Thông tin thống kê giới giúp các nhà hoạch định chính sách xem xét sự khác biệt và bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, các nhu cầu và ưu tiên; qua đó, góp phần xây dựng và phản biện các chính sách, chương trình hướng đến đảm bảo lợi ích tối đa cho cả phụ nữ và nam giới, thúc đẩy, vận động, xây dựng, thực hiện và giám sát các chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo bình đẳng giới thực chất trong tất cả các lĩnh vực.
Nhằm cung cấp cho người đọc những thông tin thống kê hữu ích về thực trạng mối quan hệ giới tại Việt Nam năm 2023, Tổng cục Thống kê biên soạn ấn phẩm “Thông tin thống kê giới tại Việt Nam 2023”.
Theo thông tin từ Ấn phẩm, năm 2019, bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia được rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình thực tế và ngày 30/7/2019, Bộ Chỉ tiêu Thống kê phát triển giới quốc gia với 78 chỉ tiêu được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành tại Thông tư số 10/2019/TT-BKHĐT. Theo đó, Tổng cục Thống kê thu thập, tổng hợp và biên soạn ấn phẩm về thông tin Thống kê giới tại Việt Nam các năm 2020, 2021, 2022 và 2023.
Ấn phẩm Thông tin thống kê giới tại Việt Nam 2023 giới thiệu tổng quan căn cứ pháp lý về bình đẳng giới, đồng thời phân tích, đánh giá về thống kê giới và trình bày các bảng số liệu, đồ thị theo các chủ đề: Dân số; Lao động việc làm và tiếp cận nguồn lực; Lãnh đạo, quản lý; Giáo dục và đào tạo; Y tế và các dịch vụ liên quan. Các thông tin thống kê trong ấn phẩm được thu thập và tổng hợp từ các nguồn: Báo cáo thống kê của các cơ quan quản lý nhà nước, các cuộc điều tra quốc gia do Tổng cục Thống kê thực hiện.
Ấn phẩm gồm 03 phần, trong đó:
Phần 1: Giới thiệu chung, gồm: Một số luật liên quan đến bình đẳng giới, các sự kiện và văn bản pháp lý liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới ở Việt Nam, Thống kê giới tại Việt Nam và hướng dẫn người đọc.
Phần 2: Số liệu thống kê giới theo từng lĩnh vực
Phần 3: Biểu số liệu
Các thông tin trong ấn phẩm này, ngoài phần lời văn, được trình bày dưới dạng bảng và hình, biểu thị bằng số tuyệt đối hoặc số tương đối. Các số liệu được thu thập hoặc tính toán từ kết quả các cuộc điều tra quốc gia do Tổng cục Thống kê thực hiện và được thu thập từ hệ thống báo cáo thống kê chính thức của các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam.
Theo đó, năm 2023, Việt Nam đạt 100,31 triệu người, vượt mốc 100 triệu dân, tăng 0,84% so với năm trước. Cơ cấu giới tính tiếp tục xu hướng cân bằng hơn với nam giới chiếm 49,89% và nữ giới 50,11%. Tỷ số giới tính dân số toàn quốc năm 2023 là 97,8 nam trên 100 nữ, cho thấy có sự mất cân bằng nhẹ với số lượng nữ giới nhiều hơn nam giới.
Cơ cấu giới tính thể hiện những khác biệt giữa các vùng. Trung du và miền núi phía Bắc cùng Tây Nguyên có tỷ lệ nam giới cao nhất, lần lượt là 50,36% và 50,43%. Điều này có thể liên quan đến đặc thù công việc trong các ngành như lâm nghiệp và khai khoáng, vốn thu hút nhiều lao động nam. Ngược lại, Đông Nam Bộ có tỷ lệ nam giới thấp nhất (49,52%), phản ánh xu hướng thu hút lao động nữ trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động và dịch vụ phát triển mạnh ở khu vực này.
Có sự khác biệt rõ rệt giữa thành thị và nông thôn. Khu vực thành thị có tỷ số giới tính dân số là 95,5, thấp hơn đáng kể so với mức chung cả nước (97,8) và khu vực nông thôn (99,2). Điều này có thể được giải thích bởi xu hướng di cư của nữ giới từ nông thôn ra thành thị để tìm kiếm cơ hội việc làm và giáo dục tốt hơn.
Theo vùng kinh tế - xã hội, Tây Nguyên nổi bật với tỷ số cao nhất là 100,2 - là vùng duy nhất có số nam nhiều hơn số nữ. Ngược lại, Đồng bằng sông Hồng có tỷ số thấp nhất (96,4), phản ánh sự tập trung cao của nữ giới ở khu vực này. Các vùng khác như Trung du và miền núi phía Bắc (99,6), Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (97,4), Đông Nam Bộ (97,1), và Đồng bằng sông Cửu Long (98,7) đều có những đặc điểm riêng, phản ánh đặc thù kinh tế - xã hội của từng vùng.
Năm 2023, tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111,8 bé trai trên 100 bé gái trên toàn quốc, cao hơn đáng kể so với mức cân bằng tự nhiên (khoảng 105-106). Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đề ra (chỉ tiêu 1 trong mục tiêu 4): Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 111 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2025 và 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030 thì hiện nay coi như đã đạt được ở cấp quốc gia, tuy nhiên thách thức vẫn tồn tại ở một số vùng. Con số này phản ánh rõ nét tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi vẫn còn phổ biến ở Việt Nam.
Có sự chênh lệch đáng kể khi so sánh tỷ số giới tính khi sinh giữa các vùng. Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ số cao nhất (115,3), trong khi Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ số thấp nhất (107,9). Điều này phản ánh sự khác biệt về văn hóa, truyền thống và nhận thức giữa các vùng miền. Sự chênh lệch giữa tỷ số giới tính dân số và tỷ số giới tính khi sinh cho thấy một thực tế đáng lo ngại. Mặc dù tỷ số giới tính dân số không quá mất cân bằng, nhưng tỷ số giới tính khi sinh cao phản ánh xu hướng ưa thích con trai vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong xã hội Việt Nam. Điều này có thể dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong tương lai như khó khăn trong việc kết hôn cho nam giới, gia tăng các vấn đề xã hội liên quan đến giới và ảnh hưởng đến cơ cấu lao động.
Tuổi thọ trung bình là một chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng cuộc sống và sự phát triển của một quốc gia. Tại Việt Nam, chỉ số này đã có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,7 tuổi vào năm 2020 lên 74,5 tuổi vào năm 2023. Có sự khác biệt đáng kể về tuổi thọ giữa nam và nữ, với nữ giới luôn có tuổi thọ trung bình cao hơn nam giới khoảng 3- 5 năm. Điều này phản ánh xu hướng chung trên toàn cầu và có thể được giải thích bởi nhiều yếu tố sinh học và xã hội.
Trên phạm vi cả nước, năm 2023, nam giới kết hôn muộn hơn nữ giới khoảng 4,2 tuổi. Tuy nhiên, chênh lệch này không đồng đều giữa các địa phương, phản ánh những đặc điểm văn hóa và xã hội riêng của từng vùng miền.
Thông qua ấn phẩm, độc giả được cung cấp những thông tin thống kê hữu ích, về thực trạng mối quan hệ giới, những bất bình đẳng giới đang tồn tại trong xã hội, hỗ trợ việc phân tích và dự báo tác động của luật pháp, chính sách, chương trình đối với các nhóm phụ nữ và nam giới, đảm bảo họ được tiếp cận, tham gia và thụ hưởng bình đẳng từ người đọc thành quả của quá trình phát triển đất nước. Qua đó, giúp người đọc có những suy nghĩ và hành động cụ thể nhằm thúc đẩy bình đẳng giới thực chất ở Việt Nam./.
Thu Hiền