Cùng với sự phát triển ổn định của nền kinh tế, nhu cầu của người dân tăng cao, thị trường ô tô Việt Nam được dự đoán sẽ ngày càng phát triển và sớm bước vào thời kỳ xã hội hóa ô tô. Nhận định trên đang dần được chứng minh khi thị trường tiêu thụ ô tô đạt mức tăng trưởng trung bình 33% trong những tháng nửa đầu năm nay và hứa hẹn sẽ tiếp tục tăng trưởng vào những tháng tiếp theo của nửa cuối năm.
Thị trường đa chủng loại với nguồn cung dồi dào
Việt Nam tiếp tục nhập khẩu lượng lớn ô tô nguyên chiếc
Năm 2019 là một năm sôi động với nền kinh tế Việt Nam khi 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng EVFTA được ký kết và đặc biệt là CPTPP có hiệu lực đã tác động lớn đến thuế xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô. Ngoài ra, việc nhập ô tô tại các nước sản xuất trong khối ASEAN cũng có sự gia tăng do được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình nhập khẩu ô tô của Việt Nam trong các tháng vừa qua có nhiều chuyển biến sôi động. Các số liệu thống kê của từng tháng cho thấy, cao điểm là tháng 2 và tháng 5/2019, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại được nhập vào Việt Nam lên tới hơn 14 nghìn xe. Mặc dù có sự tăng nhẹ trong tháng 7, song nhập khẩu ô tô lại đang có xu hướng giảm dần trong quý III. Đặc biệt, trong tháng 8, số xe nhập khẩu chỉ còn trên 9,2 nghìn xe, với trị giá 201,2 triệu USD, giảm 18% về lượng và 21% về giá trị so với tháng trước đó. Điều này được các chuyên gia thị trường lý giải là do các doanh nghiệp nhập khẩu đang chuẩn bị cho mùa cao điểm, khi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt thường tăng vào dịp cuối năm. Tuy vậy, tổng số ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 8/2019 đã đạt gần tới 96 nghìn xe, trị giá trên 2,1 tỷ USD. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là trên 71 nghìn xe (gấp 4 lần cùng kỳ năm 2018), ô tô tải là trên 21,5 nghìn xe (gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018), còn lại là các loại ô tô khác. Trong khi đó, cùng thời điểm năm 2018, Việt Nam mới chỉ nhập khẩu 28,8 nghìn xe với trị giá khoảng 681,6 triệu USD. Như vậy, số ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đáng kể lên 332,9% về lượng và tăng 313,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, đem lại nguồn cung dồi dào cho thị trường.
Thị trường đa chủng loại với nguồn cung dồi dào
Việt Nam tiếp tục nhập khẩu lượng lớn ô tô nguyên chiếc
Năm 2019 là một năm sôi động với nền kinh tế Việt Nam khi 2 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng EVFTA được ký kết và đặc biệt là CPTPP có hiệu lực đã tác động lớn đến thuế xuất, nhập khẩu của nhiều mặt hàng, trong đó có ô tô. Ngoài ra, việc nhập ô tô tại các nước sản xuất trong khối ASEAN cũng có sự gia tăng do được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tình hình nhập khẩu ô tô của Việt Nam trong các tháng vừa qua có nhiều chuyển biến sôi động. Các số liệu thống kê của từng tháng cho thấy, cao điểm là tháng 2 và tháng 5/2019, số lượng ô tô nguyên chiếc các loại được nhập vào Việt Nam lên tới hơn 14 nghìn xe. Mặc dù có sự tăng nhẹ trong tháng 7, song nhập khẩu ô tô lại đang có xu hướng giảm dần trong quý III. Đặc biệt, trong tháng 8, số xe nhập khẩu chỉ còn trên 9,2 nghìn xe, với trị giá 201,2 triệu USD, giảm 18% về lượng và 21% về giá trị so với tháng trước đó. Điều này được các chuyên gia thị trường lý giải là do các doanh nghiệp nhập khẩu đang chuẩn bị cho mùa cao điểm, khi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người Việt thường tăng vào dịp cuối năm. Tuy vậy, tổng số ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 8/2019 đã đạt gần tới 96 nghìn xe, trị giá trên 2,1 tỷ USD. Trong đó, ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là trên 71 nghìn xe (gấp 4 lần cùng kỳ năm 2018), ô tô tải là trên 21,5 nghìn xe (gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018), còn lại là các loại ô tô khác. Trong khi đó, cùng thời điểm năm 2018, Việt Nam mới chỉ nhập khẩu 28,8 nghìn xe với trị giá khoảng 681,6 triệu USD. Như vậy, số ô tô nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng đáng kể lên 332,9% về lượng và tăng 313,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018, đem lại nguồn cung dồi dào cho thị trường.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Theo thống kê, Việt Nam nhập khẩu ô tô từ 12 quốc gia trên thế giới, tuy nhiên, lượng ô tô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ 6 thị trường chính là: Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc. Số xe nhập khẩu từ 6 thị trường này đã chiếm tới 96,5% tổng lượng xe nhập khẩu và chiếm 89,5% về giá trị. Trong đó, Thái Lan liên tục là quốc gia xuất khẩu ô tô đứng đầu cả về số lượng và giá trị trong số các quốc gia đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam với gần 56,8 nghìn xe, trị giá trên 1,14 tỷ USD, chiếm gần 60% tổng lượng xe nhập khẩu của 8 tháng đầu năm. Ngoài Thái Lan, thành viên ASEAN khác cũng là thị trường nhập khẩu ô tô quan trọng hàng đầu của Việt Nam là Indonesia với tổng số lượng trên 28,1 nghìn xe, tổng kim ngạch đạt trên 393,9 triệu USD. Các hãng xe đến từ Hàn Quốc với mẫu mã đẹp, trang bị nhiều phụ kiện mà giá thành hợp lý cũng đang dần lấy được sự tín nhiệm của người tiêu dùng Việt Nam khi số lượng nhập khẩu ngày càng tăng lên. Ngoài ra, nguồn cung xe ô tô nhập khẩu còn đa dạng và phong phú đến từ ngành công nghiệp sản xuất ô tô của các quốc gia như: Nga, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Canada, Pháp.
Sự đóng góp của ô tô sản xuất trong nước
Bên cạnh lượng ô tô nhập khẩu phong phú về chủng loại, mẫu mã đến từ nhiều quốc gia, thị trường ô tô trong nước nửa cuối năm còn tiếp tục tăng trưởng với sự góp mặt của các chủng loại ô tô được lắp ráp và sản xuất trong nước. Trong 3 quý đầu năm, ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam đã sản xuất được 243,3 nghìn xe, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, quý I sản xuất được 69,4 nghìn xe, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2018; quý II sản xuất được 84,3 nghìn xe, tăng 7,8%; quý III sản xuất được 89,6 nghìn xe, tăng 2,7%. Sản lượng ô tô sản xuất trong nước ở các quý liên tục tăng so với năm trước đã cho thấy tín hiệu tăng trưởng ổn định của nền kinh tế cũng như sự chuyển dịch tích cực của đầu tư nước ngoài và thương mại sẽ tạo ra những cơ hội tốt cho sự phát triển của thị trường ô tô trong những tháng cuối năm. Nhờ đó, chỉ số sản xuất công nghiệp đối với xe có động cơ của 3 quý đầu năm tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Tại Việt Nam, các thành viên nằm trong Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cùng một số doanh nghiệp ngoài Hiệp hội đã đóng góp tích cực cho sản xuất ô tô trong nước. Một thành viên của VAMA, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải là một trong những doanh nghiệp hàng đầu và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô, với chuỗi giá trị từ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D), sản xuất linh kiện phụ tùng, lắp ráp ô tô, đến giao nhận vận chuyển và phân phối, bán lẻ. Trường Hải đã có sự hợp tác với các thương hiệu ô tô lớn như Kia Motors, Foton, Huyndai, Mazda, Peugeot để sản xuất các loại: Xe tải, xe bus, xe du lịch, xe chuyên dụng và đầy đủ phân khúc từ trung cấp đến cao cấp và đã xây dựng nhà máy sản xuất ô tô lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á tại Quảng Nam trong năm 2018. Đặc biệt trong năm 2019 phải kể đến sự xuất hiện của thương hiệu ô tô “made in Vietnam” đến từ Tổ hợp sản xuất ô tô và xe máy điện Vinfast của tập đoàn Vingroup với 3 mẫu xe được giới thiệu là Fadil, LUX A2.0 và LUX SA2.0. Nhà máy Vinfast đạt quy mô và độ hiện đại hàng đầu thế giới, đáp ứng xu thế 4.0 vừa khánh thành hồi tháng 6/2019 đã góp phần đưa công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam lên tầm cao mới; đánh dấu bước tự chủ sản xuất và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu dưới thương hiệu Việt.
Những tháng vừa qua, thị trường ô tô Việt Nam đã chứng kiến sự xuất hiện của những chiếc xe thương hiệu Việt lăn bánh trên đường, và dự kiến tần suất xuất hiện sẽ nhiều hơn ở các tháng cuối năm và những năm về sau. Đây là tín hiệu đáng mừng đối với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam và là nhân tố góp phần sinh động cho thị trường tiêu thụ.
Dù không nằm trong VAMA, nhưng Huyndai Thành Công là doanh nghiệp 100% vốn trong nước, đã dựa vào nội lực hình thành nên một hệ thống hoàn chỉnh từ sản xuất, lắp ráp, phân phối, dịch vụ, phụ tùng, logistic… Do vậy, Huyndai Thành Công đã chọn cho mình những bước đi vững chắc, xây dựng cơ sở hạ tầng nền móng, liên doanh với những đối tác lớn để có được những kinh nghiệm, quy trình sản xuất thực tiễn, phù hợp với những chính sách định hướng của Chính phủ với ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có các doanh nghiệp sản xuất quen thuộc như: Ford Việt Nam, Hino Motors Việt Nam, ViSuco, Samco, Veam, Mitsubitshi Việt Nam, Mercedes-Benz Vietnam, Isuzu Vietnam, Honda Việt Nam… đã có những đóng góp lớn vào thị trường ô tô Việt Nam.
Thị trường tiêu thụ cuối năm đầy hứa hẹn
Doanh thu bán hàng tăng cao
Nhìn lại con số trên 71 nghìn xe ô tô dưới 9 chỗ được nhập khẩu vào Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2019, gấp hơn 4 lần năm 2018 có thể thấy xu hướng mua xe cá nhân cũng như năng lực tài chính của người tiêu dùng Việt Nam đã tăng khá cao trong năm vừa qua. Báo cáo bán hàng qua các tháng của VAMA cho thấy, từ đầu năm 2019 đến nay, thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam có nhiều biến động, doanh số bán hàng qua các tháng không đều nhưng hầu như đều tăng so với cùng kỳ năm 2018.
Theo VAMA, trong tháng 1/2019, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 33.510 xe, bao gồm: 15.228 xe du lịch, 5.964 xe thương mại và 291 xe chuyên dụng, giảm 2% so với tháng 12/2018 tăng 27% so với tháng 1/2018. Trong tổng số xe tiêu thụ của tháng 1, có 12.594 xe lắp ráp trong nước, giảm 18% so với tháng trước và 8.889 xe nhập khẩu nguyên chiếc, giảm 22% so với tháng trước. Sau khi doanh số tiêu thụ ô tô sụt giảm còn 13.143 xe trong tháng 2, doanh số tháng 3 phục hồi với mức tăng kỷ lục. Số xe ô tô tiêu thụ trên toàn thị trường Việt Nam của tháng 3 đạt 32.308 xe, bao gồm 22.528 xe du lịch, 8.917 xe thương mại và 863 xe chuyên dụng, tăng 160% so với tháng 2/2019 tăng 54% so với tháng 3/2018. Trong đó có: 19.769 xe lắp ráp trong nước, tăng 157% so với tháng trước và 12.539 xe nhập khẩu nguyên chiếc, tăng 164% so với tháng trước. Các tháng về sau, thị trường tiêu thụ ô tô đạt mức trung bình từ 21-27 nghìn xe/tháng. Toyota là thương hiệu có doanh số bán hàng cao nhất, chiếm khoảng 25% tổng doanh số, trong đó Toyota Vios là mẫu xe bán chạy nhất tính đến thời điểm này của năm 2019, tiếp đó là Thaco Mazda với 11,5%, Honda với 11%, Ford với khoảng 10%...
Ngoài báo cáo của VAMA, thị trường tiêu thụ ô tô còn thể hiện sự tăng trưởng của các thương hiệu không nằm trong VAMA như Huyndai Thành Công - TC Motor, Land Rover, Volkswagen, Subaru hoặc là thành viên như Mercedes-Benz, Audi (không công bố doanh số bán hàng). Theo báo cáo bán hàng của TC Motor, chỉ tính đến tháng 8, công ty này đã có tổng cộng 47.792 xe được bán ra, trong đó Accent là mẫu xe liên tục dẫn đầu với doanh số đạt 11.660 xe, bám sát phía sau là Grand i10 với 11.014 xe.
Tăng cường kích thích chi tiêu cho mua ô tô
Nhìn lại gần 1 năm qua, các chuyên giá đánh giá thị trường ô tô Việt Nam đã trải qua những giai đoạn khó khăn, thách thức và cạnh tranh khốc liệt từ các hãng phân phối do nguồn cung từ nhập khẩu cũng như sản xuất trong nước đang dồi dào. Dự báo trong quý VI, tình hình tiêu thụ ô tô tại thị trường Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến tích cực do vào mùa mua sắm cuối năm. Vì vậy, các hãng xe đã không ngừng nỗ lực mang đến những sản phẩm, dịch vụ chất lượng và ưu đãi lớn hơn cho khách hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có nhiều biện pháp kích cầu để đẩy doanh số lên như giảm giá bán, tặng quà, khuyến mại, hỗ trợ thuế trước bạ cho khách hàng mua xe… Điển hình phải kể đến Peugeot Việt Nam áp dụng nhiều chính sách, bao gồm giá ưu đãi đặc biệt lên đến 50 triệu đồng dành cho hai mẫu xe Peugeot 3008 và Peugeot Traveller. Trong tháng 9, Toyota Việt Nam đã 2 lần công bố điều chỉnh giảm giá một số dòng xe như Altis, Fortuner và Innova được hỗ trợ phí trước bạ hoặc chuyển thành tiền mặt từ 40-60 triệu đồng; một số phiên bản của Hilux sẽ được điều chỉnh giảm giá từ 21 triệu đồng đến 33 triệu đồng so với mức giá hiện tại. Honda Việt Nam chọn chiến lược thu hút khách hàng bằng ưu đãi khi mua xe Honda CR-V hoặc HR-V sẽ được nhận phiếu quà tặng cho mỗi xe, trị giá trên 9,9 triệu đồng. Cùng với đó, đồng loạt các mẫu xe của thương hiệu Mazda đã có ưu đãi giá, phụ kiện, bảo dưỡng, cao nhất đến 100 triệu đồng cho CX-5 trong tháng 9…
Ngoài ra, Triển lãm Ô tô Việt Nam (Vietnam Motor Show 2019) vừa diễn ra hồi cuối tháng 10 với quy mô 20 nghìn m2 trưng bày, gồm khu vực triển lãm trong nhà và khu mở rộng ngoài trời cũng góp phần đẩy mạnh doanh số bán hàng trong dịp cuối năm. Vietnam Motor Show 2019 có sự tham gia của các thương hiệu ô tô Audi, Ford, Honda, Jaguar, Land Rover, Lexus, Mercedes-Benz, Mitsubishi, Nissan, Subaru, Suzuki, Toyota, VinFast, Volkswagen, Volvo và những khu trưng bày công nghiệp phụ trợ, ô tô, xe máy, phụ tùng, linh phụ kiện, đồ chơi công nghệ, các công ty dịch vụ, chăm sóc xe, bảo hiểm, dịch vụ hỗ trợ tài chính. Đây được coi là ngày hội ô tô, quy tụ đa dạng dòng xe ở mọi phân khúc, hội tụ những công nghệ đột phá, cơ hội trải nghiệm thử xe độc đáo và các màn trình diễn lái xe mạo hiểm đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của công chúng. Nét mới ở Triển lãm lần này là việc ứng dụng giải pháp công nghệ tương tác nhằm tạo cho khách tham quan một hành trình trải nghiệm số, giúp các hãng thêm thấu hiểu khách hàng để cung cấp nhiều lợi ích thiết thực hơn, đồng thời khách tham quan sẽ có cơ hội tiếp cận trực tiếp thông tin quan trọng từ các thương hiệu, gia tăng sự tương tác với các nhãn hàng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh và ngân hàng cũng bắt tay liên kết với nhau đưa ra những gói dịch vụ tài chính với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ khách hàng mua xe dễ dàng hơn, qua đó giúp đẩy mạnh sự tăng trưởng của thị trường ô tô Việt Nam dịp cuối năm nay./.
ThS. Trần Thanh Tùng
Đại học Công nghiệp Hà Nội
Đại học Công nghiệp Hà Nội