Ngày 16/11/2020, Tổng cục Thống kê phối hợp với Ủy ban kinh tế - xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP) tổ chức Hội thảo Đánh giá thực trạng và định hướng phát triển Thống kê kinh tế đến năm 2045. Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại điểm cầu đại diện cho UNESCAP. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương chủ trì Hội thảo. Tham dự buổi Hội thảo có đại diện một số bộ, ngành, trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức quốc tế, các chuyên gia; lãnh đạo, chuyên viên một số đơn vị thuộc TCTK. Bà Gemma Van Halderen - Trưởng Bộ phận Thống kê của Ủy hội Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (UNESCAP) tham dự trực tuyến.
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu tại buổi Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, ngày 18/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đây là Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam đầu tiên được xây dựng một cách công phu, bài bản và khoa học với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế (PARIS21, UNDP, WB, UNFPA).
Sau 10 năm thực hiện Chiến lược, thống kê Việt Nam luôn bám sát vào mục tiêu và nội dung của 9 chương trình hành động đã đề ra trong Chiến lược. Thống kê Việt Nam ngày càng hiện đại, có uy tín trên thế giới và khu vực. Đặc biệt thông tin thống kê được người dùng tin trong nước và quốc tế tin tưởng, sử dụng và đánh giá cao. Nguồn lực về con người, về tài chính và cơ sở vật chất của ngành được tăng cường mạnh mẽ trong 10 năm qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, thống kê Việt Nam còn tồn tại những hạn chế như: số lượng và chất lượng nhân lực; nguồn kinh phí cho hoạt động; hạ tầng công nghệ thông tin… còn hạn chế. Chính vì vậy, việc đánh giá lại hiện trạng thống kê Việt Nam, nghiên cứu xu hướng thống kê thế giới và xác định các định hướng trong Chiến lược phát triển thống kê giai đoạn tiếp theo là rất quan trọng, đặc biệt là lĩnh vực thống kê kinh tế.
Thống kê kinh tế là lĩnh vực thống kê quan trọng bao trùm tất cả các hoạt động sản xuất kinh tế, mô tả trạng thái và biến động của các hiện tượng kinh tế, cả về thời gian và không gian. Bên cạnh đó, thống kê kinh tế cũng nhằm đáp ứng nhu cầu về thông tin phục vụ cho lựa chọn, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế phù hợp với thực trạng của mỗi quốc gia. Do đó, cần xác định rõ xu hướng phát triển của thống kê kinh tế thế giới, phù hợp với thực tiễn của Việt Nam phục vụ cho xây dựng Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, Hội thảo này sẽ tập trung vào bốn nội dung chính sau: (1) Các xu hướng phát triển của thống kê kinh tế thế giới; (2) Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam và những vấn đề đặt ra cho công tác thống kê; (3) Xác định những định hướng phát triển quan trọng cho thống kê kinh tế trong 10-25 năm tới; (4) Các vấn đề khác như hướng tiếp cận, các giải pháp chính, tổ chức thực hiện Chiến lược;...
Bà Gemma Van Halderen - Trưởng Bộ phận Thống kê của UNESCAP tham dự trực tuyến
Hội thảo
Bày tỏ niềm vui khi được đại diện cho UNESCAP tham dự Hội thảo, bà Gemma Van Halderen - Trưởng Bộ phận Thống lê của UNESCAP gửi lời chúc mừng Tổng cục Thống kê và đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương, chúc mừng sự kịp thời và thành công của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Theo bà Gemma Van Halderen, Chiến lược phát triển Thống kê giai đoạn 2011-2020 hoàn toàn phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam. Sự gắn kết của Thống kê Việt Nam với Thống kê thế giới là rất quan trọng và TCTK đã làm rất tốt vai trò gắn kết. Bên cạnh đó, Bà khuyến khích Thống kê Việt Nam tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa Chiến lược thống kê phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, qua đó khẳng định vai trò của Thống kê Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các chuyên gia trong và ngoài nước trình bày một số nội dung liên quan chủ đề của buổi Hội thảo. Trong đó, bà Gemma Van Halderen - Trưởng Bộ phận Thống lê của UNESCAP trình bày về Phát triển Thống kê toàn cầu: Tăng cường thống kê chính thức vì Chương trình nghị sự 2030 cho Phát triển bền vững và ưu tiên phát triển quốc gia. Mục đích của bài trình bày nhằm: Giới thiệu sự lựa chọn phát triển thống kê chính thức để xây dựng Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam (VSDS); Lựa chọn dựa trên đánh giá cá nhân và đưa ra khuyến nghị về một số hoạt động cần cân nhắc.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Tất Thắng - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ kế hoạch và Đầu tư trình bày về Xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và những vấn đề đặt ra cho công tác thống kê. Phần trình bày tập trung vào 3 nội dung chính: (1) Đánh giá thực lực điểm xuất phát (hiện trạng) (2) Nội dung chiến lược 2021-2030, (3) Những vấn đề đặt ra đối với công tác thống kê trong thời gian tới.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Nguyên Viện trưởng Viện khoa học Thống kê đã có 2 phần trình bày. Thứ nhất là, Quy trình xây dựng chiến lược tập trung vào 3 nội dung: Một số nội dung cơ bản về xây dựng chiến lược; Quy trình xây dựng chiến lược phát triển thống kê; Tầm nhìn chiến lược thống kê của một số quốc gia. Thứ hai là, Định hướng phát triển Thống kê kinh tế trong xây dựng chiến lược thống kê giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.
Toàn cảnh buổi Hội Thảo
Cũng tại Hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như chuyên gia thống kê hàng đầu Việt Nam đã tích cực tham gia tham luận. Tiến sĩ Đỗ Văn Thành - Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham luận về Nhu cầu số liệu thống kê phục vụ phân tích định lượng chính sách kinh tế vĩ mô. Tiến sĩ Nguyễn Huy Lương - Chủ tịch Hội Thống kê tỉnh Phú Thọ tham luận về Chỉ số phát triển kinh tế - xã hội và nghiên cứu áp dụng cho Việt Nam; qua đó khái quát những thuận lợi, khó khăn, kết quả, hạn chế của thống kê kinh tế trong giai đoạn vừa qua và đưa ra một số đề xuất phát triển Thống kê kinh tế trong giai đoạn mới. Tiến sĩ Phạm Đăng Quyết - Hội Thống kê Việt Nam tham luận các vấn đề xoay quanh nội dung Lồng ghép phát triển thống kê kinh tế trong chiến lược phát triển thống kê Việt Nam. Trong đó, theo thống kê của Woldbank, năm 2019, Chỉ số chung về năng lực thống kê của Việt Nam đạt 78,89/100 điểm, xếp vị trí thứ 5/11 quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực tham gia đánh giá, đạt trình độ khá. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, Thống kê Việt Nam phát triển nhanh, bền vững và đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.
Buổi Hội thảo đã diễn ra trong không khí trang trọng với tinh thầm tham gia nhiệt tình, nghiêm túc của các đại biểu. Trong buổi chiều cùng ngày, Hội thảo tiếp tục chương trình, các đại biểu tham dự được chia thành 3 tổ và tiến hành thảo luận theo tổ, sau đó, các tổ lần lượt trình bày kết quả thảo luận./.
Tin, ảnh: Thu Hiền