Tuy ngày 7-10, Hạ viện vừa chấp nhận một khoản trợ cấp bổ sung khẩn cấp nhằm đưa một bộ phận quan trọng thuộc lực lượng lao động nghỉ làm trở lại làm việc, nhưng ngày tái hoạt động của toàn bộ chính phủ Mỹ vẫn còn chưa rõ ràng.
Nguy hiểm hơn, nếu qua thời hạn 17-10 tới, tình trạng “chẳng ai nghe ai” giữa lưỡng viện (thực chất là giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ) vẫn tiếp diễn, chắc chắn sẽ khiến mức trần nợ công mới không được thông qua, nước Mỹ sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử. Nếu điều này xảy ra thì đó thực sự là thảm kịch không chỉ đối với người dân Mỹ mà còn với rất nhiều quốc gia khác. Thực tế thì kịch bản này đã được cảnh báo từ sớm, thậm chí ngay từ thời điểm ông Obama bước vào Nhà Trắng hồi năm 2009, và tác hại của nó cũng đều được các bên nhận thức rất rõ, nhưng rồi nó vẫn xảy ra.
Mọi sự giải thích cho sự việc này đều hướng tới mâu thuẫn giữa hai đảng cầm quyền của Mỹ, cụ thể là vì bất đồng trong đạo luật cải cách y tế đã được Tổng thống Obama ký hồi tháng 3-2010 (còn gọi là đạo luật Obamacare).
Tuy nhiên, khó có thể thỏa mãn với cách lý giải cho rằng, sự “phá ngang” của phe Cộng hòa là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc chính phủ phải ngưng hoạt động, thậm chí có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Đúng là, mặc dù đang bị chỉ trích là nguyên nhân chính dẫn đến sự tê liệt tại quốc hội, nhưng các hạ nghị sỹ Cộng hòa cũng có những lý giải không phải không hợp lý. Viện dẫn quy định của Quốc hội về việc chính phủ chỉ được chi tiêu trong khuôn khổ ngân sách cho phép, phe Cộng hòa muốn hạn chế việc lạm chi. Với đạo luật Obamacare, họ cho rằng nếu triển khai sẽ bội chi thêm khoảng 500 tỷ USD và để có thêm tiền thì việc đánh thuế vào những người có thu nhập từ một triệu USD/năm trở lên là không khả thi bởi sẽ không thúc đẩy tăng trưởng. Trên hết, sau cuộc gặp với bên Dân chủ ngày 2-10, Chủ tịch Hạ viện Boehner thuộc phe Cộng hòa lên án Tổng thống Obama “không chịu đàm phán”.
Trong bối cảnh nước Mỹ vẫn chưa thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế như hiện nay, rõ ràng với trách nhiệm và quyền hạn của Tổng thống, ông Obama có không ít lý do để phải cố gắng duy trì chính phủ cũng như tránh đối đầu gay gắt với phe Cộng hòa. Lý do hiển nhiên và tổng thể nhất chính là những tổn thất không hề nhỏ mà người dân Mỹ sẽ phải gánh chịu do việc chính phủ phải tạm ngưng hoạt động.
Theo ước tính sơ bộ của Công ty tư vấn kinh tế IHS Global Insight, việc chính phủ Mỹ đóng cửa đã khiến nền kinh tế nước này tổn thất khoảng 300 triệu USD mỗi ngày. Tức là cứ mỗi giờ, 12,5 triệu USD sẽ "bốc hơi”; và mỗi tuần, nước này sẽ mất 1,6 tỉ USD (tổng thiệt hại mà nước Mỹ phải chịu trong hai lần ngưng hoạt động gần nhất vào năm 1995 và 1996 khoảng 1,4 tỷ USD).
Tất nhiên, đây chỉ là tổn thất bề nổi, liên quan tới lương và năng suất của khoảng hơn 800 ngàn nhân viên Liên bang phải nghỉ việc tạm thời. Song sẽ không một con số nào tính được hết thiệt hại về uy tín của chính quyền Obama với cử tri Mỹ cũng như ảnh hưởng với cộng đồng quốc tế. Tổng thống Obama đã phải hủy chuyến công du Philippines và Malaysia đồng thời cũng không thể tham dự hội nghị APEC tại Indonesia (7 và 8-10-2013) và hội nghị thượng đỉnh Đông Á ở Brunei (9 và10-10-2013) vì chuyện này.
Trên thực tế, thái độ kiên quyết không nhượng bộ của Tổng thống Obama cho thấy dường như ông không bị đe dọa bởi những số liệu trên. Có thể vì tin tưởng vào khả năng tự điều hành trong một khoảng thời gian ngắn nhờ vào đặc tính “lập trình” của mô hình nhà nước kinh tế thị trường lâu đời như Mỹ (Bỉ cũng đã từng không có chính phủ suốt 541 ngày hồi năm 2011-2012), mà Tổng thống Obama, thậm chí có vẻ còn như đang tận dụng việc chính phủ ngưng hoạt động như một liều thuốc thử, một cơ hội để kiểm chứng những toan tính cho tương lai.
Về đối nội, trước hết, đây là dịp để Tổng thống Obama có thể kiểm chứng độ khó khăn của đợt bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2014. Tuy vẫn còn hơn 10 tháng nữa, nhưng với 48% người dân được hỏi đều cho rằng, việc chính phủ phải đóng cửa là do lỗi của các nghị sỹ đảng Cộng hòa, rõ ràng phe Dân chủ đang tạo được một dư âm không nhỏ cho cuộc chiến tranh cử. Mâu thuẫn giữa hai đảng là vấn đề muôn thuở của nước Mỹ, và vì thế, chẳng có đạo luật nào có thể thông qua suôn sẻ nếu không có được sự thỏa hiệp.
Tuy vậy, trong vấn đề Đạo luật Obamacare, Tổng thống Obama kiên quyết không nhượng bộ phe Cộng hòa không chỉ đơn thuần đó là thành quả của một cuộc đấu tranh dai dẳng của các đời tổng thống trước đó (ít nhất là tính từ năm 1965, thời L. Johnson) và để có thể đặt bút ký (23-3-2010) ông cũng đã phải trải qua cuộc tranh luận kéo dài gần 14 tháng. Đạo luật còn thể hiện khát vọng giúp mọi người dân Mỹ được hưởng quyền lợi y tế, và vì thế sự “phá ngang” của đảng Cộng hòa lại đang đẩy hơn 30 triệu cử tri, những người mà nhờ Obamacare sẽ được hưởng bảo hiểm y tế, về phía Dân chủ.
Hơn thế, chính việc bị đánh giá là chưa có bước đột phá nào, kể từ năm 2009 đến nay, trong cải cách cơ cấu nền kinh tế đang bị cho là đã lỗi thời, nên rất có thể chính quyền Obama lại coi việc tạm ngưng hoạt động của chính phủ là cơ hội để có thể đánh giá lại toàn bộ chức năng vận hành của cỗ máy này.
Về đối ngoại, dường như đây là cơ hội giúp người Mỹ có thể kiểm chứng tầm ảnh hưởng của họ trong nhận thức của các đối tác. Trong thỏa thuận về việc giải giáp kho vũ khí hóa học của Syria, chính quyền Obama bị không ít người cho là lép vế so với Nga. Nhưng khi biết tin Tổng thống Obama không thể tham dự hội nghị APEC 21, Tổng thống Nga Putin (dự kiến sẽ gặp ông Obama tại Indonesia) đã tuyên bố “rất lấy làm tiếc, bởi còn rất nhiều điều phải trao đổi về vấn đề Syria”.
Nói cách khác, trong vấn đề Syria, người Nga cũng khó có thể tự quyết nếu thiếu Mỹ. Tổng thống Obama cũng rất cần kiểm chứng xem tư tưởng “một châu Á không có Mỹ” của một số nước có tái hiện và tái hiện như thế nào, khi biết ông sẽ không tham dự cả hai hội nghị APEC và EAS vì những vướng bận “việc nhà”. Tuy Ngoại trưởng John Kerry vẫn tham dự nhưng việc chủ tịch Tập Cận Bình thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Indonesia (một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của chính quyền Obama tại Đông Nam Á) cũng như đề xuất xây dựng “con đường tơ lụa trên biển” tại hội nghị APEC 21 (ngày 7-10), rõ ràng buộc Mỹ phải đánh giá lại hiệu quả của chính sách “xoay trục châu Á”. Thêm nữa, chủ đề “Châu Á – Thái Bình Dương tự cường: Động lực của tăng trưởng toàn cầu” của APEC có lẽ cũng tạo điều kiện để Tổng thống Obama kiểm chứng lộ trình thực hiện Hiệp ước đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phía Mỹ đang bị lên án là áp đặt những điều kiện quá ngặt nghèo với các đối tác đàm phán, trong đó có cả Nhật Bản.
Tất nhiên, trên đây mới chỉ là giả định có tính chủ quan, bởi nếu đó là sự thật thì thực sự Tổng thống Obama cũng đang phải chịu trách nhiệm một phần, trước hết là với người dân Mỹ, khi lợi dụng con bài “đóng cửa chính phủ”.
Bất luận thế nào, cách thức xử lý của chính quyền Obama trong vụ việc này cũng cho thấy một sự thật hiển nhiên, cuộc khủng hoảng chính phủ lần thứ 18 này không phải là định mệnh đối với nước Mỹ, nó là sản phẩm từ những toan tính của những nhóm người rất cụ thể. Và có lẽ người dân Mỹ vẫn lại luôn phải là người chịu thiệt thòi đầu tiên.