Hội thảo Tham vấn Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh

|

Hội thảo Tham vấn Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh

Trong 2 ngày 18-19/11/2020, tại Hòa Bình, Tổng cục Thống kê đã tổ chức Hội thảo Tham vấn Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh. Chủ trì Hội thảo có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến. Tham dự Hội thảo có ông Michael Krakowski, cố vấn trưởng Chương trình GIZ Macro (cơ quan hợp tác phát triển Đức); đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thống kê; các Sở, ngành có liên quan; 5 Cục Thống kê tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
 

Phó Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Trung Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo
 
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Trung Tiến nêu rõ: Tổng cục Thống kê là đơn vị chủ trì xây dựng bộ chỉ tiêu Tăng trưởng xanh cho Việt Nam trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện và phát triển các bộ chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh của các Bộ, ngành; nghiên cứu, kế thừa và tích hợp các bộ chỉ tiêu liên quan đến tăng trưởng xanh của quốc tế. Liên quan đến xây dựng Thông tư Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh, Tổng cục Thống kê đã tổ chức một số hội thảo lấy ý kiến từ các chuyên gia. Mục đích của Hội thảo lần này là nhằm tiếp tục thu thập ý kiến của các đại biểu góp ý về nội hàm chỉ tiêu và các nội dung cụ thể của chỉ tiêu, tính khả thi của chỉ tiêu, các đơn vị chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp thông tin và tính toán, lộ trình triển khai thực hiện các chỉ tiêu. Ngoài ra, là các ý kiến góp ý về Dự thảo Thông tư ban hành Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh và cho ý kiến về xây dựng Đề cương báo cáo đánh giá thực hiện Bộ chỉ tiêu cấp Trung ương và địa phương.
 
Phát triển bền vững là định hướng và mục tiêu của nhiều quốc gia hiện nay, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, vấn đề này lại càng được quan tâm khi nhu cầu phát triển kinh tế nhanh và mạnh kéo theo những hệ lụy về xã hội và môi trường khó kiểm soát. Tăng trưởng xanh là một nội dung thiết yếu của phát triển bền vững khi tích hợp các yếu tố xã hội và môi trường trong đo lường các hoạt động kinh tế của quốc gia; lượng hóa và phản ánh toàn diện mức độ phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam hiện đang theo đuổi mô hình phát triển bền vững hướng tới một nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh. Chính vì vậy, Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh được xây dựng nhằm mục đích mô tả, phản ánh và đánh giá mức độ “xanh hóa” trong các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường của Việt Nam; cung cấp công cụ để giám sát, quản lý và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển xanh của Việt Nam… Ngoài ra, nhằm đảm bảo tính so sánh và lồng ghép với các mục tiêu phát triển xanh, phát triển bền vững của quốc tế.
 

Toàn cảnh hội nghị

 
Để xây dựng Thông tư Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh, Tổng cục Thống kê thực hiện rà soát 232 chỉ tiêu thuộc khung chỉ tiêu theo dõi, đánh giá cấp độ toàn cầu; rà soát, đánh giá dự thảo 162 chỉ tiêu thống kê thuộc VSDGs; rà soát, đánh giá hệ thống chỉ tiêu cấp quốc gia (186 chỉ tiêu), cấp tỉnh (110 chỉ tiêu) và cấp Bộ, ngành; rà soát, đánh giá bộ chỉ tiêu thống kê liên quan đến tăng trưởng xanh của quốc tế (Bộ chỉ tiêu OECD, Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh của Hàn Quốc, Bộ chỉ tiêu đo lường kinh tế xanh của UNEP).
 
Đề xuất Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam gồm 64 chỉ tiêu cấp quốc gia và 43 chỉ tiêu cấp tỉnh, phân theo 3 nhiệm vụ chiến lược và 12 nhiệm vụ cụ thể. Ba nhiệm vụ chiến lược đó là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
 
Trong thời gian tới, nhiệm vụ của Tổng cục Thống kê là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu (về số lượng, nội dung: Khái niệm, phương pháp tính, nguồn thông tin…); Xin ý kiến các Bộ, ngành Dự thảo Thông tư (lần 2); Hoàn thiện Dự thảo Thông tư; Xây dựng Báo cáo đánh giá tác động Dự thảo Thông tư; Xây dựng báo cáo giám sát Bộ chỉ tiêu cấp quốc gia, cấp tỉnh; Hoàn thiện các thủ tục để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành chính thức Bộ chỉ tiêu tăng trưởng xanh./.
 
                                                                                                PV