Sau 03 năm triển khai Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045 (Chiến lược) theo Quyết định số 2014/QĐ-TTg ngày 01/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Thống kê đã ghi nhận những kết quả tích cực. Kết quả này không chỉ phản ánh nỗ lực chung của toàn ngành trong thời gian qua, mà còn là căn cứ để đánh giá khả năng thực hiện Chiến lược đến năm 2025.
Phát triển Thống kê Việt Nam nhìn từ kết quả thực hiện mục tiêu Chiến lược đến năm 2023
Chiến lược Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra 12 mục tiêu cụ thể chia thành 05 nhóm để phấn đấu đạt được vào năm 2025 và 2030. Sau 03 năm triển khai Chiến lược, ngành Thống kê Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu. Những kết quả đạt được đã góp phần thúc đẩy ngành Thống kê Việt Nam nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Ngành trong bối cảnh hội nhập. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện các mục tiêu được xem xét, làm căn cứ đánh giá và tiếp tục triển khai thực hiện Chiến lược thành công đến cuối giai đoạn.
Với nhóm mục tiêu đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ phương pháp và cách thức thu thập thông tin thống kê: Trong các năm 2021 và 2022, tỷ lệ số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính lần lượt đạt 16% và 19%, tính đến hết năm 2023, tỷ lệ này đạt 19%. Theo dự báo, tỷ lệ số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính trong năm 2025 sẽ đạt 40%. Cùng với đó là một số kết quả như: Tỷ lệ phiếu điều tra thu được bằng phiếu điện tử trên tổng số phiếu điều tra của các cuộc điều tra trong năm 2023 đạt 92,66% và dự báo năm 2025 đạt 98%. Tỷ lệ phiếu điều tra thu được bằng phiếu điện tử trên tổng số phiếu điều tra của cuộc tổng điều tra thống kê năm 2021 đạt 100% và dự báo năm 2025 đạt 100%.
Kết quả thực hiện Chiến lược Thống kê Việt Nam không chỉ phản ánh nỗ lực chung của toàn ngành
mà còn là căn cứ để đánh khá khả năng thực hiện Chiến lược đến năm 2025
mà còn là căn cứ để đánh khá khả năng thực hiện Chiến lược đến năm 2025
Với mục tiêu đẩy mạnh việc biên soạn, công bố và cung cấp các chỉ tiêu thống kê, hiện chỉ có thông tin về “Tỷ lệ công bố các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia” đạt 95% vào năm 2021 và “Tỷ lệ công bố các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã” đạt 90% vào năm 2021. Do đó, để đo lường được mục tiêu trên, các Bộ, ngành cần báo cáo đầy đủ “Tỷ lệ biên soạn và công bố các chỉ tiêu thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê bộ, ngành và các chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu liên ngành, liên lĩnh vực do các bộ ngành chịu trách nhiệm thu thập và tổng hợp”.
Từ năm 2021 đến năm 2023, tuy chưa biên soạn các chỉ tiêu theo khu vực thể chế, nhưng đơn vị phụ trách đang tích cực triển khai thực hiện để có thể hoàn thành mục tiêu đúng thời hạn. Ngoài ra, tỷ lệ chỉ tiêu đáp ứng tính định kỳ theo tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu chung tăng cường (e-GDDS) và Tỷ lệ chỉ tiêu đáp ứng tính kịp thời theo tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu chung tăng cường (e-GDDS) trong các năm từ 2021 đến 2023 và dự báo năm 2025 lần lượt là 77,8% và 88,9%. Bên cạnh đó, Tỷ lệ chỉ tiêu đáp ứng tính định kỳ theo tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu riêng (SDDS) và Tỷ lệ chỉ tiêu đáp ứng tính kịp thời theo tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu riêng (SDDS) trong các năm từ 2021 đến 2023 và dự báo năm 2025 lần lượt là 66,7% và 61,1%.
Đáng chú ý, mục tiêu bảo đảm cung cấp sản phẩm thống kê kịp thời và tăng cường cung cấp dữ liệu thống kê vi mô, được ngành Thống kê triển khai thực hiện hiệu quả, các chỉ tiêu đều vượt xa so với mục tiêu đặt ra trong Chiến lược. Cụ thể: Các sản phẩm thống kê được cung cấp kịp thời tới người sử dụng thông tin thống kê trong các năm từ 2021 đến 2023 và dự báo năm 2025 đạt tỷ lệ 90%, vượt qua mục tiêu 85% đặt ra trong Chiến lược. Đồng thời, tỷ lệ không hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê trong các năm từ 2021 đến 2023 và dự báo năm 2025 chỉ là 1,1%, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 15% đến năm 2025 mà Chiến lược đặt ra. Tuy nhiên, do hoạt động cung cấp dữ liệu thống kê vi mô được thực hiện bởi nhiều đơn vị, không có sự theo dõi nên không thu thập được thông tin dữ liệu thống kê vi mô để cung cấp cho đối tượng sử dụng thông tin thống kê.
Trong khi đó, với mục tiêu triển khai đồng bộ tư liệu hóa, chuyển đổi số hoạt động thống kê, đến hết năm 2023, 100% hoạt động quản lý, điều hành trong hệ thống thống kê tập trung được tư liệu hóa và dự báo sẽ duy trì tỷ lệ này đến năm 2025. Tỷ lệ các hoạt động quản lý, điều hành trong hệ thống thống kê tập trung được chuyển đổi số năm 2023 đã đạt 40% và dự báo năm 2025 đạt 70%, vượt mục tiêu 50% đề ra.
Với mục tiêu nâng cao mạnh mẽ năng lực thống kê, ngành Thống kê đã triển khai rất tích cực. Kết quả đến năm 2023, 100% người làm công tác thống kê trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung đều có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê. Ngành vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhằm thực hiện mục tiêu Chỉ số hiệu quả thống kê và chỉ số dữ liệu mở thuộc nhóm các nước xếp loại khá vào năm 2030.
Khả năng thực hiện đến năm 2025 và một số giải pháp
Với các kết quả thực hiện Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam đến năm 2023 có thể thấy, trong số 12 mục tiêu cụ thể, đến mốc năm 2025 có 08 mục tiêu được dự báo có khả năng đạt được, 01 mục tiêu được dự báo có khả năng không đạt được, 03 mục tiêu chưa đủ dữ liệu để tính toán.
Trong đó, các mục tiêu có khả năng đạt được, bao gồm: (1) Thay thế 85% phiếu điều tra giấy bằng phiếu điều tra điện tử trong điều tra và tổng điều tra thống kê vào năm 2025; (2) Mức độ thực hiện Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA2008) đạt mức 4/6 vào năm 2025; (3) Cập nhật đầy đủ, thường xuyên hệ thống phổ biến dữ liệu chung tăng cường (e-GDDS); trên 50% hạng mục thuộc tiêu chuẩn phổ biến dữ liệu riêng (SDDS) đảm bảo tiêu chuẩn theo SDDS vào năm 2025; (4) Đạt 80% các sản phẩm thống kê được cung cấp tới người sử dụng thông tin thống kê kịp thời vào năm 2025; (5) Giảm tỷ lệ không hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê xuống dưới 15% vào năm 2025; (6) 50% các hoạt động thống kê được tư liệu hóa vào năm 2025; (7) 50% các hoạt động thống kê được chuyển đổi số vào năm 2025; (8) 100% người làm công tác thống kê trong hệ thống tổ chức thống kê tập trung có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê vào năm 2025; 30% người làm công tác thống kê ở bộ, ngành trung ương và sở, ngành địa phương, thống kê cấp xã có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thống kê vào năm 2025.
Theo Tổng cục Thống kê, có 01 mục tiêu có khả năng không đạt được là: Tập trung khai thác, sử dụng dữ liệu hành chính; phấn đấu vào năm 2025 đạt 50% số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính. Cục TTDL nhận định, tỷ lệ số chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn từ nguồn dữ liệu hành chính vào năm 2025 chỉ có thể đạt mức 40%, chứ không đạt được mức 50% như mục tiêu đã đề ra.
Để tăng cường sử dụng dữ liệu hành chính trong biên soạn các chỉ tiêu thống kê, đạt được mục tiêu đề ra tại Chiến lược, một số giải pháp được đề xuất, gồm: Xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ quy định về việc các cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu hành chính cho cơ quan thống kê phục vụ biên soạn chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê; xây dựng công cụ để thu thập dữ liệu hành chính từ các cơ quan nhà nước; đồng thời xây dựng các sổ đăng ký thống kê như: Sổ đăng ký thống kê về dân số; sổ đăng ký thống kê về doanh nghiệp; sổ đăng ký thống kê về nhà ở.
Ngoài ra, một số giải pháp đối với các mục tiêu chưa đủ dữ liệu để tính toán cũng được đề xuất, bao gồm:
Thứ nhất, với mục tiêu đạt 85% các chỉ tiêu thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo tiêu chuẩn thống kê Việt Nam vào năm 2025. Mục tiêu trên cần dữ liệu về tỷ lệ công bố các chỉ tiêu thuộc các hệ thống chỉ tiêu như: Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; ASEAN; kinh tế số; logistic; phát triển giới; phát triển bền vững; bộ, ngành; thanh niên; tỉnh, huyện, xã. Để có dữ liệu về tỷ lệ công bố các chỉ tiêu thuộc các hệ thống chỉ tiêu trên cần đến số liệu báo cáo của các bộ, ngành. Do vậy để theo dõi, đánh giá được kết quả thực hiện mục tiêu này, cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện phần mềm theo dõi, đánh giá Chiến lược. Từ đó triển khai đến các bộ, ngành địa phương để báo cáo vào năm 2025.
Thứ hai, với mục tiêu cung cấp dữ liệu thống kê vi mô đáp ứng ít nhất 30% nhu cầu của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê trong và ngoài nước vào năm 2025. Cục TTDL là đơn vị được giao chủ trì báo cáo kết quả thực hiện mục tiêu trên. Tuy nhiên, do hoạt động cung cấp dữ liệu thống kê vi mô được thực hiện bởi nhiều đơn vị, không có sự theo dõi nên không thu thập được thông tin để tính toán các chỉ tiêu. Do vậy, để có thông tin để tính toán chỉ tiêu này, cần có đơn vị là đầu mối chủ trì báo cáo về việc cung cấp dữ liệu thống kê vi mô. Ngoài ra, cần lưu ý, số lượt nhu cầu cung cấp dữ liệu thống kê vi mô của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê được tính trên cơ sở các văn bản yêu cầu cung cấp thông tin được gửi đến cơ quan sở hữu dữ liệu thống kê vi mô.
Thứ ba, với mục tiêu chỉ số hiệu quả thống kê (SPI) và chỉ số dữ liệu mở (ODIN) thuộc nhóm các nước xếp loại khá vào năm 2030. Năm gần đây nhất có số liệu là năm 2022, chỉ số SPI đạt 72,8 điểm (xếp hạng 80/217), chỉ số ODIN đạt 54,6 (xếp hạng 80/195). Mốc thời gian của mục tiêu trên là vào năm 2030, do vậy hằng năm cần tiến hành theo dõi điểm số và xếp hạng hai chỉ tiêu trên./.
Thu Hiền