Dấu ấn 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Trung Quốc

|

Dấu ấn 15 năm quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam – Trung Quốc

Năm 2008, Việt Nam - Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện. Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, còn Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này. Việc nâng cấp quan hệ đã tạo một khung khổ hợp tác quan trọng để quan hệ hai nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Trong 15 năm qua, “núi liền núi, sông liền sông”, cả hai nước đều coi trọng quan hệ với nhau, đều xác định quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Trung Quốc - Việt Nam là phương hướng ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của mỗi nước. Đến nay quan hệ hai Đảng, hai nước đã phát triển ngày càng thực chất, vững chắc và toàn diện trên mọi lĩnh vực. Quan hệ chính trị phát triển mạnh mẽ, trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc hai nước thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết. Trong đó, có nhiều chuyến thăm cấp cao đánh dấu mốc quan trọng trong quan hệ hai nước, gần đây nhất là chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022.

Sau khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện vào năm 2008, các Nhà lãnh đạo hai nước đã ký nhiều văn bản quan trọng để hiện thực hóa quan hệ thân thiết hai nước, đặc biệt là Bản ghi nhớ hợp tác về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” năm 2017 và  Tuyên bố chung về tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ vào năm 2022.

Bên cạnh những kết quả hợp tác về chính trị, quan hệ hai nước Việt - Trung đã có những bước phát triển trong các lĩnh vực như thương mại và du lịch.

Trong suốt những năm qua, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước tăng gần 9 lần, từ mức 20,8 tỷ USD năm 2008 lên 175,6 tỷ USD năm 2022. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc là 57,7 tỷ USD, tăng gần 12 lần từ năm 2008 (4,85 tỷ USD); kim ngạch xuất khẩu 11 tháng năm 2023 là xấp xỉ 56 tỷ USD với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là điện thoại, linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Trung Quốc vào Việt Nam gấp hơn 7 lần sau 15 năm, tăng từ 15,97 tỷ USD năm 2008 lên 117,8 tỷ USD năm 2022; 11 tháng năm 2023 kim ngạch nhập khẩu đạt 99,6 tỷ USD; chủ yếu là các mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiệt bị, dụng cụ phụ tùng; vải... đóng góp nhiều cho sự phát triển ngành chế tạo Việt Nam.
 
Giai đoạn 2008-2022, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc tăng gần 9 lần
 
Qua 15 năm, hợp tác đầu tư giữa hai nước cũng đi vào chiều sâu. Cụ thể, đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng hơn 10 lần từ mức lũy kế 2 tỷ USD vào năm 2008 lên 25 tỷ USD hiện nay. 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ ba trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 3,06 tỷ USD vốn cấp mới, chiếm 18,7% tổng vốn đăng ký cấp mới của cả nước (số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Về du lịch, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, thu hút lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc. Trước khi dịch Covid – 19 bùng phát, Trung Quốc nhiều năm liên tục dẫn đầu lượng khách du lịch đến Việt Nam. Năm 2019, quốc gia hơn tỷ dân này là thị trường khách du lịch lớn nhất của Việt Nam với 5,8 triệu lượt khách. Sau khi dịch Covid - 19 được kiểm soát, Trung Quốc vẫn duy trì là thị trường khách du lịch trọng yếu của Việt Nam. 11 tháng năm nay, có 15,1 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam, chỉ sau Hàn Quốc. Đây là một con số rất ấn tượng khi lượng khách du lịch đến từ nhiều quốc gia tăng khá khiêm tốn.

Bên cạnh những kết quả trên, giao lưu nhân dân và hợp tác giữa các địa phương của hai nước diễn ra sôi động, đạt nhiều thành quả thiết thực. Đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác.

Thêm vào đó, hai bên đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới hai bên. Hai bên cũng nỗ lực duy trì đàm phán, tăng cường hợp tác, nhằm cùng các bên liên quan kiểm soát bất đồng, quản lý khác biệt phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông và khu vực.

Chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Trung Quốc trong 2 ngày 12-13/2023 diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 15 năm Việt Nam và Trung Quốc thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Đây sẽ là chuyến thăm quan trọng, đánh một dấu mốc lịch sử mới trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

Trên cơ sở thành quả quan trọng của 15 năm thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình có nhiều kỳ vọng về một “định vị mới”, “tầm mức mới” của quan hệ song phương. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ làm sâu sắc hơn nữa khuôn khổ hợp tác cho tương lai lâu dài của quan hệ hai nước theo hướng bền vững, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần vào xu thế hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới.

Hai nước cũng kỳ vọng về những kết quả hợp tác thực chất trên các lĩnh vực. Lãnh đạo hai Đảng, hai nước sẽ xác định những phương hướng, trọng tâm lớn cũng như các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hợp tác thực chất trên các lĩnh vực, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, sẽ có thể có một số lượng lớn văn kiện trên nhiều lĩnh vực được ký kết, tạo cơ sở quan trọng để các cơ quan, địa phương, người dân và doanh nghiệp triển khai hợp tác hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Thêm vào đó, chuyến thăm được kỳ vọng tạo hiệu ứng lan tỏa, tiếp tục tạo động lực và xung lực mạnh mẽ cho các ngành, các cấp, các địa phương và đoàn thể nhân dân tiếp tục duy trì và phát triển các mối quan hệ sẵn có, qua đó xây dựng nền tảng xã hội vững chắc, tốt đẹp cho sự phát triển của quan hệ song phương./.

 
P.V