Trước bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xúc tiến thương mại trực tuyến được xem là hướng đi tất yếu nhằm thúc đẩy kết nối phục hồi sản xuất, mở rộng thị trường. Việt Nam đã lần đầu tiên thực hiện xuất khẩu theo hình thức “sàn thương mại điện tử xuyên biên giới” trên nền tảng do người Việt Nam xây dựng và vận hành, được cộng đồng doanh nghiệp hưởng ứng và đón nhận. Xúc tiến thương mại trực tuyến đã mở “luồng xanh” đưa hàng hóa Việt Nam từ nơi sản xuất tới tay người tiêu dùng quốc tế, tạo kênh hiệu quả để doanh nghiệp tiếp cận mọi thị trường, là “chìa khoá vàng” giúp doanh nghiệp vượt bão Covid-19 và hoàn thiện hệ sinh thái về xúc tiến thương mại trong ứng dụng công nghệ số.
Đổi mới hình thức xúc tiến thương mại
Dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến đứt gãy nguồn cung, hoạt động xuất khẩu ảnh hưởng, xúc tiến thương mại cũng từ đó trở nên tắc nghẽn. Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia đóng cửa phòng dịch khiến hàng loạt các hoạt động giao thương trực tiếp truyền thống không thực hiện được. Theo thống kê, hàng nghìn giao dịch, hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… phải hủy hoặc hoãn thực hiện. Trước tình hình đó, yêu cầu thay đổi cách thức xúc tiến thương mại mới, đa dạng hơn nhằm tạo đòn bẩy cho các ngành hàng và doanh nghiệp kết nối, xây dựng thương hiệu tại các thị trường nhằm vượt qua đại dịch trở nên cấp thiết.
Vượt lên những khó khăn nội tại, với sự vào cuộc của cả hệ thống từ cơ quan quản lý Nhà nước tới sự đồng lòng của doanh nghiệp, bước đầu xúc tiến thương mại trực tuyến đã manh nha khởi động qua những buổi giao thương trực tuyến và tiến tới là hoạt động xúc tiến xuất khẩu qua Internet.
Dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu khiến đứt gãy nguồn cung, hoạt động xuất khẩu ảnh hưởng, xúc tiến thương mại cũng từ đó trở nên tắc nghẽn. Bộ Công Thương cho biết, từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các quốc gia đóng cửa phòng dịch khiến hàng loạt các hoạt động giao thương trực tiếp truyền thống không thực hiện được. Theo thống kê, hàng nghìn giao dịch, hội nghị, hội thảo, giao thương, hội chợ triển lãm nhằm xúc tiến thương mại, đầu tư tại Việt Nam và các thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ… phải hủy hoặc hoãn thực hiện. Trước tình hình đó, yêu cầu thay đổi cách thức xúc tiến thương mại mới, đa dạng hơn nhằm tạo đòn bẩy cho các ngành hàng và doanh nghiệp kết nối, xây dựng thương hiệu tại các thị trường nhằm vượt qua đại dịch trở nên cấp thiết.
Vượt lên những khó khăn nội tại, với sự vào cuộc của cả hệ thống từ cơ quan quản lý Nhà nước tới sự đồng lòng của doanh nghiệp, bước đầu xúc tiến thương mại trực tuyến đã manh nha khởi động qua những buổi giao thương trực tuyến và tiến tới là hoạt động xúc tiến xuất khẩu qua Internet.
Ảnh minh họa, nguồn Internet
Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan xúc tiến thương mại nước ngoài đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số vào xúc tiến thương mại. Qua đó, đã tổ chức trên 500 hội nghị xúc tiến thương mại quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác trên khắp 5 châu lục gồm 55 thị trường xuất khẩu của Việt Nam; trong đó có các thị trường lớn như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng châu Phi, Australia.
Ngoài ra, hoạt động giao thương trực tuyến cũng đã kịp thời hỗ trợ các địa phương có nông sản phụ thuộc mùa vụ cao như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La, Cà Mau, Đắk Lắk, Sóc Trăng tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử Sendo, Shopee, Voso.vn… Qua đó, góp phần tháo gỡ khó khăn cho nông dân, đồng thời thu hút đầu tư vào chế biến, sản xuất nông sản tại địa phương.
Bên cạnh đó, nhằm đổi mới xúc tiến thương mại để thích nghi với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Công Thương đã triển khai xây dựng 5 ứng dụng trong năm 2021 như phần mềm bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung quản lý khách hàng (CRM); hệ sinh thái xúc tiến thương mại (VECOBIZ); cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (www.itrace247.com); cổng thông tin hướng dẫn xuất nhập khẩu hàng hoá (https://vietnam.tradeportal.org); nền tảng đào tạo xúc tiến thương mại trực tuyến (E-learning).
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, với phương thức mới này, chi phí xúc tiến thương mại trực tuyến chỉ bằng 1/10 so với xúc tiến trực tiếp nhưng đem lại hiệu quả gấp nhiều lần. Ưu điểm vượt trội của kênh xúc tiến thương mại trực tuyến là rút ngắn khoảng cách giữa các đối tác, khách hàng và doanh nghiệp. Trước đây, VINASME thường chủ trì các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia với việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại quốc tế. Thế nhưng, để thích ứng với tình hình mới, VINASME đã nhanh chóng điều chỉnh hỗ trợ xúc tiến thương mại sang trực tuyến cho doanh nghiệp. Thông qua xúc tiến thương mại trực tuyến, doanh nghiệp có thể tiếp thị toàn cầu, truy cập lấy thông tin cũng như giao dịch với khách hàng 24/7. Tuy nhiên, phương thức này cũng tiềm ẩn không ít rủi ro khi các ứng dụng về marketing hoặc quảng cáo và bán sản phẩm có thể bị lợi dụng để bán hàng kém chất lượng, hàng hóa và dịch vụ không tương xứng với giá bán.
Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp nhanh nhạy, sớm chuyển đổi từ mô hình tham gia hội chợ trực tiếp sang trực tuyến (online) đã tăng kim ngạch xuất khẩu, khai thác thị trường mới, không lệ thuộc vào thị trường truyền thống. Mô hình thương mại trực tuyến đang phát huy hiệu quả rất lớn trong đại dịch.
Chính vì vậy, hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng nông sản vẫn liên tục được cấp giấy thông hành để cập bến những thị trường khó tính, như vải thiều xuất khẩu sang Pháp, Nhật Bản, Hà Lan; nhãn lồng Hưng Yên đi châu Âu và tiến tới là mận, thanh long cùng nhiều nông sản khác.
Vải thiều Việt Nam là một trong những mặt hàng điển hình đã thành công nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại trực tuyến. Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, các hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều trực tiếp và trực tuyến tại các điểm cầu trong nước và quốc tế được thực hiện định kỳ và mang lại nhiều kết quả tích cực.
Năm 2021, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được tổ chức phân phối bài bản trên cả 6 sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam: Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada, Postmart, qua Gian hàng Việt trực tuyến được điều phối bởi Cục Thương mại điện tử và kinh tế số, Bộ Công Thương. Điều này thể hiện sự chung tay của doanh nghiệp và cộng đồng trong việc cùng các địa phương, các hợp tác xã trồng vải ở Bắc Giang phân phối sản phẩm vải thiều trên môi trường trực tuyến.
Tại thị trường Hà Lan, mặc dù việc đưa quả vải thiều Việt Nam sang thị trường này gặp không ít khó khăn, nhưng với sự đồng lòng của cơ quan quản lý Nhà nước cùng nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp, lần đầu tiên quả vải tươi Việt Nam được nhập khẩu chính ngạch vào Hà Lan và từ nước này phân phối cho các nước EU lân cận. Đặc biệt, điểm cộng cho lô hàng vải nhập khẩu từ Việt Nam lần này là có gắn tem truy xuất nguồn gốc iTrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển làm tăng thương hiệu cho quả vải Việt Nam.
Nhờ xúc tiến thương mại trực tuyến, vải thiều Việt Nam đã xuất khẩu thành công sang Pháp, Nhật Bản… đều là những thị trường đòi hỏi rất cao về chất lượng sản phẩm. Trái vải thiều được bán ở đây với giá lên đến gần 500.000 đồng/kg nhưng vẫn“cháy hàng”. Quả vải đã khẳng định được thương hiệu trên nhiều thị trường quốc tế “khó tính” với tổng sản lượng xuất khẩu năm 2021 đạt trên 89.000 tấn, chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ.
Việc Bắc Giang cũng như một số địa phương có các sản phẩm nông sản đặc trưng chủ động phối hợp áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là hướng đi đúng, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề sáng tạo, phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Câu chuyện các sàn thương mại điện tử hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân chỉ là một ví dụ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động giao thương trực tuyến và chuyển đổi số trong bối cảnh kinh tế mới. Tính hiệu quả của hoạt động này sẽ còn được thể hiện mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi đại diện các doanh nghiệp thương mại điện tử khẳng định họ không chỉ tận dụng những thay đổi trong thói quen tiêu dùng của người dân và thị trường để tăng doanh thu-lợi nhuận, sớm chiếm lĩnh thị phần thương mại điện tử, mà còn liên kết với nhau - thiết thực hỗ trợ quảng bá tiêu thụ hàng Việt toàn cầu.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện thêm các thủ tục cần thiết để có thể xuất khẩu thêm một số nông sản, đặc sản địa phương ra thị trường quốc tế thông qua phương thức thương mại điện tử xuyên biên giới, tức là từ nhà sản xuất Việt Nam tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài.
Có thể nói, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp đã giúp doanh nghiệp Việt Nam vừa tiếp cận khách hàng trong nước và quốc tế vừa đảm bảo phòng chống dịch. Qua đó, góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đóng góp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu cả nước nói chung và tăng trưởng của ngành công thương nói riêng.
Hình thành hệ sinh thái xúc tiến thương mại toàn diện
Mặc dù xúc tiến thương mại trực tuyến mới chỉ phổ biến kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát và ban đầu chỉ được xem như một giải pháp tình thế trong bối cảnh hạn chế đi lại. Tuy nhiên, đến hiện tại, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định, đây sẽ là một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại ứng dụng công nghệ mới, hỗ trợ đắc lực cho xúc tiến thương mại trực tiếp.
Theo Cục Xúc tiến thương mại thuộc Bộ Công Thương, xúc tiến thương mại trực tuyến đã làm rất tốt vai trò cầu nối doanh nghiệp sản xuất và người mua hàng trong bối cảnh hạn chế đi lại, hạn chế tổ chức sự kiện tập trung đông người. Nhờ kết nối trực tuyến, doanh nghiệp duy trì được các mối liên hệ với thị trường xuất khẩu mục tiêu, đồng thời cũng là công cụ tìm hiểu về xu hướng, diễn biến, nhu cầu thị trường, nắm bắt thông tin về đối thủ cạnh tranh mà không tốn nhiều thời gian, chi phí. Chính vì vậy, ngay cả khi dịch Covid-19 chấm dứt thì xúc tiến thương mại trực tuyến vẫn sẽ được tổ chức một cách thường xuyên với vai trò hỗ trợ thông tin đắc lực cho các hội chợ, triển lãm trực tiếp.
Cục Xúc tiến thương mại cho biết, tốc độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại đã được đẩy nhanh hơn 5 năm so với bối cảnh không có dịch Covid-19. Từ việc thích nghi với dịch bệnh, Cục Xúc tiến thương mại đang phát triển các nền tảng ứng dụng công nghệ số nhằm tạo ra hệ sinh thái xúc tiến thương mại mới bao gồm hội chợ, triển lãm trực tuyến, cơ sở dữ liệu tập trung trực tuyến, cổng truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại… tạo điều kiện để tất cả doanh nghiệp có thể tiếp cận chương trình xúc tiến thương mại với chi phí thấp nhất và hiệu quả cao nhất.
Hiện nay, nhằm đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại cũng đang xây dựng và thiết lập hoàn chỉnh ứng dụng Hệ sinh thái về xúc tiến thương mại (App). Đây là nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại một cách toàn diện.
Thời gian tới, Cục sẽ triển khai thí điểm hình thức mới là tham gia hội chợ từ xa, lựa chọn các hội chợ có uy tín, được triển khai tại nội địa các nước và khu vực đã kiểm soát được dịch bệnh để xây dựng gian hàng trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, tạo điều kiện trực tiếp quảng bá sản phẩm đến khách hàng quốc tế và sử dụng công nghệ để kết nối giao dịch giữa doanh nghiệp tại Việt Nam với khách nước ngoài thăm quan gian hàng.
Ngoài ra, Cục còn hợp tác với các sàn thương mại điện tử uy tín trên thế giới như Amazon, Alibaba, Global Sources nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí xúc tiến xuất khẩu và giới thiệu thương hiệu sản phẩm đến người tiêu dùng và nhà nhập khẩu toàn cầu.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thương mại điện tử xuyên biên giới đã thay đổi hoàn toàn xu hướng kinh doanh, hợp tác với nhiều doanh nghiệp; trong đó các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có cơ hội bình đẳng vươn tới thương mại toàn cầu. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sản phẩm đủ khả năng, tiềm năng xuất khẩu với giá thành cạnh tranh và nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm. Hơn nữa, do tính cạnh tranh trong thương mại điện tử rất khốc liệt nên doanh nghiệp cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ tốt cho các khâu từ marketing đến bán hàng, chăm sóc khách hàng…
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, mặc dù đã đổi mới nhưng các hình thức xúc tiến hiện đại còn hạn chế; quy mô hoạt động còn nhỏ so với các nước trong khu vực. Cùng với đó, hoạt động xúc tiến thương mại chưa có sự liên kết thành một hệ sinh thái giữa doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội ngành hàng, tổ chức xúc tiến thương mại với nhà cung cấp dịch vụ chuyên ngành.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, trong năm 2021, Bộ Công Thương sẽ đa dạng hóa các hình thức xúc tiến thương mại, ưu tiên triển khai các đề án xúc tiến thương mại quốc gia, các hoạt động với những thị trường sớm khôi phục sau dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ tập trung đẩy mạnh xúc tiến tiến thương mại đối với các thị trường trọng điểm, thị trường có thỏa thuận thương mại tự do với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, EU, Hoa Kỳ…
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số quy định mới nhằm tạo hành lang pháp lý phù hợp và thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường kỹ thuật số.
Tuy nhiên, ngoài sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên tham gia các hoạt động giao thương, hội nghị, hội thảo trực tiếp và trực tuyến để có thêm các cơ hội gặp gỡ khách hàng trong và ngoài nước; chủ động chuyển đổi số như: Xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách chuyên nghiệp; tham gia các sàn thương mại điện tử lớn, uy tín trên thế giới; thường xuyên cải thiện chất lượng hàng hóa, sản phẩm; quy cách đóng gói đáp ứng nhu cầu từ các nhà phân phối, nhà nhập khẩu trong và ngoài nước; thường xuyên cập nhật thông tin mặt hàng xuất khẩu, nhà phân phối, nhà nhập khẩu tiềm năng cũng như nâng cấp, bảo dưỡng cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị để kết nối giao thương trực tuyến đạt hiệu quả cao…/.
Thu Hường