Già hóa dân số đang trở thành một trong những vấn đề xã hội ngày càng nghiêm trọng, đe dọa đến tăng trưởng kinh tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Hàn Quốc. Với tiềm lực của một quốc gia phát triển, có thu nhập cao, Chính phủ Hàn Quốc đã sử dụng Quỹ Hưu trí quốc gia như một công cụ ứng phó với tình trạng già hóa dân số bên cạnh các giải pháp khác. Tuy nhiên, với những biến động nhanh chóng về nhân khẩu học trong những năm gần đây, Quỹ Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc đang đứng trước thách thức lớn cần sớm có giải pháp đối phó.
Từ khóa: Dân số, già hóa dân số, Hàn Quốc, hưu trí, bảo hiểm…
Abstract: Aging population is becoming one of the increasingly serious social issues, threatening economic growth in many countries around the world, including South Korea. With the potential of a developed country with high income, the South Korean government has used the National Pension Fund as a tool to respond to the aging population alongside other solutions. However, with the rapid demographic changes in recent years, South Korea's National Pension Fund is facing significant challenges that require prompt solutions.
Keywords: Population, aging population, South Korea, pension, insurance…
Khởi động quỹ hưu trí quốc gia để ứng phó với tình trạng dân số già
Để đối phó với sự thay đổi nhân khẩu học, bên cạnh các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thích ứng với tỷ lệ sinh thấp, Hàn Quốc triển khai các chính sách phục lợi cho một xã hội giá hóa, giúp đảm bảo thu nhập hưu trí và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Từ cuối những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã bắt đầu chuẩn bị triển khai Hệ thống Hưu trí nhà nước với điểm nhấn là Quỹ Hưu trí quốc gia nhằm đối phó với những dự báo về tình trạng dân số già và đảm bảo an sinh trong tương lai. Năm 1988, hệ thống hưu trí quốc gia của Hàn Quốc được triển khai bao trùm đến những lao động toàn thời gian tại những nơi làm việc có từ 10 lao động trở lên. Từ năm 1992, hệ thống hưu trí quốc gia tiếp tục mở rộng phạm vi và đã bao trùm cho tất cả những người lao động từ nơi làm việc có 1 hoặc nhiều lao động vào năm 2003. Cùng với đó, các hệ thống hưu trí nhà nước khác cho các ngành nghề đặc biệt cũng được triển khai, như chế độ hưu trí cho Công chức Chính phủ, quân nhân, giáo viên.
Độ tuổi và nơi cư trú là 2 tiêu chí chính về điều kiện để người dân Hàn Quốc nhận trợ cấp quốc gia. Do đó, tất cả những công dân Hàn Quốc cư trú tại Hàn Quốc và trong độ tuổi từ 18 đến 59 đều đủ điều kiện tham gia chương trình lương hưu quốc gia bất kể thu nhập của họ. Chính sách Hàn Quốc cũng rộng mở đối với người nước ngoài đang cư trú tại đây và nằm trong độ tuổi từ 18-59 tuổi được tham gia chương trình lương hưu quốc gia. Đồng thời, công chức chính phủ, quân nhân và giáo viên trường tư thục được bảo hiểm theo chế độ hưu trí nhà nước chuyên biệt, tương ứng với lương hưu của lực lượng này.
Hàn Quốc triển khai 4 hình thức tham gia bảo hiểm theo hệ thống hưu trí quốc gia gồm: Người tham gia bảo hiểm tại nơi làm việc, người tham gia bảo hiểm cá nhân, người tham gia bảo hiểm tự nguyện, người tham gia bảo hiểm tự nguyện và liên tục. Do hệ thống hưu trí quốc gia của Hàn Quốc là chương trình bảo hiểm xã hội nên quỹ dùng để chi trả phúc lợi có nguồn thu chủ yếu từ sự đóng góp của người tham gia bảo hiểm và người sử dụng lao động. Tỷ lệ đóng góp khác nhau đối với các đối tượng tham gia bảo hiểm khác nhau. Mức đóng góp được xác định theo thu nhập hàng tháng tiêu chuẩn của người tham gia bảo hiểm nhân với tỷ lệ đóng góp. Trong khi đó, mức hưởng lương hưu được xác định theo thu nhập của người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, mức hưởng lương hưu cũng được xác định theo cả yếu tố phân phối lại thu nhập vì một phần dựa trên thu nhập bình quân của tất cả công dân; đồng thời cũng chịu sự điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát giá tiêu dùng hàng năm.
Để quản lý nguồn Quỹ Hưu trí quốc gia này, tổ chức Quản lý đầu tư dịch vụ hưu trí quốc gia (NPSIM) được thành lập từ năm 1999 với tư cách là một tổ chức quản lý tài sản chuyên nghiệp thuộc cơ quan Dịch vụ hưu trí quốc gia Hàn Quốc (NPS). Trong đó, Ủy ban Quản lý Quỹ có thẩm quyền tối cao ra quyết định quan trọng về chính sách đầu tư, phê duyệt kế hoạch quản lý tài sản hàng năm và đánh giá hoạt động quản lý tài sản.
Quỹ được lập kế hoạch đầu tư trung hạn và đầu tư hàng năm để phân bổ tài sản, trong đó, kế hoạch đầu tư trung hạn xác định danh mục đầu tư mục tiêu trong vòng 5 năm dựa trên triển vọng trung hạn của nền kinh tế và thị trường tài chính. Quỹ chủ yếu đầu tư vào thị trường trái phiếu trong nước, từ đó, đầu tư vào quỹ được đa dạng hóa với sự gia tăng đầu tư vào vốn chủ sở hữu và các tài sản thay thế. Bên cạnh đó, cứ sau 5 năm, Chính phủ Hàn Quốc lại thực hiện dự báo dài hạn về tính bền vững tài chính của Quỹ Hưu trí quốc gia.
Nhờ đóng góp từ những người mua bảo hiểm và lợi tức đầu tư vào tài sản hưu trí vượt quá mức chi cho trợ cấp hơn trí, quy mô tài sản của Quỹ Hưu trí Hàn Quốc đã tăng lên đáng kể. Năm 2021, Quỹ đạt 860 nghìn tỷ won (khoảng 730 tỷ USD); lợi tức đầu tư tích lũy vào quỹ là 462 nghìn tỷ won và tỷ suất lợi nhuận bình quân hàng năm từ năm 1988 đến cuối năm 2021 là 5,9%. Đến nay, Quỹ Hưu trí quốc gia của Hàn Quốc là một trong những quỹ lớn nhất thế giới với khoảng 1.147.000 tỷ won (tương đương 855 tỷ USD) tài sản.
Thách thức bền vững tài chính quỹ trước kỷ nguyên của xã hội siêu già
Cho dù phát triển mạnh mẽ về kinh tế, Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong tương lai khi sắp bước vào kỷ nguyên của xã hội siêu già. Quá trình trở thành xã hội siêu già của Hàn Quốc diễn ra nhanh hơn do đồng thời trải qua tình trạng già hóa nhanh chóng và tỷ lệ sinh thấp so với các quốc gia khác. Điều này đặt Hàn Quốc vào thế khó trước bài toán nan giải về năng suất lao động suy giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế có chiều hướng chậm lại do nguồn cung lao động ít đi; đồng thời cũng đặt ra thách thức với nguồn quỹ hưu trí của nước này.
Nghiên cứu của Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSTAT) cho thấy, tuổi thọ dân số nước này đã tăng thêm 20 năm trong vòng gần 45 năm giai đoạn 1970-2014 và dự kiến sẽ tăng thêm 7 năm nữa trong gần 40 năm tới. Hàn Quốc đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng dân số khi người dân đang ngày càng già đi và ít người sinh con hơn. Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc (số con mà một phụ nữ có trong đời) đã giảm còn 0,72 vào năm 2023. Với tỷ lệ này, Hàn Quốc trở thành thành viên duy nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có tỷ lệ sinh dưới 1.
Nhóm dân số cao tuổi tăng nhanh đồng thời nhóm dân số trong độ tuổi sinh đẻ giảm thực sự là những vấn đề lớn trong thay đổi cơ cấu nhân khẩu học của Hàn Quốc. Hơn thế nữa, tốc độ già hóa dân số của Hàn Quốc còn được đánh giá là đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với các quốc gia đang phát triển khác. Theo đó, Hàn Quốc bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2000 với hơn 7% dân số từ 65 tuổi trở lên. Quá trình già hóa dân số và tiến tới xã hội siêu già diễn ra nhanh hơn nhiều so với các nước phát triển khác như: Nhật Bản, Ý, Hoa Kỳ, Pháp…
Theo phân loại của Liên Hợp Quốc, quốc gia là "xã hội già hóa" nếu tỷ lệ người trên 65 tuổi lớn hơn 7% dân số; "xã hội già" nếu con số này trên 14% và "xã hội siêu già" nếu tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm trên 20% dân số. Số liệu thống kê từ Bộ Tư pháp Hàn Quốc cho thấy, tính đến ngày 10/7/2024, dân số trên 65 tuổi tại Hàn Quốc đạt trên 10 triệu người, chiếm 19,51% tổng số dân. Dự kiến số dân trên 65 tuổi tại đây sẽ vượt quá 20% vào năm 2025 và chính thức tiến vào giai đoạn xã hội siêu già. Đáng nói là, ở các địa phương khác như tỉnh Nam Jeolla, tỷ lệ người già lên tới 26,67%; tỉnh Bắc Gyeongsang là 25,35%; tỉnh Gangwon là 24,72% và tỉnh Bắc Jeolla là 24,68% - được xếp loại xã hội siêu già do dân số cao tuổi đã chiếm từ 20% trở lên so với tổng số dân. Tốc độ già hóa dân số nước này dự kiến sẽ còn diễn ra nhanh hơn nữa, trong đó dân số cao tuổi có thể sẽ vượt quá 30% vào năm 2035 và đạt 40% trên tổng số dân vào năm 2050.
Theo KOSTAT dự báo, lực lượng lao động trong độ tuổi từ 15 đến 64 của Hàn Quốc sẽ giảm từ 37,6 triệu người năm 2018 xuống còn 28,6 triệu người năm 2040 và chỉ còn 20,6 triệu người vào năm 2060. Theo các ước tính mới nhất, tới năm 2050, tỷ lệ người lao động/người về hưu tại Hàn Quốc sẽ là 1:1. Điều này đồng nghĩa với việc số người tham gia bảo hiểm đóng góp lương hưu của Hàn Quốc sẽ giảm đáng kể trong tương lai không xa. Cùng với đó, số người nghỉ hưu tăng, kéo theo mức chi trả cho lương hưu tăng, đe dọa nghiêm trọng đến tính bền vững tài chính dài hạn của quỹ hưu trí nước này.
Với diễn biến nhanh của già hóa dân số, số người nghỉ hưu tăng nên số người hưởng lương hưu từ hệ thống hưu trí quốc gia Hàn Quốc đã tăng từ 3,0 triệu người năm 2010 lên 5,6 triệu người vào năm 2020. Tương ứng, tổng số tiền chi trả lương hưu cũng tăng từ 8,6 nghìn tỷ won năm 2010 lên 25,7 nghìn tỷ won năm 2020. Đồng thời, quỹ hưu trí của Hàn Quốc tiếp tục đứng trước khó khăn khác khi số người hưởng lương hưu sớm so với độ tuổi quy định vẫn tăng đều đặn. Con số đã tăng từ 673,84 nghìn người vào năm 2020 lên 714,36 nghìn người vào năm 2021 và 765,34 nghìn người vào năm 2022. Dự đoán số lượng người nhận lương hưu sớm sẽ vượt qua 1,07 triệu vào năm 2025, với tổng số tiền chi trả dự kiến đạt khoảng 10 nghìn tỷ won.
Đáng quan ngại hơn, báo cáo công bố vào tháng 1/2024 của NPS dự báo, bắt đầu từ năm 2041, tình trạng thiếu hụt ngân quỹ để chi trả lương hưu sẽ bắt đầu và nguồn quỹ hưu trí sẽ cạn kiệt vào năm 2055 nếu nước này duy trì hệ thống chi trả hiện tại trong khi quá trình già hóa dân số vẫn ngày càng trầm trọng. Trước tình trạng này, Chính phủ Hàn Quốc đang tìm kiếm giải pháp đối phó, một trong các phương án được đề xuất đó là cải cách mang tính căn bản đối với hệ thống hưu trí, bao gồm quyết định tăng tỷ lệ đóng góp từ 9% lên 13% và tăng tỷ lệ thay thế thu nhập lương hưu từ 40% lên 42%. Nếu giải pháp này được thực hiện, đây sẽ là lần tăng tỷ lệ đóng góp vào Quỹ Hữu trí quốc gia đầu tiên của Hàn Quốc kể từ năm 1998. Theo đó, quyền lợi dành cho người về hưu cũng được điều chỉnh tự động tùy theo tình hình tài khóa. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng khuyến khích, hỗ trợ tuyển dụng người cao tuổi tham gia lao động, dù đã qua 60 tuổi.
Mặc dù vậy, đề xuất này được cho là có nhiều bất lợi cho cả người trong độ tuổi lao động và người về hưu, do đó, Hàn Quốc vẫn đang đẩy mạnh tìm kiếm giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm đảm bảo an sinh cho người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu và ứng phó với những thách thức đối với nguồn quỹ hưu trí trong bối cảnh tiến gần đến xã hội siêu già./.
Tài liệu tham khảo:
1. Chính sách an sinh xã hội của Hàn Quốc giải quyết vấn đề già hóa dân số, Viện phát triển Hàn Quốc (KDI);
2. Dự báo dân số Hàn Quốc 2017-2067, Cơ quan Thống kê quốc gia Hàn Quốc (KOSTAT).
Minh Hà