Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cao tại Ấn Độ
Trước những năm 60 của thế kỷ trước, Ấn Độ có nền nông nghiệp kém phát triển. Sau đó, ngành nông nghiệp quốc gia này đã có những hướng đi đột phá, khởi đầu là cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất được khởi xướng đầu tiên vào năm 1963, tập trung vào phát triển công nghệ nông nghiệp với việc đưa hạt giống năng suất cao đặc biệt vào trong gieo trồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như việc sử dụng máy móc tiên tiến hơn, kỹ thuật tưới tiêu và phân bón trong khâu đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Cuộc cách mạng này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhờ những điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng, đó là sự phát triển của các công trình thủy lợi, sự sẵn có của các loại phân bón mới và đặc biệt là các chính sách mới của chính phủ như: Trợ cấp kinh phí mua phân bón, thuốc trừ sâu và đầu tư thủy lợi, điện khí hóa các vùng nông thôn, mở rộng mạng lưới đường bộ và thành lập các tổ chức tín dụng nông thôn.
Trước những năm 60 của thế kỷ trước, Ấn Độ có nền nông nghiệp kém phát triển. Sau đó, ngành nông nghiệp quốc gia này đã có những hướng đi đột phá, khởi đầu là cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất được khởi xướng đầu tiên vào năm 1963, tập trung vào phát triển công nghệ nông nghiệp với việc đưa hạt giống năng suất cao đặc biệt vào trong gieo trồng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ như việc sử dụng máy móc tiên tiến hơn, kỹ thuật tưới tiêu và phân bón trong khâu đầu vào của sản xuất nông nghiệp. Cuộc cách mạng này đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhờ những điều kiện thuận lợi trong quá trình áp dụng, đó là sự phát triển của các công trình thủy lợi, sự sẵn có của các loại phân bón mới và đặc biệt là các chính sách mới của chính phủ như: Trợ cấp kinh phí mua phân bón, thuốc trừ sâu và đầu tư thủy lợi, điện khí hóa các vùng nông thôn, mở rộng mạng lưới đường bộ và thành lập các tổ chức tín dụng nông thôn.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Trên cơ sở thành công cuộc cách mạng xanh lần thứ nhất, Ấn Độ tiếp tục triển khai cuộc cách mạng xanh lần hai, bao gồm việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, mở rộng cung cấp các yếu tố đầu vào và dịch vụ cho nông dân. Sau 5 thập kỷ thực hiện cách mạng xanh, nền nông nghiệp Ấn Độ được thay màu áo mới, đưa đất nước từ tình trạng thâm hụt lương thực sang tự cung cấp lương thực, làm thay đổi đáng kể đời sống của người dân nước này.
Bên cạnh cuộc cách mạng xanh, Ấn Độ đồng thời tiến hành cuộc Cách mạng trắng (sản xuất sữa) trong những năm 70 của thế kỷ trước, tạo ra sự thay đổi lớn trong chăn nuôi. Đáng chú ý là, cuộc cách mạng này đã đưa Ấn Ðộ trở thành một trong những nước sản xuất và xuất khẩu sữa hàng đầu trên thế giới vào những năm đầu thế kỷ XXI (từ 17 triệu tấn năm 1951, lên 81 triệu tấn năm 2000, 91 triệu tấn năm 2005 và 96,1 triệu tấn năm 2006). Đến nay, mô hình sản xuất sữa đặc thù của Ấn Ðộ được nhiều nước đang phát triển học tập.
Cũng trong thời gian thực hiện các cuộc cách mạng về nông nghiệp, cuối thế kỷ XX, Ấn Ðộ bắt đầu công cuộc cải cách toàn diện nền kinh tế lần đầu tiên, trong đó nông nghiệp được coi là lĩnh vực trọng tâm. Theo đó, hàng loạt những biện pháp được Chính phủ áp dụng, trong đó, việc áp dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác mới đối với nông nghiệp là yếu tố hàng đầu, có vai trò quan trọng trong việc tăng sản lượng lương thực.
Bước sang thế kỷ XXI, Chính phủ Ấn Độ tiếp tục thực hiện cải cách kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp lần hai, công bố chính sách nông nghiệp mới với các nội dung chủ yếu là: Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp; Ưu tiên điện khí hóa nông thôn và thủy lợi; Xóa bỏ bao cấp trong nông nghiệp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về nông nghiệp...
Để đạt được mục tiêu đề ra trong chính sách nông nghiệp mới, Ấn Độ đã đưa ra các chính sách đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, gồm:
Mở rộng khả năng tiếp cận các công nghệ hiện đại. Ấn Độ đã mở rộng khả năng tiếp cận các công nghệ hiện đại có hiệu quả về chi phí, đặc biệt là công nghệ sinh học nông nghiệp để tạo ra tác động lớn đến chi phí sản xuất và giá cả đối với hàng hóa nông nghiệp. Đồng thời áp dụng máy móc, công cụ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, giúp tăng năng suất. Xây dựng hệ thống kho lạnh, dây chuyền vận chuyển đến thị trường nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đến tay người tiêu dùng và giảm thất thoát đến mức nhỏ nhất.
Công nghệ hóa thông tin cho nông nghiệp. Chính phủ Ấn Độ sử dụng các công nghệ kỹ thuật số và di động để phát triển dịch vụ hỗ trợ thông tin về nông nghiệp cho nông dân. Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng phát triển một ứng dụng di động “chuyên gia lúa gạo” để cung cấp thông tin cho nông dân về các vấn đề liên quan đến bệnh, giống lúa, nông cụ... Đặc biệt, tháng 4/2016, Ấn Độ đã ra mắt Thị trường nông nghiệp quốc gia điện tử (e-NAM), tích hợp 585 thị trường bán buôn trên khắp Ấn Độ. Ngoài ra, Ấn Độ đã và đang phát triển mạng nông trại điện tử (eFarm) giúp cho người tiêu dùng giảm bớt lo lắng về việc lưu trữ nông sản phẩm.
Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngay từ giữa thập kỷ XX, Ấn Độ đã thực hiện nghiêm túc việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho nền nông nghiệp hiện đại. Tại nước này, trường đại học nông nghiệp có ở tất cả 25 bang và 7 lãnh thổ trực thuộc trung ương, trong đó nổi tiếng là Viện nghiên cứu lúa gạo trung ương (CRRI) đã được nâng lên thành Viện nghiên cứu lúa gạo quốc gia.
Đầu tư vào nghiên cứu nhu cầu thị trường và cơ sở hạ tầng. Ấn Độ đẩy mạnh việc nghiên cứu nhu cầu thị trường tại các nước nhập khẩu, lên kế hoạch phù hợp về số lượng và chất lượng, đồng thời có chính sách hỗ trợ giá dài hạn cho sản xuất thủy sản, chăn nuôi, và các sản phẩm truyền thống, các sản phẩm làm vườn và chế biến. Bên cạnh đó, tăng cường đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng để quản lý sau thu hoạch, bao gồm mở rộng đường cao tốc và cải thiện đường giao thông nông thôn.
Hỗ trợ nông dân trong vấn đề tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện chính sách này, Ấn Độ đã phát triển và nâng cấp các Chợ nông sản Gramin (GrAM) được liên kết điện tử với e-NAM, để hỗ trợ cho những người nông dân không có khả năng giao dịch trực tiếp tại APMC (Ủy ban thị trường sản xuất nông nghiệp) và các thị trường bán buôn khác. Cùng với đó, Ấn Độ đưa ra “Chiến dịch xanh” giúp đưa nông dân đến gần hơn với thị trường thông qua hậu cần, cơ sở chế biến và quản lý chuyên nghiệp, để giải quyết thách thức về biến động giá cả của các mặt hàng nông sản. Bên cạnh đó là một loạt các chính sách như: Giá hỗ trợ tối thiểu; Đề án hỗ trợ giá; Đề án can thiệp thị trường để điều chỉnh nguồn cung trên thị trường...
Với những cách làm sáng tạo, ngành nông nghiệp đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, kéo theo sự cải thiện của các lĩnh vực khác của nền kinh tế, góp phần đưa GDP của Ấn Độ tăng hơn 7% mỗi năm.
Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Từ những thành công của Ấn Độ trong đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Trong thời gian tới, để việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn, giúp nâng cao năng suất lao động nông nghiệp, Việt Nam cần có những giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN). Hiện tại, đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao KHCN và phát triển công nghệ trong nông nghiệp nước ta còn khá thấp. Theo số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, tổng kinh phí chi cho khoa học công nghệ từ ngân sách Nhà nước năm 2015 là gần 17,4 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,41% GDP cả nước. Mức chi này thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới và ngay cả so với các nước trong cùng khu vực ASEAN. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần ưu tiên hơn nữa cho đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cho ngành nông nghiệp và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp; chuyển dịch trọng tâm chính sách khoa học và công nghệ của ngành nông nghiệp từ chỗ đầu tư cho hoạt động nghiên cứu - triển khai là chủ yếu sang chú trọng đầu tư cho hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu - triển khai.
Thứ hai, cần chú trọng về công nghệ thông tin trong nông nghiệp. Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT của cả nước là 1.520 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương là 844 tỷ đồng, vốn sự nghiệp từ ngân sách trung ương là 273 tỷ đồng và vốn đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương là 403 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, đặc biệt trong thời kỳ bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Còn theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2015, trên tổng số 143 quốc gia được xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 85 về chỉ số sẵn sàng về hạ tầng mạng (Network Readiness Index). Do đó, cần ưu tiên đầu tư công cho phát triển hạ tầng kết nối, cũng như triển khai có hiệu quả hơn nữa các dịch vụ viễn thông công ích, tăng cường ứng dụng các công nghệ kết nối mới, hiện đại, chất lượng cao, bảo đảm an toàn, đưa ứng dụng CNTT từ thành thị đến nông thôn. Cùng với đó cần hỗ trợ các làng nghề, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hộ sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý hàng hóa, dịch vụ cũng như quảng bá các sản phẩm của mình trên internet.
Thứ ba, đẩy mạnh đầu tư cho công tác khuyến nông. Đội ngũ cán bộ khuyến nông có vai trò quan trọng, là cầu nối giữa nhà khoa học - nhà nông và đồng hành với nông dân xây dựng nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Hệ thống khuyến nông với những phương pháp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sẽ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân; khuyến khích, trợ giúp họ áp dụng công nghệ mới vào sản xuất. Tuy nhiên hiện nay, nguồn lực đầu tư cho khuyến nông ở mức tăng nhưng còn hạn chế. Tính đến cuối năm 2016, tổng kinh phí khuyến nông Trung ương và địa phương chỉ ở mức xấp xỉ 238 tỷ đồng, tức là bình quân mỗi hộ nông dân được đầu tư khoảng 27.700 đ/hộ/năm, trong khi mức đầu tư này ở một số quốc gia nông nghiệp trong khu vực như Thái Lan, Malayxia, Philippines, Indonexia,… là 50-80 USD/hộ/năm.
Thứ tư, đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trên thực tế, trình độ chuyên môn của lao động khu vực nông thôn còn khá thấp trong khi hệ thống, chương trình đào tạo còn lạc hậu chưa đáp ứng được nhu cầu trong công cuộc đổi mới của nền nông nghiệp. Để đào tạo nguồn nhân lực cao cho việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thì trước hết cần đổi mới phương pháp đào tạo nghề, đầu tư cơ sở vật chất, biên soạn giáo trình cập nhật nội dung tiên tiến, cập nhật các thành tựu khoa học kỹ thuật nông nghiệp. Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần kết hợp với cơ chế quản lý nhân lực khoa học và công nghệ theo hướng tạo lập thị trường lao động trong hoạt động khoa học và công nghệ.
Thứ năm, thiết lập thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong sản xuất nông nghiệp, việc tìm đầu ra cho sản phẩm là vấn đề quan trọng. Để tránh tình trạng nông dân “Được mùa mất giá” hay những đợt giải cứu nông sản như hiện nay thì Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ giá, hỗ trợ lãi suất hay cơ chế khuyến khích đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nâng cấp giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêu thụ nông sản./.
ThS. Vũ Thị Thúy Hằng
Trường Đại học Lâm nghiệp
Trường Đại học Lâm nghiệp
Tài liệu tham khảo
1.Bùi Kim Sơn, Nông nghiệp Ấn Độ và cuộc cách mạng xanh, (Agriculture in India).
2.Joshi, Pradnya A (2015), Challenges of agriculture economy of India, The Business & Management Review; Lon- don Vol. 5, Iss. 4, (Jan 2015).
3.Madhusudan Ghosh (2002), Trends, Random Walks and Structural Breaks in Indian Agriculture, Indian Journal of Agricultural Economics; Bombay Vol. 57, Iss. 4, (Oct-Dec 2002): 679-697.
4.Wagh Rahul, Dr. Dongre Anil P (2016), Agricultural Sector: Status, Challenges and it’s Role in Indian Economy, Jour- nal of Commerce and Management Thought; Pune Vol. 7, Iss. 2, (Apr-Jun 2016).
5.http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/nong-nghiep-nong-thon/2015/33777/Chinh-sach-cua-An-Do-doi- voi-nong-nghiep-nong-dan-va.aspx.
6.https://www.thesaigontimes.vn/Home/thegioi/hoso/8699/Nong-nghiep-An-Do-Thanh-tuu-va-bai-hoc.html.