Sáng ngày 19/4/2021, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã khai mạc Khóa đào tạo trực tuyến xây dựng Metadata của hệ thống nguồn thông tin đầu vào phục vụ đo lường hoạt động kinh tế chưa được quan sát (NOE) do Tổ chức Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hỗ trợ. Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương tới dự và phát biểu khai mạc lớp học.
Tham gia khóa học, về phía TCTK có đại diện lãnh đạo các Vụ Thống kê chuyên ngành; Viện Khoa học Thống kê cùng 30 học viên của khóa đào tạo.
Về phía IMF có ông Fancois, trưởng đại diện IMF tại Việt Nam; bà Nguyễn Thị Vân Anh, chuyên gia kinh tế IMF tại Việt Nam; ông Legoff, chuyên gia kinh tế giảng viên khóa đào tạo tại trụ sở chính
Tổng cục trưởng TCTK Nguyễn Thị Hương phát biểu khai mạc khóa đào tạo
Phát biểu khai mạc lớp học, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, Kinh tế chưa được quan sát là một chủ đề khó, hiện đang được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm và triển khai thống kê, đo lường. Việc tiếp cận, đo lường các hoạt động kinh tế chưa được quan sát không chỉ nhằm mục đích hoàn thiện phạm vi tính toán của Hệ thống tài khoản quốc gia mà chủ yếu và hơn hết là để kiểm soát và kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các hoạt động yếu thế; kiềm chế và giảm thiểu các hoạt động không có lợi nhằm hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh bình đẳng, công bằng và minh bạch.
Với vai trò là một trong 4 tổ chức hàng đầu về lĩnh vực thống kê của thế giới, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, IMF đã tích cực thực hiện sứ mệnh giúp đỡ các quốc gia trên thế giới phát triển, hoàn thiện hoạt động thống kê trong nước thông qua các hỗ trợ kỹ thuật các khóa đào tạo trực tiếp hay trực tuyến, các tham vấn kỹ thuật cụ thể… nhằm hướng tới một khoa học thống kê thống nhất trên toàn thế giới, phát huy đầy đủ và hiệu quả của công tác thống kê trong đời sống kinh tế, xã hội của các quốc gia và toàn thế giới nói chung.
Nhiều năm qua, TCTK luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của IMF trong các lĩnh vực thống kê giá, thống kê tài khoản quốc gia, thống kê xuất nhập khẩu, thống kê thương mại-dịch vụ, đặc biệt là sự tham vấn kỹ thuật hiệu quả của IMF về việc “Đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010 -2017 của TCTK. Với mong muốn nghiên cứu do lường các hoạt động kinh tế chưa được quan sát nhằm hoàn thiện lĩnh vực thống kê kinh tế, giúp Chính phủ quan sát đầy đủ và toàn diện hơn các hoạt động kinh tế, TCTK đã đề nghị IMF tiếp tục hỗ trợ về vấn đề này và đã được IMF chấp thuận. Khóa đào tạo “Xây dựng danh mục và thiệt lập Metadata cho Hệ thống chỉ tiêu thống kê thông tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát” là bước hỗ trợ tiếp theo của IMF trong năm 2021.
Nhấn mạnh xây dựng danh mục và thiệt lập Metadata cho Hệ thống chỉ tiêu thống kế tin đầu vào phục vụ đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát là một công việc quan trọng trong Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát của Việt Nam, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết, hiện nay, do hạn chế về lý luận và thực tiễn nên TCTK đang gặp nhiều khó khăn trong việc xác định chỉ tiêu phù hợp và khả thi, giải thích Metadata cho bộ chỉ tiêu. Do đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho rằng, việc hỗ trợ kỹ thuật của IMF cho TCTK là rất kịp thời và hy vọng sẽ đạt được hiệu quả nhất định. Để đạt kết quả tốt nhất cho khóa học, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương đề nghị, trong 5 ngày của khóa đào tạo, chuyên gia IMF sẽ chuẩn hóa khái niệm, định nghĩa về hoạt động kinh tế chưa được quan sát; rà soát Danh mục hoạt động kinh tế chưa được quan sát; nguồn thông tin; phương pháp luận; phân loại hoạt động dựa vào Bảng Nguồn và Sử dụng; đồng thời thảo luận các chủ đề cụ thể; kinh tế số, buôn lậu, gian lận thương mại… có ảnh hướng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Đối với các học viên của khóa học, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương yêu cầu các học viên tham gia đầy đủ, đúng giờ, tích cực tham gia thảo luận, đặc biệt là những vướng mắc trong thực tế triển khai xây dựng Metadata cho hệ thống chỉ tiêu đầu vào khu vực kinh tế chưa được quan sát.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương hy vọng khóa đào tạo sẽ là cơ hội tốt cho các công chức TCTK học hỏi kinh nghiệm từ chuyên gia giàu kinh nghiệm của IMF để có thể xây dựng được bộ tài liệu Metadata đầy đủ, toàn diện giúp công tác thu thập thông tin về khu vực này trong thời gian tới thuận lợi hơn.
Toàn cảnh khóa học
Phát biểu tại khóa học, ông Fancois, trưởng đại diện IMF tại Việt Nam cho rằng, đối với các tài khoản quốc gia nếu được tính toán một cách toàn diện trong đó bao gồm cả khu vực kinh tế chưa được quan sát cũng như chúng ta có một hệ thống hoạch định chính sách hiệu quả thi nó sẽ mang lại kết quả tốt. Việc chưa tính toán hết các hoạt động kinh tế chưa được quan sát có thể dẫn đến một số đánh giá chưa hoàn toàn chính xác về tỷ lệ tăng trưởng GDP, quy mô GDP của nền kinh tế và sẽ làm khó khăn hơn khi đem số liệu so sánh quốc tế. Từ nhận định này, ông Fancois cho rằng, Việt Nam đang dịch chuyển cơ cấu kinh tế từ ngành nông nghiệp sang ngành chế tạo, sản xuất chế tạo dịch vụ cũng như là số hóa có thể mang lại những thách thức nhất định đối với công tác thống kê tài khoản quốc gia. Tuy nhiên với cuộc Tổng điều tra kinh tế vào cuối năm nay sẽ giúp TCTK có thông tin cụ thể hơn về các hoạt động thống kê kinh tế. Đây sẽ là những thông tin đầu vào vô cùng có ý nghĩa để TCTK có thể đảm bảo nâng cao độ phủ một cách toàn diện hơn tất cả các hoạt động kinh tế quốc gia. Với khóa học này, ông Fancois cho rằng, việc đo lường nền kinh tế chưa được quan sát là một hoạt động rất khó khăn tuy nhiên với sự hỗ trợ của chuyên gia IMF và nỗ lực của các cán bộ TCTK trong việc thống kê tài khoản quốc gia sẽ có được khóa học hữu ích và có thể áp dụng.
Nhân dịp này, ông Fancois cũng đánh giá rất cao hợp tác chặt chẽ cũng như hợp tác đối tác vô cùng hiệu quả giữa TCTK và IMF trong những năm qua. Ông Fancois nhấn mạnh, IMF luôn sẵn sàng hỗ trợ cho những nỗ lực của TCTK trong công cuộc hiện đại hóa và cải cách kinh tế của mình.
Ông Fancois, trưởng đại diện IMF tại Việt Nam phát biểu tại khóa học
Tại lớp học, các học viên được nghe các nội dung bài giảng đến từ giảng viên chuyên gia IMF trực tuyến tại trụ sở chính như: Khái niệm, định nghĩa về hoạt động kinh tế chưa được quan sát; hướng dẫn xây dựng chỉ tiêu, Metadata hoạt động kinh tế chưa được quan sát; nguồn thông tin; phân loại hoạt động dựa vào Bảng Nguồn và sử dụng…
Theo kế hoạch, lớp học sẽ diễn ra 5 ngày (từ ngày 19-23/4/2021 và ngày 26/4/2021)./.
M.T