Tăng cường tiếng nói cử tri trong xã hội số

|

Tăng cường tiếng nói cử tri trong xã hội số

Theo quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân là “người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân”. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri, với trách nhiệm của người đại biểu dân cử, các đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND không chỉ là cầu nối mà thực sự phải là người đại diện cho Nhân dân, mang tiếng nói của Nhân dân, phản ánh nguyện vọng của Nhân dân tới các cấp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
 
Những năm qua, hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp Quốc hội đã có nhiều đổi mới linh hoạt, đa dạng về phương thức và nội dung, qua đó số lượng và chất lượng các đợt tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội tại các địa phương được nâng lên rõ rệt.
 
Theo thống kê, từ năm 2013 đến năm 2022 đã có khoảng gần 27.100 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau; 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri. Ban Dân nguyện đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng hợp và chuyển chính thức gần 42.500 kiến nghị của cử tri tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri theo quy định pháp luật.
 
Chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri không chỉ thể hiện qua những con số mà còn phản ảnh thực tế qua dư luận xã hội. Mỗi người dân là một cử tri, đều có những tâm tư, nguyện vọng cá nhân. Trong một xã hội phát triển với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thông qua các kênh báo chí truyền thông, mạng xã hội (Blog, Facebook, Zalo…), một lượng lớn cử tri có tri thức có nhiều cơ hội hơn để bày tỏ quan điểm, ý kiến, đóng góp hữu ích, góp phần xây dựng một đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, hùng cường. Từ đó, các đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội kịp thời nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhiều người dân hơn.
 
Cùng với đó, các cử tri có thể theo dõi, giám sát hoạt động của từng đại biểu đối với Quốc hội không chỉ qua Chương trình hành động đại biểu đã báo cáo, hứa trước cử tri khi ứng cử, mà còn qua việc theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các kỳ họp Quốc hội qua các kênh báo chí truyền thông, mạng xã hội. Đây có thể xem như một kênh giám sát gián tiếp của cử tri đối với các đại biểu Quốc hội, mang lại hiệu quả đáng kể.
 
Trong những năm gần đây, các phiên chất vấn của các kỳ họp Quốc hội được dư luận rất quan tâm, theo dõi, được đánh giá cao do các nội dung được chọn trong kỳ chất vấn của các kỳ họp Quốc hội đều là những vấn đề “nóng”, vấn đề bức xúc của xã hội. Nhiều nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị mà cử tri gửi gắm đã được các đại biểu Quốc hội đưa ra bàn thảo công khai, chất vấn trực tiếp các thành viên Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ trưởng, trưởng các ngành cũng trả lời thẳng thắn, đi vào đúng trọng tâm mong muốn của đại biểu, làm rõ, chi tiết, đi sâu vào vấn đề; đưa ra rất cụ thể, cả giải pháp thể chế và điều hành. Đặc biệt, sau các phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội, nhiều vấn đề đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tập trung chỉ đạo giải quyết quyết liệt, kịp thời được cử tri cả nước ghi nhận và đánh giá cao.
 
Đơn cử là câu chuyện liên quan đến sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông trong những năm vừa qua. Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT, có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019. Đây là chương trình giáo dục được xây dựng theo hướng mở, lấy người học làm trung tâm, trao quyền chủ động và trách nhiệm cho các địa phương, nhà trường trong lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng giáo dục và điều kiện của từng địa phương, nhà trường, qua đó góp phần bảo đảm kết nối hoạt động của nhà trường với gia đình, chính quyền và xã hội. Đồng thời, việc triển khai kế hoạch giáo dục theo định hướng giáo dục theo từng địa bàn, cũng như tạo điều kiện cho những nhà biên soạn sách và người dạy phát huy được tính chủ động của họ.
 
Kể từ khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 được triển khai, việc xuất bản nhiều bộ sách giáo khoa cho chương trình giáo dục phổ thông (Kết nối tri thức; Cánh diều; Chân trời sáng tạo) và giá sách giáo khoa cao luôn là vấn đề “nóng” nhận được nhiều quan tâm của xã hội, nhất là trước thềm mỗi năm học mới.
 
Thời gian gần đây, trên các kênh báo chí truyền thông, các mạng xã hội, người dân đưa ra những ý kiến trái chiều “nên hay không nên có nhiều bộ sách giáo khoa?” và bức xúc về giá sách giáo khoa năm học 2023-2024 các lớp 4, 8, 11 cao hơn tới 3 lần so với giá sách giáo khoa theo chương trình cũ.
 
Vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội đưa vào Nghị trường. Tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, một đại biểu Quốc hội nêu nghịch lý “Xã hội hóa lẽ ra sách giáo khoa phải hạ giá nhưng thực tế càng ngày lại càng tăng giá”.
 
Nhiều "điểm nóng" trong dư luận được đại biểu chất vấn thành viên Chính phủ tại các kỳ họp Quốc hội
(ảnh: quochoi.vn)

Nắm bắt “điểm nóng” trong dư luận, vấn đề giá sách giáo khoa đã được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, có giải pháp giải quyết phù hợp. Tại Nghị quyết kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 6/2022, sách giáo khoa được bổ sung vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, khi sửa đổi luật Giá. Trong thời gian chờ đợi sửa luật, Chính phủ chỉ đạo các bộ liên quan có biện pháp hạ giá sách giáo khoa phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội.
 
Diễn biến tiếp theo, ngày 25/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 32/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông 2018. Trên cơ sở đó đề xuất phương án, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa theo quy định tại Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội trong năm 2025.
 
Ngày 20/3/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32/NQ-CP về kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 686/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Trong đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa; sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn sách giáo khoa.
 
Với sự chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các đơn vị, nhà xuất bản đã giảm giá sách giáo khoa năm học 2024-2025 và nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh, học sinh. Theo thông tin từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm học 2024-2025, giá sách giáo khoa biên soạn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đồng loạt giảm giá. Theo đó, giá sách giáo khoa tái bản các lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10 và 11 đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam điều chỉnh giảm. Đồng thời, xây dựng giá theo cơ cấu đã giảm giá của sách giáo khoa tái bản đối với giá bán sách giáo khoa các lớp 5, 9 và 12 (xuất bản năm đầu tiên). Cụ thể, giá bìa mới của bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” giảm khoảng 9,6%; giá bìa bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” giảm khoảng 11,2%.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng vào cuộc điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan đến xuất bản, phát hành sách giáo dục. Kết quả, các đối tượng vi phạm trong hoạt động in sách giáo khoa đã bị truy tố trước pháp luật.
 
Một ví dụ khác về nhà ở, đây cũng là đề tài thu hút sự chú ý của nhiều người dân, đặc biệt tại các thành phố lớn, nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất có đông lao động ngoại tỉnh đang làm việc. Với mức thu nhập trung bình hiện nay, người lao động rất khó khăn trong việc mua nhà và có thể phải mất đến vài chục năm tích lũy để hiện thức hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp”. Trước thực tế đó, bức xúc về nhu cầu nhà ở của người lao động được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện truyền thông cũng như các trang mạng facebook, tiktok... Thậm chí, đầu tháng 4/202 đã xuất hiện một group trên mạng xã hội Facebook có tên gọi “Cộng đồng dừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá” với mong muốn đưa giá bất động sản về giá trị thực, bởi khi cầu không còn cao thì cung ắt phải xuống. Dù mới chỉ thành lập khoảng 7 tháng song số lượng người tham gia group này tăng khá nhanh, hiện đã lên tới hơn 110 nghìn thành viên và con số vẫn chưa dừng lại. Tuy thông tin trên các trang mạng xã hội có thể phản ánh chính xác hoặc chưa chính xác, song cũng là một kênh hiệu quả để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nắm bắt được dư luận xã hội.
 
Nhiều người dân phản ánh bức xúc trên các trang mạng xã hội.
Ảnh: Nguồn trang facebook "Cộng đồng đừng mua nhà Hà Nội để tránh ngáo giá"

Là người truyền tải tiếng nói, nguyện vọng của người dân cũng chính là các cử tri đến Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tại phiên chất vấn ngày 17/3/2021 của Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, một đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã phản ánh vấn đề về chính sách nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp tại các đô thị đã và đang trở thành nỗi niềm trăn trở, tâm tư của cử tri. Đại biểu dẫn chứng thực tế, phân khúc nhà ở xã hội đang vắng bóng dần trên thị trường nhà ở tại các đô thị trong những năm gần đây, giai đoạn 2010-2020, trong khi đối tượng thu nhập thấp thì không thể tiếp cận được thị trường phân khúc nhà ở thương mại và ngày càng khó khăn hơn.
 
Tháng 11/2022, tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ quan tâm tới vấn đề nhà ở xã hội, trong đó có việc giá của loại hình bất động sản này đang cao.
 
Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân nói chung và nhà ở xã hội nói riêng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhằm giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống, ngày 24/5/2024, Ban chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị 34/CT-TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.
 
Thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ cũng từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến bất động sản, nhà ở với việc ban hành, sửa đổi một loạt các văn bản Luật quan trọng như: Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15 chính thức có hiệu lực từ 01/8/2024; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15 có hiệu lực từ 01/01/2025...
 
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã nhiều lần họp với các địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ngày 03/4/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" theo Quyết định số 338/QĐ-TTg.
 
Khi văn bản luật đi vào cuộc sống, thị trường bất động sản sẽ hoạt động theo hướng minh bạch, công bằng và hiệu quả hơn, đồng thời sẽ sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách phát triển nhà ở xã hội. Những quyết sách trên được Nhân dân đánh giá rất sát với thực tiễn và trúng lòng dân, là những minh chứng sinh động về sự nỗ lực, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, hoạt động và sự đồng hành, hết lòng, hết sức sẻ chia với người dân của cả hệ thống chính trị.
 
Có thể thấy rõ, trong xã hội hiện đại, kênh báo chí truyền thông và mạng xã hội đang chứng tỏ là một kênh “tiếp xúc cử tri” hiệu quả, đại biểu Quốc hội và cử tri như gắn kết hơn, để các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nắm bắt, thấu cảm với tâm tư của người dân hơn và thể hiện vai trò “người đại diện”, mang tiếng nói, nguyện vọng của người dân đến với Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
 
Kênh tiếp xúc cử tri gián tiếp qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội cùng các kênh tiếp xúc cử tri truyền thống như nhắc nhở người đại biểu tôn trọng chính lời hứa của mình với cử tri, phải thật sự coi đó là trách nhiệm quan trọng nhất trong hoạt động dân cử, đã hứa phải quyết làm cho kỳ được, khó cũng phải làm. Việc giữ lời hứa với cử tri không chỉ là hình ảnh đẹp mà còn là sự tận tâm, tôn trọng cử tri và tôn trọng chính mình của người đại biểu./.
 
Bích Ngọc