Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương trình bày tham luận về nhận diện và đo lường kinh tế số tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023

|

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương trình bày tham luận về nhận diện và đo lường kinh tế số tại Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023

Ngày 30/11, Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2023 bước vào ngày làm việc thứ 2 với nhiều nội dung quan trọng được các chuyên gia, khách mời trình bày tham luận tại Hội nghị theo chủ đề “Khai thác dữ liệu - Xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững”.

Nhận diện và đo lường kinh tế số (KTS) ở Việt Nam là chủ đề được Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (TCTK) Nguyễn Thị Hương trình bày tại Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự Hội nghị.
 

KTS đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra về phát triển KTS, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nhận diện và đo lường KTS, từ đó, đề xuất cách thức thực hiện phù hợp với thực tế, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thúc đẩy phát triển KTS ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương đưa ra lý luận chung về KTS với nghiên cứu quốc tế về KTS từ khái niệm KTS và khung định nghĩa về KTS theo từng cấp độ, gồm: Thước đo cốt lõi; Thước đo hẹp, Thước đo rộng và Thước đo xã hội số, mở rộng hơn so với KTS.

Về phương pháp đo lường với nghiên cứu quốc tế về KTS, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, hiện có hai phương pháp đo lường KTS đó là phương pháp tiếp cận từ trên xuống và phương pháp tiếp cận từ dưới lên. Theo đó, phương pháp tiếp cận từ trên xuống: Đo lường dựa vào tất cả các ngành được hưởng lợi từ việc áp dụng công nghệ số và năng suất đạt được do áp dụng công nghệ số; nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng phương pháp này, trong đó có Trung Quốc và đã đem lại kết quả bất ngờ về KTS. Phương pháp tiếp cận từ dưới lên: Đo lường từng thành phần của KTS, xác định khái niệm, phạm vi từ phần cứng đến hoạt động thương mại điện tử để tổng hợp và đi đến một ước tính ở tầm vĩ mô như OECD, Cơ quan phân tích kinh tế Mỹ, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB). Hiện nay, theo phương pháp tiếp cận từ dưới lên, hướng dẫn đo lường KTS được quan tâm nhiều nhất trên thế giới là của OECD và ADB.

Tại Hội nghị, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cũng đã đưa ra kết quả đo lường của một số quốc gia. Theo đó, hiện nay, một số nước trên thế giới đã tính toán chỉ tiêu tỷ trọng KTS trong tổng giá trị tăng thêm hoặc tỷ trọng KTS trong GDP. Tuy nhiên, do có sự khác biệt trong định nghĩa, phạm vi về KTS của các quốc gia, các ước tính về quy mô của KTS có sự khác biệt lớn. Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc đưa ra ước tính tỷ trọng KTS trong GDP năm 2019 và 2021 của Trung Quốc lần lượt là khoảng 30% và 40%. Trong khi đó, tỷ trọng KTS trong GDP của Mỹ năm 2021 ước đạt 10,3% GDP (theo Cục phân tích kinh tế Mỹ); tỷ trọng này của Úc năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 6,3%. Ngoài ra, theo công bố của Cơ quan thống kê Canada, đóng góp của KTS vào GDP của nước này là khoảng 5,2% năm 2017 và 5,5% vào năm 2019.

Tại Hội thảo KTS chìa khóa ASEAN-Trung Quốc, Đại sứ Thái Lan tại Trung Quốc đưa ra tỷ trọng KTS của Thái Lan trong GDP năm 2021 là 14,1%. Theo Trung tâm kỹ thuật số của Malaysia, tỷ trọng KTS trong GDP của Malaysia năm 2021 là 23,1%. Nhìn chung, các số liệu này ít mang ý nghĩa so sánh do các quốc gia áp dụng các định nghĩa khác nhau về KTS.

Về nghiên cứu KTS ở Việt Nam, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và sự hiện diện của KTS trong đời sống xã hội, hoạt động kinh tế và quản lý nhà nước đòi hỏi cần làm rõ khái niệm, nội hàm và hình thức biểu hiện của KTS ở nước ta hiện nay. Từ đó, đề xuất các chỉ tiêu phản ánh KTS toàn diện, đầy đủ và lượng hóa những đóng góp của KTS vào tăng trưởng kinh tế qua việc xây dựng bộ chỉ tiêu kinh tế số của Việt Nam và xác định các hoạt động thuộc phạm vi KTS cùng với phương pháp biên soạn chỉ tiêu phản ánh KTS cho cả nước và địa phương.

Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. TCTK đã nghiên cứu, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ban, ngành có liên quan xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê KTS gồm 54 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của KTS trong GDP”.

Theo đó, TCTK xác định các hoạt động thuộc phạm vi KTS. KTS là các hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ thông tin - viễn thông để tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản lý điều hành và tối ưu hoạt động kinh tế. Phạm vi của Kinh tế số bao gồm hoạt động kinh tế số lõi và hoạt động kinh tế được số hoá (sử dụng các sản phẩm của ngành kinh tế số lõi làm yếu tố đầu vào trong quy trình hoạt động sản xuất kinh doanh). Hoạt động kinh tế số lõi được xác định trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VISIC 2018). Hoạt động kinh tế số lõi liên quan đến ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ; 4 ngành cấp 1, 7 ngành cấp 2, 16 ngành cấp 3, 24 ngành cấp 4 và 26 ngành cấp 5.

Về thực tế ở Việt Nam, Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương cho biết, để đánh giá vai trò và thúc đẩy KTS trong phát triển KTS ở nước ta, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về mục tiêu, định hướng, hướng dẫn thống nhất thực hiện. Cụ thể: Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP; Luật sửa đổi bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu Thống kê quốc gia của Luật Thống kê ngày 12/11/2021; Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn GDP, GRDP; Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT ngày 31/12/2021 của Bộ KHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu KTS.

Ở Việt Nam, GDP được biên soạn và và công bố hằng quý, năm theo phương pháp sản xuất và phương pháp sử dụng. Riêng phương pháp thu nhập được thực hiện vào năm biên soạn và công bố bảng IO (5 năm/lần). GRDP được biên soạn và công bố hằng quý, năm theo phương pháp sản xuất. Nguồn thông tin biên soạn GDP, GRDP và lập bảng cân đối liên ngành IO gồm: Điều tra thống kê; Báo cáo thống kê; Khai thác dữ liệu hành chính.

Để 
đo lường và biên soạn tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP, GRDP, TCTK tính toán theo phương pháp sản xuất từ kết quả hoạt động của các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức tham gia các hoạt động trên. Quy mô và đóng góp của hoạt động kinh tế được số hóa tính toán dựa trên tỷ lệ số hóa của các ngành thông qua hệ số chi phí trung gian. Tỷ lệ số hóa được hiểu là tỷ trọng của chi phí ứng dụng công nghệ tin, truyền thông so với giá trị sản xuất từ kết quả điều tra thu thập thông tin lập bảng cân đối liên ngành và tính hệ số chi phí trung gian của Tổng cục Thống kê năm 2021, các cuộc điều tra, dữ liệu hành chính và chế độ báo cáo thống kê.

Kết quả, Tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt khoảng 12,75%; năm 2022 là 12,67%, trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,76% (chiếm 62,29%), số hóa các ngành khác đóng góp 4,91% (chiếm 38,71%).

Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2020-2022 đạt 6,59%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 6,11%; số hóa trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2020-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP. Giai đoạn 2020-2022, các hoạt động kinh tế được số hóa ngày càng gia tăng, đặc biệt trong khu vực dịch vụ, giúp tỷ trọng kinh tế số của khu vực này trong GDP tăng từ 6,54% năm 2020 lên 6,61% năm 2022.

Một số địa phương có tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số năm 2022 trong GRDP cao, chủ yếu do đóng góp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học như: Bắc Ninh (46,75%), Thái Nguyên (34,24%), Bắc Giang (32,42%), Hải Phòng (27,22%), Vĩnh Phúc (24,67%)…. Đây là những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho các hoạt động kinh tế số lõi, do đó giá trị tăng thêm của kinh tế số lõi chiếm khoảng 87%- 96% tổng giá trị tăng thêm của kinh tế số tại các tỉnh này. Tỷ trọng kinh tế số của thành phố Hà Nội đạt 15,41% (kinh tế số lõi chiếm khoảng 75%) và của Thành phố Hồ Chí Minh là 13,51% (kinh tế số lõi chiếm khoảng 69%).

Toàn cảnh Hội nghị

M.T