Bắt đầu được khởi động từ năm 2011 đến nay, có thể nói Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã dấy lên một phong trào thi đua sôi nổi khắp cả nước, với nguồn lực lớn được huy động từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), nguồn tín dụng, sự đóng góp từ các doanh nghiệp và nhân dân.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Trong cả giai đoạn 2011-2015, cả nước đã huy động được 851,4 nghìn tỷ đồng cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó, ngân sách nhà nước là 266,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,3%; vốn tín dụng 434,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 51,1%. Bước sang giai đoạn 2016-2020, tổng nguồn lực huy động cho xây dựng NTM các năm 2016-2018 là 820,7 nghìn tỷ đồng, trong đó, từ ngân sách Trung ương và địa phương là 115,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,12%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 96,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,71%; vốn tín dụng là 512,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 62,44% (theo Báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đồng thời thu hút được sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp. Giai đoạn 2011-2015, các doanh nghiệp đóng góp cho xây dựng NTM là 42,2 nghìn tỉ đồng, chiếm 4,9%; giai đoạn 2016-2018 là 39,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,8%. Sự góp sức của các doanh nghiệp đã giúp các địa phương từng bước đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, tạo động lực quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Đặc biệt, bên cạnh hiệu quả của công tác tuyên truyền sâu rộng lợi ích của xây dựng NTM đến nhân dân, với cơ chế trao quyền tự quyết cho cộng đồng (thôn, xã), coi người dân là chủ thể trong xây dựng NTM, Nhà nước hỗ trợ khởi đầu và động viên khen thưởng với những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong phong trào, nhiều địa phương đã có những sáng tạo trong việc khai thác nguồn lực, vận động nhân dân chung tay xây dựng NTM. Nhờ đó, người dân cả nước đã chủ động, tích cực hưởng ứng tham gia, tự giác hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ tài sản chung, giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp. Giai đoạn 2011-2015, nguồn đóng góp từ nhân dân và cộng đồng là 107,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 12,62% tổng nguồn vốn đầu tư. Giai đoạn 2016-2018 là 56,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 6,92%.
Để đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững cũng đồng thời được đẩy mạnh triển khai. Nguồn lực huy động dành cho chương trình này cũng là đáng kể. Trong giai đoạn 2011-2015, ngân sách Trung ương và địa phương để thực hiện Chương trình là hơn 38,8 nghìn tỷ đồng; các nguồn huy động khác từ trong nước và các tổ chức quốc tế đạt gần 8,5 nghìn tỷ đồng. Giai đoạn 2016-2018, tổng nguồn lực huy động cho Chương trình Giảm nghèo bền vững là hơn 24,8 nghìn tỷ đồng, trong đó: Ngân sách Trung ương là 21,6 nghìn tỷ đồng (bao gồm vốn đầu tư phát triển 14,9 nghìn tỷ đồng; vốn sự nghiệp 6,7 nghìn tỷ đồng); Ngân sách địa phương là 1,3 nghìn tỷ đồng; Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác là 1,6 nghìn tỷ đồng; Nguồn vốn từ cộng đồng và dân cư đóng góp là 475 tỷ đồng.
Cũng trong giai đoạn 2016-2018, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, cuộc vận động hưởng ứng phong trào “cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” và “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” đã thu hút được sự quan tâm của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo người dân. Tính đến tháng 6 năm 2018, cả nước đã huy động được khoảng 16,7 nghìn tỷ đồng để thực hiện công tác an sinh xã hội và giảm nghèo. Quỹ “Vì người nghèo” và chương trình an sinh xã hội trên truyền hình nhận được số tiền ủng hộ là gần 280 tỷ đồng. Đến hết năm 2017, chương trình ủng hộ người nghèo qua Cổng thông tin điện tử nhân đạo quốc gia 1400, với thông điệp “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” huy động được 7,473 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến tháng 6/2018, tại các địa phương đã vận động các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong nước và quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài, các cá nhân ủng hộ hơn 11 nghìn tỷ đồng; một số nhà tài trợ cam kết hỗ trợ từ nguồn vốn ODA cho thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM và Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 với tổng mức vốn khoảng 3,8 nghìn tỷ đồng.
Thời gian qua, Chính phủ đồng thời thực hiện giải pháp cung cấp gói tín dụng ưu đãi thông qua các ngân hàng thương mại và ngân hàng chính sách cho vay đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, cho vay hỗ trợ 63 huyện nghèo; hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; thực hiện trên 20 chương trình tín dụng ưu đãi cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; cho vay nông, lâm nghiệp quy mô vừa và nhỏ, dự án bảo quản nông sản sau thu hoạch. Trong giai đoạn 2016-2018, tổng doanh số cho vay của Ngân hàng chính sách xã hội tại các xã nông thôn mới đạt 95,4 nghìn tỷ đồng với 3,7 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ tạo việc làm cho hơn 209 nghìn lao động; giúp trên 86 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 1,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh nông thôn; xây dựng hơn 50 nghìn căn nhà cho hộ nghèo... Doanh số cho vay tại các huyện nghèo đạt 13,5 nghìn tỷ đồng, với gần 454 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Bằng các giải pháp quyết liệt như ưu tiên bố trí vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản, chỉ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới khi không có nợ đọng xây dựng cơ bản, tính đến đến thời điểm 31/5/2018, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản của các địa phương là 1,6 nghìn tỷ đồng (giảm 89,3% so với tổng số nợ 15,2 nghìn tỷ đồng vào thời điểm tháng 1/2016), trong đó có 41 tỉnh cơ bản đã xử lý xong, 22 tỉnh còn có số nợ đọng trên 10 tỷ đồng.
Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị xã hội, cộng đồng và nhân dân trong huy động mọi nguồn lực, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành; thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh; khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa được thu hẹp đáng kể... Tính đến tháng 9/2018, cả nước có 3.478 xã (38,98%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 1.946 xã (12,8%) so với cuối năm 2015; Bình quân cả nước đạt 14,33 tiêu chí/xã, tăng 1,37 tiêu chí so với cuối năm 2015; Còn 88 xã dưới 5 tiêu chí, giảm 238 xã so với cuối năm 2015. Có 55 đơn vị cấp huyện thuộc 28 địa phương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tăng 40 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2015, hoàn thành và vượt mục tiêu năm 2018 có ít nhất 54 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Mặc dù vậy, nhìn vào cơ cấu nguồn vốn huy động có thể thấy, nguồn vốn đầu tư cho Chương trình xây dựng NTM chủ yếu từ ngân sách nhà nước và nguồn tín dụng, việc huy động vốn đầu tư từ nông dân chưa nhiều do thu nhập của người dân còn thấp. Bên cạnh đó, nguồn vốn đầu tư huy động được từ các doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế. Số liệu thống kê cho thấy, cả nước chỉ có 1% tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp với số vốn chiếm khoảng gần 3% tổng số vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp vào sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp có quy mô nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%. Trong khi đó, các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lớn và dài hạn để đầu tư cho các công trình như hạ tầng nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao… lại gặp khó khăn do bị giới hạn về thời gian và tỷ lệ vay vốn. Hơn nữa, cơ chế lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án chưa rõ ràng với đặc thù của từng địa phương. Quy định pháp lý về huy động vốn đầu tư của cộng đồng dân cư và giải quyết nợ đọng xây dựng NTM chưa thực sự hiệu quả. Cơ chế, chính sách huy động nguồn lực trong xã hội mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng vẫn gặp khó khăn về quy trình, thủ tục.
Thời gian thực hiện các mục tiêu của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 không còn nhiều, trong khi vốn đầu tư là điều kiện quyết định tới việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM, do vậy việc huy động nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới cần được đẩy nhanh hơn nữa, tập trung vào một số giải pháp sau: Đa dạng hoá nguồn vốn thông qua hình thức lồng ghép các dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn; Tăng cường các hình thức xã hội hóa, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và xử lý môi trường, giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, cung cấp nước sạch, dịch vụ văn hóa - thể thao; Công khai các khoản đóng góp của dân, theo nguyên tắc tự nguyện và do hội đồng nhân dân cấp xã thông qua; Bố trí đủ nguồn vốn ngân sách và xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới; Tiếp tục vận động, hợp tác với các tổ chức quốc tế để tăng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Với những giải pháp trên, hy vọng rằng chương trình xây dựng nông thôn mới sẽ tiếp tục nhận được nguồn lực đầu tư lớn, giúp chương trình về đích trước hạn ở tất cả các chỉ tiêu đặt ra./.
Bích Ngọc