Đóng góp quan trọng của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78

|

Đóng góp quan trọng của Việt Nam tại Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78

Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 diễn ra từ ngày 18-26/9/2023 tại Mỹ với chủ đề "Xây dựng lại lòng tin và thúc đẩy đoàn kết toàn cầu: Tăng cường hành động về Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững hướng tới hòa bình, thịnh vượng, tiến bộ và bền vững cho tất cả mọi người".

Đây là sự kiện quốc tế quan trọng hàng đầu với nhiều vấn đề nóng và tần suất các hoạt động dày đặc, thu hút sự quan tâm của các nhà chính trị và dư luận trên thế giới. Tuần lễ cấp cao năm nay ghi nhận số lượng hội nghị cấp cao nhiều kỷ lục với 9 hội nghị và sự tham dự của hơn 150 nguyên thủ hoặc người đứng đầu chính phủ các quốc gia. Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ  cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78.

Năm nay, trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động từ những hậu quả kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột Nga - Ukraine, Tuần lễ cấp cao là cơ hội để nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ các nước cùng nhau tái khẳng định sự đoàn kết quốc tế và những cam kết với chủ nghĩa đa phương.

Vào tối ngày 19/9/2023 (theo giờ Việt Nam), Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 78 đã khai mạc tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Trong khuôn khổ Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 78, trong các ngày tiếp theo, Việt Nam đã tham dự nhiều phiên họp cấp cao và để lại những dấu ấn quan trọng.

Toàn cảnh Lễ khai mạc Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc Khóa 78
tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ). Ảnh: TTXVN

Việt Nam cam kết và quyết tâm mạnh mẽ về phát triển bền vững - “không để ai bị bỏ lại phía sau”

Phiên thảo luận cấp cao đầu tiên của Tuần lễ Cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay là Hội nghị Cấp cao đánh giá lộ trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs). Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres , 17 mục tiêu phát triển bền vững được thông qua từ năm 2015, với 169 mục tiêu nhỏ, nhưng hiện nay chỉ có 15% là đi đúng hướng, tiến độ thực hiện 50% trong số 17 mục tiêu SDGs hiện ở mức yếu và không đầy đủ. Có nghĩa là tiến trình hoàn thành các mục tiêu SDGs đang có nguy cơ chậm lại.

Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị thượng đỉnh các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Liên Hợp Quốc là minh chứng cho cam kết và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam về phát triển bền vững - “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhiều đề xuất để ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu

Tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu diễn ra ngày 20/9/2023 (giờ địa phương), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng, nhấn mạnh biến đổi khí hậu tiếp tục là thách thức toàn cầu lớn nhất, tác động trực tiếp và gây tổn thất nặng nề đối với phát triển kinh tế, an sinh xã hội và trực tiếp đối với an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân.

Thủ tướng đề xuất xác lập tầm nhìn mới, tư duy mới, quyết tâm mới, hành động quyết liệt cho phát triển xanh, phát thải ròng bằng “0”; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh công bằng và công lý; trong đó lấy người dân làm trung tâm, chủ thể và không để ai bị bỏ lại phía sau; kêu gọi các quốc gia phát triển, các tổ chức quốc tế tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển về công nghệ xanh, tài chính xanh, quản lý xanh và đào tạo nguồn nhân lực xanh; xây dựng ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và các hệ thống truyền tải điện thông minh…

Đề xuất xây dựng các mối quan hệ đối tác thế hệ mới, đẩy mạnh huy động tài chính xanh cho khí hậu theo hình công - tư, trong đó đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, Thủ tướng cho rằng các nước phát triển, các đối tác quốc tế cần tăng gấp đôi tài chính cho các hoạt động thích ứng vào năm 2025 và đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động tại COP28 như đã cam kết, để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển khắc phục những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra, đồng thời cần tiếp tục đổi mới toàn diện hệ thống tài chính toàn cầu để tăng khả năng cung cấp tài chính xanh, giúp thế giới ứng phó tốt hơn với các thách thức lớn của biến đổi khí hậu.

Cũng tại Hội nghị Thượng đỉnh Tham vọng khí hậu này, Thủ tướng khẳng định Việt Nam quyết tâm thực hiện cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.

Kêu gọi cộng đồng quốc tế nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh

Trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay, tại Hội nghị cấp cao về ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch (PPPR), qua bài phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục có những đề xuất quan trọng, được các đại biểu đánh giá cao.

Nhấn mạnh những hậu quả hết sức nặng nề của đại dịch và kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hành động để thế hệ tương lai không phải chịu thảm họa đại dịch, có cách tiếp cận và các giải pháp mang tính toàn cầu và toàn dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, hợp tác và đoàn kết quốc tế về cả song phương và đa phương có ý nghĩa quyết định trong nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó với dịch bệnh, nhất là ở các nước đang phát triển; đề nghị ưu tiên tăng cường khả năng tiếp cận vaccine kịp thời và bình đẳng, năng lực điều trị, dự báo, công nghệ, an toàn, hiệu quả, ý thức người dân, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất vaccine, thuốc điều trị và hỗ trợ tài chính hiệu quả cho các nước đang phát triển, kém phát triển. 

Thủ tướng cho rằng cần tập trung nâng cao năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng, coi đây là nhiệm vụ cấp thiết của từng quốc gia và của hợp tác quốc tế, đồng thời cần đề cao chủ nghĩa đa phương, đoàn kết toàn cầu, đoàn kết toàn dân và sự nỗ lực của mọi quốc gia trong phòng chống dịch bệnh.

Nêu bật nỗ lực của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế chia sẻ thông tin, kinh nghiệm kịp thời, hiệu quả để ứng phó và phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng khẳng định Việt Nam ủng hộ kêu gọi cộng đồng quốc tế đồng ý đưa an ninh y tế toàn cầu thành một ưu tiên trong chương trình nghị sự để sớm ngăn ngừa, chuẩn bị sẵn sàng và ứng phó hiệu quả với các loại dịch bệnh; với tinh thần chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết để phát triển bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Đặc biệt, việc triệu tập Hội nghị cấp cao về ngăn ngừa và ứng phó với đại dịch (PPPR) lần này là sáng kiến của Việt Nam, phối hợp cùng một số nước chủ chốt, đưa ra và được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí hồi tháng 9/2022, với mục đích đề ra các giải pháp hiệu quả để khắc phục các thiếu sót ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu trong việc chuẩn bị, phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các tình huống y tế khẩn cấp.

Đề xuất 5 nhóm giải pháp trước những yếu tố khủng hoảng trên thế giới

Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 diễn ra vào chiều 22/9/2023 (theo giờ địa phương), tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục có bài phát biểu đáng chú ý với chủ đề "Cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, thể hiện sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác song phương, đa phương, ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển".

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, thế giới hiện đang ẩn chứa những yếu tố khủng hoảng nghiêm trọng về lòng tin, về hợp tác đa phương, về nguyên tắc và về nguồn lực. Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ và trách nhiệm của những nhà lãnh đạo trên thế giới là phải cùng nhau nỗ lực củng cố lòng tin, sự chân thành, tăng cường đoàn kết, thúc đẩy hợp tác đa phương, song phương; ứng phó hiệu quả với các thách thức mang tính toàn cầu, toàn dân, thúc đẩy phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực của sự phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Phiên thảo luận chung Cấp cao
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78 diễn ra vào chiều 22/9
/2023. Ảnh: TTXVN

Để làm được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng quốc tế tập trung thực hiện 5 nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, với cách tiếp cận toàn dân, tổng thể, toàn diện và bao trùm, đó là:

Thứ nhất là lấy sự chân thành, củng cố lòng tin chiến lược làm tiền đề, nâng tầm trách nhiệm của các quốc gia làm nền tảng, trong đó các nước lớn đóng vai trò hết sức quan trọng, tiên phong trong vun đắp lòng tin, lan toả sự chân thành và tinh thần trách nhiệm.

Thứ hai là giải pháp toàn cầu về thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đề cao vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc, ủng hộ Kế hoạch thúc đẩy các Mục tiêu Phát triển bền vững; đồng thời, cần lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, đối thoại thay cho đối đầu, hợp tác thay cho cô lập.

Thứ ba là giải pháp toàn dân về thúc đẩy chính sách lấy người dân làm trung tâm, là mục tiêu, chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển bền vững trong mọi tiến trình hoạch định chính sách và trong hành động; không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư là cần thúc đẩy các giải pháp tổng thể về kinh tế, chính trị, xã hội, bảo đảm ổn định, an ninh, an toàn, trong đó có xây dựng, chuyển đổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, giảm bớt các rào cản thương mại, đầu tư, tăng cường các Hiệp định thương mại tự do, cải tổ các thể chế tài chính-tiền tệ quốc tế.

Thứ năm là khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; thúc đẩy tự lực, tự cường, không ngừng đổi mới sáng tạo, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng, thế mạnh; đồng thời, các nước đang phát triển, chậm phát triển, nhất là các quốc gia chịu hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh… cần được hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và quản trị điều phối.

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định về Biển cả

Cũng trong khuôn khổ hoạt động của Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 78, sáng 20/9/2023 giờ New York, thay mặt Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã ký Hiệp định về Bảo tồn và Sử dụng Bền vững Đa dạng Sinh học ở Vùng biển nằm ngoài Quyền Tài phán Quốc gia (Hiệp định về Biển cả). Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký Hiệp định, truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chung tay cùng các quốc gia trên thế giới giải quyết các vấn đề toàn cầu, đóng góp vào hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững. Cùng với Việt Nam có hơn 60 quốc gia tham gia ký Hiệp định trong Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Việc thông qua và ký Hiệp định là một dấu mốc lịch sử trong nỗ lực của cộng đồng quốc tế về bảo vệ môi trường biển, trong bối cảnh thực hiện Chương trình Nghị sự 2030, đặc biệt là Mục tiêu Phát triển Bền vững Số 14 về Bảo tồn và Sử dụng Bền vững Biển và Tài nguyên Biển. Đây là Hiệp định thứ ba được đàm phán và ký kết trong khuôn khổ Công ước Luật Biển năm 1982, tái khẳng định vai trò, tầm quan trọng của Công ước với tư cách là khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Trước những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam, Liên Hợp Quốc và các nước đều đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế./.

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đúng vào dịp kỷ niệm 46 năm Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc (20/09/1977 – 20/9/2023).

Kể từ khi gia nhập Liên Hợp Quốc, Việt Nam luôn tích cực thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thực hiện đầy đủ, đề cao các giá trị của Hiến chương Liên hợp quốc, là thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, tham gia sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan… Điều đó chứng tỏ cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu chung của Liên hợp quốc và có những đóng góp đầy ý nghĩa vào công việc chung của Liên Hợp Quốc.

Lịch sử hình thành, đấu tranh và phát triển của Việt Nam luôn gắn với các giá trị và các nguyên tắc của Liên hợp quốc và là một phần trong dòng chảy chung của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng chia sẻ những câu chuyện, những bài học kinh nghiệm của mình để có đóng góp quan trọng, thiết thực hơn vào công việc chung của Liên Hợp Quốc.

P.V