Tháng Chín vừa qua, các tỉnh phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3, dẫn đến sụt giảm tăng trưởng nông nghiệp ở các tỉnh này. Tuy nhiên, ở các tỉnh phía Nam, sản xuất vẫn phát triển ổn định, một số vùng trọng điểm về chăn nuôi, thủy sản tăng khá đã góp phần giảm thiệt hại cho sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản quý III và 9 tháng đầu năm. Phóng viên Tạp chí Con số và Sự kiện có bài phỏng vấn Ông Đậu Ngọc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thống kê Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, Tổng cục Thống kê xoay quanh chủ đề này
Phóng viên: Xin Ông cho biết siêu bão Yagi (bão số 3) tác động như thế nào đến tăng trưởng nông nghiệp quý III và 9 tháng năm 2024?
Có thể nhận xét chung nhất cho hoạt động sản xuất Nông, lâm nghiệp và thủy sản (NLTS) quý III và 9 tháng năm nay đó là tăng trưởng của khu vực này sụt giảm do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết bất thường.
Nhìn vào bức tranh chung của nền kinh tế thấy rõ khu vực NLTS tăng trưởng thấp do ảnh hưởng của bão số 3 đổ bộ trong tháng Chín. Quý III năm nay tăng trưởng khu vực NLST chỉ đạt 2,58%, giảm 0,97 điểm % so với kịch bản và là mức tăng thấp nhất của quý III các năm 2020-2024 (ngoại trừ năm 2021 bị ảnh hưởng dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi); 9 tháng năm 2024 tăng 3,2%, thấp hơn 0,25 điểm % so với kịch bản và cũng chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2020-2024[1].
Tại các tỉnh phía Bắc, bão và mưa sau bão làm ngập úng, hư hại gần 350 nghìn ha lúa, hoa màu, trong đó có 75 nghìn ha lúa mùa bị thiệt hại từ 70% trở lên (được tính là mất trắng); 44 nghìn con gia súc và khoảng 5,8 triệu con gia cầm bị chết; 36 nghìn ha, 11,1 nghìn lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng; khoảng 190 nghìn ha rừng bị ảnh hưởng.
Ảnh hưởng của bão số 3 thể hiện rõ qua sự sụt giảm đáng kể tăng trưởng ngành NLTS quý III ở các tỉnh phía Bắc, trong đó: Sơn La giảm 13,03%; Bắc Giang giảm 12,94%; Thái Nguyên giảm 10,81%; Quảng Ninh giảm 6,97%; Hải Phòng giảm 5,64%; Bắc Ninh giảm 4,78%; Lạng Sơn giảm 3,03%. Tính chung 26 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa bị ảnh hưởng bão số 3, ngành NLTS quý III/2024 các tỉnh này giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước (trong khi kịch bản dự kiến tăng 2,9% so cùng kỳ); 9 tháng năm 2024 chỉ tăng ở mức 1,9% (thấp hơn 1 điểm % so với kịch bản).
Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn do bão, mưa lũ xảy ra ở khu vực phía Bắc, sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn biến khá tốt, đặc biệt là đối với một số mùa vụ có tính chất đặc thù phù hợp với thỗ nhưỡng của khu vực này.
Phóng viên: Vậy Ông có thể nói rõ hơn về những vùng mà sản xuất nông nghiệp có kết quả tích cực trong quý III và 9 tháng?
Trước hết, sản xuất vụ lúa Hè thu năm nay đạt khá, do đặc tính thổ nhưỡng và thời tiết từng vùng, vụ lúa hè thu chỉ gieo trồng ở các tỉnh Trung Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long (tức là từ Nghệ An trở vào) nên không bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Năng suất lúa vụ hè thu năm 2024 ước đạt 58,1 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha so với năm 2023; sản lượng ước đạt 11,1 triệu tấn, tăng 77,6 nghìn tấn. Chăn nuôi lợn tại vùng trọng điểm Đông Nam Bộ (chiếm 22,3% đàn lợn cả nước) tăng khá với sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý III tăng 8,1%.
Ngành Lâm nghiệp quý III cũng tăng 4,32% nhờ sản lượng gỗ khai thác ở các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và khu vực phía Nam tăng 8%, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc và Châu Âu tăng trưởng tốt.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản quý III ước tăng 3,89% nhờ nuôi trồng thủy sản ở vùng trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long đạt khá. Tuy hoạt động nuôi trồng thủy sản tại các tỉnh ven biển phía Bắc, nhất là Quảng Ninh và Hải Phòng bị thiệt hại nhiều do bão, nhưng 2 địa phương này chiếm tỷ trọng nhỏ (sản lượng thủy sản nuôi trồng của Quảng Ninh và Hải Phòng chiếm 3,2% cả nước), trong khi vùng trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (chiếm tới hơn 70% sản lượng thủy sản nuôi trồng của cả nước) quý III ước tăng 5,4% so cùng kỳ, trong đó cá tra tăng 4,4%; tôm tăng 5,9%.
Như vậy có thể thấy, trong khi bão số 3 ảnh hưởng nặng đến sản xuất nông nghiệp các tỉnh phía Bắc thì ở phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long sản xuất NLTS vẫn tăng trưởng khá, điển hình là trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng lúa hè thu vẫn tăng 77,6 nghìn tấn so năm 2023, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long tăng 27,1 nghìn tấn.
Phóng viên: Ông có khuyến nghị gì để sớm khôi phục sản xuất của ngành này?
Ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ không chỉ tác động đến kết quả sản xuất các địa phương bị thiệt hại trong quý III mà còn có thể ảnh hưởng đến quý IV nhất là các diện tích cây trồng, vật nuôi cho thu hoạch trong quý sau, hay những thiệt hại về tư liệu SX như chuồng trại, lồng bè, tàu thuyền, công cụ cho sản xuất NLTS cần phải có thời gian để đầu tư, xây dựng, mua sắm...
Để sớm khôi phục lại sản xuất, phục hồi tăng trưởng NLTS, theo tôi, trước hết cần thực hiện nghiêm túc Công điện số 100/CĐ-TTg ngày 27/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp nhanh chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ, đồng thời tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, tiếp tục quan tâm hỗ trợ cho người dân vùng bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ về các mặt hàng thiết yếu và vật tư, nguyên vật liệu cho sản xuất NLTS để ổn định đời sống và sớm khôi phục, phục hồi sản xuất.
Hai là, đối với chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, cần hỗ trợ về thức ăn, con giống, thuốc thú y, chất cải tạo môi trường, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, thủy sản.
Ba là, thực hiện chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, thuê mặt nước cho các hộ, cơ sở sản xuất NLST bị thiệt hại.
Bốn là, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, xem xét giảm lãi vay cho những hộ, doanh nghiệp NLTS bị thiệt hại lớn do bão, lũ. Cho vay mới với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh gọn đề các hộ, doanh nghiệp NLTS bị thiệt hại có vốn để đầu tư tư liệu sản xuất như chuồng trại, tàu thuyền, công cụ, mua nguyên nhiên vật liệu cho sản xuất.
Năm là, đẩy mạnh sản xuất NLTS ở các vùng không bị ảnh hưởng bão, mưa lũ qua đó cung ứng giống, nguyên liệu cũng như bù đắp những giảm sút trong sản xuất của vùng bị ảnh hưởng để duy trì tăng trưởng chung.
Về lâu dài, cần nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, thích ứng với thiên tai đối với từng vùng, miền, đồng thời tuyên truyền người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, qua đó hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Ông đã trả lời phỏng vấn!
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào miền Bắc đầu tháng 9/2024 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và tình hình sản xuất kinh doanh của 26 tỉnh, thành phố miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng với mức độ thiệt hại khác nhau. Nhiều ngành kinh tế đã chịu thiệt hại do gió lốc, ngập lụt, sạt lở đất... nhưng nặng nề nhất là hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Nhiều diện tích lúa, hoa màu bị ngập úng; gia súc, gia cầm, thủy sản bị cuốn trôi, bên cạnh đó nhiều công trình giao thông bị lún sụt, sạt lở, cơ sở hạ tầng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nhà máy bị ngập, tốc mái, hư hại. Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ước tính giá trị thiệt hại lên đến 81,8 nghìn tỷ đồng. |