Quần vợt Việt Nam liên tiếp đón nhận tin vui thành tích chỉ trong gần hai tháng qua. Theo đó, Đội tuyển Quần vợt Việt Nam được thăng hạng nhóm hai Davis Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau khi thi đấu thành công ở giải đấu này trong khuôn khổ nhóm ba, rồi việc tay vợt trẻ Lý Hoàng Nam vừa được Liên đoàn Quần vợt quốc tế (ITF) xếp hạng 14 trẻ ITF, tăng 25 bậc trong vòng bốn tuần sau khi vô địch ở cả hai nội dung đơn và đôi nam của Giải quần vợt nhóm một ITF tại Malaysia, đồng thời lần đầu lọt vào tứ kết Giải quần vợt chuyên nghiệp Indonesia F1 Futures. Vừa qua, Lý Hoàng Nam giành tiếp hai chức vô địch quần vợt trẻ châu Á đơn nam và đôi nam nhóm B1 trẻ của ITF tại Ấn Độ.
Tuy nhiên, cũng liền với tin vui là không ít chuyện buồn phiền qua những tranh cãi um xùm của đội tuyển do mâu thuẫn nội bộ. Vận động viên (VĐV) bức xúc, có những phát biểu đăng đàn trên các trang mạng internet, rồi các nhà quản lý cũng phát biểu “đe” có biện pháp xử lý, thậm chí lại sử dụng đến chiêu “cấm thi đấu” thường lệ. Sau đó, huấn luyện viên (HLV) đội tuyển cũng gửi “tâm thư” giải thích về các rắc rối nội bộ.
Từ ngoài nhìn vào, có vẻ làng quần vợt nước nhà đang trong một cái vòng luẩn quẩn mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng này không chỉ có phần trách nhiệm của phía VĐV, lãnh đạo Liên đoàn Quần vợt Việt Nam (VTF) mà còn cả phía cấp lãnh đạo cao hơn của ngành thể thao khi dường như họ đang “ngó lơ”, không mấy quan tâm đến “ba chuyện vặt” ấy và cứ thế để nó diễn ra từ năm này đến năm khác.
Chuyện mâu thuẫn lần này xuất phát từ những tố cáo của một số thành viên Đội tuyển Quần vợt trên mạng xã hội nhằm vào các thành viên của VTF khi can thiệp quá sâu vào chuyên môn đội tuyển trong khi không được giao nhiệm vụ về chuyên môn, gây mâu thuẫn trong quá trình thi đấu tại Davis Cup. Không dừng lại ở sự tố cáo, thậm chí họ đã có cả những lời nói mang tính xúc phạm, lăng mạ cá nhân. Lãnh đạo VTF cũng ngay lập tức lên tiếng, đả phá kịch liệt về những phát biểu sai nguyên tắc của VĐV và quy họ sai phạm về đạo đức nghề nghiệp, cho rằng các tuyển thủ của quần vợt Việt Nam không được chỉ trích thành viên lãnh đạo đoàn trên mạng xã hội, cho dù đó có là những chỉ trích đúng đi chăng nữa.
Đây không còn là chuyện cá biệt mà đã trở thành thường xuyên “như cơm bữa” giữa lãnh đạo VTF và VĐV.
Còn nhớ, đầu năm 2014, Lý Hoàng Nam c??ng t???ng bị cấm thi đấu đến hết năm mà lỗi lại không phải do tay vợt trẻ số 1 Việt Nam mà chỉ vì mâu thuẫn giữa lãnh đạo VTF và một số cá nhân thuộc đơn vị đang quản lý Lý Hoàng Nam là Becamex Bình Dương. Phía Becamex cho rằng VTF lạm quyền, xem thường các đơn vị. Còn phía liên đoàn “lập luận” lại là đơn vị quản lý Hoàng Nam đã xem thường VTF, vô kỷ luật, đặt nặng lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia. Việc tranh đấu giữa hai bên khiến Lý Hoàng Nam bị thiệt thòi không được thi đấu dưới màu áo đội tuyển và bị tước danh hiệu VĐV tiêu biểu toàn quốc và các khen thưởng kèm theo. Chưa dừng tại đó, cách đây ba năm, dư luận từng xôn xao trước việc VĐV tố cáo HLV trù úm, triệt phá và lãnh đạo bộ môn đòi chia tiền thưởng, song bị VĐV phản đối.
Từ các sự việc nêu trên, có thể thấy cái sai từ cả hai phía. Đành rằng, không thể để những tiêu cực tồn tại, nhưng mọi bức xúc, bất bình phải tuân thủ theo trình tự, chứ không thể phát ngôn bừa bãi, nhất là trên các diễn đàn mạng xã hội, dễ gây hiểu lầm không đáng có, đặc biệt là khi họ đang khoác trên mình chiếc áo tuyển thủ quốc gia và được triệu tập theo quyết định của Tổng cục Thể dục - Thể thao. Theo một lãnh đạo ngành thể thao, các thành viên đội tuyển quốc gia khi có bức xúc nên góp ý lên cấp trên trực tiếp quản lý đội hoặc phản ánh với người trực tiếp quản lý bộ môn, quản lý liên đoàn. Việc phát biểu, đăng đàn trên mạng xã hội của một số tuyển thủ quốc gia đã thể hiện ý thức và tính kỷ luật rất thấp ở họ.
Chuyện lùm xùm ở làng quần vợt Việt Nam cho thấy công tác tổ chức, quản lý còn nhiều điều phải khắc phục, rút kinh nghiệm và kiểm điểm một cách nghiêm túc về vai trò và nhiệm vụ của từng thành viên ở đội tuyển quần vợt, tránh để lâu dài, làm nảy sinh mâu thuẫn và nghi kỵ. Cũng vì thế, nhà quản lý và lãnh đạo VTF cần nhìn lại, xem những biện pháp mình đưa ra đã thật sự thuyết phục và bản thân họ liệu có đủ uy tín để các VĐV, HLV thật sự nể phục. “Cấm thi đấu” có lẽ không phải biện pháp hiệu quả và duy nhất. Điều quan trọng hơn cả, làm sao cho tất cả trên dưới đồng lòng vì mục tiêu giành thành tích và mang vinh quang về cho Tổ quốc. Khi các thành viên đội tuyển còn bị phân tâm bởi những chuyện như thế thì làm sao có thể tập trung thi đấu tốt.
Qua đây, cũng cần nhìn lại cung cách quản lý, xử lý, định hướng của lãnh đạo ngành thể thao, những người chịu trách nhiệm đối với bộ môn quần vợt. Không thể cứ làm ngơ mà không bắt tay vào giải quyết nếu muốn cho quần vợt Việt Nam phát triển một cách vững chắc.