Điện Biên hoàn tất công tác chuẩn bị, quyết tâm thực hiện thành công Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024

|

Điện Biên hoàn tất công tác chuẩn bị, quyết tâm thực hiện thành công Điều tra 53 dân tộc thiểu số năm 2024

Năm 2024, cùng với các địa phương trên cả nước, Điện Biên thực hiện Điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số (DTTS) nhằm thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ và các điều kiện kinh tế - xã hội, qua đó phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của các DTTS của tỉnh, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển.

Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 (gọi tắt là điều tra 53 DTTS năm 2024) trên địa bàn tỉnh Điện Biên được thực hiện theo Quyết định số 628/QĐ-TCTK ngày 14/7/2023 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về ban hành Phương án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 và kế hoạch số 231/KH-CTK ngày 09/5/2024 của Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Điện Biên về việc ban hành Kế hoạch án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

Đây là cuộc điều tra mẫu có quy mô lớn, giống như một cuộc tổng điều tra về Dân tộc tại Việt Nam nhằm thu thập thông tin phục vụ đánh giá tình hình, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030.

 

Công tác chuẩn bị cho Điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc năm 2024
được tỉnh Điện Biên triển khai nghiêm túc với quyết tâm thực hiện thành công cuộc Điều tra

 
Về công tác rà soát xã, cập nhật địa bàn điều tra, lập bảng kê

Thứ nhất, về công tác rà soát xã, cập nhật địa bàn điều tra: Tỉnh Điện Biên hiện có 129 đơn vị cấp xã gồm 9 phường, 5 thị trấn và 115 xã. Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Điện Biên có 94 xã thuộc khu vực III, 5 xã thuộc khu vực II, 27 xã thuộc khu vực I; với tổng số địa bàn được chọn mẫu thu thập thông tin trong Điều tra 53 DTTS năm 2024 là 431 địa bàn trong đó: 48 địa bàn thành thị; 383 địa bàn nông thôn.

Thực hiện công văn số 93/TTDL-TTQL ngày 13 tháng 5 năm 2024 của Cục TT&ƯDCNTT về việc hướng dẫn rà soát danh sách xã và danh sách địa bàn được chọn mẫu Điều tra 53 DTTS năm 2024, ngày 15/5/2024 Cục Thống kê Điện Biên đã ban hành công văn số 234/CTK-TTTT về hướng dẫn rà soát danh sách xã và danh sách địa bàn được chọn mẫu Điều tra 53 DTTS năm 2024. Rà soát lại toàn bộ địa bàn được chọn mẫu dựa trên dàn mẫu và ranh giới từ TĐT DS&NƠ 2019, kết quả cho thấy, trong 431 địa bàn có 01 địa bàn bị giải tỏa toàn bộ; 01 địa bàn bị giải tỏa một phần hoặc bị chia tách; 16 địa bàn thay đổi địa giới hành chính và 413 địa bàn không có sự thay đổi.

Thứ hai, về công tác lập bảng kê: Công tác lập bảng kê bắt đầu ngay sau các lớp tập huấn dành cho điều tra viên (ĐTV). Từ ngày 01/6/2024 đến ngày 25/6/2024, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc lập bảng kê tại 431 địa bàn (43.624 hộ) trong đó: 16 địa bàn điều tra toàn bộ; 356 địa bàn mẫu 30 hộ; 59 địa bàn mẫu 40 hộ theo đúng kế hoạch và phương án quy định.

Về công tác tuyển chọn Giám sát viên, Tổ trưởng, Điều tra viên

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác lập bảng kê tại từng địa bàn, đảm bảo chính xác để làm căn cứ đánh giá tình hình, xây dựng và hoạch định chính sách liên quan đến công tác dân tộc, phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030; đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, nên khâu tuyển chọn ĐTV đã được chú trọng ngay từ đầu. Tỉnh Điện Biên đã tuyển chọn điều tra viên, giám sát viên theo tiêu chuẩn phương án quy định (16 GSV cấp tỉnh; 38 GSV cấp huyện; 127 tổ trưởng; 230 ĐTV lập bảng kê), lực lượng GSV, ĐTV, TT tham gia cuộc điều tra đều được tập huấn nghiệp vụ và phương pháp ghi phiếu điều tra trên theo đúng quy trình, phương án điều tra của Tổng cục Thống kê quy định.

Về công tác tập huấn nghiệp vụ

Thực hiện kế hoạch tập huấn nghiệp vụ và Ứng dụng CNTT, Cục Thống kê tỉnh Điện Biên đã căn cứ theo đúng phương án hướng dẫn, cử đúng, đầy đủ thành phần tham gia tiếp thu theo quy định để tổ chức hội nghị cụ thể:

Cấp tỉnh: Từ ngày 23 đến ngày 25/5/2024, Cục Thống kê Điện Biên đã mở Hội nghị tập huấn điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024; Hội nghị diễn ra trong vòng 03 ngày. Trong thời gian tập huấn, học viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các buổi học và làm thực hành trên CAPI, web điều hành đầy đủ. Tuân thủ hướng dẫn và phân công của Ban Tổ chức. Thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của giảng viên trong quá trình tham dự tập huấn.

Cấp huyện: Từ ngày 28 đến 05/6/2024, 10/10 huyện đã tổ chức các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ lập bảng kê cho Giám sát viên cấp huyện, cán bộ lập bảng kê với 386 đại biểu tham dự. Từ ngày 25/6/2024 đến 30/6/2024, dự kiến 10/10 huyện mở hội nghị tập huấn nghiệp vụ và hướng dẫn sử dụng phần mềm CAPI cho ĐTV, GSV cấp huyện, với tổng số trên 430 đại biểu tham dự.

Về công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền điều tra được Lãnh đạo Cục Thống kê quan tâm chỉ đạo, quán triệt phải thực hiện thường xuyên, liên tục, có tính kế thừa, có trọng tâm trọng điểm; hình thức tuyên truyền phải đa dạng, sinh động, phù hợp với ngôn ngữ, tập quán của từng địa phương; nội dung tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Công tác tuyên truyền được thực hiện ở các cấp, cụ thể:

Cấp tỉnh: Thực hiện việc đưa tin, bài viết, trailer, file hỏi đáp MP3, tài liệu hướng dẫn điều tra về cuộc Điều tra trên Trang thông tin điện tử của Cục Thống kê; đưa khẩu hiệu, poster tuyên truyền lên bảng LED; đăng tải các tin, bài viết, bài phỏng vấn Lãnh đạo Cục Thống kê, các chuyên gia về cuộc Điều tra (nếu có). Đưa tin, bài viết, phóng sự, trailer, file hỏi đáp MP3 các thứ tiếng, trên đài phát thanh và truyền hình địa phương phù hợp với đặc điểm tình hình người dân tộc thiểu số tại địa phương. Treo băng rôn, khẩu hiệu, Poster, phát file hỏi đáp MP3 trên xe tuyên truyền lưu động. Phân bổ Sổ tay Hướng dẫn tuyên truyền, file MP3 hỏi - đáp, Thư gửi hộ và Thư gửi Già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS (theo danh sách do Văn phòng TCTK cung cấp); Trailer về cuộc Điều tra đến các huyện. Mời phóng viên báo, đài dự Hội nghị tập huấn để đưa tin.

Cấp huyện: Thực hiện việc đăng tải các bài viết tuyên truyền về cuộc điều tra tại địa bàn huyện (công tác tập huấn nghiệp vụ điều tra; công tác kiểm tra, giám sát) trên trang thông tin điện tử của Cục; treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công an các xã, thị trấn để tuyên truyền nhất là các địa bàn trọng yếu, biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số.

Cấp xã: Thực hiện việc phát thanh file MP3 hỏi - đáp về cuộc Điều tra trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở (cấp xã, thôn/ấp/bản). Treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền. Lồng ghép nội dung cuộc Điều tra tại các cuộc họp của cộng đồng dân cư xã, thôn, ấp, bản.

Hoạt động tuyên truyền triển khai trong tháng Sáu và tháng Bảy năm 2024, trong đó tập trung cao điểm từ ngày 25/6 đến 10/7/2024, gần với thời điểm bắt đầu và những ngày đầu ra quân thực hiện thu thập thông tin.

Về công tác kiểm tra, giám sát

Để hạn chế sai sót ngay từ những ngày đầu rà soát lập bảng kê, điều tra thu thập thông tin tại địa bàn Cục thống kê Điện biên đã tăng cường công tác kiểm tra Giám sát viên (GSV) các cấp thường xuyên kiểm tra, giám sát tất cả các địa bàn trong công tác rà soát địa bàn lập bảng kê chuẩn bị điều tra thu thập thông tin.
.

Giai đoạn 1: Từ ngày 01/6/2024 đến ngày 25/6/2024 Cục Thống kê đã thành lập 03 đoàn giám sát trực tiếp việc rà soát, lập bảng kê các địa bàn điều tra tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố. Cục đã chủ động phân công nhiệm vụ cụ thể cho các GSV cấp tỉnh phụ trách từng huyện.

Giai đoạn 2: Từ ngày 25/6/2024 đến ngày 30/6/2024 thành lập 03 đoàn giám sát trực tiếp việc tổ chức triển khai các Hội nghị tập huấn cấp huyện tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các GSV cấp tỉnh phụ trách từng huyện.

Bên cạnh đó, Cục Thống kê tỉnh Điện Biên tiến hành giám sát trực tuyến trên website, trang điều hành tác nghiệp xuyên suốt quá trình lập bảng kê, để kiểm tra tiến độ lập bảng kê, thường xuyên trao đổi cùng GSV cấp huyện, ĐTV những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện nhập trên phiếu điều tra CAPI.

Về công tác chỉ đạo, phối hợp

Để tổ chức triển khai thực hiện tốt cuộc điều tra trên địa bàn tỉnh Điện Biên, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành Công văn số 2749/UBND-KT ngày 19/6/2024 về việc phối hợp triển khai Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024.

Ban Dân tộc tỉnh đã ban hành Công văn số 341/BDT-CSDT ngày 21/5/2024 về việc triển khai Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024, gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai một số nội dung của cuộc điều tra. Đồng thời, Ban Dân tộc tỉnh phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tham gia các Hội nghị tập huấn nghiệp vụ chỉ đạo Cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện phối hợp chặt chẽ với Cục Thống kê tỉnh và các cơ quan, Ban, ngành của tỉnh tổ chức thành công cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 diễn ra từ ngày 01/7/2024 đến 15/8/2023, đặc biệt là việc tổ chức Lễ ra quân điều tra vào ngày 01/7/2024. Bên cạnh đó, Phòng dân tộc huyện Phối hợp với Chi cục Thống kê trong công tác tổ chức, triển khai cuộc điều tra, (gồm tập huấn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát thu thập thông tin tại địa bàn và trên trang Web điều hành); tham gia với Chi cục Thống kê tổng hợp kết quả, báo cáo kết quả điều tra...

UBND cấp xã phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thống kê huyện trong việc chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, công tác điều tra tại địa phương từ khâu rà soát cập nhật đơn vị điều tra, lập bảng kê; tuyển chọn Điều tra viên, tổ trưởng để tham dự tập huấn nghiệp vụ điều tra và thu thập thông tin tại địa bàn; kiểm tra, giám sát việc thu thập thông tin tại địa bàn… Chỉ đạo các bộ phận liên quan tạo mọi điều kiện giúp đỡ Điều tra viên, tổ trưởng thực hiện nhiệm vụ; hỗ trợ các đoàn kiểm tra, giám sát, các cấp tham gia giám sát công tác điều tra ở địa bàn.

Có thể nói, đ
ến thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị cho việc tiến hành điều tra thu thập thông tin thực trạng Kinh tế - Xã hội của 53 DTTS năm 2024 đã cơ bản hoàn tất, ngành Thống kê Điện Biên quyết tâm hoàn thành tốt, đảm bảo thực hiện thắng lợi cuộc Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 trên địa bàn tỉnh./.
 
Thu Hiền