Nông nghiệp đa giá trị hướng đến khát vọng vươn tầm

|

Nông nghiệp đa giá trị hướng đến khát vọng vươn tầm

 Trong những năm qua, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, đặc biệt trong thời điểm nền kinh tế cả nước gặp khó khăn. Trong xu thế phát triển mới, để ứng phó hiệu quả với biến động của thị trường, tiến trình đô thị hóa, ngành nông nghiệp Việt Nam cần phát triển theo hướng đa giá trị, lợi ích.

 
Nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế

Năm 2022, GDP cả nước ước tính tăng 8,02% so với năm trước, đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022 do nền kinh tế khôi phục trở lại. Trong mức tăng của tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,36%, đóng góp 5,11%. Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,88%. Tuy đóng góp khiêm tốn trong tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế, nhưng với việc duy trì tăng trưởng ổn định, ngành nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và các vấn đề xã hội. Sản lượng lúa năm 2022 đạt 42,66 triệu tấn, giảm 1,19 triệu tấn so năm 2021 nhưng năng suất lúa ở mức cao, đạt 60,2 tạ/ha, tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, phục vụ chế biến và xuất khẩu. Trong năm qua, tình hình lạm phát ở châu Âu và nhiều khu vực khác tăng cao, khiến nhiều quốc gia khủng hoảng về an ninh lương thực, nhiều quốc gia đã tìm đến Việt Nam trong nửa cuối năm 2022 để mong muốn sự hợp tác cùng sản xuất lương thực, thực phẩm.

Cũng trong năm 2022, giá trị kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 53,2 tỷ USD, vượt hơn 3 tỷ USD so với con số 50 tỷ USD Chính phủ giao. Dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy thoái, song ngành nông nghiệp đã đưa nhiều loại nông sản của Việt Nam thâm nhập sang các thị trường nhập khẩu, đáp ứng được yêu cầu cả những thị trường khó tính nhất.

Trên thị trường nông sản, ngành nông nghiệp đã đa dạng hóa, tạo ra nhiều phân khúc sản phẩm khác nhau. Đến nay, giá trị nông sản không chỉ là dinh dưỡng mà được mở rộng với nhiều yếu tố như tăng cường sức khỏe, ngăn chặn bệnh tật, cải thiện tầm vóc, bảo vệ môi trường.

Điều đáng nói là tư duy của các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã bắt đầu thay đổi, “thoát ly” sản lượng để hướng vào chất lượng, tăng giá trị sản phẩm, hướng tới thị trường cấp cao hơn để tạo ra lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và người nông dân. Nhìn từ ngành hàng lúa gạo, những năm gần đây, gạo chất lượng cao luôn chiếm tỷ trọng 80-90% trong tổng lượng gạo xuất khẩu và ngày một nâng cao giá trị “Thương hiệu gạo Việt”. Nếu như trước đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thấp nhất so với các đối thủ xuất khẩu gạo khác (Ấn Độ, Thái Lan, Campuchia...) thì trong năm 2022, giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam đã cao nhất thế giới, vượt qua các đối thủ Ấn Độ, Thái Lan.

Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương trong nước đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã (HTX) đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, từ đó số lượng các sản phẩm OCOP đã liên tục tăng mạnh. Theo Bộ NN&PTNT, đến hết năm 2022, cả nước đã có 8.689 sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên, tăng 3.919 sản phẩm so với năm 2020. Trong đó, có 65,5% sản phẩm 3 sao, 33,3% sản phẩm 4 sao, 20% sản phẩm đạt hạng 5 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 20 sản phẩm đã đạt hạng 5 sao. Chương trình OCOP đã và đang góp phần quan trọng vào phát triển các sản phẩm chủ lực tại các địa phương, thúc đẩy ngành nghề tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng tính ưu việt của các công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, internet vạn vật… Tại các địa phương, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao. Nhờ đó nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản; người nông dân chủ động trong sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu; cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục được điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế của mỗi địa phương, vùng, miền và cả nước, gắn với nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.
 

Những năm qua, giá trị nông sản tiếp tục được tăng thêm khi gắn với du lịch, dịch vụ mở ra hướng mới phát triển du lịch nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế tại các làng nghề nông lâm ngư nghiệp truyền thống ở nước ta. Sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, ngành du lịch Việt Nam hồi sinh, rất nhiều du khách trong và ngoài nước đã bị lôi cuốn bởi những tour du lịch nông nghiệp hấp dẫn như: Trồng lúa nước ở ngoại thành Hà Nội; Trở thành nông dân và ngư dân ở Hội An; Đánh bắt cá bằng tay không ở đồng bằng sông Cửu Long; Tour du lịch nông nghiệp tại nhà vườn ở Đà Lạt… Với sự tham gia trực tiếp của nông dân vào phát triển du lịch nông nghiệp đã tạo nên sự phong phú, hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch của địa phương, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Hơn thế nữa, còn bảo tồn được các giá trị văn hóa gốc của nông thôn hoặc giá trị về thương hiệu hàng hóa đặc thù.

Nông nghiệp đa giá trị hướng đến khát vọng vươn tầm

Nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn từ các vấn đề nội tại và các yếu tố khách quan, như: Nguồn tài nguyên cạn kiệt, biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao với mật độ dày đặc của các nhà màng, nhà lưới, nhà kính... cũng đã làm thay đổi không gian sinh thái, giảm màu xanh thiên nhiên, gây hiệu ứng nhà kính, cũng như ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị... Do đó, chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những“giá trị xanh” được tạo nên từ“chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”, ngành nông nghiệp Việt Nam đẩy mạnh thực hiện sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn liền với bảo tồn tài nguyên và thích ứng với biến đổi khí hậu theo quan điểm của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để vừa phát triển nền nông nghiệp xanh, vừa đẩy mạnh đưa nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam tiến sâu vào các thị trường nhập khẩu, nền nông nghiệp Việt Nam cần chuyển đổi hướng tăng trưởng dựa trên đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp “đa giá trị”.

Theo quan điểm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác, trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp diện tích và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thay cho thực trạng ngành nông nghiệp tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên. Tích hợp đa giá trị là kết tinh tài nguyên bản địa, với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến, và cả những bản sắc văn hoá - xã hội, tạo thành thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn. Tích hợp đa giá trị là kết nối hài hoà nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn,...

Với cách thức tiếp cận “đa giá trị” trên cùng những kết quả đạt được trong thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đang lựa chọn hướng đi đúng và cần được lan tỏa rộng hơn. Tuy nhiên đó mới chỉ là sự khởi đầu, phát triển nông nghiệp đa giá trị vẫn là một câu chuyện“dài hơi”, cần có lộ trình và mạnh dạn thay đổi về tư duy nhận thức. Các công trình hạ tầng, các đề án, kế hoạch đòi hỏi mang tính tổng thể, phải được phục vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hay mở rộng ra đến tất cả các vấn đề của ngành nông nghiệp, đều có thể được quan sát, nhìn nhận trong tổng thể của sự kết nối, của tính đa công dụng, đa chức năng, đa mục tiêu.

Để làm được điều này, trước hết, ngành nông nghiệp cần làm tốt công tác quy hoạch. Vấn đề quy hoạch nông nghiệp, nông thôn cần có sự gắn kết với phương hướng phát triển cả nước, phương án phát triển các lĩnh vực liên quan như: Đô thị, xây dựng, giao thông, kế hoạch sử dụng đất, công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch. Việc xây dựng quy hoạch phát triển Nông nghiệp, nông thôn bảo đảm phù hợp với xu hướng đô thị hóa; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, lĩnh vực phù hợp với khoa học và công nghệ, đầu tư, kinh tế - xã hội, thị trường. Phát triển nông nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, theo hướng tuần hoàn, thích ứng với điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu…

Ngành nông nghiệp cũng cần định vị lại những giá trị cốt lõi, tiếp cận những xu thế dù là trồng trọt, chăn nuôi hay thủy sản; dù cây dài ngày hay ngắn ngày, tất cả phải đi theo tư duy phát triển chung là phát triển bền vững.

Đánh giá khách quan, tính tự chủ nền nông nghiệp nước ta chưa cao, năng lực, trình độ của doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã nông nghiệp chưa theo kịp ưu thế. Một vấn đề nội tại nữa là nền nông nghiệp nước ta hiện vẫn thâm dụng về đất đai, thâm dụng chi phí đầu vào nhiều hơn là thâm dụng về khoa học - công nghệ hoặc mô hình nông nghiệp mới như nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Một trong những điểm yếu của nông nghiệp Việt Nam hiện nay là đang bấp bênh, mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu tính chuyên nghiệp. Do đó, việc phát triển nông nghiệp đa giá trị phải bắt đầu từ người nông dân, họ phải sẵn lòng chuyên nghiệp hóa chính mình.

Rõ ràng việc phát triển nông nghiệp đa giá trị là một “bài toán” khó. Nhưng có đi thì mới đến đích. Hy vọng nông nghiệp đa giá trị sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, để ngành nông nghiệp Việt Nam không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế cả nước, mà còn hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”./
 
ThS. Trần Thanh Bình
Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ - tỉnh Bắc Ninh