Chiều ngày 12/3, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã tổ chức họp rà soát Chương trình hành động của Chiến lược phát triển Thống kê Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (CLPTTK21-30). Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương chủ trì cuộc Họp.
Tham gia cuộc họp có các Phó Tổng cục trưởng TCTK: Phạm Quang Vinh, Nguyễn Trung Tiến; các thành viên Tổ công tác xây dựng CLPTTK21-30; đại diện lãnh đạo, chuyên viên các Vụ của TCTK và lãnh đạo Cục Thống kê TP.Hà Nội.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương phát biểu chỉ đạo cuộc Họp
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, các Vụ đã thực hiện rà soát 8 chương trình hành động đưa vào trong CLPTTK21-30 và gắn các chương trình với nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị. Trong đó đã sửa đổi ý tưởng câu chữ, thay đổi cơ bản từ ngữ trong chiến lược chương trình hành động mà trong chiến lược dự thảo đã và đang xin ý kiến. Tại cuộc họp, Viện Khoa học Thống kê tổng hợp lại toàn bộ nội dung chương trình hành động đã được thảo luận trong thời gian qua để các đại biểu rà soát lại. Sau đó, cho ý kiến để hoàn thiện trong đó tập trung vào chương trình hành động.
Toàn cảnh cuộc Họp
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe báo cáo hoàn thiện nội dung các Chương trình hành động của CLPTTK21-30 và tập trung thảo luận, thống nhất nội dung các chương trình hành động đưa vào Chương trình hành động của CLPTTK21-30.
Dự thảo Quyết định phê duyệt CLPTTK21-30 gồm 4 Điều với mục tiêu tổng quát Thống kê Việt Nam đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững theo hướng hiện đại với mô hình tổ chức hợp lý, nguồn nhân lực chất lượng cao và chuyên nghiệp, công nghệ hiện đại; sản xuất và phổ biến thông tin thống kê theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế, hình thành hệ thống thông tin thống kê quốc gia tập trung, thống nhất, thông suốt, chất lượng và hiệu quả; đáp ứng tốt hơn nhu cầu sử dụng thông tin ngày càng tăng lên của xã hội; phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới.
Dự thảo CLPTTK21-30 đặt ra mục tiêu cụ thể: Tăng cường sử dụng nguồn dữ liệu từ hồ sơ hành chính và các nguồn dữ liệu khác cho hoạt động thống kê; phấn đấu đến năm 2025 thay thế được 30% nguồn dữ liệu điều tra thống kê; đến năm 2030 thay thế được 60%; Mức độ thực hiện Hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA2008) đạt mức 4/6 vào năm 2025; đạt mức 5/6 vào năm 2030; 100% chỉ tiêu thống kê thuộc các hệ thống chỉ tiêu thống kê được biên soạn và công bố theo chuẩn mực thống kê Việt Nam vào năm 2025; Cập nhật đầy đủ, thường xuyên Hệ thống phổ biến dữ liệu chung tăng cường (e-GDDS); trên 50% số chỉ tiêu thuộc Hệ thống phổ biến dữ liệu riêng (SDDS) đảm bảo tiêu chuẩn theo SDDS vào năm 2025; trên 75% vào năm 2030; 70% sản phẩm và dịch vụ thống kê được cung cấp cho người dùng đúng hạn vào năm 2025; 100% vào năm 2030; Tăng cường cung cấp dữ liệu vi mô theo yêu cầu của người sử dụng thông tin thống kê; phấn đấu đến năm 2025 cung cấp dữ liệu vi mô tăng gấp 3 lần và đến năm 2030 tăng gấp 10 lần so với năm 2020; 50% hoạt động thống kê được tư liệu hóa vào năm 2025 và 100% vào năm 2030; 50% hoạt động thống kê được chuyển đổi số vào năm 2025 và 70% vào năm 2030; Chỉ số năng lực thống kê đạt 90 điểm (thang điểm 100) vào năm 2025; đạt 95 điểm vào năm 2030; Chỉ số dữ liệu mở đạt 0,85 vào năm 2025; đạt 0,99 vào năm 2030; Tỷ lệ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê đạt 60% vào năm 2025; đạt 75% vào năm 2030; Phấn đấu đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực; đến năm 2045 trở thành hệ thống thống kê hiện đại trên thế giới./.
M.T