Nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu

|

Nông nghiệp Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu

Nông nghiệp là một trong những ngành dễ tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu do phụ thuộc nhiều vào khí hậu, tài nguyên thiên nhiên, địa lý,… Nhiều năm trở lại đây, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thiên tai cực đoan đã gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ đến quá trình sản xuất của ngành Nông nghiệp, đe dọa đến an ninh lương thực. Vì vậy, yêu cầu đặt ra cho Ngành là phải có những bước đổi mới quá trình sản xuất nhằm thích ứng linh hoạt với môi trường và giảm thiểu tác hại do biến đổi khí hậu gây ra.
 
Biến đổi khí hậu gây ra những tác động tiêu cực ngày càng lớn đến nông nghiệp

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang gặp phải thách thức lớn khi Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ các hiện tượng thiên tai cực đoan do biến đổi khí hậu như xâm thực biển, xâm ngập mặn, bão lụt, hạn hán, mất đa dạng sinh học, hệ sinh thái bị phá hủy… Đặc biệt, biến đổi khí hậu đã khiến cho các hiện tượng thiên nhiên diễn biến khó lường, thiên tai ngày càng gia tăng tần xuất và mức độ ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.

 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thống kê trong năm 2018, thiên tai đã gây thiệt hại trên 15,7 tỷ đồng, trong đó có hơn 260 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng nặng. Một số tỉnh bị thiệt hại nặng nề phải kể đến: Thanh Hóa thiệt hại 2,8 nghìn tỷ đồng, trong đó 27,7 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng; Nghệ An thiệt hại gần 1,8 tỷ đồng với 41 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; Yên Bái thiệt hại 977 tỷ đồng với 3,4 nghìn ha lúa và hoa màu.

Chỉ tính riêng 8 tháng đầu năm 2019, thiên tai đã làm 30 nghìn ha lúa và 6,8 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai xảy ra trong 8 tháng trên cả nước ước tính 2,2 nghìn tỷ đồng. Riêng cơn bão số 3 xảy ra ở khu vực phía Bắc đã gây thiệt hại 1,2 nghìn tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với hơn 1,2 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 1,7 nghìn con gia súc bị chết; 94 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 2,1 nghìn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 864 tỷ đồng.

Trong khi đó, hạn hán và thiếu nước đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp của nhân dân tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ đầu vụ Hè Thu năm 2019, thời tiết diễn biến bất thường, tình trạng nắng nóng diện rộng xảy ra liên tiếp, kéo dài trong nhiều ngày, nhất là ở khu vực Trung bộ và Tây Nguyên. Ghi nhận của các chuyên gia cho thấy, các đợt nắng nóng gay gắt xảy ra từ ngày 9 đến 12/6 và từ ngày 20 đến 23/6/2019, có nhiệt đcao phổ biến từ 37-400C, một số nơi nhiệt đđo được cao nhất trong lịch sử. Trong đó, mức nhiệt 43,4 đđo được tại Hương Khê, Hà Tĩnh; 43,3 độ tại Con Cuông, Nghệ An. Theo đó, tổng lượng mưa từ đầu vụ Hè Thu đến nay thiếu hụt so với trung bình nhiều năm khá lớn. Các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ chỉ ở mức 65-75% dung tích; khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 40-60% dung tích (tăng 10%); khu vực Tây Nguyên ở mức 65-80% dung tích. Theo Tổng cục Thủy lợi, tính đến giữa tháng 9 năm nay, một số khu vực xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước gây thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp gồm có: Khu vực Bắc Trung Bộ có khoảng 6.121 ha, dự đoán đến cuối vụ, con số bị ảnh hưởng sẽ tăng lên đến 7.125 ha, các tỉnh bị ảnh hưởng nặng là Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; khu vực Nam Trung Bộ có 10.291 ha, trong đó có 641 ha diện tích cây trồng bị chết, các tỉnh thiệt hại nặng là Phú Yên, Quảng Ngãi, Bình Định..., dự đoán đến cuối vụ số diện tích bị ảnh hưởng sẽ tăng lên đến 18.000 ha; khu vực Tây Nguyên có 828 ha diện tích cây trồng thiếu nước thuộc huyện M’Drăk tỉnh Đăk Lăk bao gồm: Lúa nước 364 ha, ngô 221 ha; mỳ 206,1 ha, đậu đỗ 31 ha, cây khác 5 ha.

Với đường bờ biển và hệ thống sông ngòi dày đặc, nền nông nghiệp Việt Nam nhận được nhiều ưu đãi nhờ lượng phù sa màu mỡ bồi đắp. Tuy nhiên trong nhiều năm trở lại đây, một vấn đề nghiêm trọng do biến đổi khí hậu đã và đang gây ra những thiệt hại lớn đối với ngành Nông nghiệp đó là hiện tượng sạt lở bờ sông, bờ biển và nước biển dâng. Với tốc độ sạt lở và nước biển dâng khiến nguồn nước và đất bị xâm ngập mặn đang diễn ra như hiện nay, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu dự báo, đến năm 2050 khi mực nước biển dâng lên 1 m, khoảng 16,05% diện tích đồng bằng sông Hồng, 1,47% diện tích các tỉnh ven biển miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận, 17,84% diện tích TP. Hồ Chí Minh và 39,40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ bị biển xâm thực. Riêng tại ĐBSCL - vựa lúa phía Nam lớn nhất Việt Nam hiện nay có tổng số 226 điểm sạt lở với chiều dài 422,6 nghìn m. Trong đó, Cà Mau có số điểm sạt lở nhiều nhất đến 80 điểm với chiều dài tương ứng 121,2 nghìn m; Sóc Trăng có 28 điểm, tương ứng 69,7 nghìn m; An Giang có 22 điểm, chiều dài tương ứng 68,3 nghìn m; Bến Tre có 19 điểm, dài tương ứng 24,2 nghìn m...

Thêm vào đó, biến đổi khí hậu đang làm thay đổi điều kiện sinh sống của các loài sinh vật, dẫn đến tình trạng biến mất của một số loài và ngược lại, xuất hiện nguy cơ gia tăng các loại thiên địch. Trong thời gian nhiều năm trở lại đây, dịch rầy nâu, vàng lùn, lùn xoắn lá ở ĐBSCL diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng đến khả năng thâm canh, tăng vụ và làm giảm sản lượng lúa. Biến đổi khí hậu có thể tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa, quy hoạch vùng, kỹ thuật tưới tiêu, sâu bệnh, năng suất, sản lượng; làm suy thoái tài nguyên đất, đa dạng sinh học bị đe dọa, suy giảm về số lượng và chất lượng do ngập nước và do khô hạn, tăng thêm nguy cơ diệt chủng của động, thực vật, làm biến mất các nguồn gen quý hiếm. Từ đó có thể thấy được những ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đã và đang gây đe dọa nghiêm trọng đến nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp và an ninh lương thực nói riêng.

 
Đổi mới ngành nông nghiệp theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu
Trước những nguy cơ hiện hữu và hậu quả khó lường do biến đổi khí hậu đã và đang gây ra, ngành nông nghiệp xác định cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu đang rất khẩn trương, liên tục và lâu dài. Trước mắt, để giảm nhẹ thiệt hại đối với ngành thì đổi mới sản xuất để thích nghi với biến đổi khí hậu được coi là hướng đi chiến lược hiện nay.
 


Ảnh minh họa, nguồn Internet

Chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng thích nghi với biến đổi khí hậu

Hiện nay, việc đẩy mạnh tái cơ cấu các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp, nâng cao năng suất, chất lượng đang được coi là biện pháp cấp bách và cần thiết để ngành nông nghiệp có thể đứng vững trước các hình thái biến đổi khí hậu. Ngành Nông nghiệp đã khẩn trương đẩy mạnh ưu tiên nghiên cứu phát triển giống cây trồng mới cho năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Trong đó đặc biệt chú trọng việc nghiên cứu phát triển và chuyển giao các giống cây trồng mới (lúa, ngô, lạc, đậu tương, rau màu, cà-phê, chè...) có năng suất, chất lượng cao thích nghi điều kiện canh tác (chịu mặn, chịu hạn, chịu phèn), chế độ canh tác (ngập lụt, hạn hán) phục vụ sản xuất hàng hóa theo mô hình canh tác nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA).

Ngoài các giống lúa thích ứng với điều kiện thâm canh, nước ta cũng đã có các bộ giống lúa thích ứng với điều kiện úng ngập (bộ giống chịu úng: U17, U20, U21 của Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Viện CLT- CTP), các giống chịu hạn: CH2, CH3, CH5, CH133 (Viện CLT-CTP), các giống thuộc sê-ri LC của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam và Viện Bảo vệ thực vật... Đặc biệt với những vùng bị nước biển xâm nhập, ngành Nông nghiệp đã lai cấy và tạo ra được nhiều giống lúa chịu phèn, chịu mặn như giống lúa Hatri 170, Hatri 190, Hatri 194 (Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao ĐBSCL). Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đẩy mạnh công tác lựa chọn các loại giống cây trồng khác có khả năng chống hạn cao hơn hoặc nhu cầu cần nước ít hơn cho vùng khô hạn và sa mạc hóa như: Điều, ca cao, ôliu...; các cây nông nghiệp ngắn ngày: Hành tím, khoai lang, mì (sắn), đậu, mía...; các cây ăn quả đan xen: Thanh long, xoài, mãng cầu xiêm (na); một vài loại rau, ớt... đều được tuyển chọn đã chịu được hạn.

Cũng như đối với cây trồng, ngành Nông nghiệp đã và đang tiếp tục nghiên cứu và nhập nuôi các giống gia súc, gia cầm có ưu điểm về thời gian nuôi ngắn, phát triển nhanh, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện từng vùng. Khu vực miền Trung và Tây Nguyên có lợi thế chăn nuôi vật nuôi chịu hạn, ít cần nước như cừu, đà điểu, ong mật, tằm do đó thời gian gần đây đã có sự tăng trưởng đáng kể. Với những diện tích trồng lúa và hoa màu bị nhiễm mặn không thể cải tạo, ngành đã cơ cấu chuyển đổi thành diện tích nuôi tôm nước mặn.

Thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp

Song song với việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phù hợp, nông nghiệp Việt Nam còn năng động và linh hoạt trong việc đổi mới phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tiết kiệm chi phí đầu vào và giảm sự phụ thuộc vào thiên nhiên. Ngành Nông nghiệp đang tiếp tục triển khai nhân rộng các mô hình, biện pháp canh tác tiên tiến như thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), kỹ thuật canh tác 3 giảm 3 tăng (3G3T), kỹ thuật canh tác 1 phải 5 giảm (1P5G), quản lý dịch bệnh tổng hợp (EPM), hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), làm đất tối thiểu, che phủ bằng thảm thực vật… Đồng thời, Viện Môi trường nông nghiệp đã xây dựng 12 quy trình canh tác cho các cây trồng chủ lực tại mỗi vùng, bảo đảm năng suất, bảo vệ đất, có khả năng thích nghi với các điều kiện bất lợi của BÐKH như hạn hán, ngập úng, xâm lấn mặn, rét hại… Nghiên cứu, ứng dụng các hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng cường sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hữu cơ, xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính... Ưu tiên hàng đầu là nghiên cứu phát triển các giống mới có năng suất cao, khả năng chống chịu tốt, thích ứng với điều kiện khí hậu để nâng cao giá trị. Phát triển các mô hình chăn nuôi hỗn hợp như mô hình vườn ao chuồng (VAC), mô hình sản xuất lương thực và năng lượng từ chăn nuôi (IFES), mô hình thích ứng chăn nuôi dựa vào sinh thái (EbA), thực hành chăn nuôi tốt (VietGAP), nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA), chăn nuôi công nghệ cao và khép kín.

Một số nơi, nông dân đã chủ động tìm ra các phương thức canh tác, gieo trồng mới giúp cây trồng gia tăng khả năng chống chọi với biến đổi khí hậu và tăng năng suất. Điển hình có: Kỹ thuật trồng dưa leo treo thẳng tại vườn của nông dân ở Đà Lạt; Bón phân hữu cơ cho cây trồng trên đất cát hoang hóa ven biển Hà Tĩnh; Áp dụng quy trình tưới nước khép kín để trồng tiêu tại vùng khô hạn miền Trung và Tây Nguyên; Mô hình canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL...
Với các cây trồng chủ lực như: Lúa, ngô, đậu tương, lạc, mía, Viện Môi trường nông nghiệp đã nghiên cứu và triển khai 24 mô hình trình diễn ứng dụng kỹ thuật canh tác và bảo vệ đất phù hợp để giảm tác động của biến đổi khí hậu tại 3 vùng: Đồng bằng sông Hồng, ĐBSCL, Đồng bằng duyên hải miền Trung. Các mô hình này thành công sẽ tạo hướng đi mới trong canh tác, góp phần bảo vệ đất, ổn định năng suất, tăng thu nhập, hiệu quả kinh tế cho nông dân…

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa; bảo vệ và phát triển rừng gắn với xóa đói giảm nghèo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số… theo hướng phát triển nền nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu… Để làm được điều đó, không chỉ có các cơ quan bộ, ngành mà cần sự quyết tâm và chung sức của toàn thể nhân dân trong cuộc chiến thích ứng với biến đổi khí hậu của ngành Nông nghiệp./.

 
Minh Hà