Thương mại điện tử xuyên biên giới kênh xuất khẩu mới nhiều tiềm năng

|

Thương mại điện tử xuyên biên giới kênh xuất khẩu mới nhiều tiềm năng

Bắt nhịp cùng xu hướng chung toàn cầu, tận dụng lực đẩy trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, doanh nghiệp Việt Nam đã và đang tìm kiếm những cơ hội mới từ kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, để củng cố xây dựng thương hiệu Việt trên thị trường thế giới trong kỷ nguyên 4.0.

 
Trong những năm gần đây, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và trở thành điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế và là một trong những trụ cột quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế số của quốc gia. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam của Bộ Công Thương, năm 2020, tốc độ tăng trưởng của TMĐT đạt mức 18%, quy mô đạt 11,8 tỷ USD và là nước duy nhất ở Đông Nam Á có tăng trưởng TMĐT 2 con số. Năm 2021, doanh thu TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng với tốc độ tăng 16%, ước đạt 13,7 tỷ USD và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Theo đó Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh trong khu vực.

Không chỉ trở thành xu hướng kinh doanh phổ biến với lượng người tiêu dùng sử dụng internet ngày một tăng, TMĐT còn mở ra kênh xuất khẩu mới để doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường thế giới thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới (TMĐTXBG) khi phương thức xuất khẩu truyền thống đang gặp nhiều khó khăn. Theo thông tin tại Hội nghị Thương mại điện tử xuyên biên giới năm 2021, diễn ra vào giữa tháng 12/2021 do Amazon Global Selling tổ chức cho biết, từ tháng 9/2020 đến tháng 8/2021, trên Amazon.com - sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới có tới gần 7,2 triệu sản phẩm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam được bán cho các khách hàng trên khắp thế giới. Ước tính trung bình cứ mỗi phút sẽ có 14 sản phẩm Việt Nam được bán ra trên sàn này. Số lượng các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam vượt mốc doanh thu 1 triệu USD bán hàng ra thị trường quốc tế trên Amazon tăng hơn 40%. Dù đại dịch Covid-19 mang lại những thức thức lớn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu song các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon vẫn tiếp tục phát triển và lớn mạnh. Trong vòng 12 tháng tính đến ngày 31/8/2021, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hai con số so với cùng kỳ năm ngoái; số lượng sản phẩm được bán bởi các doanh nghiệp Việt Nam vừa và nhỏ trên cửa hàng của Amazon tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Theo thống kê, sàn TMĐT Alibaba.com cũng có sự góp mặt của khoảng 2.000 DN Việt Nam với hàng loạt các mặt hàng được thị trường quốc tế yêu thích và có lợi thế cạnh tranh về chi phí và giá thành như nông sản, thực phẩm chế biến - đóng gói, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí chế tạo, chế phẩm nhựa và chất dẻo, bao bì đóng gói…

Nhìn lại hoạt động TMĐTXBG trong thời gian vừa qua có thể thấy, những dấu ấn ban đầu của thị trường này có sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ Việt Nam. Tháng 3/2021, Viện Khoa học Quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) cùng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương (IDEA) và Kim Nam Group đã triển khai chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu bằng nền tảng thương mại điện tử. Sàn thương mại điện tử doanh nghiệp Việt Nam-EU (VEFTA) là đề án trọng điểm với quy mô quốc gia được thực hiện hiện thực hóa“tuyến đường cao tốc quy mô lớn” kết nối doanh nghiệp Việt với các đối tác thương mại quốc tế, đặc biệt các đối tác đến từ châu Âu (EU) trên nền tảng thương mại điện tử. Sàn có khả năng đấu nối trực tiếp với các sàn thương mại điện tử sẵn có của các tỉnh/thành phố, các ngành hàng và cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết cho cộng đồng doanh nghiệp Việt cũng như các đối tác quốc tế về các hiệp định thương mại, chính sách liên quan đến hoạt động thương mại quốc tế. Đồng thời, VEFTA sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu quốc gia về hồ sơ năng lực, minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ thông tin sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp Việt.

Một dấu mốc quan trọng khác đánh dấu hoạt động TMĐTXBG Việt Nam trong năm 2021 là việc Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) hợp tác với Tổng công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) và sàn TMĐT Voso xuất khẩu thí điểm thành công vải thiều Bắc Giang sang các thị trường nước ngoài có nhiều tiêu chuẩn khắt khe như châu Âu, Nhật Bản, Úc…

Cũng trong năm vừa qua, với mục tiêu tiếp tục hỗ trợ phát triển và thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt ra thị trường nước ngoài thông qua TMĐTXBG một cách hiệu quả hơn, trong khuôn khổ hợp tác về thương mại điện tử cấp Chính phủ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại Trung Quốc, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số (Bộ Công thương) và Sàn thương mại điện tử lớn và uy tín hàng đầu của Trung Quốc JD.com cùng các đối tác vận hành tại Việt Nam bao gồm: Vinanutrifood, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank, Visa đã cùng nhau hợp tác xây dựng và phát triển “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên nền tảng thương mại điện tử của JD chính thức được công bố và đưa vào vận hành cuối tháng 11/2021. Đây là không gian hàng hóa Việt Nam đầu tiên trên nền tảng thương mại điện tử tại thị trường Trung Quốc nói riêng và trên sàn thương mại điện tử quốc tế nói chung, tạo thêm một kênh phân phối cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, thúc đẩy giao thương hàng hoá, đưa những sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam tới thị trường quốc tế thuận lợi và hiệu quả.
 
Ảnh minh họa, nguồn Internet

Thông qua các kênh phân phối quy mô lớn uy tín này, hàng hoá do doanh nghiệp Việt sản xuất sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt, từ vận hành, logistic tới hỗ trợ quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình. “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com không những thúc đẩy kênh bán hàng trực tuyến cho sản phẩm của doanh nghiệp mà còn gián tiếp giúp thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp tiếp cận trực tiếp với các nhà nhập khẩu lớn ở nước sở tại. Tham gia “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên sàn thương mại điện tử JD.com, các doanh nghiệp Việt Nam được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức phân phối theo đúng quy định của nền tảng thương mại điện tử, quy định luật pháp tại nước nhập khẩu, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực từ các đối tác để quảng bá, hỗ trợ phân phối, thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tiếp nối những nỗ lực năm 2021, tháng 3 mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) “bắt tay” cùng một sàn TMĐT lớn và uy tín khác của thế giới là Alibaba.com triển khai “Gian hàng Việt Nam - Vietnam Pavilion”, tập hợp giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu sản phẩm Việt Nam chất lượng.“Gian hàng Việt Nam - Vietnam Pavilion” sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu; hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế.

Không dừng lại ở các doanh nghiệp, TMĐTXBG cũng mở rộng cánh cửa cho các hợp tác xã chuyên sản xuất và xuất các mặt hàng như thủ công mỹ nghệ, nông lâm thủy hải sản, may mặc và dệt may, nông sản… tìm đến với sàn thương mại trực tuyến. Là một trong những hợp tác xã nhanh nhạy trong việc bán hàng qua các trang thương mại điện tử như Shopee, Voso, Lazada… trong năm 2021, Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (tỉnh Kon Tum) đã nhanh chóng nhập cuộc chơi, đưa sản phẩm chế biến từ cà phê, trái cây lên sàn Alibaba.com để tiếp cận khách hàng trong và ngoài nước. Sự góp mặt trên sân chơi TMĐTXBG cũng đã giúp doanh thu Hợp tác xã Kiên Thuận (tỉnh Yên Bái) đạt 1 triệu USD và đưa các sản phẩm chè của hợp tác xã có mặt tại các thị trường Bắc Mỹ, Trung Đông…

Có thể nói, TMĐTXBG như một cánh tay nối dài, hỗ trợ hữu hiệu cho kênh phân phối truyền thống, giúp các DN, hợp tác xã trong nước giúp dễ dàng tìm được đầu ra cho sản phẩm Việt tới các thị trường tiềm năng nhờ kết nối trực tiếp với khách hàng trên toàn thế giới, quảng bá trực tiếp thương hiệu doanh nghiệp tại thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, việc tham gia vào hệ thống xuất khẩu, nhập khẩu trực tuyến, kênh TMĐTXBG giúp DN, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, giảm thiểu tối đa các chi phí mà hình thức xuất khẩu truyền thống đang phải gánh vác như chi phí marketing, lưu kho, tiếp cận khách hàng… cũng như tạo cơ hội cho các DN Việt Nam giao lưu, cọ sát thực tế, tiếp cận được với thị trường thế giới một cách chuyên nghiệp hơn, để hoàn thiện sản phẩm của mình, nâng cao năng lực doanh nghiệp và giá trị chất lượng hàng hóa, đưa thương hiệu hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhiều thị trường trên thế giới.

Theo tính toán của các tập đoàn lớn trên thế giới như Google, Temasek và Bain&Company, nhiều khả năng quy mô của nền kinh tế số Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 52 tỷ USD và giữ vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025. Và với lợi thế về hàng hóa xuất khẩu, nguồn lao động và năng lực sản xuất, Việt Nam được đánh giá là đang trong giai đoạn vàng để tạo ra những đột phá quan trọng trong ngành TMĐT còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức. Nhập cuộc cùng cuộc chơi TMĐTXBG, các DN, thành viên các hợp tác xã sẽ phải đối mặt với những khó khăn trong vận chuyển, bảo quản, thông quan hàng hóa, hiểu biết về thủ tục xuất nhập khẩu... Do đó, các DN, thành viên HTX cần phải được trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, tìm hiểu các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá cũng như các quy định liên quan tới nhập khẩu của thị trường nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần tập trung vào những sản phẩm là lợi thế của Việt Nam, đảm bảo hàng hóa đạt tiêu chuẩn chất lượng và các chứng từ, chứng nhận phù hợp với nhu cầu của thị trường nhập khẩu, cũng như quy định pháp lý, kỹ năng TMĐT của nước sở tại. Đặc biệt, cần nắm rõ được quy trình vận hành logistics trong thương mại điện tử xuyên biên giới, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án logistics tối ưu nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh nhất khi phân phối trên sàn TMĐT tại thị trường nhập khẩu; đồng thời nên trang bị kỹ năng giao tiếp để đàm phán thành công thông qua TMĐT.

Trong hành trình tìm kiếm cơ hội từ TMĐTXBG, chắc chắn các doanh nghiệp và hợp tác xã cũng tiếp tục có sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của các Bộ, ngành Trung ương, địa phương, để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn khai thác tiềm năng kênh xuất khẩu mới mẻ TMĐTXBG và xây dựng thương hiệu “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới, qua đó ghi dấu ấn mạnh mẽ cho nền kinh tế Việt Nam trên trường quốc tế./.
 
ThS. Lưu Thị Duyên - ThS. Nguyễn Hữu Bình
Đại học Lao động - Xã hội