Điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng được Tổng cục Thống kê tiến hành hàng quý. Trong quý III/2019 có 6200 doanh nghiệp xây dựng (đại diện cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp có hoạt động xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được chọn mẫu để khảo sát), tỷ lệ doanh nghiệp trả lời đạt 90%. Thông tin thu thập từ các doanh nghiệp đã phản ánh xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng về các mặt: Tổng quan hoạt động sản xuất kinh doanh ngành xây dựng; xu hướng sử dụng các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận định về chính sách hỗ trợ của hệ thống hành chính Nhà nước và tình hình tiếp cận vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sau đây là một số nhận định trong quý III và dự báo quý IV/2019 của các doanh nghiệp hoạt động ngành xây dựng.
Kết quả khảo sát hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý III/2019 cho thấy, có 25,7% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quí II, 40,4% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 33,9% doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn so với quý II/2019[1]. Dự báo quý IV/2019 so với quí III: Có 26,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 40,9% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 33,0% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước khả quan hơn với 26,0% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2019 tốt hơn so với quý II/2019[2], 40,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định và 33,8% doanh nghiệp cho rằng hoạt động khó khăn hơn. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (khu vực doanh nghiệp FDI) có 23,1% doanh nghiệp nhận định tốt hơn, có 41,7% giữ ổn định và 35,2% khó khăn hơn. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có 22,3% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 42,6% giữ ổn định và 35,1% hoạt động kinh doanh khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2019 so với quý III/2019: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 26,6% doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 40,5% doanh nghiệp giữ ổn định và 32,9% khó khăn hơn; Khu vực doanh nghiệp nhà nước có 26,6% dự báo tốt hơn, 40,4% giữ ổn định và 33,0% khó khăn hơn; Khu vực doanh nghiệp FDI là 20,5% tốt hơn, 45,7% giữ ổn định và 33,8% khó khăn hơn.
Doanh nghiệp xây dựng nhà các loại: Có 27,3% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2019 tốt hơn so với quý II/2019[3], 40,1% doanh nghiệp giữ ổn định và 32,6% doanh nghiệp khó khăn hơn. Doanh nghiệp hoạt động xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng: Có 25,8% nhận định tốt hơn, 39,8% giữ ổn định và 34,4% khó khăn hơn. Doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng: Có 22,7% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 41,8% giữ ổn định và 35,5% khó khăn hơn. Dự báo quý IV/2019 so với quý III/2019, các doanh nghiệp xây dựng nhà các loại có 27,5% doanh nghiệp đánh giá tốt hơn, 40,5% giữ ổn định và 32,0% khó khăn hơn; tỷ lệ này của doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là 27,3% tốt hơn, 38,5% giữ ổn định và 34,2% khó khăn hơn; doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng có 21,7% tốt hơn, 45,0% giữ ổn định và 33,3% khó khăn hơn.
Kết quả khảo sát xu hướng sản xuất kinh doanh ngành Xây dựng cho thấy, nhìn chung, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có xu hướng tốt dần lên nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Để thúc đẩy hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh trong các quý tiếp theo, cộng đồng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng đề xuất một số kiến nghị sau:
(1) Tiếp tục có chính sách, chế độ hỗ trợ kịp thời hơn cho doanh nghiệp, đặc biệt về việc cập nhật thông tin, thủ tục liên quan đến đấu thầu các công trình, dự án và tạo môi trường đấu thầu cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp; Nâng cao hơn nữa chất lượng các dịch vụ hành chính, giảm các thủ tục rườm rà làm mất thời gian của doanh nghiệp;
(2) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận các dự án với nguồn vốn vay ưu đãi và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp;
(3) Có chính sách bình ổn và điều chỉnh giảm giá xăng, dầu và điện kịp thời nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp./.
Vụ Thống kê Xây dựng và Vốn đầu tư
Tổng cục Thống kê
[1] Chỉ số tương ứng của quý II/2019: 24,1% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II/2019 tốt hơn; 39,5% doanh nghiệp nhận định không thay đổi và 36,4% doanh nghiệp cho rằng sản xuất kinh doanh khó khăn hơn so với quý I/2019.
[2] Chỉ số tương ứng của quý II/2019: Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước có 24,2% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn, 39,4% giữ ổn định và 36,4% khó khăn hơn so với quý I/2019; Khu vực doanh nghiệp nhà nước: 23,9% tốt hơn, 43,5% giữ ổn định và 32,6% khó khăn hơn; Khu vực doanh nghiệp FDI: 22,3% tốt hơn, 39,9% giữ ổn định và 37,8% khó khăn hơn.
[3] Tỷ lệ tương ứng quý II/2019: Doanh nghiệp xây dựng nhà các loại là 24,0% tốt hơn, 38,4% giữ ổn định và 37,6% khó khăn hơn; Doanh nghiệp xây dựng công trình kỹ thuật dân dụng là 23,9% tốt hơn, 40,1% giữ ổn định và 36,0% khó khăn hơn; Doanh nghiệp hoạt động xây dựng chuyên dụng là 19,5% tốt hơn, 45,5% giữ ổn định và 35,0% khó khăn hơn.