Cùng với các nông sản như bông hoặc cacao, cà phê là loại hàng hóa được giao dịch nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau dầu mỏ. Đây cũng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn, đứng đầu trong số các mặt hàng xuất khẩu nông nghiệp tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, cà phê là ngành hàng quan trọng, chiếm 3% GDP cả nước, kim ngạch xuất khẩu nhiều năm đạt trên 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp trên thị trường cà phê thế giới cũng như trong nước đang khiến cho ngành cà phê gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Thị trường cà phê Việt - Triển vọng và áp lực cạnh tranh với nhiều thách thức
Có thể thấy, cà phê Việt đã và đang từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới. Theo thống kê, các sản phẩm cà phê của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu (đứng thứ 2, sau Brazil); đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5, sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ)...
Hiện, các nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới như Brazil, Indonesia, Colombia… chủ yếu xuất khẩu cà phê dưới dạng hạt (green bean), nghĩa là chỉ dừng ở hoạt động sơ chế sau thu hoạch. Một số nước có hoạt động rang và xay nhưng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng xuất khẩu cà phê. Trong khi đó, ở Việt Nam, kể từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, hoạt động sơ chế sau thu hoạch đã được quan tâm và đẩy mạnh. Nhờ vậy, cà phê Robusta từ chỗ có giá bán tại cảng Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với giá tham chiếu tại Sở giao dịch hàng hóa Luân Đôn, nay đã dần thu hẹp và tiệm cận phù hợp với giá thị trường thế giới.
Đặc biệt, thời gian qua, nhờ ưu đãi về thuế quan đối với cà phê chế biến từ các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết nên ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm, chú trọng đầu tư vào các hoạt động chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê nói riêng và kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nói chung. Đến nay, cả nước có 97 cơ sở chế biến cà phê nhân, 160 cơ sở chế biến cà phê rang xay, 8 cơ sở chế biến cà phê hòa tan và 11 cơ sở chế biến cà phê phối trộn.
Ngoài ra, cà phê bột của Trung Nguyên, cà phê hòa tan của Vinacafe, Trung Nguyên hiện đã không những chiếm lĩnh được thị trường trong nước, mà còn được hoan nghênh ở nhiều thị trường trong khu vực, bước đầu khẳng định được thương hiệu cà phê Việt… Đây chính là những nền tảng vững chắc để ngành cà phê tiếp tục phát huy và tận dụng những tiềm năng này để phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Số liệu thống kê cho thấy, trong những năm qua, xuất khẩu cà phê của Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, đạt 8,2%/năm với kim ngạch bình quân 3,13 tỷ USD/năm giai đoạn 2011-2018, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với nhiều biến động trên thị trường toàn cầu, ngành cà phê Việt hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Năm 2019, ngành cà phê trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề vì khủng hoảng giá, kim ngạch xuất khẩu giảm đáng kể. Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, giá cà phê xuất khẩu niên vụ này ở mức thấp kỷ lục trong vòng 10 năm lại đây, có thời điểm xuống mức 1.207 USD/tấn đối với cà phê Robusta, 88 cent/lb đối với cà phê Arabica. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2019 cả nước xuất khẩu cà phê đạt 1,61 triệu tấn (tương đương 26,8 triệu bao), trị giá 2,785 tỷ USD, giảm 13,9% về lượng và giảm 21,2% về giá trị so với năm 2018. Như vậy, năm 2019, xuất khẩu cà phê Việt Nam bị tuột mốc 3 tỷ USD so với vài năm trở lại đây.
Niên vụ 2019-2020, là năm thứ 3 liên tiếp ngành cà phê chịu khủng hoảng về giá, khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Theo đó, đối với giá cà phê nội địa, nếu như đầu niên vụ trước ở mức trên 42.000 đồng/ kg thì đầu vụ này chỉ ở mức 35.000 đồng/kg và liên tục giảm, hiện chỉ còn khoảng 30.000-32.000 đồng/kg. Những biến động về giá cả luôn theo chiều hướng bất lợi cho người làm cà phê khi chi phí đầu vào luôn tăng. Ở chiều ngược lại, giá bán cà phê lại liên tục ở mức rất thấp. Do đó, những người trồng cà phê rơi vào tình trạng thu không đủ chi, nhiều vườn cà phê đã bị nông dân chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị hơn.
Cùng với khủng hoảng giá, ngành cà phê Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Điển hình là tình trạng cà phê già cỗi đang tăng nhanh. Mặc dù thời gian qua, việc tái canh cà phê tại Tây Nguyên đã được đẩy mạnh song thực tế diện tích cà phê già vẫn còn rất lớn.
Tại Tây Nguyên, diện tích cà phê trên 20 năm tuổi hiện có khoảng 86 nghìn ha, chiếm 16%, diện tích cà phê 15-20 năm tuổi khoảng 140 nghìn ha, chiếm khoảng 26%. Trong khi đó, việc tái canh gặp rất nhiều khó khăn. Kết quả điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật Nông, Lâm nghiệp Tây Nguyên gần đây cho thấy, tỷ lệ vườn cà phê tái canh thất bại lên tới 38%. Nguyên nhân được xác định là do nông dân chưa áp dụng đúng quy trình tái canh đã được ban hành.
Mặt khác, ở khía cạnh khách quan, tình hình sản xuất cà phê cả nước cũng đang chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu. Hạn hán và lũ lụt liên tục làm thiệt hại nghiêm trọng vùng trồng cà phê trọng điểm Tây Nguyên. Cụ thể, chỉ riêng đợt lũ tháng 8/2019 đã làm thiệt hại hơn 1.000 ha cà phê của Tây Nguyên. Đồng thời, mưa lớn trong nhiều ngày khiến quả cà phê bị rụng hàng loạt, gây ảnh hưởng rất lớn cho vụ mùa tới. Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam dự báo, niên vụ tới sản lượng cà phê cả nước có thể bị giảm đến 15% so với niên vụ này.
Bên cạnh đó, mặc dù mặt hàng cà phê vẫn duy trì lượng xuất khẩu khá, song đây cũng là mặt hàng gặp khá nhiều trở ngại, khi ngày càng có nhiều đối thủ cạnh tranh và chi phí vận chuyển nhiều biến động. Cùng với đó, xuất khẩu cà phê dạng thô của Việt Nam hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao, trong khi tỷ lệ cà phê chế biến sâu, giá trị tăng cao chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng sản lượng cà phê nhân. Mặt hàng cà phê hiện chưa tạo ra nhiều giá trị gia tăng và chưa tạo ra chuỗi sản xuất sâu. Theo tính toán, nếu tính theo giá xuất khẩu tại cảng Việt Nam thì mỗi tấn cà phê hiện chỉ có giá trên dưới 40 triệu đồng, trong khi nếu chế biến sâu sẽ có giá trị gia tăng cao nhất từ 70-100 triệu đồng/tấn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến cà phê hiện chưa quan tâm tới các quy trình bảo quản, chế biến, thị trường tiêu thụ, bao bì, sản phẩm và cả thương hiệu dẫn đến nguồn lợi nhuận thu được khi xuất khẩu cà phê vào các thị trường tiêu thụ lớn của thế giới không cao… Bước sang năm 2020, mặc dù lượng tiêu thụ cà phê quý I/2020 của Việt Nam vẫn được dự báo tăng, song với nhiều yếu tố bất định về tỷ giá, dịch Covid-19 đang phủ “bóng đen” lên thị trường hàng hoá toàn cầu có thế khiến giá cà phê có những diễn biến ngoài dự báo… Đây cũng sẽ là yếu tố gây thêm những khó khăn cho ngành cà phê toàn cầu cũng như thị trường cà phê Việt thời gian tới.
Giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu
Trước thực trạng ngành cà phê đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 6 tỷ USD vào năm 2030 các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê Việt thì cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường xuất khẩu cà phê thông qua việc triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả hơn nữa. Theo đó, trong công tác sản xuất, chế biến, cần đẩy mạnh việc tái cơ cấu ngành cà phê hiệu quả, xây dựng các vùng trồng tập trung, chuyên canh gắn với phát triển công nghiệp chế biến, áp dụng tiến bộ công nghệ cao, thúc đẩy liên kết vùng nguyên liệu với các cơ sở, nhà máy chế biến sâu để tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và sản lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Áp dụng các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người nông dân, doanh nghiệp thu hút đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đồng thời, khuyến khích, tăng cường liên kết và hợp tác trong sản xuất kinh doanh cà phê với mục đích ổn định xuất khẩu, giữ vững và mở rộng thị trường.
Song song với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, công tác xây dựng thương hiệu cà phê trong giai đoạn hiện nay cần được chú trọng và quan tâm hơn nữa, trong đó các doanh nghiệp chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng thương hiệu của riêng mình. Theo đó, các doanh nghiệp cần khảo sát nhu cầu của thị trường về các lĩnh vực gồm thị phần - thị hiếu - chất lượng - giá cả, từ đó xác định tỷ trọng chế biến các loại sản phẩm phù hợp (Tỷ lệ sản phẩm sơ chế; sản phẩm tinh chế) để định hướng phát triển sản phẩm, xây dựng chiến lược quảng bá, marketing, định vị thương hiệu phù hợp với năng lực của mình. Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và phát triển thương hiệu thông qua các chiến dịch truyền thông, quảng bá hình ảnh; các chương trình đào tạo, hướng dẫn, nâng cao năng lực thiết kế, định dạng sản phẩm.
Đặc biệt, để phát triển thị trường xuất khẩu, ngành cần quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam cần chú trọng tuyển dụng và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ ngoại ngữ và chuyên môn; chủ động tham gia các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do các bộ, ngành, hiệp hội tổ chức; tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế ở cả trong và ngoài nước để giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm bạn hàng.
Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường thông qua việc nghiên cứu, tổng hợp thông tin về thị trường (nhu cầu, chủng loại, quy cách, mẫu mã, cung cầu, giá cả, các chính sách quản lý xuất nhập khẩu và quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm...) đối với mặt hàng cà phê, từ đó tìm kiếm thị trường có tiềm năng xuất khẩu nhằm tạo sự phối hợp tổ chức sản xuất, cơ cấu sản phẩm hợp lý, tạo nguồn hàng đảm bảo ổn định về chất lượng và số lượng, đáp ứng tín hiệu của thị trường…
Đẩy mạnh và đổi mới công tác quản lý xúc tiến thương mại theo hướng nâng cao năng lực thực hiện xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, tạo cơ chế để huy động kinh phí hoạt động xúc tiến thương mại từ các nguồn lực của xã hội, định hướng xúc tiến thương mại đối với ngành hàng cà phê mang tính chiến lược trung - dài hạn, có trọng tâm, trọng điểm, tăng cường sự phối hợp giữa cấp bộ, ngành và các địa phương, các tổ chức xúc tiến thương mại phi Chính phủ và các doanh nghiệp để đạt được hiệu quả cao nhất.
Từng bước cải tiến hoạt động kết nối xuất khẩu theo hướng gắn kết doanh nghiệp Việt kiều tại một số nước như Thái Lan, Pháp, Đức, Úc… với doanh nghiệp trong nước. Sử dụng mạng lưới kiều bào để hỗ trợ doanh nghiệp cà phê Việt Nam tìm hiểu và mở rộng thị trường xuất khẩu, thông qua lực lượng này để tuyên truyền về chất lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, góp phần hỗ trợ thành công tiêu thụ mặt hàng này trong các hệ thống siêu thị tại nước ngoài…
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp trên, kỳ vọng sẽ đem lại những thay đổi tích cực về mặt cơ cấu thị trường đối với các sản phẩm cà phê trong thời gian tới. Theo đó, thị trường xuất khẩu của cà phê Việt Nam sẽ từng bước được mở rộng và đa dạng hóa, đồng thời cũng sẽ định hướng cho sự phát triển sản xuất cà phê trong nước, bao gồm việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cà phê xuất khẩu nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, đặc biệt là những thị trường mới có tiềm năng./.
Thu Hòa