Sản xuất lúa gạo năm 2020 - Thành công trong khó khăn và một số kinh nghiệm từ thực tế triển khai

|

Sản xuất lúa gạo năm 2020 - Thành công trong khó khăn và một số kinh nghiệm từ thực tế triển khai

Từ đầu năm đến nay, trước diễn biến phức tạp của thời tiết và tình hình sản xuất kinh doanh bị đình trệ do dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã khiến cho ngành nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, nhờ chủ động các phương án ứng phó phù hợp, cùng những nỗ lực trong tái cơ cấu nông nghiệp nên sản xuất lúa gạo của Việt Nam năm 2020 đã đạt được kết quả tích cực, đánh dấu một năm với nhiều thắng lợi.

T
heo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù trong điều kiện thời tiết hạn hán, nắng nóng kéo dài và xâm nhập mặn nhưng sản xuất lúa năm 2020 vẫn được mùa, năng suất lúa của cả 3 vụ: Đông xuân, lúa mùa và thu đông năm 2020 ước tính đều tăng so với năm 2019. Trong đó, vụ đông xuân năm nay là một vụ lúa thắng lợi với năng suất đạt 66,4 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2019.

Lúa đông xuân được mùa chủ yếu ở các địa phương phía Nam. Trong đó, do lường trước tình hình hạn hán, nhiễm mặn nên các địa phương đã chủ động cắt giảm diện tích xuống giống và sử dụng các loại giống lúa ít bị nhiễm sâu bệnh, cho năng suất cao nên năng suất lúa đông xuân tăng so với vụ đông xuân năm 2019. Năng suất lúa đông xuân tại các địa phương phía Nam đạt 68,5 tạ/ha, tăng 1,6 tạ/ha so với vụ đông xuân năm 2019. Trong đó, tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), năng suất thu hoạch đạt cao nhất so với các vùng trong cả nước với 69,7 tạ/ha, tăng 1,9 tạ/ha. Một số tỉnh có năng suất tăng so cùng kỳ như Vĩnh Long tăng 6,1 tạ/ha; Kiên Giang tăng 4,4 tạ/ha; Cà Mau tăng 4,9 tạ/ha; Hậu Giang tăng 3,2 tạ/ha.

Đến giữa tháng 10, các địa phương trên cả nước đã cơ bản kết thúc sản xuất lúa vụ hè thu với diện tích gieo trồng lúa hè thu cả nước ước đạt 1.944,8 nghìn ha, giảm 64,8 nghìn ha, bằng 96,8% so với vụ hè thu năm 2019, trong đó, vùng ĐBSCL, diện tích gieo trồng lúa hè thu ước đạt 1.523,9 nghìn ha, giảm 45,2 nghìn ha, bằng 97,1%. Diện tích thu hoạch đạt 1.920,4 nghìn ha, bằng 96,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó vùng ĐBSCL thu hoạch đạt 1.499,9 nghìn ha, bằng 95,9% so cùng kỳ.

Mặc dù cũng trong xu hướng chung là giảm diện tích gieo trồng do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển đổi mùa vụ và gặp khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết nhưng năng suất vụ hè thu ước tính vẫn tăng so với vụ hè thu năm 2019. Năng suất lúa hè thu ước đạt 55,7 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha, bằng 101,7%; cao nhất so với các vụ hè thu kể từ năm 2015 (Năng suất vụ hè thu các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 lần lượt là: 53,5 tạ/ha, 53 tạ/ha, 53,7 tạ/ha, 54,5 tạ/ha, 54,8 tạ/ha).

Đối với vụ mùa, diện tích gieo cấy lúa mùa năm 2020 đạt 1.585,2 nghìn ha, bằng 98,4% so với vụ mùa năm trước. Trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 1.050,8 nghìn ha, giảm 20,1 nghìn ha, bằng 98,1%; các địa phương phía Nam gieo cấy 534,4 nghìn ha, giảm 6,3 nghìn ha, bằng 98,8%. Đến trung tuần tháng Mười, các địa phương trên cả nước đã thu hoạch được 990,7 nghìn ha lúa mùa, chiếm 62,5% diện tích gieo cấy và bằng 97,2% so cùng kỳ. Trong đó các địa phương phía Bắc thu hoạch được 762,3 nghìn ha, chiếm 72,5% diện tích gieo cấy và bằng 96,8%; các địa phương phía Nam thu hoạch được 228,4 nghìn ha, chiếm 42,7% diện tích gieo cấy và bằng 98,5%. Uớc tính năng suất lúa mùa năm 2020 cả nước đạt 50,7 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so cùng kỳ.
 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Thực tế cho thấy, diện tích gieo cấy lúa mùa năm nay đạt thấp chủ yếu do chuyển sang đất phi nông nghiệp để xây dựng các công trình thủy lợi, cơ sở hạ tầng…; chuyển sang cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản; hoặc không sản xuất do một số nguyên nhân khác như thiếu lao động, hiệu quả sản xuất thấp và một phần diện tích đất xen kẹt giữa các khu dân cư với khu công nghiệp, làng nghề không gieo cấy được do tưới tiêu khó khăn hoặc bỏ không sản xuất cùng với hiệu quả kinh tế từ canh tác cây nông nghiệp đem lại không cao, do thiếu thị trường tiêu thụ cũng như đầu ra cho sản phẩm nên đã hạn chế sức sản xuất và nhu cầu mở rộng diện tích gieo trồng.

Bên cạnh đó, tiến độ sản xuất lúa thu đông thấp hơn cùng kỳ do ảnh hưởng dây chuyền từ vụ hè thu sản xuất muộn, nhiều diện tích không đủ thời vụ sản xuất nên bà con nông dân tạm cho đất nghỉ ngơi, mở ruộng đón phù sa chuẩn bị cho vụ đông xuân. Do lo ngại về tình hình hạn mặn, hàm lượng phèn trong đất vẫn cao, không đảm bảo cho sản xuất nên một số địa phương (Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh) đã chỉ đạo cắt bớt diện tích lúa thu đông. Trong vụ sản xuất lúa thu đông năm nay, các giống lúa được nông dân ưa chuộng gieo sạ như: OM 5451, OM 4218, IR 50404, Jasmine 85,…

Có thể thấy, đóng góp lớn nhất vào thắng lợi của hoạt động sản xuất lúa gạo năm nay là nhờ sự chỉ đạo, bám sát thực tiễn sản xuất của các Bộ, ngành; cùng những chính sách ưu đãi đặc thù hỗ trợ kịp thời đối với các hộ nông dân, doanh nghiệp... Cụ thể: Tại vùng ĐBSCL, ngay từ đầu tháng 10/2019, trước dự báo về tình hình hạn mặn sẽ có diễn biến phức tạp trong năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra kịch bản chính xác để điều chỉnh thời vụ nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của hạn mặn. Theo đó, đã quyết định điều chỉnh thời vụ gieo cấy sớm hơn từ 10-20 ngày so với lịch thời vụ đối với vùng có nguy cơ bị tác động của hạn, mặn. Nhờ vậy, khoảng trên 400 nghìn ha lúa đông xuân tại các tỉnh ven biển ĐBSCL đã tránh được hạn mặn. Tại thời điểm lúa thuhoạch thì hạn mặn mới xâm nhập sâu và gay gắt nên thiệt hại do hạn mặn gây ra gần như không đáng kể so với những năm có hạn mặn gay gắt tương tự như trước đây (tiêu biểu như năm 2015-2016). Nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL trước đây từng bị mất trắng lúa do hạn mặn thì năm nay, vẫn đạt năng suất 6,9-7,0 tấn/ha. Việc đẩy sớm thời vụ ở vụ đông xuân 2020 tại các tỉnh ĐBSCL, cũng đã giúp vụ hè thu được xuống giống sớm và được mùa.

Cùng với chỉ đạo đẩy sớm lịch thời vụ, việc ưu tiên đẩy nhanh thi công, đưa vào vận hành sớm đối với các công trình điều tiết ngăn mặn, giữ ngọt tại ĐBSCL trong năm 2020 và sự vào cuộc quyết liệt, huy động tổng thể các giải pháp ứng phó với hạn mặn (máy bơm, trữ nước, đập cạn...) cũng đã góp phần vào thắng lợi quan trọng của vụ đông xuân 2020 vùng ĐBSCL.

Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng đã có bước tiến quan trọng đối với việc nghiên cứu, đưa vào sản xuất bộ giống lúa, kèm quy trình canh tác đa dạng, phù hợp, giúp người dân có sự lựa chọn đa dạng hơn. Nhất là các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng tốt, đặc biệt là có khả năng thích nghi, chống chịu tốt hơn với điều kiện hạn mặn ở mức độ tương đối.

Đối với các tỉnh Nam Trung Bộ, nhờ dự báo trước tình hình hạn hán, thiếu nước sẽ diễn ra trong vụ hè thu năm 2020, Ngành Nông nghiệp cũng đã định hướng chỉ đạo các địa phương trong Vùng đẩy sớm lịch gieo cấy vụ hè thu. Theo đó, lúa đông xuân được triển khai cuốn chiếu thu hoạch tới đâu, thì tổ chức làm đất, gieo cấy vụ hè thu ngay tới đó.

Tại Trung Bộ, năm 2020 các diện tích đất lúa khó khăn về nguồn nước cũng đã được đẩy mạnh chuyển đổi sang các đối tượng cây trồng cạn khác. Nhiều tỉnh như Bình Định, Quảng Bình... việc chuyển đổi đất lúa sang cây trồng khá hiệu quả. Do vậy, không chỉ sản xuất lúa vụ đông xuân, vụ hè thu ở các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ năm nay đều được mùa, mà các loại hoa màu khác cũng được mùa.

Tại các tỉnh miền Bắc, nhờ sự chỉ đạo sát sao và sự vào cuộc của hệ thống ngành BVTV, Sở Nông nghiệp các địa phương kịp thời thông tin tuyên truyền, bám sát diễn biến thời tiết và tình hình sâu bệnh trên lúa để kịp thời tổ chức phun phòng trừ. Do đó, các tỉnh miền Bắc đã không xảy ra sâu bệnh hại nghiêm trọng trên lúa, giúp cho vụ đông xuân của miền Bắc được mùa.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, có được những thành công trong sản xuất lúa gạo năm 2020, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao và ứng phó kịp thời trước những diễn biến phức tạp của thời tiết nhằm có được sự điều tiết mùa vụ hợp lý, thời gian qua, ngành lúa gạo cũng đã có chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng thực hiện quy trình sản xuất lúa tiên tiến được ứng dụng hiệu quả ở nhiều địa phương. Theo đó, hiện nay hầu hết các hộ trồng lúa đã ứng dụng chương trình “một phải, năm giảm” (cần sử dụng giống lúa có chứng nhận – một phải và thực hiện năm giảm: giảm lượng giống gieo sạ, giảm phân bón, giảm nước tưới qua kỹ thuật ngập - khô xen kẽ, giảm số lần sử dụng thuốc trừ sâu, giảm thất thoát sau thu hoạch). Ðây được xem là chiến lược chính để cải thiện tính bền vững của ngành sản xuất lúa gạo ở Việt Nam; Chương trình “ba giảm, ba tăng” (giảm lượng giống, giảm thuốc bảo vệ thực vật và giảm phân bón nhưng vẫn tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế và tăng chất lượng sản phẩm).

Cùng với đó, ngành Nông nghiệp luôn đôn đốc các địa phương huy động mọi nguồn lực về lao động, máy móc để làm đất, gieo trồng đảm bảo thời vụ; đẩy mạnh đầu tư, thâm canh cây trồng, kiểm tra, quản lý chặt chẽ nguồn nước từ các công trình thủy lợi, sử dụng nguồn nước tưới đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và có kế hoạch tích nước để phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đang chỉ đạo các địa phương triển khai các đề án quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), đề án liên quan tới các biện pháp sinh học sử dụng trong sản xuất nông nghiệp để bảo đảm hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Đây là những hướng đi đúng đắn giúp cho ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam ngày càng phát triển đạt được những thắng lợi vừa qua.

Ngoài ra, để hỗ trợ vốn phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và cho người dân, doanh nghiệp tham gia sản xuất, kinh doanh xuất khẩu lúa gạo nói riêng, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân khi vay vốn ngân hàng để mua máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất, chế biến lúa gạo… nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, phù hợp với thực tiễn, như: Nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu mối tổ chức mô hình liên kết với nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao gia tăng giá trị sản phẩm…

Đặc biệt, trước xu thế hội nhập toàn cầu, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan thời gian qua đã nỗ lực triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ lúa gạo cho người nông dân. Một số chính sách lớn đã được ban hành như: Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án tái cơ cấu ngành Lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo…

Nhờ có những giải pháp kịp thời và hiệu quả mà sản xuất lúa gạo năm 2020 đã đạt được thành tựu nổi bật. Lúa không chỉ được mùa ở các mùa vụ mà còn được giá, đánh dấu sự chuyển mình của sản xuất lúa gạo, hiệu quả sản xuất tăng lên đáng kể. Trong bối cảnh dịch Covid-19, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông sản bị ảnh hưởng, xuất khẩu gạo của Việt Nam giữ được đà tăng trưởng về lượng, quan trọng hơn là giá xuất khẩu đạt mức cao. Riêng tháng 8/2020, giá trung bình đạt 502,6 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 7/2020. Một trong những điểm nhấn đáng lưu ý nhất là mức giá xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục hơn 1.000 USD/tấn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực. Chỉ trong 10 tháng năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được gần 5,3 triệu tấn gạo (đạt hơn 80% kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2020 là đạt từ 6,5 đến 6,7 triệu tấn gạo), tương đương với kim ngạch đạt 2,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2019. Chất lượng gạo cũng được tăng lên, loại gạo 5% tấm của Việt Nam đã có lúc vượt giá gạo Thái Lan, vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong suốt thời gian dài xuất khẩu lúa gạo, đây là lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan đến 20 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu tăng cao một phần là do nhu cầu thu mua, tích trữ gạo của nhiều quốc gia trên thế giới tăng lên từ đợt dịch Covid-19, song yếu tố khác cũng là nhờ vào chất lượng gạo Việt Nam những năm gần đây được cải thiện đáng kể trên cơ sở thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với các tiêu chuẩn của VietGAP, Global GAP,… khả năng đáp ứng nhiều yêu cầu kỹ thuật của các đối tác nhập khẩu, cơ cấu chủng loại đã và đang dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao.

Năm 2020, sản xuất lúa được mùa, nguồn cung dồi dào cùng với chất lượng gạo tăng lên đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu gạo, giá trị xuất khẩu ngày càng được cải thiện, tạo nên sức lan toả mạnh mẽ của “hương vị” gạo Việt Nam trên thị trường hàng nông sản thế giới./.
 
Trần Thị Thu Trang
Vụ Thống kê Tổng hợp và Phổ biến thông tin thống kê - TCTK