Năm 2019 - Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục khởi sắc

|

Năm 2019 - Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục khởi sắc

Thị trường xuất khẩu lao động tiếp tục mở rộng
 
Việt Nam xác định đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là một giải pháp lâu dài, phù hợp xu hướng nguồn cung trong nước, cũng như nhu cầu tuyển dụng lao động của một số nước ngày càng lớn. Hiện, cả nước có 362 doanh nghiệp có giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.Việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng được thực hiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Trong 5 năm qua, XKLĐ của Việt Nam luôn vượt mốc 100 nghìn người/năm. Người lao động Việt Nam được đánh giá khá cao có khả năng tiếp cận nhanh với công việc và môi trường lao động của nước sở tại. Số ngành nghề lao động Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt gồm: Điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực như: Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, may mặc, xây dựng…
 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

Chỉ tính riêng năm 2018, Việt Nam đã có trên 142,8 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có gần 50,3 nghìn lao động nữ (chiếm 34,8%). Thị trường đông nhất là Nhật Bản (68,7 nghìn người), tiếp đến là Đài Loan (gần 60,4 nghìn người), Hàn Quốc (6,5 nghìn người), Ả rập - Xê út (gần 2 nghìn người), Rumania (1,3 nghìn người), Malaysia (1,1 nghìn người), An-giê-ria (1 nghìn người)… Nhật Bản là thị trường có số lao động Việt Nam sang làm việc tăng trưởng vượt bậc (chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người. Tiếp đến là Đài Loan có thị phần lao động gia tăng đều đặn, bình quân tăng từ 0,7-1,3%, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên hơn 222,6 nghìn người (chiếm 31,5%)…
 
Năm 2019, thị trường XKLĐ hứa hẹn có nhiều khởi sắc. Lao động Việt Nam sẽ có thêm nhiều cơ hội với hàng loạt thị trường việc làm tốt, thu nhập cao được mở. Dự báo năm 2019, số lượng lao động đi làm việc ở Nhật Bản sẽ tăng mạnh và nhanh hơn, khi dự luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi chính thức được Thượng viện Nhật Bản thông qua và có hiệu lực từ tháng 4/2019. Theo đó, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận 345 nghìn lao động nước ngoài trong 5 năm tới. Trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp nhận lao động nước ngoài trong 14 ngành nghề, như: Xây dựng, đóng tàu/công nghiệp tàu thủy, nông nghiệp, hộ lý, lưu trú, sản xuất thực phẩm/ đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh tòa nhà, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không. Đối tượng tiếp nhận là người lao động thuộc nhiều trình độ, không còn hạn chế trong nhóm thực tập sinh thực tập kỹ năng. Theo chính sách mới, lao động của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận của thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, để đáp ứng mục tiêu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2019, Việt Nam đặt trọng tâm phái cử người lao động trong các nghề như: Đóng tàu, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa ôtô và hàng không…
 
Tại thị trường châu Âu, hàng trăm nghìn cơ hội việc làm cũng được mở cho lao động Việt Nam thông qua Bản Ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực lao động được ký vào cuối năm 2018. Chỉ riêng với thị trường Bulgaria, Việt Nam có thể cung ứng 50 nghìn lao động ở các lĩnh vực: Xây dựng, dệt may, nông nghiệp công nghệ cao, điều dưỡng. Việc ký kết thỏa thuận giữa Bộ Lao động hai nước mang tính khai mở hợp tác về lao động, bao gồm cả XKLĐ và đào tạo nghề, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam.
 
Thị trường XKLĐ Rumania cũng được đánh giá là tiềm năng trong khu vực châu Âu. Rumania có nhu cầu tiếp nhận lao động nước ngoài lớn, ngành nghề phù hợp với lao động Việt Nam, điều kiện làm việc tốt…
 
Cùng với việc ổn định và mở thêm thị trường mới, nhiều doanh nghiệp XKLĐ đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh. Người lao động cũng nâng cao nhận thức, trình độ khi lựa chọn và được tuyển chọn vào các thị trường khó tính.
 
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) dự báo, nhu cầu XKLĐ đến năm 2020 là rất lớn, trong đó, mục tiêu giai đoạn 2017-2020, mỗi năm Việt Nam dự kiến đưa từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài (trong đó có khoảng 80% lao động đã qua đào tạo).
 
Có thể thấy, thông qua XKLĐ đã góp phần quan trọng thay đổi tư duy, nhận thức và nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động. Người lao động được tiếp cận máy móc, công nghệ tiên tiến, hiện đại, cải thiện vốn ngoại ngữ và hiểu biết về văn hóa. Nhiều lao động sau khi đi XKLĐ trở về nước tiếp tục làm công việc đã được đào tạo, có thu nhập ổn định. Mặt khác, XKLĐ còn là cơ hội để tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về Việt Nam, giúp đội ngũ lao động Việt nâng cao tay nghề, rèn luyện ý thức, tác phong công nghiệp, nâng tầm chất lượng lao động Việt, đáp ứng đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0.
 
Hướng đến thị trường minh bạch, chất lượng tốt
 
Với xu hướng già hóa dân số đang diễn ra, nhiều nước bị thiếu hụt lao động, trong khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn dân số vàng. Với nguồn lao động dồi dào, lao động Việt Nam không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn là nguồn lao động các nước thiếu hụt lao động đang hướng tới. Năm 2018, Việt Nam đã đưa người lao động đi làm việc tại 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó, phần lớn tập trung ở khu vực Đông Bắc Á. Hiện nhiều nước có mong muốn ký kết hợp tác thỏa thuận XKLĐ với Việt Nam, do vậy, người lao động Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hơn trong lựa chọn thị trường minh bạch, có thu nhập tốt, tôn trọng và bảo vệ quyền lợi cho người lao động.
 
Có điểm cần lưu ý là, XKLĐ Việt Nam chủ yếu là lao động phổ thông, lao động chất lượng cao còn rất hạn chế về ngành nghề lẫn số lượng, trong khi các nước ngày càng khắt khe hơn trong yêu cầu, tuyển chọn lao động tay nghề, chất lượng cao (nhất là các thị trường có mức lương cao như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức), do đó, đã đến lúc Việt Nam không chỉ dựa vào lợi thế lao động phổ thông giá rẻ mà cần phải nâng cao chất lượng lao động, giá trị xuất khẩu, qua đó nâng cao hình ảnh dân tộc, thương hiệu lao động.
 
Năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 120 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Việt Nam cũng chủ trương tiếp tục mở rộng thị trường lao động, chủ động lựa chọn thị trường, thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có tổ chức, vừa đảm bảo thu nhập, vừa mang tính cạnh tranh. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc đào tạo trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, giáo dục định hướng cho lao động trước khi đi, giảm dần những thị trường rủi ro,
 
Giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu lao động bền vững
 
Để năm 2019 tiếp tục là năm đột phá trong XKLĐ, các cơ quan quản lý cần tiếp tục quan tâm đến công tác hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, hoàn thiện hồ sơ xây dựng và chuẩn bị trình nội dung về Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi).
 
Cùng với việc ổn định và mở thêm những thị trường XKLĐ mới, các cơ quan quản lý cần tiếp tục quan tâm hợp tác, mở rộng những ngành nghề mới, đặc biệt là những ngành nghề có nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách, qui định mới của Việt Nam cũng như các nước tiếp nhận, các thông tin giới thiệu về các chương trình tuyển dụng mới và nhu cầu của các thị trường tiếp nhận lao động cho người lao động quan tâm đến việc làm ngoài nước.
 
Nhà nước cần tạo điều kiện hơn cho người lao động trong các chính sách tín dụng, hỗ trợ đào đạo trước lúc đi như: Nghề, ngoại ngữ, các kỹ năng cần thiết. Hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi để các đơn vị đầu tư tốt hơn cơ sở đào tạo, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
 
Doanh nghiệp cần tăng cường tuyển chọn và tuân thủ khắt khe các tiêu chuẩn trong tuyển chọn người lao động. Nâng cao chất lượng đào tạo giáo dục định hướng cho người lao động. Ngoài ra, cần xây dựng nội dung, chương trình đào tạo nghề và ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu về kỹ năng nghề, ngoại ngữ của đối tác nước ngoài; cũng như đầu tư vốn, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trình độ cao phục vụ cho XKLĐ.
 
Bản thân người lao động cần chủ động nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề và ngoại ngữ; tìm hiểu các quy định về XKLĐ nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tổ chức kỷ luật, an toàn lao động; tuân thủ quy định pháp luật trong quá trình sống, làm việc tại nước ngoài.
 
Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài làm tốt công  tác bảo hộ công dân và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình quản lý lao động phù hợp từng thị trường tiếp nhận lao động, bảo đảm quản lý chặt chẽ, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; theo dõi, hỗ trợ và phát huy năng lực lao động khi về nước./.

 
Minh Thư