,89% tác động tăng 0,16 điểm phần trăm; xà phòng, chất tẩy rửa tăng 4,02% tác động tăng 0,12 điểm phần trăm; lương thực chế biến tăng 7,68% tác động tăng 0,12 điểm phần trăm.

- Trong khi đó, giá xăng dầu là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng tháng 01/2023 so với cùng kỳ năm trước có mức giảm 7,08% lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.

 
Đề xuất một số giải pháp

Để hạn chế xu hướng tăng cao của lạm phát cơ bản, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện một số nội dung như sau:

- Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

- Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Linh hoạt trong điều chỉnh tỷ giá để hạn chế tối đa nhập khẩu lạm phát, giữ ổn định thị trường ngoại hối và thị trường tiền tệ. Bảo đảm cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

- Các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân đối với các hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Đồng thời, chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá các mặt hàng, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý.

- Doanh nghiệp sản xuất dự báo các nguyên nhiên vật liệu có khả năng thiếu hụt để nhập khẩu kịp thời hoặc chủ động tìm kiếm nguồn hàng thay thế, tránh để xảy ra tình trạng gián đoạn nguồn cung. Hướng tới sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước thay cho nguyên liệu nhập khẩu nhằm tăng tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

- Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát./.
                            Nguyễn Thu Oanh
Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - TCTK