Tổng cục Thống kê với triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia

|

Tổng cục Thống kê với triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia

Những năm qua, trên thế giới, khoa học công nghệ nói chung và khoa học công nghệ trong sản xuất, sử dụng dữ liệu nói riêng phát triển rất nhanh chóng. Hàng loạt các công nghệ mới hình thành và song hành cùng mục tiêu sử dụng dữ liệu như: Công nghệ hồ dữ liệu (data lake), khai phá dữ liệu (data mining), khai phá văn bản (text mining), dữ liệu thông minh (smart data), khai thác dữ liệu phi cấu trúc (unstructured data mining), công nghệ đám mây (cloud technology),… và một ngành khoa học mới - khoa học dữ liệu (data science) đã được hình thành. Để phục vụ sản xuất thông tin thống kê, cộng đồng quốc tế đã xây dựng nhiều chương trình, sáng kiến nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các hoạt động sản xuất, cung cấp và sử dụng hiệu quả dữ liệu thống kê của các quốc gia. Các chương trình, sáng kiến tập trung vào các lĩnh vực chuyển đổi số, sử dụng các nguồn dữ liệu mới (dữ liệu lớn, dữ liệu mở), trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật trong lĩnh vực thống kê mà tựu trung lại là hướng tới cuộc cách mạng dữ liệu (data revolution).
 
Tại nhiều nước như Mỹ, Canada, Đan Mạch, Hàn Quốc, Thái Lan…, các cơ quan thống kê quốc gia đã xây dựng văn bản pháp luật về việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu mở từ việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu hành chính và quản lý dữ liệu để đảm bảo các số liệu thống kê có chất lượng cao, đáng tin cậy để cung cấp thông tin cho các chương trình và dịch vụ của Chính phủ, đồng thời bảo vệ thông tin cá nhân và bảo vệ quyền riêng tư của người dân.
 
Ở Việt Nam, trong những năm vừa qua, ngành Thống kê đã có bước phát triển trong việc cung cấp thông tin thống kê đáp ứng yêu cầu đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, xây dựng kế hoạch, quy hoạch chính sách, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội cũng như đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cơ quan thống kê trong hệ thống thống kê Nhà nước là nâng cao nhận thức của người làm công tác thống kê trong việc quản lý và khai thác dữ liệu cùng với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là xây dựng, quản lý và sử dụng các cơ sở dữ liệu thống kê từ nguồn dữ liệu điều tra, tổng điều tra và bước đầu sử dụng dữ liệu hành chính trong hoạt động thống kê.
 
Xác định xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia là yêu cầu cấp bách và tất yếu nhằm chuyển đổi căn bản và toàn diện việc sản xuất và sử dụng thông tin thống kê, là cơ hội tạo đột phá trong công tác thống kê, ngày 15/12/2023, Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1627/QĐ-TTg, với quan điểm xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Luật Thống kê và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; phù hợp, thống nhất, đồng bộ với quá trình tư liệu hóa và chuyển đổi số trong hệ thống thống kê quốc gia; góp phần xây dựng Chính phủ số.
 
Mục tiêu của Đề án là xây dựng, quản lý, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tập trung, thống nhất nhằm cung cấp thông tin thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời để đáp ứng yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành, hoạch định chính sách, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê của người dùng tin trong và ngoài nước.
 
Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; thực hiện minh bạch hóa và nâng cao tính giải trình của dữ liệu thống kê; góp phần để Thống kê Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN vào năm 2030, trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới vào năm 2045.
 
Đề án đặt ra những nhiệm vụ cụ thể đến năm 2025 và đến năm 2030 cho các nhóm nhiệm vụ về: (1) Hoàn thiện thể chế, xây dựng quy định, quy chế hướng dẫn thực hiện xây dựng, quản lý, sử dụng và cập nhật cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; (2) Hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, thống nhất đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia và cơ sở dữ liệu thống kê bộ, ngành và địa phương; (3) Xây dựng và triển khai các phần mềm chia sẻ và khai thác dữ liệu, các giải pháp bảo mật dữ liệu cho cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; (4) Kết nối, tiếp nhận và tích hợp cơ sở dữ liệu thống kê của bộ, ngành và địa phương vào cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; (5) Kết nối, tiếp nhận và tích hợp dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu bộ, ngành và địa phương cho cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia; (6) Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia được xây dựng và đưa vào sử dụng; (7) Nâng cao nhận thức, mức độ hài lòng về dữ liệu thống kê trong hệ thống thống kê nhà nước và toàn thể cộng đồng.
 
Để đạt được các mục tiêu Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, ngày 10/7/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ký Quyết định số 1520/QĐ-BKHĐT ban hành Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, trong đó xác định rõ nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện, nâng cấp, phát triển Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia phù hợp theo từng giai đoạn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) và các bộ, ngành, địa phương.
 
Thực hiện thành công Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia 
đến năm 2030, Việt Nam sẽ có cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia đóng vai trò là một trụ cột
của hoạt động thống kê nhà nước

Đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) sẽ thực hiện khối lượng công việc khá lớn là:
 
Thứ nhất, chủ trì và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ:

- Xây dựng mô hình kiến trúc Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, trình Bộ trưởng ký quyết định ban hành (thực hiện từ quý II/2024 đến quý II/2025);

- Xây dựng các hướng dẫn về xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật và sử dụng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (thực hiện từ quý II/2025 đến quý IV/2025);

- Xây dựng các hướng dẫn về kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu bộ, ngành và địa phương, các cơ sở dữ liệu quốc gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia (thực hiện từ quý II/2025 đến quý IV/2025);

- Xây dựng Nghị định quy định việc quản lý, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng, chia sẻ Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia trình Chính phủ ban hành (thực hiện từ quý IV/2025 đến quý I/2027);

- Xây dựng mô hình dữ liệu, khung tích hợp dữ liệu và các quy trình vận hành của Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (thực hiện từ quý III/2028 đến quý I/2029);

- Xây dựng khung tích hợp dữ liệu lớn và dữ liệu hành chính của bộ, ngành, địa phương vào Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (thực hiện từ quý IV/2024 đến quý IV/2025);

- Sửa đổi Luật Thống kê bảo đảm hành lang pháp lý cho việc thu thập, kết nối, chia sẻ, khai thác và sử dụng các nguồn dữ liệu mới phục vụ công tác thống kê (thực hiện từ quý I/2027 đến quý IV/2030);

- Xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) các chuyên ngành (thuộc các lĩnh vực: Dân số và lao động; Nông, lâm nghiệp và thủy sản; Công nghiệp, đầu tư và xây dựng; Doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp; Thương mại và dịch vụ; Chỉ số giá; Vận tải và bưu chính viễn thông; Giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, mức sống dân cư, trật tự, an toàn xã hội, tư pháp và môi trường; Tài khoản quốc gia, ngân sách nhà nước, ngân hàng và bảo hiểm; Các mục tiêu phát triển bền vững), thực hiện từ quý IV/2024 đến quý IV/2025.

- Xây dựng kho dữ liệu vi mô và tập dữ liệu gốc [bao gồm dữ liệu hình thành trong quá trình hoạt động thu thập dữ liệu từ điều tra thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê), dữ liệu hành chính, dữ liệu từ các cuộc điều tra thống kê của các bộ, ngành, địa phương và các nguồn dữ liệu khác (dữ liệu lớn, dữ liệu mở)], thực hiện từ quý III/2025 đến quý IV/2030;

- Xây dựng Hệ thống quản lý dữ liệu đặc tả thống kê, sử dụng thống nhất trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, cơ sở dữ liệu thống kê của bộ, ngành, địa phương, thực hiện từ quý IV/2024 đến quý IV/2030;

- Xây dựng các ứng dụng dùng chung thực hiện chia sẻ và khai thác dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia được triển khai trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung và một số bộ, ngành, địa phương; thực hiện từ quý IV/2024 đến quý IV/2025;

- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, mức độ hài lòng về dữ liệu thống kê trong hệ thống thống kê nhà nước và toàn thể cộng đồng, thực hiện từ quý IV/2024 đến quý IV/2030;

- Đào tạo, tăng cường năng lực người làm công tác thống kê thực hiện việc quản lý, vận hành và khai thác Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, thực hiện từ quý IV/2024 đến quý IV/2030.

Thứ hai, chủ trì và phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) sẵn sàng cho việc kết nối, tiếp nhận, xử lý, chuyển đổi, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, thông tin thống kê từ cơ sở dữ liệu thống kê bộ, ngành, địa phương và dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê (từ quý IV/2024 đến quý IV/2025); Xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự phòng phục vụ triển khai Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia (thực hiện từ quý I/2026 đến quý IV/2029).
 
Thứ ba, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) xây dựng kho dữ liệu tổng hợp (bao gồm dữ liệu thống kê tổng hợp, các thông tin và phân tích, dự báo thống kê); xây dựng quy trình chuẩn hóa dữ liệu và dữ liệu đặc tả thống kê (theo chuẩn quốc tế, phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam); cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu và khai thác Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia cho các đối tượng sử dụng thông tin trong nước và quốc tế, thực hiện từ quý IV/2024 đến quý I/2030. Từ quý IV/2024 đến quý IV/2025, thực hiện xây dựng các giải pháp bảo mật dữ liệu cho Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia.
 
Thứ tư, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hàng năm thực hiện nhiệm vụ tổng hợp kế hoạch thực hiện Đề án của các Bộ, ngành và địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện Đề án và đề xuất điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ thực hiện Đề án.

Đối với Trung tâm Công nghệ thông tin và chuyển đổi số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) thực hiện cập nhật Kiến trúc Chính phủ điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện từ quý II/2025 đến quý III/2025.
 
Đối với các bộ, ngành, địa phương, từ quý IV/2024 đến quý IV/2025 thực hiện nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin cho cơ sở dữ liệu thống kê của bộ, ngành[1] và địa phương[2]. Từ quý I/2026 đến quý II/2030 thực hiện xây dựng, mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin cho cơ sở dữ liệu thống kê tại bộ, ngành và địa phương bảo đảm đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các hệ thống thông tin khác của cơ quan, đơn vị; kết nối với hạ tầng công nghệ thông tin tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) phục vụ cập nhật, chia sẻ, khai thác Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia.
 
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương thực hiện lập kế hoạch và triển khai xây dựng, mở rộng cơ sở dữ liệu thống kê, cơ sở dữ liệu hành chính bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu, thông tin thống kê với Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia, thực hiện từ quý IV/2024 đến quý I/2030; triển khai các ứng dụng dùng chung tại các cơ sở dữ liệu thống kê của các bộ, ngành và địa phương, thực hiện từ quý IV/2025 đến quý III/2030.
 
Sau thực hiện thành công Kế hoạch triển khai Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia chi tiết, rõ ràng, đến năm 2030, Việt Nam sẽ có cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia đóng vai trò là một trụ cột của hoạt động thống kê nhà nước, là nơi tập hợp toàn bộ dữ liệu, thông tin thống kê quan trọng, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, bảo đảm tính thống nhất của dữ liệu, thông tin thống kê. Kết quả này chắc chắc góp phần quan trọng trong xây dựng Chính phủ số ở nước ta và đưa Thống kê Việt Nam “hòa nhịp” cùng hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới./.

 

[1] Gồm các bộ, ngành: Bộ Công an; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Nội vụ; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ủy ban Dân tộc.
 
[2] Gồm 21 địa phương: Thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và các tỉnh: Quảng Nam, Hòa Bình, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang.
 
Bích Ngọc