Lan tỏa tinh thần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Từ chính sách đến thực tiễn

|

Lan tỏa tinh thần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả: Từ chính sách đến thực tiễn

Cải thiện chất lượng sử dụng điện theo hướng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo đó, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, kèm theo đó là những chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đã giúp lan tỏa mạnh mẽ thông điệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vì sự phát triển bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Trong đó, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 10%/năm, dự báo trong 5 năm tiếp theo là 8,5%/năm. Đây là áp lực rất lớn đối với ngành năng lượng khi các phương thức sản xuất điện truyền thống đang tới giới hạn.

Năm 2021, ngay từ những ngày đầu mùa khô, Tổng Công ty điện lực TP. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình tiêu thụ điện các ngày từ 1/3 đến 15/3/2021 cao hơn sản lượng điện bình quân tháng 2/2021 và cao hơn cùng kỳ năm 2020. Tiêu thụ bình quân ngày của 15 ngày đầu tháng 3/2021 là 76,5 triệu kWh/ngày, cao hơn sản lượng bình quân ngày của 15 ngày tháng 3/2020 là 76,2 triệu kWh/ngày. Ước sản lượng điện bình quân ngày của cả tháng 3/2021 đạt 77,3 triệu kWh/ngày, tăng 1,97% so với sản lượng điện bình quân ngày của tháng 3/2020 là 75,8 triệu kWh/ngày và cao hơn ngày bình quân tiêu thụ của tháng 2/2021 là 56,8 triệu kWh/ ngày.

Dự báo sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày của tháng 4,5,6/2021 tiếp tục tăng cao đạt từ 79,7 đến 81,5 triệu kWh/ngày tăng so với cùng kỳ (tiêu thụ bình quân ngày của năm 2020 chỉ nằm ở mức 73,14 triệu kWh/ngày, do có ảnh hưởng giãn cách xã hội). Trong đó, thành phần sinh hoạt hộ gia đình tiêu thụ tháng 4 so với tháng 3 sẽ tiếp tục duy trì mức tăng cao như mọi năm: Năm 2018 tăng 23%, năm 2019 tăng 30,69%, năm 2020 tăng 13,52%. Do đó, trong các tháng mùa nắng nóng sắp tới dự báo nhu cầu tiêu dùng điện của các hộ gia đình sẽ theo xu hướng tăng cao. Cùng với đó, sản lượng điện tiêu thụ trong sản xuất, kinh doanh cũng không ngừng gia tăng…

 


Ảnh minh họa: Nguồn internet

 
Các chuyên gia cho biết, với một đồng vốn đầu tư cho sử dụng năng lượng tiết kiệm thì hiệu quả mang lại lợi ích tương đương với bốn đồng đầu tư cho phát triển nguồn cung. Theo đó, nếu mỗi hộ dân tiết kiệm khoảng 10 kWh/tháng, cả nước sẽ tiết kiệm được hơn 3,2 tỷ kWh/năm, tương đương với gần 6.000 tỷ đồng, xấp xỉ với số vốn đầu tư cho một nhà máy thủy điện có quy mô cỡ vừa. Chính vì vậy, trong những năm qua, từ chủ trương đúng đắn và hành động quyết liệt của Chính phủ cũng như tinh thần hưởng ứng tích cực của người dân, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015 (Chương trình VNEEP) đã đạt được những kết quả tích cực. Cả nước đã tiết kiệm được trên 9 tỷ kWh, tương đương 15 nghìn tỷ đồng, với mức tiết kiệm bình quân đạt 1,5% tổng điện năng tiêu thụ hằng năm. Đây là tiền đề quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh việc cải thiện chất lượng sử dụng điện, coi tiết kiệm điện là một giải pháp then chốt nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu điện trong giai đoạn tiếp theo.

Tiếp nối thành công của Chương trình VNEEP, tháng 3/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030 (VNEEP3), hướng tới triển khai đồng bộ các hoạt động trong thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Tiếp theo đó, nhằm đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, ngày 11/2/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra các định hướng lớn cho phát triển ngành năng lượng Việt Nam trong giai đoạn tới. Trong đó, việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng được đặc biệt quan tâm. Nghị quyết khẳng định: “Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường phải được xem là quốc sách quan trọng và trách nhiệm của toàn xã hội”.

Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT- TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, trong đó, đặt ra mục tiêu phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ.

Theo đó, để thực hiện được các mục tiêu tại Chỉ thị 20, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp và các tổ chức đoàn thể xã hội đã triển khai thực hiện 5 giải pháp: Tiết kiệm điện tại cơ quan, công sở; tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời; tiết kiệm điện tại các hộ gia đình; tiết kiệm điện tại các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ; tiết kiệm điện tại doanh nghiệp sản xuất.

Theo đánh giá, việc thực thi các biện pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả đã mang lại nhiều lợi ích to lớn như tiết kiệm chi phí tiền điện của người dân và doanh nghiệp, giúp ngành điện vận hành hệ thống điện hiệu quả, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững quốc gia.

Cuối năm 2020, nhằm lan tỏa tinh thần của Chỉ thị 20/CT-TTg, Bộ Công Thương, Điện lực Việt Nam (EVN) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã phát động “Cuộc thi sáng tác logo và slogan về tiết kiệm điện” với chủ đề “Chung tay thực hiện tiết kiệm điện vì sự phát triển bền vững” với mục tiêu thông qua cuộc thi sẽ đưa tới cộng đồng thông điệp gần gũi, dễ hiểu, từ đó lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện, sử dụng hiệu quả điện đối với mọi người dân.

Ban tổ chức Cuộc thi cho biết, chỉ trong hơn 1 tháng (từ trung tuần tháng 10 đến đầu tháng 12/2020) phát động, cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ đông đảo các nhà thiết kế chuyên và không chuyên trong và ngoài nước. Theo thống kê, đã có 699 tác phẩm tham gia dự thi được gửi về từ 408 tác giả là các chuyên gia thiết kế, kiến trúc sư, họa sĩ, đơn vị thiết kế, sinh viên các trường thiết kế đồ họa, mỹ thuật, các cá nhân ở nhiều độ tuổi khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam. Cuộc thi còn thu hút sự tham gia của các tác giả không chuyên, người Việt đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, các em học sinh. Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi đồng đều, nhiều tác phẩm có ý tưởng độc đáo, hình thức thể hiện thú vị, có những tác phẩm rất giàu cảm xúc. Các cặp mẫu thiết kế gồm logo và slogan đều có kèm theo bản thuyết minh ý tưởng và thể hiện được thông điệp về tiết kiệm điện, hướng đến tiêu chí bền vững, thân thiện môi trường. Đồng thời đạt được những yêu cầu về thiết kế như thẩm mỹ, dễ nhớ, dễ nhận biết, ấn tượng với công chúng, thể hiện được nét truyền thống kết hợp với xu thế hiện đại và hội nhập. Mỗi bài thi là một thông điệp cho hoạt động tiết kiệm điện rất hiệu quả mang tính đại chúng.

Trải qua 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, cuộc thi đã lựa chọn ra 23 tác phẩm xuất sắc nhất theo tiêu chí của cuộc thi. Kết quả chung cuộc, giải Nhất của Cuộc thi thuộc về tác phẩm có thiết kế logo hết sức tinh gọn, với hình tượng bàn tay, nút tắt/mở nguồn điện lồng vào hình tượng bóng đèn. Với thông điệp cùng thực hành tiết kiệm điện chỉ với hành động nhỏ là đóng/mở đúng lúc, nhưng mang lại giá trị lớn cho một tương lai bền vững. Slogan“Tiết kiệm điện thành thói quen” nhằm nhấn mạnh thông điệp đơn giản và ý nghĩa này.

Đặc biệt, trong thời gian diễn ra cuộc thi, hơn 200 tin, bài về cuộc thi đã được đăng tải trên các kênh mạng xã hội và cơ quan báo chí; trên 73.000 lượt tiếp cận fanpage. Điều này khẳng định được sức lan tỏa mạnh mẽ của Cuộc thi và tinh thần tiết kiệm điện trong cộng đồng.

Bên cạnh sự kiện trên, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) phát động đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của các tỉnh, thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước. Năm 2021 là năm thứ 13 Việt Nam triển khai chiến dịch Giờ trái đất. Nếu năm đầu tiên thực hiện Chiến dịch, chỉ có 6 tỉnh, thành phố tham gia thì đến nay, chương trình đã thu hút được 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, với đông đảo các tầng lớp, đặc biệt là các bạn trẻ trong xã hội tham gia.

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2021 tại Việt Nam có chủ đề “Speak up for Nature” – “Lên tiếng vì Thiên nhiên”. Giờ Trái đất năm 2021 hướng về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện nay, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính.

Trên tinh thần tích cực hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất 2021, với mục tiêu đổi mới công tác tuyên truyền vận động hưởng ứng chiến dịch theo hướng sáng tạo, thiết thực hơn nhằm mang lại hiệu quả tuyên truyền cao, EVN và các đơn vị thành viên đã triển khai thực hiện tuyên truyền về tiết kiệm điện và hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất 2021 thông qua các thông tin, hình ảnh, video-clip,… trên các trang thông tin điện tử, trang mạng xã hội của các đơn vị.

Bên cạnh đó, Tổng Công ty Điện lực, Công ty Điện lực các tỉnh, thành phố còn đồng thời triển khai thực hiện: Tuyên truyền các nội dung sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường tại các địa điểm giao dịch khách hàng, trụ sở của các đơn vị trong tháng 3 năm 2021. Đặc biệt, các đơn vị Điện lực của EVN đã vận động các tổ chức, cơ quan và khách hàng thực hiện tắt đèn và các thiết bị không cần thiết vào thời gian diễn ra Sự kiện Tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút thứ bảy, ngày 27/3/2021. Thông tin từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho biết, sau 1 giờ tắt đèn hưởng ứng Chiến dịch Giờ trái đất 2021, cả nước đã tiết kiệm được sản lượng điện là 353.000 kWh (tương đương số tiền khoảng 658,1 triệu đồng).

Với mục đích ý nghĩa tốt đẹp của chương trình, chiến dịch Giờ Trái đất sẽ không chỉ dừng lại ở sự kiện Tắt đèn mang tính biểu tượng mà sẽ tiếp tục lan tỏa tới mọi tổ chức, mọi cá nhân để cùng hành động vì một Trái đất xanh phát triển bền vững thông qua các hoạt động thiết thực về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

Có thể thấy, với cơ chế, chính sách đúng đắn cùng các chiến dịch tuyên truyền phù hợp đã giúp lan tỏa tinh thần sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và ngày càng khẳng định tầm quan trọng của việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm đảm bảo đúng tinh thần của Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị 20 của Chính phủ. Đây cũng được xem là giải pháp then chốt nhằm giảm nguy cơ thiếu điện, bảo toàn nguồn năng lượng./.

 
Thu Hòa