Tổng quan tài khoản chuyển nhượng quốc gia Việt Nam: Những phát hiện chính và khuyến nghị

|

Tổng quan tài khoản chuyển nhượng quốc gia Việt Nam: Những phát hiện chính và khuyến nghị

Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” ở Việt Nam đã mang lại cả cơ hội và thách thức cho sự phát triển của đất nước và có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Để có được bức tranh đầy đủ về các tác động này, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc thực hiện nghiên cứu và biên soạn báo cáo “Tổng quan Tài khoản chuyển nhượng quốc gia Việt Nam giai đoạn 2018 – 2022” nhằm cung cấp những bằng chứng về tác động của biến đổi cơ cấu tuổi đối với tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam.

NHỮNG PHÁT HIỆN CHÍNH

Đặc điểm nhân khẩu học

Tổng dân số của Việt Nam vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2022 là 99,2 triệu người. Trong đó, dân số nam là 49,3 triệu người, chiếm 49,7%; dân số nữ là 49,9 triệu người, chiếm 50,3%. Từ năm 2009 đến nay, bình quân mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng gần 1 triệu người.

 
Quy mô và tốc độ tăng dân số Việt Nam giai đoạn 2009 – 2019 và dự báo đến năm 2069

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, quy mô dân số Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục tăng nhưng với tốc độ giảm dần cho đến năm 2060. Sau thời kỳ này, dân số sẽ tăng không đáng kể và bắt đầu giảm vào những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ 21.
 
Dự Báo Thời Kỳ Cơ Cấu Dân Số Vàng, Dân Số Già Và Siêu Già
Đặc điểm nền kinh tế

Trong lĩnh vực kinh tế, từ năm 2011 đến năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á, bình quân mỗi năm tăng trưởng đạt 6,21%. Riêng trong 2 năm chịu tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 (năm 2020 và năm 2021), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam giảm xuống mức thấp kỷ lục, với 2,87% và 2,55%, không đạt được như mục tiêu dự kiến ban đầu. Dù vậy, so với mức tăng trưởng âm của nhiều quốc gia trên thế giới, mức tăng trưởng thấp như trên của Việt Nam vẫn được nhìn nhận là câu chuyện thành công trong nỗ lực ứng phó với đại dịch Covid-19.

Năm 2022, tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi của Việt Nam là 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên lần lượt là 24,1% và 8,5%. Xét về cấu trúc tuổi của dân số, Việt Nam đang ở trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”, khi mà cứ một người phụ thuộc thì được hai người trong độ tuổi lao động “gánh đỡ”. Dự báo thời kỳ dân số vàng của đất nước sẽ kéo dài đến năm 2039. Tuy nhiên, song song với thời kỳ dân số vàng, Việt Nam cũng đang trong thời kỳ già hóa nhanh. Theo dự báo, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ dân số già từ năm 2036 và dân số siêu già vào năm 2056.

 
Quy mô và tốc độ tăng trưởng GDP giai đoạn 2011 – 2022

Tiêu dùng cuối cùng

Nhìn từ góc độ sử dụng, GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng, tích lũy tài sản, xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ; trong đó, tiêu dùng cuối cùng chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng 62% đến 68% GDP.

Riêng năm 2022, tiêu dùng cuối cùng của Việt Nam chiếm tỷ trọng 64,2% GDP, trong đó: Tiêu dùng của khu vực Chính phủ chiếm tỷ trọng 9,0%; tiêu dùng cuối cùng của khu vực hộ gia đình chiếm tỷ trọng 55,2% GDP.

 
Cơ cấu GDP theo phương pháp sử dụng năm 2022
 


Trong tài khoản chuyển nhượng quốc gia (TKCNQG), tiêu dùng cuối cùng được phân thành 3 mục gồm: Chi cho y tế, chi cho giáo dục và chi cho các khoản tiêu dùng cuối cùng khác.

Chi y tế

Năm 2022, tổng chi cho y tế của Việt Nam là 472,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,0% GDP. Phần lớn các khoản chi y tế của Việt Nam được thực hiện bởi khu vực hộ gia đình, chiếm 78,9% tổng chi y tế.

Chi y tế có sự khác biệt đáng kể theo tuổi. Ở độ tuổi trẻ (từ 45 tuổi trở xuống), chi cho y tế bình quân thay đổi không nhiều giữa các độ tuổi. Tuy nhiên, từ sau tuổi 45, mức chi này tăng dần theo tuổi. Đặc biệt, từ 51 tuổi trở đi, cứ mỗi tuổi tăng thêm thì mức chi cho y tế tăng thêm khoảng 200 đến 300 nghìn đồng/người/năm và duy trì cho đến tuổi 75. Mức chi y tế bình quân đầu người cho dân số 75 tuổi trở lên cao gấp 2,7 lần mức chi cho trẻ em từ 15 tuổi trở xuống.

 
Chi y tế bình quân đầu người theo tuổi
Dân số ở độ tuổi càng cao thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe càng lớn. Với cơ cấu dân số đang già hóa nhanh như Việt Nam, dự báo nhu cầu đầu tư vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ tăng cao trong những năm tới.

Chi giáo dục

Tổng chi cho giáo dục của Việt Nam trong năm 2022 là 491,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 8% tổng tiêu dùng cuối cùng của toàn xã hội và tương đương khoảng 5,2% GDP.

Nghiên cứu mức chi tiêu cho giáo dục bình quân đầu người cho thấy, chi tiêu cho giáo dục ở những năm đầu cuộc đời đều ở mức thấp, nhưng bắt đầu tăng mạnh ở nhóm dân số trong độ tuổi tiểu học và tiếp tục tăng cao cho đến nhóm tuổi học trung học phổ thông, sau đó giảm dần ở nhóm tuổi sau khi tốt nghiệp đại học và xuống gần bằng 0 ở độ tuổi từ 27 trở lên. Xu hướng này quan sát được ở tất cả các năm 2018, 2020 và 2022.

 
Chi giáo dục bình quân đầu người theo tuổi
(triệu đồng/năm)

Chi tiêu dùng khác

Trong TKCNQG, tất cả các khoản chi tiêu dùng cuối cùng không phục vụ cho y tế và giáo dục được phân loại vào nhóm chi tiêu dùng khác. Chi tiêu dùng khác của khu vực Chính phủ bao gồm các khoản chi (ngoài lĩnh vực y tế, giáo dục) phục vụ các nhu cầu thường xuyên của nhà nước như: quản lý nhà nước, an ninh quốc phòng, các chương trình an sinh xã hội bắt buộc và các dịch vụ cơ bản khác…

Chi tiêu dùng khác thuộc khu vực hộ gia đình (không bao gồm lĩnh vực y tế và giáo dục) bao gồm các khoản chi tiêu cho ăn uống; chi tiêu dùng cho các sản phẩm không phải lương thực, thực phẩm; chi mua đồ dùng lâu bền; chi thường xuyên về nhà ở, điện nước, rác thải sinh hoạt và các khoản chi khác tính vào chi tiêu dùng cuối cùng phục vụ đời sống vật chất và tinh thần của hộ gia đình.

 
Chi tiêu dùng cuối cùng khác bình quân đầu người (triệu đồng/năm)

Năm 2022, tổng chi tiêu dùng cuối cùng khác của Việt Nam là 5.142,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 84,2% tổng tiêu dùng cuối cùng toàn xã hội và tương đương 54,1% tổng quy mô nền kinh tế. Phần lớn khoản chi tiêu dùng khác được thực hiện bởi khu vực hộ gia đình (90,8%).

Theo bình quân đầu người, trong năm 2022, mức chi tiêu dùng khác đạt 51,9 triệu/người. Mức chi này cao nhất thuộc về nhóm dân số từ 40-44 tuổi, với 62,4 triệu đồng/người và thấp nhất thuộc về nhóm trẻ em từ 0 đến 4 tuổi, 24,5 triệu đồng/người. Đối với nhóm dân số người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), mức chi này là 56,8 triệu đồng/người nhưng có xu hướng giảm dần theo tuổi. Cơ cấu chi tiêu này thay đổi không đáng kể giữa các năm 2018, 2020 và 2022.

Thu nhập từ lao động

Thu nhập từ lao động là khoản thu của người lao động từ hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là nguồn lực chủ yếu để bù đắp các khoản chi tiêu của xã hội. Khoản thu nhập này bao gồm: Thu nhập từ hoạt động làm công, làm thuê (tiền công, tiền lương) và thu nhập từ hoạt động tự làm.

Năm 2022, tổng thu nhập do người lao động tạo ra là 5.741,9 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 60,4% GDP. Nghiên cứu mức thu nhập từ lao động chia theo độ tuổi cho thấy, phân bố này có dạng hình chuông. Ở độ tuổi trẻ, từ 0 đến 14 tuổi, mức thu nhập này bằng 0, do trẻ em chưa tham gia vào thị trường lao động và chưa tạo ra thu nhập. Mức thu nhập của dân số tăng dần từ sau độ tuổi 15 và đạt cực đại ở nhóm tuổi từ 35 đến 44, sau đó giảm dần và về mức xấp xỉ 0 ở nhóm dân số từ 72 tuổi trở lên.

 
Thu nhập từ lao động bình quân đầu người theo tuổi năm 2022 (triệu đồng/năm)

Phần lớn thu nhập của người lao động từ tiền công, tiền lương (70,4%), chỉ có khoảng gần 30% khoản thu nhập này có được từ các hoạt động tự làm của người lao động. Tuy nhiên, cơ cấu này không phân phối đều ở các nhóm tuổi. Ở nhóm dân số trẻ (từ 15 đến 24 tuổi) và dân số già (từ 60 tuổi trở lên), thu nhập từ lương chỉ chiếm khoảng từ 55 đến 66% tổng thu nhập, trong khi ở nhóm tuổi trưởng thành (từ 25 đến 59 tuổi), thu nhập từ lương thường chiếm khoảng trên 71% tổng thu nhập của người lao động.

Vòng đời kinh tế - phân tích tài khoản chuyển nhượng quốc gia

Chênh lệch (có giá trị dương) giữa tiêu dùng cuối cùng và thu nhập của người lao động được gọi là thâm hụt vòng đời kinh tế, thể hiện giá trị tiêu dùng không được đảm bảo từ nguồn thu nhập của người lao động mà cần được bổ sung từ các nguồn khác như thu nhập từ sở hữu tài sản, tiết kiệm và chuyển nhượng (Ví dụ: lương hưu, quà biếu, quà tặng, trợ cấp, kiều hối v.v…).

Kết quả nghiên cứu TKCNQG cho thấy, tổng mức thâm hụt vòng đời của dân số Việt Nam năm 2022 là 364,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,8% GDP. Bình quân, mức thâm hụt vòng đời của mỗi người dân Việt Nam trong năm 2022 là 3,7 triệu đồng/người.

Dân số từ 0 đến 21 tuổi và những người từ 54 tuổi trở lên là nhóm có mức thâm hụt dương. So với người lớn, mức thâm hụt vòng đời của trẻ em cao hơn rất nhiều. Tổng mức thâm hụt của trẻ em Việt Nam (0- 19 tuổi) là 1.491,1 nghìn tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần mức thâm hụt của người từ 55 tuổi trở lên.


 
TKCNQG của VIỆT NAM năm 2022
 
Trái ngược với thâm hụt là tình trạng thặng dư vòng đời, thể hiện thu nhập cao hơn chi tiêu. Dân số Việt Nam tạo ra giá trị thặng dư kinh tế khi ở độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi. Độ tuổi rực rỡ nhất để lao động tạo ra thặng dư kinh tế thuộc về nhóm tuổi từ 25 đến 49 tuổi. Khoảng gần 90% tổng giá trị thặng dư toàn xã hội do lao động trong độ tuổi này tạo ra.
 
Với cấu trúc dân số hiện nay, người dân Việt Nam có khoảng 31 năm, tương ứng với độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi để tạo ra “thặng dư vòng đời”. Trong khi đó, khoảng hơn 42 năm còn lại (vì tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi), tương ứng với độ tuổi từ 0 đến 21 tuổi và từ 54 tuổi trở lên, Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng “thâm hụt vòng đời”.

Thời gian kinh tế thâm hụt dài hơn so với thời gian kinh tế thặng dư. Như vậy, dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và “gánh đỡ” nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam là nhóm những người trong độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi.

Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm. Nếu cấu trúc thu nhập và chi tiêu vẫn tiếp tục duy trì như hiện tại thì càng ngày, thâm hụt vòng đời của người Việt Nam sẽ càng cao.

Lợi tức nhân khẩu học

Theo quan điểm TKCNQG, lợi tức nhân khẩu học mà một quốc gia có được không chỉ dựa vào cơ cấu tuổi của dân số mà còn phải dựa trên hiệu quả kinh tế giữa sản xuất và tiêu dùng.

Hiệu quả kinh tế giữa sản xuất và tiêu dùng được đo lường thông qua tỷ số hỗ trợ kinh tế. Đây là tỷ số so sánh giữa tổng thu nhập từ lao động và tổng chi tiêu dùng cuối cùng. Trong một thời kỳ nhất định, dân số có tỷ số hỗ trợ kinh tế tăng trưởng dương là dân số đạt được lợi tức nhân khẩu học. Lợi tức nhân khẩu học sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho nền kinh tế tăng trưởng và phát triển. Lợi tức nhân khẩu học theo quan điểm TKCNQG, gồm 2 loại: lợi tức nhân khẩu học thứ nhất và lợi tức nhân khẩu học thứ hai.

Lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đạt được trong bối cảnh cấu trúc thu nhập và chi tiêu theo tuổi không thay đổi, tỷ số hỗ trợ kinh tế tăng nhờ sự biến đổi thuận lợi trong cấu trúc tuổi của dân số. Lợi tức nhân khẩu học thứ hai đạt được nhờ tăng năng suất lao động, kéo theo sự tăng tích lũy tài sản trong dân số, khi đó tỷ số hỗ trợ kinh tế sẽ tăng lên.

Trên thực tế, lợi tức nhân khẩu học thứ nhất và thứ hai không độc lập mà có quan hệ chặt chẽ với nhau. Lợi tức nhân khẩu học thứ nhất có thể bổ sung nguồn lực con người có hiệu suất cao nhất cho hỗ trợ phát triển. Lợi tức nhân khẩu học thứ hai là sự tận dụng hiệu quả của các nguồn lực để tăng năng suất lao động; dẫn đến tăng tích lũy tài sản, từ đó tạo cơ hội cho tăng trưởng kinh tế.

Lợi tức nhân khẩu học thứ nhất

Kết quả nghiên cứu TKCNQG ở Việt Nam cho thấy, do tốc độ già hóa dân số nhanh nên với cấu trúc thu nhập và tiêu dùng như quan sát được trong năm 2022, tỷ số hỗ trợ kinh tế của Việt Nam từ năm 2018 đến 2023 và dự báo đến năm 2069 liên tục giảm.

Điều này có nghĩa là, những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc ở Việt Nam.

Lợi tức nhân khẩu học thứ hai

Mặc dù không còn lợi thế về lợi tức nhân khẩu học thứ nhất nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.

Nghiên cứu TKCNQG chỉ ra rằng, nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ- TTg ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này nếu được duy trì đến năm 2030, Việt Nam sẽ đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.

Ngoài ra, song song với việc triển khai các chính sách về năng suất lao động, Việt Nam cần thực hiện các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, tăng tuổi nghỉ hưu, đảm bảo bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động. Nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục duy trì lợi tức nhân khẩu học ngay cả khi đất nước chính thức bước vào thời kỳ dân số già.

KHUYẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH

Thứ nhất, biến đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam không còn đem lại lợi thế cho tăng trưởng kinh tế. Thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất ở Việt Nam đã kết thúc. Việt Nam cần tích cực triển khai các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách tạo việc làm, khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi để góp phần tạo thêm thu nhập, giúp giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” từ đó cải thiện tỷ số hỗ trợ kinh tế để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu TKCNQG chỉ ra rằng, nhóm dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và “gánh đỡ” nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam là nhóm những người trong độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi. Khoảng thời gian tạo ra giá trị thặng dư kinh tế của dân số Việt Nam là khoảng 31 năm, ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian thâm hụt. Đây là một trong những bất lợi cho Việt Nam trong bối cảnh dân số đang già hóa nhanh. Vì vậy, Việt Nam cần bố trí nguồn lực cần thiết để đầu tư cho y tế và giáo dục. Mặc dù trong ngắn hạn, đầu tư cho y tế và giáo dục có thể làm tăng chi phí và tạo thêm thâm hụt vòng đời nhưng các khoản đầu tư này vẫn là biện pháp can thiệp quan trọng để đảm bảo tương lai dài hạn cho người dân Việt Nam. Tăng cường nguồn lực đầu tư vào sức khỏe và giáo dục một mặt sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, mặt khác sẽ giúp dân số kéo dài hoảng thời gian tạo ra giá trị thặng dư, cải thiện tình trạng thâm hụt, đạt được lợi tức nhân khẩu học.

Thứ ba, mặc dù trên quan điểm TKCNQG, Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi của dân số nhưng đất nước ta vẫn đang ở trong thời kỳ “dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Do đó, các chính sách để tận dụng thời kỳ “dân số vàng”, đặc biệt là chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động vẫn còn nguyên giá trị và cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt đảm bảo hiệu quả kinh tế và ổn định xã hội.

Thứ tư, dân số người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở Việt Nam đang tăng nhanh, tốc độ tăng dân số người cao tuổi cao hơn khá nhiều so với tốc độ tăng dân số. Việc xây dựng các chính sách phù hợp để tận dụng lao động lớn tuổi để góp phần tạo thêm thu nhập cho nhóm dân số này, giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” có ý nghĩa quan trọng. Cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện chính sách và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu thích hợp với một số ngành nghề, lĩnh vực nhất định. Triển khai tốt chế độ bảo hiểm hưu trí, đảm bảo cuộc sống cho người cao tuổi.

Thứ năm, cơ cấu tuổi dân số vẫn là yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến kết quả TKCNQG. Do đó, việc duy trì và thực hiện tốt các chính sách dân số là rất cần thiết. Kinh nghiệm nhiều quốc gia cho thấy, các chính sách dân số thường bị đánh giá thấp hơn tầm quan trọng thực sự của nó và không được ưu tiên đầu tư thích đáng. Hậu quả là, nhiều hệ lụy dân số đã xảy ra làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Đồng thời, việc ứng phó với các hệ lụy dân số thường tốn kém và khó khăn hơn nhiều. Cần tiếp tục ưu tiên đầu tư cho các chính sách dân số theo các nguyên tắc của Hội nghị về Dân số và Phát triển (ICPD), đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa.

Thứ sáu, TKCNQG là phương pháp toàn diện và có hệ thống được sử dụng để phân tích vòng đời kinh tế, góp phần nâng cao hiểu biết về thế hệ dân số và đặc điểm nhân khẩu học của từng thế hệ tác động đến tăng trưởng và phát triển kinh tế. Vì vậy, cần có thêm đầu tư nghiên cứu xây dựng và áp dụng phương pháp này để cung cấp thêm bằng chứng phục vụ xây dựng các chương trình, chính sách cũng như thiết lập quy trình giám sát tác động của thay đổi nhân khẩu học đối với các chỉ số kinh tế quan trọng.

Thứ bảy, các nghiên cứu và công bố trong Báo cáo này chủ yếu tập trung dựa trên thu nhập từ lao động và tiêu dùng cuối cùng để xây dựng Vòng đời kinh tế của dân số. Trong bảng TKCNQG, có hai phần quan trọng khác là Tái phân bố tuổi khu vực công và Tái phân bố tuổi khu vực tư vẫn chưa được biên soạn do nguồn số liệu kinh tế vĩ mô trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) liên quan đến chuyển nhượng, thu nhập từ tài sản và tiết kiệm chưa phân tổ theo khu vực thể chế.

Việc nghiên cứu và công bố luồng chuyển nhượng đến và đi theo nhóm tuổi sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về mức sống, công bằng thế hệ, điều kiện tài chính và các đặc điểm quan trọng khác của nền kinh tế dưới tác động của những thay đổi nhân khẩu học. Vì vậy, bên cạnh việc phân tích vòng đời kinh tế, cần hoàn thiện nguồn số liệu kinh tế vĩ mô của hệ thống tài khoản quốc gia SNA để phục vụ tính toán tái phân bố tuổi khu vực công và tư. Điều này sẽ giúp cung cấp các bằng chứng xác thực và đầy đủ hơn về nền kinh tế thế hệ ở Việt Nam, phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển ổn định và bền vững để “Không bỏ ai lại phía sau”.

 
Nguồn: Tổng cục Thống kê